Doanh nghiệp du lịch muốn mua vaccine Covid-19, phải gõ cửa nào?
Một khi có chính sách xã hội hoá hợp lý, các công ty vừa và nhỏ của ngành du lịch sẵn sàng bỏ tiền tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động để tự cứu mình, đồng thời chung tay cùng Chính phủ giảm tải gánh nặng tài chính trong cuộc chiến chống dịch Covid.
Vaccine là cách duy nhất để vực dậy ngành du lịch
Vốn là ngành mũi nhọn của Việt Nam, trước đại dịch, ngành du lịch đã đóng góp gần 10% GDP (theo số liệu báo cáo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL trước Quốc hội năm 2020) và tạo ra lực lượng lao động rất lớn, mang lại doanh thu hơn 30 tỷ USD một năm…
Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến ngành du lịch đóng băng, hàng nghìn lao động mất việc, doanh nghiệp lao đao bên bờ vực phá sản. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Việt Nam thất thu 23 tỷ USD, giảm 80% khách quốc tế, du lịch nội địa giảm 50%.
Focus Vietnam là công ty tư nhân chuyên tổ chức và cung cấp các sản phẩm du lịch đường thủy cao cấp cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và Đông Dương. Cũng giống như nhiều hãng lữ hành khác, doanh nghiệp này đang gặp vô vàn khó khăn với doanh thu sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Focus Vietnam, cho rằng cần có chính sách xã hội hoá hợp lý để mở rộng nguồn tiếp cận vaccine và các đối tượng tiêm
Chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Focus Vietnam, cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 nguy cơ lan rộng, nếu không có vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng thì viễn cảnh tái khởi động ngành công nghiệp không khói ngày càng xa xôi. Theo ông Hiếu, vaccine là một giải pháp ít tốn kém nhất trong những giải pháp để đạt được cùng lúc hai mục tiêu: miễn dịch cộng đồng và phát triển kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên, trong khi số lượng vaccine Covid-19 đang có vẫn ít hơn rất nhiều so với số dân. Không riêng Việt Nam mà trên khắp thế giới, câu chuyện có đủ vaccine và phân phối vaccine Covid-19 là mối bận tâm hàng đầu của các nước khi nguồn cung vaccine vẫn còn khan hiếm.
Ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp du lịch dù nhỏ nhưng lại tạo ra một số lượng lao động gián tiếp rất lớn. Lao động ngành này thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ rất cao, vì vậy họ cũng cần được ưu tiên tiếp cận nguồn vaccine ngừa Covid-19.
Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch nhằm đón lượng khách quốc tế lớn vào mùa cao điểm hè năm nay. Tiến độ tiêm vắc xin càng được đẩy nhanh, cơ hội cho ngành du lịch hồi phục càng lớn.
“Gần đây các công ty bạn hàng của chúng tôi ở châu Âu và Mỹ đã bắt đầu giao dịch trở lại với những câu hỏi: dự kiến khi nào Việt Nam mở cửa lại cho du lịch quốc tế, nhân viên của chúng tôi khi nào thì được tiêm chủng…”, ông Hiếu chia sẻ.
Bến du thuyền Ana Marina Nha Trang thuộc công ty Focus Vietnam
Focus Vietnam hiện có vài doanh nghiệp, chủ yếu là lữ hành, tàu du lịch, nhà hàng và bến thuyền. Số lượng nhân viên cả chính thức và cộng tác viên khoảng 500 người.
“Với 500 lao động, tôi cần 8.000 liều vaccine để tiêm chủng cho 4.000 người bao gồm cả vợ, hai con và tứ thân phụ mẫu của họ. Giả sử giá của một liều là 20 USD thì tổng số tiền chúng tôi phải bỏ ra là 160.000 USD. Đây là chi phí có thể chấp nhận được. Tôi nghĩ, nếu có chính sách xã hội hoá hợp lý, các công ty vừa và nhỏ của ngành lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển du lịch... sẽ sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền để tự cứu mình, đồng thời là hành động chung tay đóng góp vào cuộc chiến chống dịch Covid của quốc gia”, Chủ tịch HĐQT Focus Vietnam bày tỏ.
Băn khoăn không biết "gõ cửa" ở đâu
Theo ông Hiếu, việc xã hội hoá và có sự chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề vaccine phòng Covid 19 cho lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nói chung, ngành du lịch nói riêng, cần có sự xem xét nghiêm túc, thấu đáo, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
“Một số công ty nhà nước cũng như những tập đoàn lớn đã có những chỉ đạo cụ thể về việc tìm cách tiếp cận nguồn vaccine để tiêm chủng cho cán bộ nhân viên. Còn chúng tôi cũng không biết gõ cửa ở đâu để tiếp cận với nguồn vaccine. Các doanh nghiệp du lịch đều có quy mô nhỏ nên rất cần có những tổ chức, cơ quan quản lý đứng ra hướng dẫn, định hướng, hoặc thu nhận ý kiến từ các đơn vị cơ sở”, ông này cho biết thêm.
Các quốc gia như Hy Lạp, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ... đã tiến hành tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch nhằm đón lượng khách quốc tế lớn vào mùa cao điểm hè năm nay
Kể từ đầu mùa dịch đến nay, đã có đến 3 lần các doanh nghiệp du lịch khởi động, rồi dừng, khởi động rồi dừng. Theo ông Hiếu, những doanh nghiệp du lịch không biết bấu víu vào đâu và vào ai trong khi dòng tiền đã cạn kiệt và khó có thể trụ nổi qua các làn sóng dịch. Thậm chí, các ngân hàng "còn chẳng dám cho doanh nghiệp du lịch vay tiền".
“Thực sự, chúng tôi thực sự rất bị động và nản lòng. Tuy vậy, rất ít, hoặc chưa có một chính sách, định hướng rõ ràng, cụ thể từ phía các cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp du lịch cho đến đến nay hoàn toàn mệt mỏi, vô định và mất niềm tin. Việc tiêm vaccine không đơn giản chỉ là nhu cầu mà là sự cấp thiết để các doanh nghiệp du lịch lấy lại niềm tin”, ông Hiếu cho hay.
Cũng theo ông Hiếu, một trong những vấn đề của ngành du lịch, là khi có sự quay lại của khách hàng thì thiếu hụt nhân lực trầm trọng do một lực lượng lao động lớn đã chuyển hướng, bẻ lái, đổi nghề.
Việc tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch không đơn thuần chỉ là ý tưởng. Đây là nguyện vọng chính đáng của những doanh nghiệp du lịch và cần được cơ quan quản lý du lịch có thẩm quyền nghiên cứu tìm giải pháp và hướng đi cụ thể. Ông Hiếu cho rằng, không nhất thiết phải cả nước, chỉ cần nhân viên du lịch làm việc tại các khu nghỉ tại Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết được tiêm chủng là ổn.
“Có thể mọi người vẫn nghĩ rằng du lịch là ngành thứ yếu nhưng đó là ngành dịch vụ với mạng lưới vô cùng rộng lớn, nếu không được vaccinate thì toàn thể kết cấu xã hội vẫn bị ảnh hưởng”, ông Hiếu nhận định.
Ngày 26/5, Chính phủ đã kí ban hành quyết định thành lập Quỹ vaccine Covid-19. Theo quyết định của Chính phủ, Quỹ này sẽ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine trong và ngoài nước. Quỹ cũng tiếp nhận các nguồn vốn hợp pháp khác để mua, nhập khẩu cũng như nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine Covid-19. Việc ra đời của Quỹ vaccine Covid-19 được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng. Mới đây, vaccine Nano Covax của Việt Nam đã kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người ngày 08/04, với kết quả rất khả quan: không những chỉ sinh miễn dịch rất tốt mà còn có hiệu quả với cả biến thể Anh và Nam Phi (biến thể Ấn Độ vẫn đang thử nghiệm), dễ bảo quản trong môi trường nhiệt độ dương 2-8 độ C. Dự kiến trong tuần sau, Nano Covax sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với khoảng 13.000 tình nguyện viên ở Hưng Yên và Long An do Học viện Quân Y và viện Paster TP Hồ Chí Minh là 2 đơn vị tổ chức thử nghiệm. Nếu kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 thành công, Việt Nam có thể bắt đầu sản xuất và tiêm chủng vaccine Nano Covax (Make In Vietnam) từ quý 4 năm 2021 (năng lực sản xuất dự kiến 120 triệu liều một năm). |
Sở Du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp lữ hành đồng thuận tạm dừng các chương trình du lịch sang Mỹ kết hợp tiêm...