Du khách đến TP.HCM, chỉ cần một quyển sách là biết hết
Sở Du lịch TP. TP.HCM vừa ra mắt ấn phẩm Bộ Thông tin cơ bản Du lịch Thành phố, giới thiệu hầu hết các điểm du lịch nơi đây. Ấn phẩm được sản xuất nhằm thống nhất cơ bản và chuẩn hóa các thông tin về Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó, giúp các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch và du khách đến tham quan thành phố nắm bắt toàn diện các thông tin du lịch trên địa bàn.
Thảo Cầm Viên là địa điểm vui chơi và nơi khám phá thiên nhiên thú vị ở TP.HCM
Bộ Thông tin cơ bản Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Bộ Thông tin) bao gồm các thông tin về lịch sử hình thành, điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và một số điểm đến nổi bật tại Thành phố.
Bộ Thông tin cơ bản Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Thông tin có 133 trang, giới thiệu 42 điểm đến thu hút du khách tham quan tại khu vực trung tâm Thành phố là Quận 1 và các khu vực lân cận có nhiều khách đến tham quan như Quận 3, Quận 5. Đa số các điểm đến được chọn để giới thiệu đều có bề dày về lịch sử và văn hóa, mỗi điểm đến đều mang đậm nét lịch sử khẩn hoang của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1623.
Thông qua ấn phẩm, người đọc có thể nhận thấy những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt chỉ có tại Thành phố Hồ Chí Minh và chính những giá trị này đã và đang làm nên diện mạo một thành phố an toàn, sống động, cởi mở, trẻ trung và đầy hứng khởi trong mắt du khách thập phương.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin sẽ tiếp tục được cập nhật thêm các điểm đến mới nhằm thực hiện sáng kiến và chủ trương “Mỗi quận/huyện một sản phẩm đặc trưng” để xây dựng và mở rộng những tuyến điểm, tour mới ngay tại địa bàn các quận/huyện, giới thiệu với người dân về ẩm thực, về điểm tham quan có bề dày lịch sử và văn hóa ngay tại địa phương mình đang sống.
Kể từ khi mở cửa du lịch, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp chào đón một bộ phận lớn du khách trong và ngoài nước trở lại tham quan. Qua 6 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã đón 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,6% kế hoạch năm 2022.
Song song đó, Sở Du lịch Thành phố còn cho biết hiện có trên 70% doanh nghiệp lữ hành đã quay trở lại thị trường, khoảng 20 doanh nghiệp đề nghị cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành mỗi tháng. Tổng doanh thu du lịch đạt 49.681 tỉ đồng (tương đương 2,15 tỉ USD), tăng 30% so với cùng kỳ 2021 và đạt 73,5% so với kế hoạch năm 2022.
Dự kiến đến năm 2023, Quận 1 sẽ bổ sung thêm 2 điểm đến là Mộ cổ họ Lâm và Bệnh viện Nhi đồng 2; Quận 3 thêm 4 điểm đến là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Viện Pasteur; Quận 4 bổ sung 1 điểm đến là Đình Khánh Hội; Quận 5 thêm 3 điểm đến là Nhà thờ Tổ thợ bạc (Lệ Châu Hội quán), Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán – nơi đồng chí Trần Phú hy sinh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Quận 6 thêm 1 điểm đến là Hầm bí mật in tài liệu Ban Tuyên huấn Hoa vận thời kỳ chống Mỹ cứu nước; Quận 7 bổ sung 2 điểm đến là Đình Tân Quy Đông và Gò Ô Môi; Quận 8 thêm 1 điểm đến là Đình Bình Đông; Quận 10 thêm 1 điểm đến là Đình Chí Hòa; Quận 12 bổ sung 1 điểm đến là Chùa Tường Quang; Quận Gò Vấp thêm 2 điểm đến là Đình Thông Tây Hội, Miếu Nổi; Quận Phú Nhuận thêm 2 điểm đến là Đình Phú Nhuận, Trụ sở Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh Phân ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn (1955-1958); Quận Tân Bình thêm 2 điểm đến mới là Trại Davis và Kho bom Phú Thọ; Quận Tân Phú thêm 1 điểm đến là Địa đạo Phú Thọ Hòa; Quận Bình Tân bổ sung 1 điểm đến là Đình Bình Trị Đông; Huyện Hóc Môn thêm Dinh Quận Hóc Môn; Huyện Bình Chánh bổ sung Đình Tân Túc; Huyện Củ Chi thêm Đình Tân Thông. Riêng Thành phố Thủ Đức sẽ có thêm 3 điểm đến mới là Bót Dây thép, Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh và Chùa Bửu Sơn. |