Liên kết du lịch TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung cần có sản phẩm đặc thù

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau 2 năm triển khai, việc liên kết phát triển du lịch TP.HCM, Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển.

Ngày 8/8, tại tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP,HCM, Hà Nội và các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). 

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Sở Du lịch TP.HCM và Hà Nội cùng các đại biểu đến từ các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn...

Liên kết du lịch TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung cần có sản phẩm đặc thù - 1

Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung

Tại hội nghị, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị đăng cai diễn đàn), cho hay địa phương cùng với các tỉnh, thành phố cam kết nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, hướng đến du lịch xanh và phát triển bền vững. Thời gian tới, Quảng Ngãi xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đẩy mạnh tính liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù.

"Chúng tôi sẽ quảng bá du lịch, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển từ phát triển du lịch từng địa phương sang phát triển Vùng bền vững", ông Tuấn khẳng định.

Lãnh đạo các địa phương cũng đề xuất Chính phủ có định hướng, giải pháp mạnh mẽ, đột phá, để các địa phương, vùng kinh tế khơi dậy tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết tháng 10/2021, khi dịch bệnh Covid -19 có những tín hiệu được kiểm soát, TP.HCM đã tổ chức kết nối trở lại với các địa phương hoạt động du lịch liên tuyến, liên vùng nhằm thúc đẩy nhu cầu du lịch và phục hồi hoạt động của ngành. Sáu tháng đầu năm nay, khách du lịch nội địa đến TP.HCM đạt khoảng 11 triệu lượt, doanh thu đạt gần 50.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy liên kết vùng thật sự có hiệu quả trong phục hồi hoạt động du lịch của các địa phương.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, câu chuyện liên kết giữa Hà Nội và TP.HCM với các tỉnh, thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có ý nghĩa quan trọng vì đây là liên kết giữa hai trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa lớn ở hai đầu đất nước với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng du lịch giàu tài nguyên và tiềm năng du lịch.

"Với sự độc đáo, đa dạng và phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên có núi, có sông, có biển, có đảo, có di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; với nhiều hướng tiếp cận thuận lợi bằng đường hàng không cũng như đường bộ; với nhiều cửa khẩu quốc gia, TP.HCM tin rằng, liên kết sẽ tạo ra một sức bật mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế", bà Hiếu nhấn mạnh.

Để việc liên kết phát huy hiệu quả, bà Hiếu đề xuất từng địa phương cần có kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung liên kết trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là việc phát triển ngay các sản phẩm liên kết giữa các địa phương và công tác quảng bá xúc tiến du lịch nhằm gia tăng lượng khách và doanh thu du lịch cho các địa phương; tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ có liên quan triển khai các kế hoạch kinh doanh.

Các địa phương cần tổ chức các hoạt động kết nối để doanh nghiệp giữa các địa phương có cơ hội tìm hiểu dịch vụ, sản phẩm cũng như trao đổi các chính sách hợp tác cụ thể, thiết thực nhằm phát huy mối quan hệ hợp tác, tạo ra các chuỗi sản phẩm có chất lượng, giá trị, thật sự mang tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với khách du lịch nhằm đưa liên kết vào trong thực tiễn kinh doanh của ngành du lịch và doanh nghiệp.

Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành trong Vùng liên kết chủ động tham mưu các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế phối hợp giữa để việc liên kết được chặt chẽ, nhịp nhàng, thường xuyên và hiệu quả. Các địa phương tập trung phối hợp trong công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đủ số lượng, có chất lượng, hướng đến tiêu chuẩn khu vực và quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển và đón đầu khả năng tăng trưởng của du lịch từng địa phương và du lịch vùng.

"Với lợi thế là trung tâm tập trung gần như nhiều nhất số lượng cơ sở đào tạo du lịch của cả nước, TP.HCM cam kết và sẵn sàng phối hợp với các địa phương để triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực", bà Hiếu phát biểu.

Liên kết du lịch TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung cần có sản phẩm đặc thù - 2

Toàn cảnh hội nghị

Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, cho rằng, các địa phương trong khối liên kết cần tiếp tục nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, chất lượng, hiệu quả; tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh.

"Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần chủ động hơn nữa việc đẩy mạnh mở cửa thị trường du lịch quốc tế, thông qua hai trung tâm du lịch lớn của cả nước là TP Hà Nội và TP.HCM phù hợp với chương trình phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu của du khách", ông Siêu lưu ý.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị các các địa phương trong khối liên kết cần phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức thời gian tới. Sau 2 năm triển khai, việc liên kết phát triển du lịch TP Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa để phát huy vị thế trung tâm du lịch. Đề nghị các địa phương cần quan tâm khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng, đảm bảo mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể thương hiệu du lịch vùng.

Đặc biệt, các địa phương cần tập trung phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch truyền tải thông điệp “Live fully in Vietnam- Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đối với thị trường quốc tế, và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa; chú trọng thu hút đầu tư, hợp tác công-tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến. các tỉnh, thành cần đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc.

Các ngành, địa phương cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn, mang tầm quốc tế, gắn với vùng đất miền Trung thân thiện.

Liên kết du lịch TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung cần có sản phẩm đặc thù - 3

Biển Quy Nhơn hút khách trong dịp hè

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng chung tay tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Bộ cũng đang xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm đưa du lịch TP Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển mạnh mẽ, có tính cạnh tranh cao.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mở cửa thị trường du lịch quốc tế thông qua hai trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và TP.HCM, phù hợp với chương trình phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có diện tích tự nhiên là 28.114km2, bằng 8,5% diện tích cả nước. Dân số khoảng trên 6,3 triệu người. Vùng có vị trí địa lý kinh tế - chính trị rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển; địa hình đa dạng, trải dài gần 600km bờ biển, hơn 228km biên giới đường bộ tiếp giáp với Lào.

Đây là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, với 4 sân bay (Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát); 5 cảng biển (Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội); 4 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh; có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, du lịch.

Trong đó, tiềm năng du lịch về di sản văn hóa, biển, đảo, được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn; tiềm năng du lịch di sản (có 3/5 di sản văn hóa vật thể thế giới ở Việt Nam); tài nguyên du lịch núi rừng phong phú với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng.

Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn; là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em, đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, bậc nhất Việt Nam.

Thống kê sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm nay, 7 tỉnh, thành nói trên thu hút gần 33 triệu lượt khách, trong đó có gần một triệu lượt khách quốc tế; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 87.900 tỷ đồng.


 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Thu

CLIP HOT