Doanh nghiệp du lịch TP.HCM phục hồi thần tốc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Triển vọng khôi phục của ngành du lịch thể hiện rõ nét tại TP.HCM khi lượng doanh nghiệp lữ hành thành lập mới và quay trở lại hoạt động ngày càng cao, song song đó, công suất phòng tại các khách sạn cũng tăng mạnh.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch đăng ký thành lập mới trên cả nước có sự gia tăng ấn tượng, trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7%; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5%; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng 50,5%.

Riêng tại TP.HCM, gần 70% doanh nghiệp lữ hành quay trở lại thị trường. Hàng tháng có khoảng 20 doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành. Riêng trong tháng 5, 6/2022 không có doanh nghiệp rút giấy phép.

Kể từ khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch vào giữa tháng 3, khách du lịch quốc tế đến tham quan Việt Nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM, thành phố đã tiếp đón khoảng 478 nghìn lượt khách quốc tế và 11 triệu lượt khách nội địa. 

Doanh nghiệp du lịch TP.HCM phục hồi thần tốc - 1

Du khách quốc tế hào hứng đến thăm Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Việc lượng du khách đến Việt Nam tăng cao kéo theo nhu cầu đẩy mạnh số lượng cơ sở dịch vụ lưu trú để đáp ứng. 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã ban hành 46 Quyết định công nhận đối với cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao, trong đó có 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 35 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao và 2 căn hộ du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao. Cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng.

Mùa du lịch hè 2022 đã kéo công suất phòng khách sạn ở TP.HCM tăng đáng kể, nhiều khách sạn đã đạt mức 85 - 90% so với con số 10 - 20% hồi đầu năm 2022. Các khách sạn 4 -  5 sao tại thành phố đồng loạt ghi nhận tín hiệu khởi sắc, trong đó, khách sạn Park Hyatt Saigon đạt 80 - 85% công suất phòng; Sheraton Saigon đạt 85 - 90%; chuỗi khách sạn thuộc Silverland Hospitality đạt đỉnh 92% trong tháng 6.

Hoạt động du lịch vào guồng trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ cả nước tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7%.

Qua 6 tháng đầu năm, cả nước có 30.837 hướng dẫn viên đã được cấp thẻ (tăng 2.643 hướng dẫn viên so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 18.831 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 10.765 hướng dẫn viên du lịch nội địa, 1.241 hướng dẫn viên tại điểm.

Nhiều hướng dẫn viên tại TP.HCM cho biết, họ mong muốn có một lộ trình an toàn cho du khách yên tâm đi du lịch. Bên cạnh đó, cần thêm tiêu chuẩn về công tác phí, chế độ làm việc, giá tour ổn định và hợp lý, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sau dịch hoặc mức phí công tác không cân xứng với công sức hướng dẫn viên bỏ ra.

Doanh nghiệp du lịch TP.HCM phục hồi thần tốc - 2

Anh Nguyễn Hữu Đức (mặc áo xanh dương) - một hướng dẫn viên Inbound, dẫn khách nước ngoài tham quan Củ Chi bằng xe đạp. Ảnh: NVCC

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 – 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 – 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 – 14%; tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT