Dịch COVID-19 được khống chế, địa phương rục rịch 'khôi phục' hoạt động du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tại một số địa phương, khi dịch COVID-19 được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dần được khôi phục, trong đó có hoạt động du lịch, trước mắt là du lịch nội tỉnh, bước đầu khôi phục dịch vụ du lịch sau thời gian “nghỉ hè”.

"Nhúc nhích" có tour

Tại các địa phương khống chế được dịch COVID-19, hoạt động dịch vụ du lịch đã được cấp chính quyền cho phép khởi động. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đã phối hợp cùng chính quyền tiến hành khảo sát xây dựng một số sản phẩm mới để đón đầu cho khôi phục hoạt động đón khách trở lại.

Từ 12 giờ ngày 19/9, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cho phép mở lại một số hoạt động trên địa bàn gồm: Các bãi tắm công cộng, các dịch vụ hoạt động thể thao như sân bóng đá, phòng tập gym, fitness, yoga… UBND thành phố Hạ Long giao UBND các phường, xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đối với hoạt động được mở lại trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Dịch COVID-19 được khống chế, địa phương rục rịch 'khôi phục' hoạt động du lịch - 1

Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khách sạn Mường Thanh Luxury Nha Trang. Ảnh: TTXVN

Trước đó, thành phố Hạ Long đã tổ chức gặp mặt đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn, bàn giải pháp khởi động lại hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn trong trạng thái bình thường mới.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đã đề xuất việc mở cửa hoạt động trở lại gắn với kiểm soát dịch; đồng thời đề nghị áp dụng một số giải pháp an toàn như: “Bong bóng du lịch” kết nối các vùng an toàn để mở cửa các thị trường du lịch; đề nghị cho phép du lịch nội tỉnh đối với những đối tượng là người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài đã hoàn thành cách ly tại Quảng Ninh; đề nghị hỗ trợ hình thành sản phẩm du lịch, tour, tuyến mới, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng môi trường du lịch, tăng cường hỗ trợ du lịch cộng đồng.

Tương tự, để chuẩn bị cho hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới, trong hai ngày 17-18/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh dọc sông Hồng kết nối đền Thượng - đền Bảo Hà - Fansipan. Cuộc khảo sát nhằm kết nối một số cơ sở tâm linh theo tuyến đường bộ gồm: Đền Thượng (thành phố Lào Cai); Khu du lịch cáp treo Fansipan, Thiền viện Trúc lâm Đại giác (thị xã Sa Pa); đền Ken, đền Cô Tân An (huyện Văn Bàn) và đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên).

Du lịch đường sông còn chưa được khai thác nên khá mới mẻ và có tính hấp dẫn riêng. Tuyến du lịch tâm linh đường bộ hiện đã được khai thác khá hiệu quả, kết nối tốt huyện Bảo Yên - thành phố Lào Cai - thị xã Sa Pa. Do đó, đây là tour du lịch giàu tiềm năng để phát triển thành sản phẩm mới, hút khách nội địa.

Theo đại diện Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, Sở vừa có đề xuất đến UBND tỉnh cho đón khách vào khoảng giữa tháng 10/2021. Để chuẩn bị đón khách nội tỉnh, Sở đã xây dựng các gói kích cầu phù hợp với điều kiện người dân qua khẩu hiệu “Người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa”.

Đối tượng đi du lịch có chứng nhận tiêm 2 mũi vaccinen hoặc tiêm 1 mũi nhưng có xét nghiệm âm tính. Đối với du lịch ngoại tỉnh, sẽ ưu tiên thu hút nguồn khách các tỉnh lân cận, sau đó đến các khu vực xa hơn. Điều kiện áp dụng cho đối tượng khách này ngoài các điều kiện như khách nội tỉnh thì phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính.

Tại Tuyên Quang, ông Lương Duy Doanh, chủ cơ sở homestay tại Nậm Địp (Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang), chia sẻ, tỉnh vẫn cho phép đón khách nội tỉnh nhưng giai đoạn này, đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, kết nối các tuyến điểm thu khách.

Mới đây UBND tỉnh Tuyên Quang vừa phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2025, xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia…

Ưu tiên an toàn cho điểm đến và khách du lịch

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Việc khởi động lại các hoạt động du lịch, trước mắt là du lịch nội tỉnh là điều đáng ghi nhận trong việc thích ứng với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên việc khởi động lại với nhiều nơi sẽ phải đối mặt với việc đảm bảo về chất lượng dịch vụ do nhiều cơ sở ngừng hoạt động lâu ngày. Bên cạnh đó, yếu tố đảm bảo về an toàn du lịch luôn đặt lên hàng đầu.

Dịch COVID-19 được khống chế, địa phương rục rịch 'khôi phục' hoạt động du lịch - 2

Những thửa ruộng bậc thang ở Bát Xát. Ảnh: TTXVN

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.

Kế hoạch gồm có 6 nội dung: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Cụ thể, với nội dung đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, trong đó, ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch, từng bước mở rộng cả nước. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng, chống COVID-19, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K. Tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vắc-xin, phù hợp với hệ thống công nhận quốc tế. Thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Với hoạt động tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch, Bộ và các địa phương triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”. Định hướng truyền thông giới thiệu, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, chính sách mới liên quan đến xuất nhập cảnh; cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, có ưu đãi.

Đa dạng các kênh truyền thông như: Qua các trang web, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến; các kênh truyền thông quốc tế lớn; phối hợp hiệu quả với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối lại thị trường cả trực tuyến và trực tiếp; tiếp cận thị trường, xúc tiến bán sản phẩm.

Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường sẽ triển khai quy hoạch hệ thống du lịch, định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe. Hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường: sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe...

Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, Tổng cục Du lịch phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch: Nâng cấp ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn https://safe.tourism.com.vn, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine https://travelpass.tourism.vn để phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ khách du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng (hội chợ, diễn đàn giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến).

Với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch, Tổng cục đề xuất triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hoạt động khôi phục kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp du lịch, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của Chính phủ. Đề xuất miễn, giảm thuế đối với các khoản chi phí kích cầu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo nghề du lịch.

Về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch, Tổng cục đề xuất, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch về nghiệp vụ, kỹ năng khai thác thị trường, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số và các kiến thức khác nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu việc triển khai kế hoạch cần bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành. Đồng thời, đề cao trách nhiệm, sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội liên quan trong việc xây dựng, triển khai chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.

Tổng cục Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp triển khai và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch; Hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch; phối hợp tổ chức truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn; đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. 

Còn các sở quản lý du lịch tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong việc triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch trên địa bàn: Chuẩn bị tốt các điều kiện mở cửa điểm đến, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động phục hồi hoạt động kinh doanh.

Đối với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch phối hợp đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh, đào tạo và đào tạo lại lao động; thực hiện tốt các quy định về du lịch an toàn; liên kết, triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ nhằm kích cầu du lịch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

XM (Báo Tin tức)

CLIP HOT