7 cách lấy lại tinh thần làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài
Phần lớn chúng ta đều cảm thấy khó khăn khi phải quay lại với guồng quay công việc sau kỳ nghỉ Tết dài. Để lấy lại thăng bằng, hứng thú trong công việc, bạn hãy thử áp dụng những gợi ý sau đây.
Trong những ngày vui Tết cổ truyền, bạn đã trải qua khoảng thời gian nghỉ ngơi thoải mái bên cạnh những người thân yêu, thỏa sức xem những bộ phim hay chương trình truyền hình yêu thích, tự do vi vu khám phá các điểm đến thú vị trên khắp đất nước…
Thế nhưng, "ngày vui ngắn chẳng tày gang", Tết qua đi cũng nhanh như lúc nó đến khiến bạn bị hụt hẫng, cảm thấy nuối tiếc và khó khăn khi phải quay lại nhịp sống thường ngày. Tuy nhiên, những cảm xúc buồn chán này sẽ nhanh chóng qua đi dễ dàng nếu bạn áp dụng 7 phương pháp sau.
Phần lớn chúng ta đều cảm thấy chán chường khi phải quay trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết dài. Vậy làm thế nào để vượt qua tâm lý này? Ảnh: Shutterstock.
1. Chấp nhận thực tế
Hầu hết chúng ta đều khó chấp nhận thực tế Tết đã qua đi, bởi lẽ điều này có nghĩa chúng ta sẽ phải quay về với công việc bận rộn, từ đó nảy sinh tâm lý chán chường.
Để vượt qua tâm trạng ủ dột này, chúng ta cần phải đối mặt và học cách chấp nhận hiện thực phũ phàng: hết Tết rồi! Hãy nhớ rằng cuộc vui nào rồi cũng sẽ có lúc tan, đó là một quy luật bất biến của cuộc sống, khi ấy bạn sẽ cảm thấy tích cực hơn để bắt tay vào làm việc thật năng suất.
"Con người mừng Tết bọn này xong rồi đó, nhanh hen?". Ảnh: Shutterstock.
2. Lập kế hoạch công việc
Hãy kiểm tra lại mọi dự định và xây dựng bản kế hoạch công việc cho năm mới. Khi viết ra những điều này, bạn sẽ cảm thấy hứng thú và có động lực để làm việc tốt hơn. Đặc biệt, hãy hình dung trong đầu những kết quả tích cực sẽ đạt được khi hiện thực hóa các nội dung trong kế hoạch, từ đó, bạn sẽ cảm thấy trong mình tràn đầy năng lượng và sự phấn khởi để bắt đầu một năm mới thắng lợi.
Lập kế hoạch chi tiết cho công việc năm mới sẽ giúp bạn có động lực làm việc. Ảnh: Freepik.
3. Điều chỉnh tâm trạng
Buổi sáng trước khi đi làm, hãy ưu tiên thực hiện những việc khiến bạn cảm thấy yêu đời, chẳng hạn như đọc một quyển sách bạn thích, nghe một bản nhạc có giai điệu và ca từ dí dỏm hay bất cứ việc gì khiến tâm trạng bạn phấn chấn. Khi tâm trạng vui vẻ, thoải mái thì làm việc mới đạt hiệu quả cao.
Tâm trạng bạn vui vẻ, thoải mái thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Ảnh: Shutterstock.
4. Mặc trang phục yêu thích
Việc lựa chọn mặc trang phục bản thân yêu thích sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và thích đi làm hơn. Hãy ưu tiên chọn những bộ trang phục thoải mái, phù hợp với điều kiện khí hậu, có thể kết hợp một chút phụ kiện điệu đà cho trang phục thêm bắt mắt. Khởi đầu một năm mới với phong cách ăn mặc tinh tế sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng tích cực.
Mặc trang phục bản thân yêu thích sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và thích đi làm hơn. Ảnh: ST.
5. Đến văn phòng sớm
Lợi ích của việc này là giúp bạn cảm thấy không bị áp lực hay cập rập với việc phải đi làm đúng giờ, nhất là sau quãng thời gian nghỉ Tết có phần buông thả đã khiến bạn mất đi tính kỷ luật. Đến văn phòng sớm hơn thường lệ sẽ cho phép bạn có nhiều thời gian để bản thân thích nghi trở lại với guồng quay công việc. Bạn có thể nhâm nhi cà phê sáng, đọc tin tức, tranh thủ sắp xếp lại bàn làm việc,… để chuẩn bị cho ngày đi làm đầu năm mới thật năng suất.
Đến văn phòng sớm cho phép bạn có nhiều thời gian để thích nghi trở lại với môi trường làm việc. Ảnh: Shutterstock.
6. Xử lý từng việc một
Những ngày đầu đi làm trở lại là lúc bạn ưu tiên xử lý những công việc còn tồn đọng trước khi nghỉ Tết. Khi ấy, việc giải quyết quá nhiều công việc một lúc sẽ khiến bạn cảm thấy quá tải và căng thẳng, qua đó, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả công việc.
Hãy tập trung làm từng việc một, ưu tiên hoàn thành những việc đơn giản để bản thân lấy lại nhịp làm việc, qua đó, nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc.
Ôm đồm nhiều việc một lúc sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Hãy tập trung giải quyết từng việc một trong một khoảng thời gian nhất định. Ảnh: Shutterstock.
7. Trò chuyện với đồng nghiệp
Một ngày làm việc dài sau kỳ nghỉ Tết sẽ dễ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Vì thế, hãy tranh thủ những phút giải lao để trò chuyện với các đồng nghiệp về những niềm vui ngày Tết mà bạn đã trải qua. Việc này không chỉ khiến bạn cảm thấy vui vẻ mà còn giúp bạn xây dựng mối quan hệ với các đồng nghiệp hiệu quả hơn, cùng nhau thắt chặt tình đoàn kết để hướng đến một năm mới hứng khởi.
Hãy chủ động bắt chuyện với đồng nghiệp để tạo không khí vui vẻ và hòa đồng, từ đó giúp ngày dài làm việc trở nên thú vị hơn. Ảnh: Freepik.
Chỉ cần tinh thần cảm thấy thoải mái, phấn chấn thì bạn sẽ cảm thấy tràn trề động lực làm việc. Hy vọng rằng với 7 phương pháp được gợi ý bên trên sẽ phần nào giúp bạn vượt qua rào cản tâm lý đi làm lại sau Tết để sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới trên con đường sự nghiệp của mình.