Du lịch đến Cầu Đất, ngoài trà và cà phê, người ta còn mê mệt với hồng treo gió - sản phẩm độc đáo và đặc biệt này đã và đang được người tiêu dùng trên cả nước yêu thích.
Du lịch đến Cầu Đất - Đà Lạt, ngoài trà và cà phê, người ta còn mê mệt với hồng treo gió - sản phẩm độc đáo và đặc biệt này đã và đang được người tiêu dùng trên cả nước biết đến.
Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất hồng treo gió của chị Bùi Thị Liên, thuộc hợp tác xã Trường Gia Phát, qua sự giới thiệu của người Đà Lạt. Mới sáng ra, khu quán cà phê và vòm hồng đã nhộn nhịp khách ra vào. Ai đến đây cũng trầm trồ và hào hứng trước những giàn hồng vàng rực treo trước nhà. Từng dây hồng được xếp lại với nhau tựa như những ánh sao xa, lớp lớp hồng treo thẳng tắp, tạo thành lối đi đẹp mê hồn.
Khách du lịch, đặc biệt là chị em phụ nữ đến cơ sở sản xuất của chị không rời nửa bước. Ai nấy đều chụp cho mình cả trăm bức ảnh ưng ý mới thôi.
Du khách thích thú chụp ảnh bên những dây hồng treo.
Hồng treo gió Cầu Đất nhìn thôi đã thấy mê, ăn vào lại càng "phê"
Chị Liên - bà chủ của xưởng sản xuất hồng lớn nhất, ngon nhất Cầu Đất, dành cho chúng tôi vài chục phút chuyện trò. Việc sản xuất hồng đang vào vụ nên cả ngày chị tất bật với những mẻ hồng, hết chạy ra kiểm tra giàn phơi lại chạy vô xưởng để hướng dẫn thợ làm cho đúng cách.
Từng giàn hồng tựa như đám tơ hồng của trời đất vắt ngang Cầu Đất mộng mơ. Dưới cái nắng chiều nhè nhẹ của xứ lạnh, cả một khu vực rộng lớn ánh lên màu vàng miên man đến bất tận với núi, với mây ngàn.
Du khách đến thăm xưởng sản xuất của chị Liên được chị hướng dẫn cách làm hồng treo gió.
Chị Liên cho chúng tôi hay, để tạo ra sản phẩm hồng treo gió đạt chất lượng đòi hỏi người làm phải vô cùng kỳ công, từ việc chọn nguyên liệu đến gọt vỏ, rồi mắc dây treo. Suốt 20 ngày trời phải thăm nom, "mát xa" cho quả hồng rồi kiểm tra nhiệt độ thích hợp thì quả hồng mới đạt.
"Để làm ra một ký hồng treo gió cũng vất vả như người phụ nữ Mông làm áo thổ cẩm cho chồng vậy. Nó đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, nhẫn nại và thực sự đam mê mới có thể thành công", chị Liên chia sẻ.
Để làm ra một ký hồng treo gió là cả một quá trình đòi hỏi sự sự kiên trì, tỉ mỉ, nhẫn nại và thực sự đam mê của người làm.
Mời chúng tôi thưởng thức vị ngon của hồng, chị Liên khéo léo tách đôi quả hồng thuôn thuôn hình trứng đã khô bên ngoài, nhưng mềm và sánh mật bên trong. Thì ra quả hồng treo gió khi hoàn thành có đặc trưng ngoài khô nhưng bên trong lại đượm mật ngọt. Người ta không cần sấy, chỉ gọt vỏ treo lên, quả hồng khô đi với không khí và nắng trời ngoại ô Đà Lạt, ngọt đậm đà và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Cắn một miếng hồng, nhắm mắt lại, cảm nhận vị ngọt vừa thanh vừa đậm lan khắp gai vị giác. Nó mềm mật chứ không khô đét như hồng sấy, lại ngọt tự nhiên chứ không phải ngọt ngâm đường. Hèn gì không lấy làm lạ khi ai lên đây cũng xách túi to túi nhỏ hồng về, dù giá không hề rẻ.
Du khách thưởng thức hồng treo gió trong khung cảnh hữu tình của thiên nhiên Đà Lạt.
Cơ duyên nâng tầm cây hồng Đà Lạt
"Hồng treo gió là một trong những đặc sản quý của Cầu Đất đã được người Nhật trao truyền lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trạm Hành. Chúng tôi là một trong những người đã được cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho người sang tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây hồng và chế biến loại đặc sản này để làm nên trái hồng mang hương vị vô cùng đặc biệt", chị Liên cho biết.
Trước kia, cuộc sống của bà con Cầu Đất còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt ở nơi này có giống hồng trứng lốc, trứng lửa và hồng vuông đồng, cây cho sai quả, ăn lại ngon miễn chê. Chỉ có điều giá hồng khi đó bán rẻ như cho, khoảng 2.000 đồng/kg. Khi thu hoạch, trừ đi công hái, người trồng hồng thu lại chẳng bõ bèn gì.
Từng có thời, những quả hồng ngon ngọt của xứ này có giá bán rẻ như cho.
Cho đến năm 2013, một chuyên gia người Nhật đã đến xã và mở lớp dạy chế biến từ cây hồng bản địa. Vị chuyên gia này đã rất nhiệt tình, chia sẻ từ cách trồng hồng, chăm sóc cây, thu hoạch quả và sau cùng là chế biến.
Trước khi dạy, vị chuyên gia Nhật Bản đã cho mỗi học viên một quả hồng sấy. Quả hồng được bọc trong túi ni-lông có màu sắc bắt mắt được mang từ xứ sở của đất nước mặt trời mọc. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon, lạ hơn là họ đã chế biến bằng một phương pháp mà Việt Nam chưa từng có đó là hồng treo gió. Tức là quả hồng tươi được hong khô bằng gió và nắng trời.
Chuyên gia này còn cung cấp thông tin khiến các học viên sửng sốt. Giá bán của một quả hồng treo gió khoảng 45.000 đồng, tương đương với 20 kg hồng tươi của Đà Lạt khi đó.
Vị hồng treo gió càng thêm thơm ngon khi thưởng thức cùng trà.
Được tham gia lớp học, chị Liên mừng như bắt được vàng. Học xong, chị về nhà cũng làm thử một mẻ hồng treo gió bằng kiến thức của mình đã học. Chị làm thành công, nhưng vấn đề không biết bán cho ai.
Mẻ hồng treo gió đầu tiên, chị mang biếu người thân và cho bạn bè. Không ngờ tấm lòng thơm thảo đó của chị lại mang đến niềm vui bất ngờ. Những người thân của bạn bè chị, khi ăn hồng treo gió Đà Lạt cảm thấy rất thích. Qua giới thiệu của người thân, họ mong muốn mua sản phẩm để làm quà.
Sự kiên trì đó đã mang đến "quả ngọt" cho hôm nay - một quán cà phê hồng treo gió ở Cầu Đất, một nhà vòm sản xuất hồng là điểm tham quan du lịch thu hút khách tới thăm, chụp ảnh và trải nghiệm.
Quán cà phê hồng treo gió và khu xưởng sản xuất của chị Liên luôn được du khách yêu thích mỗi khi đến Cầu Đất.
Mỗi khi khách du lịch đi qua xưởng sản xuất của chị Liên đều tỏ ra lạ lẫm và vô cùng thích thú trước cách chế biến hồng độc đáo này. Vài năm qua, nhiều nơi cũng treo thử, và cũng nhiều người mang hồng nơi khác về treo thử tại Cầu Đất, nhưng đều không đạt như hồng xứ này.
Như chị Liên bảo, vị chuyên gia Nhật đã đi khắp nơi, thử các loại hồng và chỉ chọn Cầu Đất để dừng chân chuyển giao kĩ thuật, ắt hẳn việc này phải có lý do riêng của nó.
Xin được kết thúc câu chuyện với nhận xét của một khách du lịch từ Hà Nội mà chúng tôi gặp khi viết bài: "Đến mùa, về Cầu Đất mà chỉ săn mây, chưa ăn hồng treo gió, thì chuyến đi của chúng ta vô cùng lãng phí".
Bởi thế, khi đến Đà Lạt, hãy nhớ dừng chân nơi Cầu Đất để ngất ngây với những giàn hồng!