Tranh cãi ly cà phê 170.000 đồng của Thái Công
Các loại đồ uống ở cửa hàng này không món nào có giá dưới 100.000 đồng. Mức giá này đắt hơn cả những cửa hàng cà phê cao cấp.
Theo nhà thiết kế, quán cà phê này chỉ là một sở thích của ông. Ảnh: Thái Công.
Chia sẻ với Zing, nhà thiết kế Thái Công cho biết nếu kinh doanh nghiêm túc, một cốc cà phê phải bán với giá 50 USD (khoảng 1,2 triệu đồng) thì ông mới có lời.
Với mức giá hiện tại, quán cà phê của nhà thiết kế nội thất này đã vấp phải nhiều tranh cãi. Trên các trang mạng xã hội, không ít người dùng đã nhận xét là không đáng khi bỏ hơn 100.000 đồng cho những loại đồ uống giống như bình thường nhưng được ngồi trong một không gian sang trọng hơn.
Giá cao hơn hẳn thị trường
Quán cà phê mới mở của Thái Công tọa lạc ở trung tâm quận 1 (TP.HCM).
Menu của quán khá đầy đủ với các loại cà phê, trà, sinh tố, bánh ngọt... và không có món nào dưới 100.000 đồng. Ngoài ra, thực khách phải trả thêm 5% phí dịch vụ trên tổng hóa đơn.
Không gian quán cà phê của nhà thiết kế. Ảnh: Thái Công Interior Design.
Cụ thể, một ly latte ở đây có giá 170.000 đồng. Đặt lên bàn cân so sánh với Park Lounge, quán cà phê nằm cùng khu vực trung tâm, thuộc khách sạn cao cấp và đều hướng đến phong cách thiết kế sang trọng, mức giá này cao hơn khoảng 45.000 đồng.
Mức giá này cao hơn hẳn các thương hiệu phổ biến ở Việt Nam như Highlands, The Coffee House, Trung Nguyên hay Phúc Long.
Một khảo sát của IPOS với gần 3.500 người đã chỉ ra 44% số người được hỏi sẵn sàng chi tiêu 41.000-70.000 đồng cho một lần đi cà phê, tương đương mức giá tại các thương hiệu tầm trung như Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên, Phúc Long... Chỉ 14% trong đó sẵn sàng chi nhiều hơn 70.000 đồng cho các thương hiệu như Starbucks, Runam...
Với mức giá trên, quán cà phê của nhà thiết kế Thái Công có thể kén khách khi họ có nhiều lựa chọn hơn với các thương hiệu khác.
Có đang hét giá?
Trong kinh doanh, giá của một món đồ uống được tính dựa trên nhiều chi phí khác nhau như mặt bằng, nguyên vật liệu, bao bì, phí vận hành...
Theo anh Hoàng Trung Minh, co-founder một quán cà phê và đã có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn setup trong lĩnh vực F&B, giá của tất cả các loại đồ uống đều có một có ngưỡng chạm trên. Để có thể nâng giá sản phẩm, các đơn vị buộc phải đầu tư thêm các yếu tố khác như không gian, bao bì, chất lượng phục vụ...
Cụ thể, khi đầu tư vào những giá trị hữu hình như trọng lượng hay số lượng, thực khách sẽ dễ dàng tiếp nhận. Tuy nhiên, nếu muốn nâng giá sản phẩm bằng những giá trị vô hình như không gian, âm nhạc, trải nghiệm khi thưởng thức đồ uống... không phải ai cũng hiểu và sẵn sàng chi trả.
Ở trường hợp quán cà phê của nhà thiết kế Thái Công, ông cũng cho biết giá đồ uống không chỉ nằm ở nguyên liệu hay cách pha chế mà còn ở không gian và các dụng cụ khách hàng được sử dụng như ly, thìa, nĩa, bình trà...
"Nhà thiết kế Thái Công đúng trong việc tính toán các chi phí trên vào giá ly nước. Tuy nhiên, chúng ta đều không biết được cách tính cụ thể, cộng thêm việc ông chưa truyền tải được các giá trị đó đến khách hàng của mình dẫn đến việc nhiều người không hiểu được đang phải trả tiền cho điều gì", anh Minh nhận xét.
Tương tự, một chuyên gia khác trong lĩnh vực F&B cũng đồng tình với quan điểm trên. Xét về bài toán kinh doanh, mức giá trên phù hợp với những gì nhà thiết kế đã đầu tư.
"Mỗi đơn vị kinh doanh sẽ có một tệp khách hàng riêng. Việc đầu tư cho mặt bằng, không gian hay chất lượng dịch vụ cũng dành cho nhóm khách mà họ hướng đến", vị này cho biết.