Sức hấp dẫn của món sò điệp Nhật Bản
Theo đầu bếp Kobayashi Kojiro - Đại sứ thiện chí ẩm thực Nhật Bản, sò điệp là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều vi chất nhưng lại ít calo nhất trong các dòng hải sản. Tại đất nước “mặt trời mọc”, sò điệp đứng đầu các món ăn đắt đỏ và được thực khách ưa chuộng.
Sò điệp cũng có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu tại Nhật, khi năm 2023 mang về 600 triệu USD (hơn 14.000 tỷ đồng), cao gần gấp đôi xuất khẩu thịt bò, đứng thứ nhất về xuất khẩu trong khối hàng nông - lâm - thủy hải sản.
Sò điệp là một trong những món ăn được yêu thích tại Nhật Bản
Tại Nhật, sò điệp ngon nhất được thu hoạch ở vùng phía Đông Bắc và miền Bắc, mỗi năm hai lần vào khoảng tháng 5 và tháng 8. Đây cũng là quãng thời gian sò điệp cho chất lượng ngon nhất, vì khi ấy phù du ở biển nhiều nhất, đầu bếp Kobayashi Kojiro chia sẻ.
Cùng với sò điệp, cá Cam và Tráp đỏ cũng là nguồn thực phẩm vô cùng hấp dẫn trong ẩm thực Nhật. Cũng theo đầu bếp Kobayashi Kojiro, Tráp Đỏ xưa kia được Nhật Hoàng dùng làm quà tặng ngoại giao, cá Cam là thức ăn không thể thiếu trong các bữa tiệc sang trọng. Cả ba: sò điệp, Tráp Đỏ và cá Cam sẽ tạo ra set sashimi đắt đỏ bậc nhất mà thực khách nào muốn khám phá ẩm thực Nhật Bản thượng hạng đều nên trải nghiệm.
Sò điệp, cá Tráp Đỏ và cá Cam chuẩn bị được đầu bếp chế biến thành món sashimi tại sự kiện.
Đầu bếp Hoshi Phan (nổi tiếng với 6,5 triệu lượt follow trên Tiktok) cho rằng, yêu cầu về nguồn nguyên liệu luôn đảm bảo tươi ngon là một trong cách tiêu chí khắt khe trong ẩm thực Nhật.
Ngay cả với những sản phẩm nhập khẩu như sò điệp, cá Cam, Tráp Đỏ, khi đến tay các đầu bếp Việt Nam, tất cả đều còn tươi như vừa mới đánh bắt. “Nếu miếng cá được dựng đều trên đĩa sashimi chứng tỏ cá tươi, nếu cá rủ xuống nó cho bạn biết khâu bảo quản chưa đạt chuẩn”, anh Hoshi bật mí.
Đầu bếp Kobayashi Kojiro đang chế biến món sashimi từ sò điệp.
Sự kiện kết nối kinh doanh “Taste of Japan in Vietnam Scallop & Japanese Seafood Expo” diễn ra chiều 14/3 tại Tp.HCM đã giới thiệu và quảng bá sự hấp dẫn của Thuỷ hải sản Nhật Bản (do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản Nhật Bản (MAFF) tổ chức).
Tại đây, ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Tp.HCM cho biết, thủy hải sản là một mảnh ghép không thể thiếu trong ẩm thực Nhật và đó là lý do tạo nên một hệ thống sản xuất và phân phối các loại hải sản dùng để ăn sống. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu trước chế biến luôn đạt chuẩn, hải sản được cấp đông dưới 60 độ âm cùng nhiều điều kiện khắt khe khác.
Ngày nay, cùng với kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm, người Nhật đã nuôi và cho thu hoạch được sò điệp quanh năm, nên nguồn hàng xuất khẩu luôn đảm bảo.