Nhật Bản liên kết chuỗi bán lẻ có hơn 600 siêu thị ở Việt Nam kích cầu sản phẩm
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) liên kết với Con Cưng - Chuỗi bán lẻ mẹ và bé hàng đầu Việt Nam nhằm giới thiệu sản phẩm Nhật Bản tới thị trường Việt Nam, trong lĩnh vực sản phẩm dành cho trẻ em.
Dự án nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Japan Mall (chương trình phát triển kênh bán hàng nước ngoài của Nhật Bản).
Sự hợp tác được công bố sẽ triển khai từ 30/01/2024. Thông qua việc hợp tác, dự án mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm Nhật Bản đến các khu vực khác ngoài đô thị tại thị trường Việt Nam. Kết hợp với Con Cưng – chuỗi bán lẻ mẹ và bé với 699 siêu thị trên cả nước, người tiêu dùng (không thuộc khu vực đô thị) có cơ hội sử dụng các sản phẩm chính hãng của Nhật.
Theo đó, 167 sản phẩm dành cho trẻ em, đến từ 18 công ty Nhật Bản sẽ được bán tại Con Cưng.
“Chúng tôi sẽ triển khai các chương trình khuyến mãi O2O (Online to offline) cho các sản phẩm Nhật đang được bán tại Con Cưng trên cả nước”, ông Matsumoto Nobuyuki, trưởng đại diện JESTRO cho biết.
Tại Việt Nam, Nhật Bản từng kết hợp với Hachi Hachi - nhà bán lẻ, đối tác của Japan Mall từ năm 2016, cung cấp các sản phẩm trong lĩnh vực nhu yếu phẩm hàng ngày và ARATA Việt Nam. Hiện hệ thống này đã giới thiệu tới người tiêu dùng Việt Nam hơn 300 sản phẩm từ 60 công ty Nhật Bản.
Trong sự hợp tác lần này, JETRO đồng thời liên kết với Momo – nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử (chiếm 68% thị phần thanh toán trực tuyến tại Việt Nam) thanh toán tại Con Cưng, đồng thời quảng bá các sản phẩm của dự án đang được bán tại Hachi Hachi. “Bằng cách này chúng tôi có thể mở rộng khu vực hoạt động khuyến mãi đến với người tiêu dùng tại các khu vực mà trước đây chưa tiếp cận được, thông qua kênh bán trực tuyến với các cửa hàng truyền thống. Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn lợi ích của các sản phẩm dành cho trẻ em và nhu yếu phẩm hàng ngày do Nhật Bản sản xuất”, ông Matsumoto Nobuyuki chia sẻ.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang thu hút sự chú ý bởi nơi đây không chỉ trở thành "trụ sở sản xuất" cho các công ty nước ngoài mà còn là "thị trường tiêu dùng" do dân số đông và sức mua ngày càng tăng. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, doanh số bán lẻ và dịch vụ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hàng năm trên 10% mỗi năm kể từ năm 2010 cho đến năm 2019. Sau Covid, tốc độ tăng trưởng vẫn tiếp tục vào năm 2022 với mức tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước tính cả hiện trạng từ đợt lockdown và mức tăng 9,3% vào năm 2023, bất chấp suy thoái kinh tế. Ngoài ra, thị trường sản phẩm dành cho trẻ em của Việt Nam tiếp tục mở rộng. Theo Euromonitor quy mô của thị trường thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh vào năm 2022 có doanh thu bán lẻ ước tính đạt khoảng 32,5 nghìn tỷ đồng. Tương tự, doanh thu bán lẻ ngành hàng cho trẻ sơ sinh và trẻ em (Sản phẩm vệ sinh, chăm sóc da, chăm sóc tóc, dược phẩm v.v…) năm 2022 ước tính đạt 1,4 nghìn tỷ VND. Đặc biệt, về nhập khẩu sữa bột trẻ em (HS1901.10) vào Việt Nam, Nhật Bản đứng đầu về giá trị nhập khẩu theo quốc gia (303,94 triệu USD, 2022), chiếm thị phần 20% và giá trị nhập khẩu ngày càng tăng qua các năm. (Nguồn: GlobalTradeAtlas). |