Những món bánh canh ăn là ghiền
Ngoài bánh canh nổi tiếng như Nam Phổ, Trảng Bàng... vẫn còn nhiều loại thơm ngon khác được thực khách yêu thích.
Bánh canh Nam Phổ là món hàng rong đặc sản của làng Nam Phổ thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hương vị đặc trưng của bánh canh Nam Phổ là nước dùng luộc vỏ tôm tươi, thêm nước mắm và mắm ruốc để tạo mùi vị đặc trưng xứ Huế. Món bánh canh có độ sệt, sánh, thêm chút dầu điều đỏ tươi và hành lá. Ăn kèm chả làm từ tôm, thịt ba chỉ xay nhuyễn, ướp gia vị vo tròn thành viên nhỏ. Ảnh: Bảo Ngân
Bánh canh cua là món ăn sáng hoặc đêm ở Huế. Sợi bánh canh làm từ bột gạo cán mỏng rồi xắt thành từng cọng, khi nấu có mùi thơm và mềm, hòa quyện với nước dùng nấu từ cua ngọt thanh. Trong tô bánh canh cua ở Huế, chả cua được xem là linh hồn. Những viên chả có mùi thơm, dai, béo ngọt, bùi bùi, được làm từ thịt cua quết nhuyễn cùng giò sống, tôm, da heo. Tô bánh canh hấp dẫn hơn khi cho thêm tóp mỡ, ớt, hành ngò... Ảnh: Ngân Dương
Bánh canh cá lóc là một trong những món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Sợi bánh canh làm từ bột gạo tẻ nhào kỹ, dùng ống tre cán mỏng rồi xắt thành sợi nhỏ. Cá lóc nấu bánh canh là cá lóc đồng có thịt ngọt và săn chắc, được làm sạch rồi đem hấp chín, tách lấy thịt rim gia vị cho có màu vàng cam. Sau khi tách thịt, xương cá được tận dụng nấu nước lèo cùng với xương ống tạo vị ngọt tự nhiên. Món dùng nóng, thực khách thêm ít ớt bột cay và hành lá để tăng hương vị. Ảnh: @tinhhao19/Instagram
Bánh canh chả cá nổi tiếng ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa... Món ăn có vị thơm của nước lèo nấu từ xương và cá biển nhỏ, vị ngọt thanh vừa miệng. Chả cá làm từ thịt cá chuồn, cá mối, cá nhồng, cá thu... giã nhuyễn và tẩm ướp gia vị, sau đó nặn thành viên tròn hoặc ép thành mảng mỏng rồi chiên vàng hay hấp chín. Món ăn bài trí đẹp mắt, dùng khi nóng hổi, thơm ngon với hành ngò, tiêu xay. Ảnh: @uyenphuong_uyenphuong/Instagram
Có cách làm tương tự như bánh canh chả cá ở các tỉnh thành ven biển miền Trung, bánh canh hẹ tại Phú Yên tạo điểm nhấn riêng với màu xanh mướt của hẹ cắt nhỏ, có mùi thơm, không hăng như nhiều người nghĩ. Sợi bánh canh trong tô nhỏ và mềm, nước dùng thanh ngọt từ cá biển, thêm trứng cút và chả cá chiên vàng hấp dẫn. Ảnh: @khanhnguyen_64/Instagram
Bánh canh Trảng Bàng là thương hiệu nổi tiếng ở Tây Ninh. Bánh có sợi trắng làm từ bột gạo nàng thơm, nhào kỹ và đem hấp chín trước khi ép thành những cọng bánh tròn dài. Tô bánh canh đặc trưng với giò heo hầm mềm, thịt nạc xắt miếng, huyết, đôi khi có thêm lòng heo, hòa quyện trong nước dùng đậm đà từ xương. Món ăn dùng nóng với rau giá tươi, thêm hành lá cắt nhỏ và tiêu xay cay nồng, hành phi thơm bên trên. Ảnh: @lylyngochuong/Instagram
Bánh canh Bến Có được xem như đặc sản không thể bỏ qua khi ghé Trà Vinh. Món bánh canh đầy đặn với lòng, gan, tim, bao tử, lưỡi heo xắt nhỏ, có thể thêm thịt nạc hoặc giò heo. Sợi bánh canh mềm, dẻo, thấm vị đậm đà của nước dùng. Theo người bán, bánh canh Bến Có thơm ngon là nhờ nêm nếm và lựa chọn nguyên liệu để, kết hợp thêm các loại rau gia vị như hành ngò. Món bánh canh không ăn cùng rau giá như nhiều món nước, sợi khác ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: @tnw.monkey/Instagram
Bánh canh bò viên được lòng nhiều du khách đi đến vùng Bảy Núi, An Giang. Món ăn có nguyên liệu đơn giản gồm sợi bánh canh, bò viên, thịt chân giò heo nấu mềm, nước dùng ngọt đậm từ xương. Điểm nhấn của tô bánh canh là viên chả bò to, dai được cắt làm đô, kết hợp với mùi thơm của hành ngò và dùng nóng. Ảnh: Di Vỹ
Bánh canh ghẹ luôn nổi bật và cuốn hút thực khách với những con ghẹ to được để nguyên hoặc cắt đôi, có mai màu cam. Món ăn có nước dùng nóng, sóng sánh được nấu từ rau củ, thịt ghẹ mang vị thanh ngọt. Người dùng có thể ăn thêm cùng chả cá viên, huyết, tôm hoặc thịt heo cắt lát, bánh quẩy và rau giá. Thịt ghẹ xé miếng chấm với muối tiêu chanh hoặc muối ớt xanh. Ảnh: @lititagram/Instagram
Bánh canh vịt là món ăn quen thuộc ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thành phần chính là sợi bánh canh bột xắt được làm thủ công có cọng mềm vừa ăn. Vịt dùng làm bánh canh ngon nhất là vịt xiêm có thịt săn chắc, không bị hôi. Người nấu có thể băm thịt vịt nhuyễn rồi ướp gia vị, nặn thành viên vừa ăn hoặc chặt miếng rồi đem nấu. Tô bánh canh ngon với phần nước dùng đậm, thơm dậy mùi hành phi, tiêu và rau thơm. Thịt vịt chấm nước mắm ớt cay mặn hoặc nước mắm gừng, có thêm huyết nếp dẻo, lòng mề vịt sẽ càng ngon hơn. Ảnh: Kim Phụng
Bánh canh ngọt còn gọi là chè bánh canh là món ăn dân dã, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người miền Tây. Món ăn gồm sợi bánh canh bột xắt, nước cốt dừa, đường thốt nốt nấu cùng nhau. Cách kết hợp hài hòa làm nên món ăn béo, ngọt thanh, phảng phất hương thơm nhẹ của đường thốt nốt, có thể thêm chút mè rang vàng. Bánh canh ngọt thường được dùng như món tráng miệng hoặc lót dạ khi đói. Ảnh: Lê Hữu Tường
Bánh canh tôm nước cốt dừa nổi tiếng ở miền Tây. Tôm tươi mua về lột vỏ, bỏ chỉ đen và dùng dao đập dẹp, đem phi thơm với tỏi, nêm gia vị cho thấm. Món ăn ngon cần dùng sợi bánh canh bột xắt nấu chín với nước sôi rồi cho tôm vào đảo đều, thêm nước cốt dừa và nêm gia vị cho vừa ăn. Tô bánh canh có màu trắng đục hơi hồng của tôm, thơm ngậy nước cốt dừa, ăn béo mà không ngấy, lẫn chút mằn mặn, cay cay của tiêu xay và dậy mùi hành lá. Ảnh: Lê Hữu Tường
Chắc bạn sẽ hết hồn hay giật mình đôi chút khi nghe đến giá của một tô bánh canh lề đường mà lại lên đến hơn......