Nhớ cháo cá dềnh thuở xuân xưa trên sông nước Thu Bồn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bà ngoại tôi thường kể, không biết tại sao dòng sông Thu Bồn mang nhiều huyền thoại này có loài cá “đặc hữu” xuất hiện lúc xuân đến Tết về, là cá dềnh, đã đi vào văn hóa ẩm thực, tập tục của cư dân.

Nhớ cháo cá dềnh thuở xuân xưa trên sông nước Thu Bồn - 1

Sông Thu Bồn chảy qua khu vực Hòn Kẻm Đá Dừng – nơi có nhiều cá dềnh sinh sống

Nhớ thuở còn thơ, gia đình tôi sinh sống trên ghe, thuyền của xóm vạn chài với nghề đánh cá trên sông Thu Bồn. Sau này được đi học, tôi được biết sông Thu Bồn là một dòng sông mang nhiều huyền thoại dân gian và chứng tích hào hùng chảy qua các miền di sản của Quảng Nam. Khi gần đến biển, sông Thu Bồn và sông Bà Rén gặp lại nhau để hòa với dòng Trường Giang chảy qua phố cổ Hội An rồi đổ ra biển Cửa Đại.

Bởi thường xuyên ở trên ghe nên tôi thường thấy trong suốt hành trình đi bằng thuyền máy trên sông Thu Bồn vào xuân, mới cảm nhận hết cái kỳ thú của dòng sông xuyên qua nhiều làng quê nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, với những nà bắp, biền dâu trù phú xanh ngát một màu, những hàng tre rủ bóng ven sông.

Nhớ cháo cá dềnh thuở xuân xưa trên sông nước Thu Bồn - 2

Nhìn ảnh, nhớ lúc tôi bên mẹ cùng bếp lửa chiều xuân  của xóm vạn chài trên sông Thu Bồn ngày xưa

Ngày trước, trên dòng sông  này với những xóm vạn đò tỏa khói lam chiều hư ảo trên sông; những bến đò tấp nập khách “thương hồ”, những tiếng vọng gọi đò ơi ới, những danh thắng nổi tiếng như Hòn Kẽm Đá Dừng, mỏ than Nông Sơn, làng trồng cây trái Đại Bình, làng nghề trầm cảnh và ngôi chợ cổ Trung Phước, làng nghề gốm La Tháp, An Hòa; làng nghề khai thác dầu rái Phương Trạnh, rải rác các làng nghề đánh cá ven sông…

Lúc sinh tiền, bà ngoại tôi cho hay, không biết tại sao dòng sông Thu Bồn mang nhiều huyền thoại này có 2 loài cá “đặc hữu” xuất hiện lúc xuân đến Tết về, là cá mòi và cá dềnh, đã đi vào văn hóa ẩm thực, tập tục của cư dân địa phương ở làng Thu Bồn và khu vực Hòn Kẽm Đá Dừng.

Cha tôi với nghề đánh cá trên sông Thu Bồn cho hay, hằng năm, cứ dịp sau Tết Nguyên đán, từng đàn cá mòi dày đặc háo hức  ngược dòng nước “di cư” lên phía thượng nguồn sông Thu Bồn để đẻ trứng. Lượng cá mòi tập trung nhiều nhất ở đoạn sông chảy qua hai xã Duy Tân (Duy Xuyên) và Đại Thắng (Đại Lộc) thuộc tỉnh Quảng Nam.

Nhớ cháo cá dềnh thuở xuân xưa trên sông nước Thu Bồn - 3

Cá dềnh mùa xuân béo mập

Không biết “cơ duyên” nào mà cá mòi  tụ về rất nhiều  ở khu vực làng Thu Bồn ven sông. Vào dịp  trẩy hội ở Lăng Bà Thu Bồn hằng năm, du khách có dịp thưởng thức các món ăn truyền thống được chế biến từ cá mòi với các món: Ram cá mòi, mì Quảng cá mòi… thơm ngon đã níu chân du khách gần xa.

Trở lại câu chuyện cá dềnh, cha tôi cho hay, hằng năm, cũng cứ vào khoảng Tết Nguyên đán, thời tiết nắng ấm sau thời gian dài âm u nên cá dềnh ngược dòng Thu Bồn lên khu vực Hòn Kẽm Đá Dừng, nơi có vách đá dựng đứng, nước sâu và tĩnh lặng để đẻ trứng, bắt đầu mùa sinh sản (thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Nhờ vậy, những người làm nghề chài vùng thượng nguồn sông Thu Bồn như cha tôi thả lưới đánh bắt nhiều cá dềnh.

“Năm mới, có người mùng 2 Tết đã đi đánh cá dềnh bởi đầu năm thả lưới bắt được nhiều cá dềnh thì năm đó làm ăn may mắn. Đây là “lộc trời” của vùng sông nước ban cho những người dân vạn chài trong khu vực trong những ngày đầu xuân. Mùa cá dềnh hàng năm kéo dài từ tháng Chạp đến hết tháng Giêng…”- Cha tôi  tâm sự.

Bà ngoại tôi cũng cho hay, cái tên cá dềnh có thể là do loài cá nầy chuyên đẻ trứng nơi ghềnh đá nên lâu ngày từ cá ghềnh đọc trại thành cá dềnh chăng ? Cá dềnh được dân vạn chài khai thác ở khu vực đầu nguồn sông Thu Bồn từ đầu tháng Chạp đến hết tháng Giêng. Có những năm, cá dềnh ức nước, lên đây đẻ trứng, có lúc “cao hứng”, từng đàn cá màu trắng bạc chao lượn và phóng mình lên mặt nước lấp lánh, tung bọt nước trắng xóa bên ghềnh.

Nhớ cháo cá dềnh thuở xuân xưa trên sông nước Thu Bồn - 4

Nguyên liệu nấu món canh chua cá dềnh

Theo tập tục của cư dân vạn chài, đầu năm đánh bắt được nhiều cá dềnh được xem là điều may mắn cho một năm chài lưới thuận lợi, góp phần nâng cao đời sống cho những gia đình ngư dân trên sông Thu Bồn. Và ngày đầu năm mới, người bán cá dềnh cũng bán khá rẻ để thu hút người mua nhanh chóng nhằm “mở hàng” lấy hên đầu năm mới.

Người mua cũng hài lòng vì giá cả khá rẻ, hy vọng năm mới sẽ mang may mắn, “thuận buồm xuôi gió” về công việc, nghề nghiệp của mình, bởi theo tập tục địa phương, đầu năm mới ăn cá dềnh thì người ăn sẽ được hên cả năm, làm gì cũng thuận lợi, may mắn…

“Cá dềnh nấu món gì cũng hấp dẫn, nhất là món cháo nóng. Trong những ngày Tết, người dân chủ yếu dùng thực phẩm dự trữ, nhiều thịt heo, dầu mỡ ăn rất ớn (ngán) nên cá dềnh là nguồn thực phẩm tươi được nhiều người chọn mua về chế biến các món ăn và chiêu đãi bạn bè lai rai đầu xuân nhằm lấy hên năm mới…” – Cha tôi cho biết.

Sau này, khi xuân đến Tết về, có dịp tôi cũng mua cá dềnh chế biến các món ăn. Theo đó, cá dềnh kho ngọt, kho dưa cải, chiên, nướng chấm mắm..., nhưng món cháo cá dềnh  ăn nóng là tuyệt diệu. Cá dềnh làm mang, đánh vảy, bỏ vi, ruột, rửa sạch để ráo; rồi cắt lát ướp tiêu bột, ớt xanh và hành tím giã dập, cho thấm đều. Bỏ cá dềnh đã ướp vào nồi nấu lấy nước rồi vớt ra, cho gạo và ít hạt sen vào nấu cháo. Khi cháo nhừ, cho cá dềnh vào, thêm gia vị. Ăn nóng với các loại rau thơm như rau quế, ngò tàu, ngò ta thì khỏi phải… bàn!        

Nhớ cháo cá dềnh thuở xuân xưa trên sông nước Thu Bồn - 5

Cháo cá dềnh thơm ngon với hương vị đặc trưng và may mắn cho người dùng đầu năm mới

Với cái hương vị cá dềnh rất riêng, lạ, du khách có dịp đến chợ Trung Phước vào mùa xuân có thể mua một cá dềnh về nướng chấm muối tiêu, chanh hoặc chiên giòn chấm nước mắm gừng, ăn với cơm cũng ngon. Nhưng ngon nhất là cặp trứng mà trắng ngà, vừa nóng, thơm, bùi và béo béo, bạn đã ăn 1 lần, thế nào bạn cũng tìm gắp thêm một lần trứng nữa…và cái hương vị của nó, có lẽ suốt đời khó quên ! Ai đã một lần ăn cháo cá dềnh thì khó mà quên. Song, được thưởng thức món cháo cá dềnh vừa lạ, vừa ngon với hương vị đặc trưng vừa  mong muốn một năm mới hanh thông, may mắn, an khang, thịnh vượng là một trải nghiệm khó quên.

Bà ngoại tôi kể rằng, cô gái làng vạn chài trên sông Thu Bồn thường đãi người bạn trai quê ở đồng bằng Núi Thành đến chơi món cháo cá dềnh. Không biết vì mê cô gái làng chài xinh đẹp hay mê “món cháo cá dềnh” mà hai người đã nên vợ nên chồng. Sau này còn câu ca truyền lại: “Lấy hên ăn cháo cá dềnh / Làng chài anh nhớ mối tình đôi ta / Cầu cho mưa thuận gió hòa / Mùa màng tươi tốt anh ra cưới nàng…”.

Giờ đây, ngoại đã về bên kia thế giới, xuân năm nay tôi lại trở về thăm lại dòng sông xưa vẫn miệt mài trôi chảy để nhớ về những buổi chiều xuân bên ánh lửa bập bùng tỏa khói ấm áp bên “mái” gia đình; nhớ những nồi cháo cá dềnh ngoại nấu thơm ngát trên sông mà ngoại tôi thúc giục: “Con ăn để lấy hên, trên con đường đi tìm cái chữ, sau này thoát khỏi cảnh vạn chài long đong trên sóng nước nghe… con…”…

Nhìn trên bàn thờ, di ảnh ngoại với đôi mắt hiền từ như thuở nào ngoại khuyên tôi cố gắng học hành để sau nầy thành người tử tế. Không biết nhớ ngoại hay vì làn khói hương bảng lảng mà đôi mắt tôi lại cay cay.

Nhớ cháo cá dềnh thuở xuân xưa trên sông nước Thu Bồn - 6

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hòa Vang

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.