Cháo lòng Cái Tắc “thương hiệu” ẩm thực ở xứ miệt vườn Hậu Giang

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hậu Giang không chỉ có cánh đồng lúa bạt ngàn, vườn trái cây trĩu quả, sông nước mênh mang thu hút lữ khách. Món cháo lòng cái Tắc cũng làm nên “thương hiệu” ẩm thực, nổi tiếng ở xứ này.

Cháo lòng – tên món ăn rất đỗi quen thuộc với bất cứ người dân Việt Nam nào. Thế nhưng, cháo lòng Cái Tắc lại mang hương vị rất riêng, khó nơi nào có được. Cũng vì thế, món ăn này dần trở thành thương hiệu ẩm thực Hậu Giang, được nhiều du khách biết đến.

Là một thị trấn thuộc xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, Cái Tắc có nhiều hàng quán bán cháo lòng nằm liền kề nhau. Mỗi quán sẽ có công thức nấu và cách nêm nếm riêng nhưng thành phần chính vẫn là gạo và lòng heo.

Cháo lòng Cái Tắc “thương hiệu” ẩm thực ở xứ miệt vườn Hậu Giang - 1

(Ảnh: Thuý Hằng)

Để làm nên món ăn này, đầu bếp thường chọn những loại gạo ngon, gạo khô cơm để khi nấu không bị bột. Lòng heo được chọn phải còn tươi, không đông lạnh để giữ trọn vẹn vị thơm ngon.

Nguyên liệu cần phải sơ chế tỉ mỉ cho thật sạch. Cái khéo ở đây là lòng heo sẽ được mang đi chiên sơ qua cho dậy vị, không đơn giản chỉ luộc như những món cháo lòng nơi khác.

Gạo được rang để khi nấu hạt cháo không bị nát, sau đó được ninh cùng xương tạo vị ngọt rất tự nhiên. Cháo lòng Cái Tắc được nấu nhừ và lỏng, không đặc như những vùng khác.

Cháo lòng Cái Tắc “thương hiệu” ẩm thực ở xứ miệt vườn Hậu Giang - 2

(Ảnh: Thuý Hằng)

Lúc nồi cháo sôi, đầu bếp cho huyết, thịt, phèo, phổi…vào cho đến khi nồi cháo nhừ vừa ăn thì vớt những nguyên liệu đó ra để trên mâm. Riêng huyết sẽ được chừa lại. 

Để cháo không bị khê (cháy), người bán thường dùng vá (muôi) quậy cháo cho đều, lúc này những miếng huyết tan ra càng tạo thêm vị ngọt.

Có dịp đến Hậu Giang, du khách đừng quên thưởng thức món cháo lòng nổi tiếng này. Nếm thử một miếng cháo lòng Cái Tắc, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt béo được tiết ra từ lòng heo. Khi ăn không quên cho vào tô cháo các loại rau ăn kèm như rau đắng, bắp chuối, rau má, giá để tăng thêm mùi vị. 

Húp muỗng cháo, nhai mấy miếng lòng dai dai chấm với nước mắm mằn mặn, cay cay mới thấy được sự kết hợp này thật sự đậm đà biết mấy. Thêm vào đó là hương vị của các loại rau ăn kèm, giòn giòn, thơm thơm,…khó lòng quên được.

Cháo lòng Cái Tắc “thương hiệu” ẩm thực ở xứ miệt vườn Hậu Giang - 3

(Ảnh: Thuý Hằng)

Các quán cháo lòng ở Cái Tắc thưởng mở cửa bán từ sáng sớm đến tận khuya. Dù là món đặc sản nhưng giá cả lại rất bình dân, chỉ từ 20.000 – 40.000 đồng, thực khách đã có ngay tô cháo lòng ngon và lạ miệng.

Hiện tại, món cháo lòng Cái Tắc đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Vĩnh Long,…Nhưng để thưởng thức được tô cháo có hương vị hài hòa, thơm ngon “đúng chuẩn” nhất thì có lẽ bạn nên tìm đến Hậu Giang.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Phượng

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.