Cà ra chiên lá lốt - Dùng một lần nhớ mãi
Cà ra hay còn gọi cua lông là một đặc sản của huyện Ba Chẽ. Mỗi khi tiết trời se lạnh tầm trung tuần tháng 10, tháng 11 hàng năm chính là mùa của cà ra.
Con cà ra nhìn thoáng như con rạm ở miền xuôi, có điều cà ra to hơn con rạm, ở hai càng có lông màu nâu đất. Một con cà ra ngon nhìn cảm quan bên ngoài có mai nhẵn, màu hơi sậm. Đây là loài sống tự nhiên, dù đã thử rất nhiều cách nhưng những người mang ý định nuôi cua lông vẫn chưa tìm ra cách để có thể nuôi được loài cua này và đành phải chấp nhận đánh bắt theo mùa.
Cà ra (cua lông) là đặc sản của huyện vùng cao Ba Chẽ.
Những món ăn được chế biến từ cà ra cũng không quá nhiều, thông thường vào thu, tiết trời hơi se lạnh, thực khách thường lựa chọn món lẩu cà ra. Tuy nhiên, món mà được nhiều thực khách yêu thích lại là món cà ra chiên lá lốt.
Để làm được món cà ra chiên lá lốt, chị Lê Thị Thuý, đầu bếp nhà hàng Giểng Thít (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ), cho biết: Cà ra dùng để chiên phải là cà ra nhỏ, nếu dùng con to ăn sẽ bị cứng. Ở dưới xuôi thường có ghẹ sữa, thì ở vùng cao có thể gọi loại cà ra nhỏ dùng làm món chiên là cà ra sữa cho dễ hình dung.
Trước khi chế biến món ăn, cà ra sẽ được bóc mai và bỏ phần chân, chỉ giữ lại phần thân và cắt làm đôi cho vừa ăn. Với món ăn này không cần phải dùng quá nhiều gia vị, vì như chị Thuý chia sẻ, bản thân con cà ra thịt đã rất đậm đà nên không cần tẩm ướp gia vị gì cả. Chỉ có một loại gia vị quan trọng không thể thiếu, đó chính là bột chiên giòn.
Phần thân cà ra được phủ một lớp bột chiên giòn, khi dầu ăn sôi thì cho cà ra vào chiên vàng. Để làm tăng hương vị cho món ăn, khi cà ra chuyển sang màu vàng ruộm, chị Thuý cho vào chảo một chút tương ớt và đảo đều, như vậy món cà ra sẽ có vị cay nhẹ kích thích vị giác của thực khách. Khi cà ra đã chín, cho lá lốt thái sợi vào đảo cùng đến khi lá lốt quắt lại thì tắt bếp, vớt cà ra để ráo dầu rồi cho ra đĩa, vậy là món cà ra chiên lá lốt đã hoàn thành.
Món cà ra chiên lá lốt với màu vàng ruộm bắt mắt và vô cùng thơm ngon.
Phần chân và mai của cà ra lúc sơ chế ban đầu được chị Thuý giữ lại, chị bảo phần này không bỏ đi mà sẽ đem đi xay với một chút muối, rồi lọc lấy nước cốt. Chúng ta sẽ nấu được một bát canh cà ra mùng tơi nóng hổi thơm ngon.
Bát canh mùng tơi nấu từ phần nước cốt lọc từ mai và chân cà ra
Phần thân cà ra được chiên vàng chấm với chút tương ớt lại ngọt thỉu, thơm bùi giòn tan trong miệng. Không nói đây là cà ra, những người lần đầu tiên ăn món này hẳn sẽ liên tưởng đến bim bim - một món ăn vặt mà các bạn nhỏ cực kì yêu thích.
Ăn cà ra chiên, thỉnh thoảng lại nhấm nháp chút canh mùng tơi với phần gạch cà ra béo ngậy, nóng hổi thơm ngon khiến thực khách dùng một lần là nhớ mãi.
Những năm gần đầy, vùng biển Mũi Cà Mau, nơi có nhiều rạn san hô hướng khu vực từ Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển) sang Hòn...