XÂY DỰNG NGỌN HẢI ĐĂNG TRÊN NÚI NHỎ THÀNH BIỂU TƯỢNG DU LỊCH CỦA VŨNG TÀU

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

(Tham luận tại Hội thảo

“Môi trường Du lịch tại TP Vũng Tàu” ngày 11/5/2013)

 XÂY DỰNG  NGỌN HẢI ĐĂNG TRÊN NÚI NHỎ  THÀNH BIỂU TƯỢNG  DU LỊCH CỦA VŨNG TÀU - 1

1. Vai trò của biểu tượng trong việc quảng bá du lịch

Chúng tôi nảy ra ý tưởng tìm kiếm một hình ảnh làm biểu tượng cho du lịch Vũng Tàu sau một số lần ra nước ngoài công tác, học tập hoặc du lịch.  Cuối năm 2011, chúng tôi đi một tuor thăm Singapore và Malaysia trong khoảng một tuần. Những người đã đi Mã Lai và Singapore khi về thường mua các kỷ vật đặc trưng của những quốc gia này, đó là Tượng con sư tử mình cá (Merlion) của Singapore và Tượng Tòa Tháp đôi Petronas của Malaysia. Khi mua, ai cũng nói: “Để ghi nhớ về một nơi mà mình đã đến thăm”.

Quả thật, trong nhiều thứ có thể mua mang về từ Mã và Sing, thì chỉ có Tượng Sư tử mình cá (Merlion) và Tòa Tháp đôi Petronas là những vật không thể lẫn vào đâu được  để chứng thực cho mọi người thấy rằng bạn đã đặt chân đến những đất nước đó. Bây giờ, đối với người dân trên khắp thế giới, hễ cứ nhìn thấy Tượng Sư tử mình cá là người ta biết đấy là Singapore, cứ nhìn thấy Tượng Tòa Tháp đôi Petronas là người ta biết đấy là Malaysia. Như vậy, Sư tử mình cá và Tòa Tháp đôi Petronas đã trở thành những vật biểu tượng cho ngành du lịch của hai quốc gia Singapore và Malaysia. Qua hiện tượng Sư tử mình cá và Tòa Tháp đôi Petronas, chúng ta nhận thấy rằng, các biểu tượng có sức mạnh rất to lớn trong việc quảng bá du lịch nói riêng và hình ảnh của đất nước Singapore và Malaysia nói chung trên phạm vi khu vực và thế giới.

 Vậy tại sao một biểu tượng lại có sức lan tỏa và quảng bá to lớn như vậy?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy trở lại với Tượng Sư tử mình cá (Merlion) và Tòa Tháp đôi Petronas.

Tượng Merlion được thiết kế năm 1964. Hình ảnh đầu sư tử lấy trong truyền thuyết kể vế một con vật đầy sức mạnh huyền thoại mà hoàng tử Sang Nila Utama đã gặp và đã trao cho nó chiếc vương miện của mình trên hành trình hoàng tử đi khám phá đảo Singapura từ hàng nghìn năm trước công nguyên. Hình ảnh mình cá biểu trưng cho việc đất nước Singapore ngày nay đã khởi đầu từ một làng chài ven biển. Sự kết hợp giữa đầu sư tử và mình cá trong mẫu Tượng Merlion thể hiện tình cảm văn hóa của người dân Singapore về nguồn gốc của đất nước họ, đồng thời biểu hiện niềm tự hào của họ về sức mạnh phát triển phi thường của đất nước Singapore.

Nếu như Tượng Merlion của Singapore sử dụng cả yếu tố huyền thoại, thì Tòa Tháp đôi Petronas của Malaysia lại là hình ảnh về một sự vật có thật hoàn toàn. Tòa Tháp đôi Petronas là một phần trong tổng thể khu phức hợp công viên, công trình văn hóa và công sở ở trung tâm thủ đô Kuala Lumpur. Cao 452 mét, có 88 tầng chính và 44 tầng phụ, hoàn thành năm 1998, Petronas là Tòa Tháp đôi cao nhất thế giới hiện nay, là biểu tượng của thủ đô Kuala Lumpur và là niềm tự hào của đất nước Malaysia trong giai đoạn phát triển hiện đại.

Tượng Merlion đặt ở nhiều nơi trên đất Singapore. Ở Công viên Sư tử biển có tượng Merlion phun nước cao 8,6 mét, nặng 70 tấn; du khách chụp ảnh với nó rất đông, nhiều người thích căn khuôn hình của máy ảnh làm sao để khi chụp, thấy vòi nước từ miệng con sư tử phía sau phun ra rót trúng vào đầu mình để lấy hên! Còn tượng Merlion ở khu vui chơi Sentona thì cao khủng khiếp hơn; có thể nói cao lưng chừng trới. Du khách đi thang máy trong ruột tượng lên thẳng tầng 10, sau đó leo tiếp vài chục bậc thang bộ nữa mới lên đến đỉnh đầu con sư tử, đứng trên đó có thể nhìn toàn cảnh hòn đảo Sentona. Còn Malaysia tuy là đất nước của cây cọ dầu, nhưng Tòa Tháp đôi Petronas mới là biểu tượng cho sự phát triển hiện đại của họ.

Hai biểu tượng Merlion và Tòa Tháp đôi Petronas đều là những sự vật mang tính tiêu biểu chung cho văn hóa truyền thống và sự thịnh vượng của đất nước, đều là những công trình kiến trúc độc đáo, có tầm vóc lớn trong không gian,  gây ấn tượng mạnh, đều được sử dụng làm các điểm tham quan, đều là một sản phẩm không thể thiếu của tour du lịch. Tương tự như vậy, ở Pháp có tháp Éffen, ở Mỹ có tượng Nữ Thần Tự Do, ở Trung Quốc có Vạn lý trường thành, ở Ai Cập có Kim tự tháp…. Thông qua dáng vẻ bề ngoài, các sự vật này gợi cho khách tham quan những ấn tượng độc đáo, mạnh mẽ và sâu sắc; thậm chí là cả những ý nghĩa ẩn kín và thiêng liêng không nói được thành lời, khiến họ phải nhớ mãi. Đấy vừa là những tiêu chí phải có, vừa là những giá trị của một biểu tượng. Với những giá trị mang tính đại diện cao như thế này, một sự vật khi đã được mọi người thừa nhận như là một biểu tượng của du lịch và của quốc gia, thì nó có sức lan tỏa và có sức quảng bá rất lớn.

 

2. Du lịch địa phương cũng có thể xây dựng được biểu tượng

Từ phạm vi quốc gia, chúng ta suy ra, trong phạm vi một địa phương cũng có thể tìm ra và xây dựng được một biểu tượng của du lịch địa phương. Nếu nhìn những sự vật lớn đã trở thành biểu tượng, như Tháp Éffen ở Pháp , Tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ, Vạn lý Trường thành ở Trung Quốc, Kim Tự tháp ở Ai Cập, hay Tượng con sư tử mình cá ở Singapore, Tòa Tháp đôi Petronas ở  Malaysia như vừa nói ở trên, thì có vẻ như việc đi tìm biểu tượng cho du lịch Vũng Tàu là câu chuyện viển vông, là nhiệm vụ bất khả thi. Quả thật là không dễ gì để có một biểu tượng như vừa kể, vì chúng đều được sinh ra trong những điều kiện kinh tế - văn hóa và xã hội đặc biệt; ở những quốc gia có nền kinh tế lớn, nền văn hóa rực rỡ và một xã hội phát triển. Biểu tượng có ra đời được hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của sản xuất, vào bề dày của văn hóa, vào tâm lý của xã hội… Không phải quốc gia hay địa phương nào hễ muốn là cũng có ngay một biểu tượng được mọi người thừa nhận rộng rãi.

 Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, mọi biểu tượng nói cho cùng vẫn là sản phẩm do con người làm ra; cho nên nếu có chủ ý và khi gặp điều kiện thuận lợi thì có thể tạo ra được một biểu tượng. Đây chính là cảm hứng để chúng tôi nghĩ rằng, hãy tìm trong các giá trị du lịch của TP Vũng Tàu những gì có khả năng trở thành biểu tượng, sau đó lập kế hoạch phát triển kinh tế - du lịch phù hợp để thúc đẩy sự ra đời của biểu tượng đó.

 3. Gọi  ý về Ngọn Hải Đăng trên Núi Nhỏ - Vũng Tàu

Nhiều năm nay, tỉnh BR-VT đã tổ chức việc tìm kiếm các kỷ lục của tỉnh, và đã thu được một số kết quả. Có những kỷ lục đã được ghi nhận; trong số này chúng tôi nghĩ nhiều về Ngọn Hải Đăng trên Núi Nhỏ vì nhận thấy đây là một sự vật có nhiều yếu tố thuận lợi để có thể xây dựng thành biểu tượng của du lịch Vũng Tàu.

Ngọn Hải Đăng chúng ta thấy ngày nay đặt trên đỉnh cao nhất của Núi Nhỏ, được xây năm 1910. Trước đó đã có một tòa Hải Đăng khác (tiếng Pháp ghi trong các địa đồ cũ là Ancien Phare) ở mỏm núi thấp hơn về phía nam, nơi bây giờ đặt Tượng Chúa. Trong sách “Cochinchine contemporaine” xuất bản ở Paris năm 1884, tác giả A. Bouinais cho biết Hải Đăng này do kỹ sư Maucher xây dựng, khánh thành ngày 15.8.1862. Năm 1910, Hải Đăng này được chuyển lên địa điểm mới như ngày nay, cao hơn nền của Hải Đăng cũ 30 mét và cao so với mực nước biển là 170 mét.

Hải Đăng là một tháp tròn, xây bằng đá hộc, cao 18 mét, đường kính 3 mét, sơn màu trắng. Trong lòng tháp có cầu thang xoắn ốc, làm bằng thép dày với 55 bậc đi qua ba tầng tháp lên gần tới đỉnh và có lối dẫn ra ban công. Tầng tháp thứ ba là nơi đặt và vận hành thấu kính Hải Đăng.

Thiết bị đèn chiếu sáng mà Hải Đăng Núi Nhỏ đang sử dụng có tầm hiệu lực ban ngày là 34 hải lý, ban đêm 23 hải lý, tâm sáng 193 mét, ánh sáng trắng chớp nhóm 2, chu kỳ 12 giây.  Đèn có tác dụng chỉ vị trí mũi Ô Cấp tỉnh BR-VT, giúp tàu thuyền định hướng ra vào vịnh Ghềnh Rái.

Ở nước ta có nhiều ngọn Hải Đăng, nhưng theo chúng tôi, Hải Đăng trên Núi Nhỏ Vũng Tàu có nhiều giá trị riêng và khá nổi bật sau đây:

Thứ nhất, nó có tuổi đời đã hơn 100 năm và phong cách kiến trúc cổ. Đặc điểm này làm cho Ngọn Hải Đăng mặc dù là một công trình kỹ thuật hàng hải thuần túy, nhưng lại có giá trị văn hóa và du lịch.

Thứ hai, về mặt địa hình, đứng ở đỉnh cao nhất của Núi Nhỏ, Ngọn Hải Đăng kích thích du khách tò mò khám phá công trình bằng các hoạt động như leo núi, chụp ảnh và ngắm nhìn bằng mắt thường hoặc bằng ống nhòm toàn cảnh Vũng Tàu từ trên cao.

Thứ ba, nó mang tính thân thiện. Ngọn Hải Đăng có nhiệm vụ soi đường để các tàu đi biển định vị được vị trí của mình và đi lại bảo đảm an toàn. Việc Ngọn Hải Đăng như con mắt thức sáng đêm đêm là một hình ảnh giàu tính thẩm mỹ.

Thứ tư, cũng nhờ lợi thế về mặt địa hình, toàn bộ vẻ đẹp của Núi Nhỏ và Ngọn Hải Đăng càng nổi bật trên nền trời đêm nếu sử dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại, và đứng ở nhiều nơi trên địa bàn TP Vũng Tàu cũng có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp này .

Thứ năm, mô hình Núi Nhỏ và Ngọn Hải Đăng rất dễ chế tác thành các vật lưu niệm để bán cho du khách; vừa giúp cho việc quảng bá hình ảnh của du lịch Vũng Tàu, vừa tạo ra doanh thu từ việc bán hàng lưu niệm.

Thứ sáu, thực tế là đã từ lâu, Ngọn Hài đăng luôn luôn là một điểm du lịch có tiếng, du khách trong nước và nước ngoài đến Vũng Tàu đều thích lên thăm Ngọn Hải Đăng.

Với 6 đặc điểm này, nếu so sánh với Tượng con sư tử mình cá ở Singapore hay Tòa Tháp đôi Petronas ở  Malaysia, thì thấy Ngọn Hải Đăng trên Núi Nhỏ Vũng Tàu cũng hội đủ những yếu tố tương tự; do đó nếu đầu tư tốt,  Ngọn Hải Đăng trên Núi Nhỏ có khả năng trở thành biểu tượng du lịch của Vũng Tàu.

Tuy nhiên, hiện tại Ngọn Hải Đăng có nhiều mặt hạn chế. Thứ nhất, tầm vóc của nó khá nhỏ bé so với phối cảnh xung quanh, cho nên không tạo được cảm giác đã mắt cho người tham quan, không làm cho khách tham quan phải trầm trố thán phục. Thứ hai, phần không gian thuộc về Ngọn Hải Đăng cũng chật hẹp, không thuận tiện cho việc phát triển lớn các dịch vụ du lịch. Thứ ba, chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng cả ban ngày lẫn ban đêm tại chân Ngọn Hải Đăng.

Để có thể trở thành biểu tượng của  du lịch Vũng Tàu, Ngọn Hải Đăng  phải được nâng cấp và đặt trong một kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - du lịch tại khu vực Núi Nhỏ nói chung, giống như tượng Merlion hay Tòa Tháp đôi Petronas, các vật này đều nằm trong quần thể liên hoàn những công trình kinh tế - văn hóa – du lịch hoành tráng khác. Có thể chúng ta sẽ đi những bước như sau:

 

a. Khắc phục những điểm còn hạn chế hiện nay của Ngọn Hải Đăng như vừa nói ở phần trên bằng cách lập quy hoạch phát triển một quần thể du lịch phức hợp trên Núi Nhỏ gồm nhiều công trình liên hoàn, trong đó lấy Ngọn Hải Đăng làm điểm nhấn.

b. Nghiên cứu việc nâng cao và mở rộng tầm vóc kiến trúc của công trình Ngọn Hải Đăng nếu việc làm này không vi phạm các quy định của luật hàng hải quốc tế.

c. Dưới chân và xung quanh Ngọn Hải Đăng bố trí hệ thống công viên, nhà bảo tàng, nhà hàng, khu mua sắm, khu giải trí, hệ thống đường cáp treo, đường ôtô…, với sức phục vụ lớn, độc đáo và chuyên nghiệp. Sử dụng công nghệ chiếu sáng nghệ thuật hiện đại để làm cho Núi Nhỏ và Tháp Hải Đăng hiện lên nổi bật trên nền trời vào ban đêm. Nếu cần thiết, có thể thuê các nhà tư vấn và thiết kế có uy tín trong nước và nước ngoài để làm việc này.

d. Kêu gọi đầu tư xây dựng các hạng mục theo đồ án đã được duyệt, kể cả kêu gọi các nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

e. Biên soạn tài liệu giới thiệu về Ngọn Hải Đăng trên Núi Nhỏ, xuất bản thành sách, tập gấp, đĩa hình để phổ biến cho các hãng du lịch trong nước, ngoài nước và tuyên truyền trong nhân dân tại địa phương. Tổ chức chế tác mô hình Ngọn Hải Đăng và Núi Nhỏ thành vật lưu niệm để bán cho du khách.

 

4. Những bên có liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp Hải Đăng - Núi Nhỏ

Sau những đề xuất kể trên, thì có một câu hỏi đặt ra, đó là: Ai sẽ là người thúc đẩy đầu tư; và những bên có liên quan đến Dự án cải tạo, nâng cấp Hải Đăng Núi Nhỏ là những cơ quan nào?

Hải Đăng Vũng Tàu  hiện nay do Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải II thuộc Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam quản lý. Tháng 7.2009, Công ty này được UBND tỉnh BR-VT cho phép và thỏa thuận địa điểm lập Dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng Hải Đăng tại Núi Nhỏ với phần mở rộng thêm ra ngoài khuôn viên Hải Đăng là khoảng 3 hecta.

Theo phương án thiết kế của Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam, ngoài việc bảo tồn, tôn tạo các hạng mục chính của Hải Đăng bị xuống cấp sau hàng trăm năm sử dụng, thì tại đây sẽ xây dựng thêm một số hạng mục, như Trung tâm thông tin hàng hải, Bảo tàng Hàng hải, Câu lạc bộ Thuyền trưởng - Thuyền viên, khách sạn nghỉ dưỡng và các khu dịch vụ du lịch phục vụ khách tham quan…

Như thế là đã có một doanh nghiệp manh nha ý tưởng cải tạo và nâng cấp khu du lịch Hải Đăng - Núi Nhỏ. Theo chúng tôi, ý tưởng phát triển một quần thể du lịch phức hợp đủ sức để nâng tầm vóc của Ngọn Hải Đăng lên thành biểu tượng như đã nói ở phần trên cũng không mâu thuẫn gì với ý tưởng ban đầu của doanh nghiệp, có khác chăng chỉ là ở quy mô của dự án. Thiết nghĩ, Hiệp Hội du lịch tỉnh, UBND TP Vũng Tàu có thể tham mưu để UBND tỉnh BRVT chủ trì bàn bạc để Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam đồng thuận trong việc phối hợp xây dựng quần thể du lịch Núi Nhỏ - Ngọn Hải Đăng. Mặt khác, TP Vũng Tàu nói riêng phải giám sát và yêu cầu Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng Hải Đăng tại Núi Nhỏ. Kể từ khi được giao 3 hecta đất ở phần mở rộng của Ngọn Hải Đăng, dường như Công ty chưa triển khai hoạt động nào trên thực địa để xây dựng Dự án.

 Môi trường du lịch tại TP Vũng Tàu có đặc điểm là có biển và có núi đứng sát bên bờ biển, trên núi có những công trình xây dựng nổi tiếng đã được xác lập là kỷ lục Việt Nam như Ngọn Hải Đăng trên Núi Nhỏ. Nhân cuộc hội thảo về “Môi trường du lịch tại TP Vũng Tàu”, chúng tôi đề xuất ý kiến rằng, nên tận dụng đặc điểm và lợi thế này để xây dựng Ngọn Hải Đăng Núi Nhỏ thành biểu tượng du lịch của Vũng Tàu. Theo suy nghĩ của chúng tôi, quá trình xây dựng Ngọn Hải Đăng Núi Nhỏ thành biểu tượng du lịch của Vũng Tàuthực chất cũng là quá trình đầu tư để tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh du lịch, đồng thời đó cũng là một cách quảng bá thường xuyên, liên tục cho hình ảnh của du lịch Vũng Tàu đến với du khách trong nước và nước ngoài.

Có thể ý kiến của chúng tôi còn những điểm chưa thật thuyết phục; rất mong được quý vị trao đổi thêm.

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

Chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc va thành đạt.

Chúc cuộc hội thảo thành công.

Nguyễn Nam Bình

Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT