Không chỉ sở hữu vẻ đẹp hùng vĩ ví như “nàng công chúa ngủ quên” giữa đại ngàn Tây Nguyên, Siu Puông còn là chốn thiêng của đồng bào Xê Đăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) lưu giữ nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc biệt của ngọn thác cao nhất Việt Nam.
Theo lãnh đạo xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, thác Siu Puông dài khoảng 240m, chảy thành nhiều tầng khác nhau từ trên xuống, nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển.Trong đó, có 5 tầng chính theo hình ziczac, tầng trên cùng cao nhất khoảng 60m.
Thác nằm ở giữa hai dãy núi Ngọc Kal và Ngọc Pâng, cách TP Kon Tum khoảng 89 km. Nước của thác Siu Puông được bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc linh.
Tên gọi Siu Puông: Từ “Siu” cách gọi của người Xơ đăng dịch sang Tiếng phổ thông gọi là “Thác” và từ Puông là cái tên của thác. Trên đỉnh thác Puông còn có Siu MôKla gọi là thác Đá Hổ (con Hổ), thời xưa khi người dân đi đặt bãy hay thấy con Hổ lên tản đá thác này phơi nắng và bảo vệ khu rừng này nên người dân đã đặt tên là Siu MôKla.
Đây là một ngọn thác hùng vĩ được rừng nguyên sinh bao bọc, một trong những ngọn thác cao nhất ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại.
Khởi nguồn từ sâu trong rừng già, khi các tầng đất và đã đã ổn định nên dòng nước của thác Siu Puông trong vắt và mát lạnh quanh năm. Bên dưới mỗi tầng thác đổ là hồ nước thiên nhiên trong vắt, tuyệt đẹp.
Thác Siu Puông không chỉ là một tuyệt sắc cảnh ấn tượng mà còn là chốn thiêng với đồng bào Xê Đăng bản địa, người dân địa phương rất xem trọng nguồn nước của ngọn thác này bởi họ coi đây chính là nguồn nước thiêng,.
Họ có thể sử dụng nguồn nước từ con thác cho sinh hoạt hằng ngay nhưng tuyệt đối không được giặt giũ ở đầu nguồn, phụ nữ đến kỳ không được phép lội qua con nước và người mất cũng không được khiêng ngang qua con nước.
Thời điểm lý tưởng nhất để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp hoàn mỹ của con thác này là khoảng tháng 10, lúc này con thác được bổ sung nguồn nước rất dồi dào từ thượng nguồn, bề mặt thác có thể mở rộng lên đến 30m tạo thành một bức tranh hùng vỹ..
Tháng 10 thời tiết ở Kon Tum rất mát mẻ, đôi khi có mưa bất chợt nhưng cũng không kéo dài nên du khách có thể thỏa thích khám phá thác Siu Puông cũng như các điểm du lịch hấp dẫn khác.
Từ thành phố Kon Tum du khách đi theo quốc lộ 14 về hướng Bắc khoảng 42km, khi đến địa phận của huyện Đắk Tô thì di chuyển theo tỉnh lộ 672 thêm 16km để đến ngã ba chợ Đăk Trâm sau đó rẽ trái vào tỉnh lộ 678 thêm 30km nữa là đến được trung tâm của xã Đăk Na.
Từ trung tâm của xác Đăk Na phương tiện tối ưu nhất để đến khu vực thác là xe máy, mất thêm khoảng 20 phút di chuyển.
Tuyến đường đi vào thác Siu Puông cũng sẽ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm đặc biệt khi được đi qua những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng, lớp lớp, con suối uốn lượn nên thơ mê hoặc lòng gười. Khi đã đến khu vực giữ xe du khách tiếp tục đi qua những cung đường ngoằn ngoèo giữa rừng thông bạt ngàn, qua bãi cỏ xanh mơn mởn là vị trí của ngôi làng cũ ngày xưa của đồng bào Xê Đăng.
Qua khỏi bãi cỏ du khách tiếp tục đi bộ băng rừng, lội suối thêm 15 phút nữa sẽ đến được ngọn thác. Với cảnh quan hùng vĩ của núi rừng xanh mướt ôm trọn lấy thác nước tung bọt trắng xóa tạo nên khung cảnh tựa chốn bồng lai, sẽ khiến bất kỳ du khách nào đến đây cũng đều cảm thấy choáng ngợp và cuốn hút với vẻ đẹp của thiên nhiên.
Trong làn sương phảng phất buổi sớm, những tia nắng của ngày mới xuyên qua kẽ lá hòa vào thanh âm của muôn loài chim líu lo giữa không gian yên tĩnh, để rồi du khách bất chợt vỡ òa giữa âm thanh ầm ào hung tráng của thác Siu Puông. Càng đến gần, hiện dần ra trước mắt một thác nước như “nàng công chúa ngủ quên” giữa đại ngàn Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum hoang sơ.
Từ trên đỉnh núi cao, dòng thác tuôn trào chảy qua nhiều tầng đá tạo nhiều cung bậc hòa quyện giữa khu rừng nguyên sinh tạo nên bức tranh thiên nhiên hoang sơ tuyệt tác. Đứng dưới chân thác, con người sẽ cảm thấy thật nhỏ bé trước khung cảnh hùng vĩ của thác Siu Puông.
Thác Siu Puông nằm gần nhiều điểm du lịch hấp dẫn của Tu Mơ Rông nên du khách có thể kết hợp thăm quan trong lịch trình của mình. Gần thác Siu Puông có quần thể 20 ha cây ngũ vị tử mọc thành từng khóm leo trên các thân cây cổ thụ rất đẹp trong khu rừng tự nhiên của tiểu khu 204, hàng chục cây sơn tra cổ thụ mọc tự nhiên tạo nên cảnh sắc rất đẹp.
Giữa thiên nhiên diệu kỳ của mảnh đất đại ngàn của huyện Tu Mơ Rông, không chỉ “giải nhiệt” ngày hè với thác Siu Puông, du khách còn thể tham quan Vương quốc sâm Ngọc Linh, hòa điệu giữa thanh âm cồng chiêng giao lưu với đồng bào Xê Đăng, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của núi rừng như: Gỏi lá, cá niêng, thịt heo thả rông, dê nướng… giữa tiết trời dịu mát trên dãy núi Ngọc Linh huyền thoại.