TP.HCM liên kết cùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng sản phẩm du lịch: Cần những gì?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các tour du lịch và các dịch vụ du lịch về các tỉnh ĐBSCL đã có từ rất lâu. Phần lớn du khách trong và ngoài nước rất ít phàn nàn khi đến đây bởi tính đặc trưng sông nước miệt vườn và sự nổi tiếng của sông Mê Kông trên bản đồ du lịch thế giới. Thế nhưng, trong thời gian qua, doanh thu du lịch vùng này chưa cao và sự phát triển ở từng địa phương chưa đồng đều. Như vậy, chúng ta cần đánh giá lại các sản phẩm du lịch của khu vực, từ đó xem xét để có thể “tân trang” hay xây dựng các sản phẩm mới khả thi hơn nhằm thu hút được nhiều thị trường du khách.

Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), sản phẩm du lịch là "sự kết hợp giữa các yếu tố hữu hình và vô hình, như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và nhân tạo, các điểm tham quan, cơ sở, dịch vụ hoạt động xung quanh một địa điểm cụ thể và tạo ra trải nghiệm cho khách du lịch bao gồm các khía cạnh cảm xúc cho khách hàng". Khu vực ĐBSCL trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, nhất là về mặt dịch vụ, từ lưu trú, nhà hàng đến điểm vui chơi, phương tiện vận chuyển… Tuy nhiên, chúng chưa có sự liên kết chặt chẽ để phát triển một cách đồng bộ, hay nói nôm na, chúng ta có nhưng chưa đủ!

TP.HCM liên kết cùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng sản phẩm du lịch: Cần những gì? - 1
Rừng tràm Trà Sư trong mùa nước nổi. Ảnh: Hữu Long

Riêng về sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền là điều mà doanh nghiệp lữ hành và du khách luôn mong mỏi. Nhưng để có thể làm tốt được điều này, chúng ta không những cần nghiên cứu khai thác tiềm năng và tài nguyên du lịch địa phương mà còn cần tham khảo các chuyên gia du lịch, hay chính xác hơn là các chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch của từng doanh nghiệp lữ hành. Vì hơn ai hết, họ hiểu khách hàng của họ và có nhiệm vụ đưa khách hàng tiếp cận nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch.

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu du lịch chung cho cụm liên kết vùng của TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, từ thực tế hoạt động kinh doanh lữ hành của các công ty du lịch tại khu vực ĐBSCL trong nhiều năm qua, chúng ta cần đề xuất xây dựng và phát triển các sản phẩm liên kết vùng theo 8 chủ đề chính để làm nổi bật nét đặc trưng của từng địa phương:

Thứ nhất, tour du thuyền (có nghỉ đêm trên tàu) kết hợp với đi thuyền chèo vào các kênh, rạch, đi bộ trên các cù lao xanh, thăm vườn trái cây, nhà dân, làng nghề... cần trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của ĐBSCL.

Thứ hai, tour làng nghề đặc trưng như: làm nón, dệt chiếu, làm lưỡi câu, làm hạt sen, làng hoa, cây kiểng… cần được quan tâm khai thác  để giúp hình thành các chương trình tour đặc sắc cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm những nét văn hóa sống động của từng địa phương. Đồng Tháp nổi tiếng về sen, do đó cần đầu tư cho các làng nghề làm hạt sen thành các điểm đến cho du khách. Sa Đéc có làng hoa Tân Quy Đông; Lai Vung nổi tiếng về làm nem chua, vườn quýt; Cái Bè làm kẹo cốm; Bến Tre có các cơ sở chế biến dừa; Cái Mơn có làng cây kiểng; An Giang có bè cá... cần nghiên cứu và kế hoạch cụ thể để các điểm đến này trở nên hấp dẫn hơn.

Thứ ba, tour kết hợp các lễ hội, sự kiện đặc thù của từng địa phương vốn có sức hút đối với du khách trong và ngoài nước, như các lễ hội dân gian, lễ hội trái cây Nam Bộ, lễ hội đua ghe ngo… Nên chăng chúng ta cũng cần nghĩ đến việc tổ chức các festival như Festival Huế?

TP.HCM liên kết cùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng sản phẩm du lịch: Cần những gì? - 2
Hội thi đua ghe ngo ở Sóc Trăng hàng năm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa. Ảnh: Hữu Long

Thứ tư, tour kết hợp đi xe đạp tham quan các làng quê rất hấp dẫn du khách. Công ty du lịch địa phương nên khảo sát thêm và chọn ra những cung đường đẹp, an toàn, phù hợp với loại hình xe đạp.

Thứ năm, tour khám phá các sân chim, tràm chim hay các bưng, trảng, cồn... còn hoang sơ. Chẳng hạn như Tràm Chim Tam Nông là tài nguyên du lịch vô cùng quý giá của Đồng Tháp cần tập trung đầu tư mạnh thành một trung tâm du lịch đạt tiêu chuẩn đưa vào khai thác phục vụ du khách. Cồn Sơn của Cần Thơ có sức hút đặc biệt từ du lịch cộng đồng...

Thứ sáu, tour biển đảo là một định hướng khả thi vì ĐBSCL là một vùng sinh thái đa dạng, có sự kết hợp hài hòa giữa miệt vườn sông nước, núi rừng và biển đảo với 7 tỉnh nằm ven biển với tổng chiều dài bờ biển trên 700km, có hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ... Với tiềm năng và thế mạnh để khai thác du lịch biển đảo như vậy, bước đầu, một số nơi như Mũi Nai, Hòn Phụ Tử, Hòn Tre, Hòn Trẹm... và đảo Phú Quốc được chú trọng đầu tư, khai thác du lịch. Trong số đó, Phú Quốc nổi lên như là một điểm đến về nghỉ dưỡng cho du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, du khách dễ dàng đến thăm Phú Quốc bằng đường hàng không và đường thủy. Các địa phương khác cần tham khảo, xác định tiềm năng và thế mạnh du lịch, từ đó có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để đầu tư xây dựng chiến lược phát triển du lịch.

Thứ bảy, các chương trình liên tuyến Việt Nam - Campuchia: Cần khẳng định ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong các chương trình tour liên tuyến kết nối Việt Nam và Campuchia bằng đường bộ và đường thủy. Các chương trình đường bộ phổ biến kết nối TP.HCM với ĐBSCL (Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc, Châu Đốc) và kết nối ĐBSCL với Phnôm Pênh (Campuchia) bằng tàu cao tốc qua cửa khẩu Vĩnh Xương (Châu Đốc).

Cuối cùng, sản phẩm lưu trú đặc thù: Bên cạnh việc xây dựng các khách sạn đạt chuẩn quốc tế, các tỉnh ĐBSCL cũng cần hợp tác nghiên cứu, đầu tư và kêu gọi đầu tư các "riverside resort", "countryside resort" và "islet resort" gắn liền với sông nước, vườn cây ăn trái... nhằm tạo nét riêng, đặc thù cho hệ thống lưu trú tại khu vực ĐBSCL. Việc xây dựng các homestay cần có quy hoạch cụ thể tránh phát triển tràn lan và hạ thấp giá trị của loại hình dịch vụ từng được du khách yêu thích.

8 chủ đề nêu trên đương nhiên luôn phải có mặt một đại sứ văn hóa địa phương, đó là ẩm thực. Ẩm thực khu vực ĐBSCL cần được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực trong việc quảng bá cho du khách và TP.HCM sẽ là nơi tập trung giới thiệu bộ ẩm thực này, bên cạnh việc du khách sẽ thưởng thức các món ăn độc đáo đặc trưng tại các địa phương.

TP.HCM liên kết cùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng sản phẩm du lịch: Cần những gì? - 3
Chợ nổi thường thấy ở miền tây sông nước, nơi mà bạn có thể tìm thấy đủ loại mặt hàng và đặc sản địa phương. Ảnh: Hữu Long

Việc liên kết xây dựng chuỗi sản phẩm này không thể thiếu sự tham gia và chia sẻ kinh nghiệm của TP.HCM với tư cách là đầu tàu và là đầu mối giao thông quan trọng của cả vùng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận lại một vấn đề là các tỉnh, thành bạn dường như đang xem TP.HCM là nơi chuyển khách về địa phương và tìm các sản phẩm du lịch để cung cấp cho nguồn khách trong và ngoài nước đến thị trường này. Thế liên kết sẽ mạnh mẽ hơn nếu các doanh nghiệp và các nhà quản lý có thể định hướng xây dựng các tour tuyến để TP.HCM có thể đón lượng khách không nhỏ từ khu vực ĐBSCL và du khách quốc tế đến từ các nước bạn thông qua các cửa khẩu đường bộ, đường sông và đường biển của các địa phương. Chuỗi sản phẩm du lịch trong thế liên kết này sẽ vững mạnh và thuận lợi hơn bao giờ hết và tạo ra thế cạnh tranh lớn đối với các nước đang phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á.

Nhìn chung, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng là việc cần thiết. Chúng ta nên nhanh chóng bắt đầu chương trình hành động từ việc bắt tay ngay vào thiết kế xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao để chạm đến trái tim du khách.

Phan Yến Ly

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!