TẢN MẠN DU LỊCH BA LÔ HỘI AN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TẢN MẠN DU LỊCH BA LÔ HỘI AN - 1  
Chùa Cầu

Người Hội An xưa nay đều muốn có cuộc sống ổn định, yên bình, nên Hội An được xem như vùng đất chỉ dành cho những ai không thích bon chen. Về Quảng Nam lần này, tôi muốn “nổ” chút chút về mấy nét văn hóa đặc trưng xứ Quảng với nhạc sĩ Vũ Hoàng. Nhưng, Phố cổ Hội An không xa lạ gì với với anh, vì những điểm khách du lịch đến, anh đều đã đến. Do đó, chuyện tham quan và làm Hướng dẫn viên bất đắc dĩ được tôi gác qua!

 

 

Dân dã... tuyệt vời

Qua mấy lời “a lô” thăm hỏi, tôi đưa Vũ Hoàng đến nhà một người bạn: Nguyễn Tường Mạnh – kỹ sư thủy lợi. Tôi thú thật, muốn đưa Vũ Hoàng sang Cẩm Nam ăn cá trụng cuốn bánh tráng, nhưng chắc không ngon bằng vợ con anh ra tay. Nguyễn Tường Mạnh cười vui và khẳng định đúng như thế. Sau khi dặn vợ con, anh nói như muốn trả lời thắc mắc được ẩn chứa sau cặp kính cận của Vũ Hoàng. Cá trụng do chính mình làm là mua ngay cá tươi về hấp, chứ ở hàng quán thì không biết họ hấp... từ lúc nào, nên cái ngon cũng bị... giảm một nửa. Bây giờ, bánh tráng cuốn cá trụng phải là bánh tráng Đại Lộc. Rau sống thì rau Trà Quế ở Hội An là số một, nhưng chỉ dùng rau thơm cho có hương vị, chứ cá trụng, nhất là cá nục trụng cuốn bánh tráng phải dùng rau muống để nguyên cộng mới đúng điệu. Ở Hội An, nhà nào có mảnh vườn con con thì cũng trồng một vạt rau muống để dành ăn sống, gọi là rau muống sân. Nước chấm thì nước mắm hoặc mắm cái (mắm nêm) không pha, chỉ giả vài trái ớt xanh cùng mấy tép tỏi là... trên cả tuyệt vời.

TẢN MẠN DU LỊCH BA LÔ HỘI AN - 2

Tháp Bình An

Tôi nói thêm, những năm gần đây, bánh tráng Đại Lộc trở thành thương hiệu, vì họ đã lập nên một làng nghề riêng, trồng riêng một loại lúa chỉ dùng để tráng bánh. Bánh tráng Đại Lộc không chỉ thơm mà còn dẻo, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng trong thâm tâm, tôi thích cuốn cá nục trụng, rau muống sống với bánh tráng sắn (khoai mì) hơn. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, nay đã vượt ngưỡng “tri thiên mệnh”, nên Nguyễn Tường Mạnh cũng đồng ý với tôi, cá trụng mà cuốn với bánh tráng sắn có cái ngon riêng, song bây giờ không dễ tìm, bởi dường như dân Quảng Nam không còn ai nghĩ tới loại bánh tráng của thời cơ cực nữa.

Và bữa ăn được dọn ra. Tiếng kêu giòn của cọng rau muống tươi, mùi thơm dịu nhẹ của rau mùi Trà Quế, vị ngọt của cá nục tươi hấp cách thủy cùng với vị mặn của mắm, cộng với cái cay nồng của ớt chìa vôi, cái thơm của tỏi... Vũ Hoàng thừa nhận đúng là một món ăn dân dã mà rất tuyệt vời. Ăn no cành hông mà miệng vẫn cứ thèm.

“Đóa hoa gỗ”

Cũng qua “a lô”, vài người bạn ghé nhà Nguyễn Tường Mạnh thăm hỏi sau thời gian không được gặp mặt nhau. Chúng tôi bàn về hồn phố cổ. Vũ Hoàng đưa tấm ảnh vừa chụp tại một số căn nhà mà chúng tôi trên đường từ Đà Nẵng đến nhà Mạnh, hỏi về “đóa hoa gỗ” kèm theo dải vải trang trí như người ta choàng khăn qua cổ. Những người bạn tôi “ồ” lên cho biết đó là “mắt cửa”. Và dường như chỉ ở Phố cổ Hội An mới có nhiều “mắt cửa” đến thế, bởi hầu như nhà nào cũng có. Anh Trần Tự, nhà giáo sắp về hưu cho rằng “mắt cửa” ấy ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, chứ người Việt không có. Đúng là người Việt nói chung, người Việt ở Hội An nói riêng không có nhà nào có “mắt cửa”. Về sau, nhiều người Việt sở hữu được một số nhà ở khu vực phố cổ vẫn giữ nguyên lối bài trí ấy, với tinh thần “xưa bày nay bắt chước” không cần tầm nguyên làm gì. Nhưng “mắt cửa” ấy chưa hẳn là văn hóa Trung Hoa, bởi dòng người Hoa “phản Minh phục Thanh” đến Hội An có sau những thương nhân phương Tây, Nhật Bản. Chùa Cầu do người Nhật thiết kế xây dựng vẫn có “mắt cửa”, do đó việc một số người “dĩ Hoa vi trung” là trật!

TẢN MẠN DU LỊCH BA LÔ HỘI AN - 3

Nhà báo Vu Gia

TẢN MẠN DU LỊCH BA LÔ HỘI AN - 4

Quà lưu niệm du lịch tại khu Resort

Theo Nguyễn Tường Mạnh, “mắt cửa” xuất phát từ... “mắt ghe/thuyền”. Điều này dễ thấy nhất ở các xóm vạn. Xưa nay, bà con xóm vạn luôn coi chiếc ghe như ngôi nhà của những người sống trên bờ. Và chiếc ghe nào trước khi hạ thủy cũng đều được “điểm nhãn”. Những cư dân đến cửa biển Hội An từ những thế kỷ trước đều đi bằng đường thủy, nên khi lên bờ làm nhà, họ bài trí “mắt cửa” như muốn thần linh theo dõi bước chân làm ăn của họ, giúp họ đi đúng đường đúng hướng, giúp họ chống lại những trở lực vô hình nào đó...

TẢN MẠN DU LỊCH BA LÔ HỘI AN - 5

Bên trong chùa Cầu – Hội An

Tôi nhất trí với ý kiến này, bởi qua một số tư liệu mà tôi đã tiếp cận thì hàng ngàn năm trước Công nguyên, nhân dân Ai Cập đã từng vẽ con mắt của thần Osiris trên những con thuyền của mình, hoặc các thuyền của Hy Lạp, La Mã trước Công nguyên hàng trăm năm đã biết vẽ mắt thuyền rất sinh động trên các con thuyền. Theo Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch ở Hội An, thì qua khai quật/ trục vớt, Bảo tàng hiện lưu giữ trên 430 hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 18. Hầu hết các hiện vật là gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ Cận Trung Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan... Điều này cho thấy suy nghĩ của Nguyễn Tường Mạnh có cơ sở hơn.

Nỗi lo hồn phố

TẢN MẠN DU LỊCH BA LÔ HỘI AN - 6

Nhà thờ tộc

Khi bàn về hồn phố cổ, nhà giáo Trần Tự lo lắng một ngày không xa, hồn Phố cổ sẽ mất. Nỗi lo này, tôi cũng nghe được từ vài năm nay. Nói đến hồn phố cổ là nói đến chủ thể của nó, nhưng thời gian gần đây vì nhiều lý do mà chủ thể bị thay đổi. Trần Tự kể, người Hội An xưa nay đều muốn có cuộc sống ổn định, yên bình, nên Hội An được xem như vùng đất chỉ dành cho những ai không thích bon chen. Bây giờ cơ chế thị trường, lắm người “tiền muôn bạc vạn” trở thành cư dân phố Hội. Một người kể (xin được giấu tên, vì không muốn gặp rắc rối), cư dân mới kề hai bên vách suốt ngày văng tục chửi thề, quần lửng áo ba lỗ, tay chân xăm đầy những cọp, những beo. Về khuya, họ tổ chức nhậu nhẹt, hát hò om sòm... Nhiều đời qua, dân Hội An chưa ai có lối sống như vậy.

TẢN MẠN DU LỊCH BA LÔ HỘI AN - 7

Hội An

Việc phải bán nhà cổ ở Hội An giống như việc bán nhà cổ khác ở Quảng Nam khoảng chục năm nay. Nhà của ông bà để lại qua mấy đời là nhà ở không phải là nhà thờ đúng nghĩa. Do đó, con cháu phải bán để xây nhà thờ tư chi. Số tiền còn lại thì gửi ngân hàng để hằng năm lấy tiền lời lo việc cúng giỗ. Nhà cổ ở Hội An thì lắm nhà chỉ qua một vài đời. Bây giờ con cháu đã tới hàng chục. Nếu bán, thì đủ tiền để ra ngoại vi phố cổ chừng bốn, năm cây số có thể làm cho con cháu mỗi đứa một cái nhà đàng hoàng. Thế là nhà cổ từng bước, từng bước chuyển chủ dần... Nỗi lo của bạn bè tôi cũng như một số người nặng lòng với phố cổ cũng có phần đúng. Nhưng tôi tin nét đẹp văn hóa Phố cổ sẽ thắng, sẽ cải hóa dần lối sống chưa phù hợp của lớp cư dân mới. Dân tộc ta đã bị hàng ngàn năm Bắc thuộc, gần trăm năm bị văn hóa phương Tây đè nén, ấy mà văn hóa Đại Việt chỉ giàu thêm chứ không hề bị đồng hóa.

Sự trao đổi giữa chúng tôi có nhiều cung bậc, nên trên đường trở về nhạc sĩ Vũ Hoàng đã hiểu thêm thế nào là “Quảng Nam hay cãi”, và cái thú vị của... du lịch ba lô!

 

Cá ở cửa biển Hội An có vị thơm ngọt rất riêng làm cho ai đi xa cũng nhớ. Hồi sinh thời, nhà văn Nguyễn Văn Xuân có nói với tôi, đi ngược gió và cách khoảng vài cây số, nhà ai đang kho cá cửa biển Hội An là ông biết tỏng. Ngày đó còn trẻ, nên tôi nghĩ ông già này “nổ”, nhưng khi xấp xỉ một vòng hoa giáp, tôi mới hiểu vì sao người ta gọi ông là “Nhà Quảng Nam học”. Thương lắm và tiếc lắm. Cũng mang tiếng là người cầm bút, đầu sách đã xuất bản kể cũng bộn, song “sống chết” với quê hương như Nguyễn Văn Xuân qua từng trang viết, qua sự chiêm nghiệm của cả đời người, tôi thấy chưa có ai bén gót

.

V.G

Ảnh: Vũ Minh Hiếu


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT