Thú đi câu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 Nếu dòng kênh này mà không có người câu thì sẽ không thấy được cái đẹp, cái sức sống của dòng kênh. Vấn đề là phải phạt nặng những người xả rác, nhất là những loại rác khó phân hủy, chứ không nên cấm người câu

Từ xa xưa, dân gian có câu: Siêng đi tát, nhát đi câu/ Muốn mau đầy bầu chạy về đi nhủi. Điều này chỉ cho chúng ta thấy rằng với quan niệm của bà con nông dân ngày xưa, người đi câu thuộc vào hạng những người… lười nhát, vì không quan tâm đến năng suất lao động, có cá cũng vui, không có cá cũng vui. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ cũng từng làm vui với thú đi câu: Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo (Thu điếu).

Thú đi câu - 1

Một thời tuổi trẻ

Thời của chúng tôi (trên dưới 60 tuổi), ở thôn quê, hầu như đứa trẻ nào cũng thích đi câu dẫu chẳng dễ gì kiếm được dăm ba con cá ra hồn. Nhà nào có trồng bụi trảy, thì quý như vàng, không thân thiết thì chẳng dễ gì xin được. Nhà trồng trảy là để cho bạn bè, những người thân thích làm cần câu chứ chẳng bán mua gì. Xin cây nào là chặt sát gốc, mang về róc cành, lau mắt, đặc biệt là giữ đến chóp ngọn. Nếu thân cây trảy có chỗ nào hơi cong, thì đốt lửa, hơ nóng để uốn lại cho thẳng thớm. Vậy là có một cần câu tuyệt hảo. Có được cần câu, thì tùy theo mối quan hệ mà đến những người làm cá ven sông (gọi là bạn vạn), xin sợi dây cước (khoảng 4m hơn) và cái lưỡi câu rô (tức là lưỡi câu dành để câu cá rô, nhỏ hơn lưỡi câu tràu - lưỡi câu dành để câu cá tràu/ cá lóc/ cá quả). Tóm (buộc) lưỡi câu cũng là một nghệ thuật, phải học và làm thử năm lần bảy lượt chứ không phải buộc sao cũng được. Thế là có thể đi câu.

Mồi câu thì không cần chuẩn bị trước, cứ đến ven ao, hồ, ruộng nước đang kỳ trổ đòng… lấy chân đạp nhẽ vào những bụi cỏ là cào cào, châu chấu nhảy đầy. Cần câu để mút ngọn như vừa nói trên là dùng để câu nhắp, nghĩa là móc mồi vào lưỡi câu rồi nhắp mồi trên mặt nước. Cá tưởng đâu con mồi vừa sa xuống nước đang tìm cách bay lên, nên lao lên đớp. Được cá, người nào có mang giỏ thì bỏ vào giỏ và thả xuống nước để cá khỏi chết. Nhưng đó là những người câu chuyên nghiệp, rộng trong nước để dành ăn những mấy ngày; còn câu cho vui, thì khi đươc cá, người ta thường bứt cọng gút lại một đầu, đầu kia xỏ từ mang cá lên miệng rồi cột vào gốc cỏ nào đó, thả phần có cá xuống nước để cá khỏi chết. Những con cá này mang về nước trui, dằm nước mắm ớt tỏi ăn với cơm nóng là… trên cả tuyệt vời.

Đi câu cũng có… nghề

Bọn nhỏ chúng tôi ngày ấy, thường kiếm những vòi tre già làm cần câu và câu phao, nghĩa là ngắt một cọng cây Điên điển ven đường cột cách lưỡi câu chừng vài tấc, thả mồi xuống nước, hễ thấy phao rút là giật. Cách câu này dễ nhất, ai câu cũng được. Với tôi, khó nhất vẫn là câu nhắp và câu quăng. Tôi cũng đã thử câu nhắp, nhưng không biết lúc nào cá đớp mồi để giật. Câu quăng cũng thế, Câu quăng, nghĩa là quăng mồi ra xa rồi kéo dần con mồi về phía mình, rồi tiếp tục quăng con mồi ra xa… Cái khó là kéo làm sao để lúc nào cũng thấy con mồi nhảy xởm trên mặt nước, có lúc dừng lại nhắp nhắp vài ba cái rồi kéo tiếp. Cách câu này chủ yếu câu cá tràu (miền Trung gọi cá tràu, miền Nam gọi cá lóc, miền Bắc gọi cá quả) đẻ, đang thời gian chăm con. Đang giữ con mà thấy con mồi (thường dùng con nhái) nhảy xơm xơm quậy phá, cá mẹ "bập" ngay. Câu quăng cũng dành cho những người có nghề, chứ không phải ai muốn cũng được.

Cần câu quăng là một thanh tre già vót tròn, dài chừng 2m. Đầu cần câu, gắn một miếng sừng có 2 lỗ. Một lỗ gắn vào đầu cần câu, một lỗ đặt dây cước loại lớn. Một đầu dây cột lưỡi câu. Lưỡi câu này thuộc loại "chuyên dụng", nên phải đặt thợ rèn làm. Nơi tiếp giáp lưỡi câu với sợi cước, người ta có gắn cục chì hình chóp (đỉnh trân, đáy dưới). Phía dưới cục chì này có cái lỗ. Khi móc con mồi vào (thường là con nhái), người ta bứt cọng cỏ ống, một đầu cắm vào đầu lưỡi câu, một đầu gắn vào cái lỗ ở phần đáy cục chì, mục đích làm cho lưỡi câu không bị móc vướng vật cản khi kéo con mồi từ xa về phía người câu. Cục chì giúp cho phía con mồi có trọng lượng khi người câu ném đi được xa và theo ý muốn. Cước được quấn trong một cái trục bằng gỗ. Một tay cầm cần câu, một tay xỏ mấy ngón tay vào cái trục. Mồi ném tới đâu, thì cái trục nhả cước ra tới đó, rồi một tay đỡ cần câu, một tay quấn trục thu hồi dây cước, kéo mồi về phía người câu. Khi cá đóng câu, người câu giật một cái cho lưỡi câu đóng chặt vào hàm cá, rồi tùy theo cá lớn hay nhỏ mà buông trục, quấn trục, dìu cá vào bờ.

 Ý thức người dân!

Bây giờ, người đi câu khác với thời chúng tôi. Thứ gì cũng được bày bán sẵn. Trước Tết chừng một tháng và những ngày gần đây, trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tôi thấy từ sáng đến tối có nhiều người đứng câu hai bên bờ. Nhìn cảnh ấy, ai cũng vui mừng vì dòng kênh đã bớt ô nhiễm. Lúc mặt trời khuất bóng, tôi thường đi bộ ven kênh và thấy có người câu được vài ba ký cá, gồm cá trê, cá rô, nhiều nhất là cá chép; nhưng số này rất ít, nhiều người chẳng có con nào. Có người, rộng những con cá câu được trong thùng chứa sẵn nước một lúc xem cho sướng mắt rồi thả lại xuống kênh trước khi đi về.

Trong hàng chục người đứng câu ấy, có vài ba người thể hiện "quyết tâm" với 5-7 cần câu. Anh Đại (nhà ở Tân Bình), cho rằng đây là "cá sạch". Anh bạn cùng xóm, đi bộ với tôi có lời khuyên không nên ăn loại cá này, vì dòng kênh chưa hết ô nhiễm. Sở dĩ những loại cá rô, cá trê, cá chép sống được, vì chúng có khả năng sinh sống trong những môi trường đã bị ô nhiễm tốt hơn các loại cá khác… Ăn cá này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh Đại không tin như vậy. Theo anh, cá ngoài chợ bây giờ là cá nuôi, và ai dám đảm bảo thức ăn dành cho cá nuôi ấy không có hóa chất độc hại? Ngay cá ở đồng ruộng cũng phải chung sống với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… Do đó, cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè này, nếu không "sạch hơn", thì cũng không thua gì cá ở đồng ruộng (?).

Một người câu bên cạnh cho biết, UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, không để người dân dùng lưới vớt cá trên các kênh, rạch nhằm tạo môi trường sạch, xanh mà không cấm người câu là đúng. Nếu dòng kênh này mà không có người câu thì sẽ không thấy được cái đẹp, cái sức sống của dòng kênh. Vấn đề là phải phạt nặng những người xả rác, nhất là những loại rác khó phân hủy, chứ không nên cấm người câu. Và cũng nên vận động, thậm chí quy định, mỗi người nên sử dụng một cần câu. Được như vậy, đoạn đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ gây ấn tượng cho người qua đường, kể cả khách quốc tế đến thăm TP.HCM, khi có dịp đi ngang qua đây.

Ý kiến này, tôi thấy trách nhiệm của người dân TP.HCM với dòng kênh này không tệ. Vấn đề còn lại là ý thức của mỗi người đối với dòng kênh để góp phần cùng với Đảng bộ, Chính quyền xây dựng TPHCM trở thành Thành phố văn minh, hiện đại.

V.G

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!