Xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa đối với Du khách quốc tế đến Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không chỉ giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong hoạt động du lịch, chúng ta cần chủ động tích cực quảng bá văn hóa cho bạn bè thế giới bằng nhiều cách khác nhau. Vậy sẽ làm điều đó như thế nào trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay?

Trong hoạt động kinh doanh du lịch, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc là chưa đủ, mà chúng ta cần phải chủ động tích cực quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam cho bạn bè quốc tế bằng nhiều hình thức khác nhau góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các sản phẩm du lịch.

Bài báo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Phước Hiền và Nguyễn Thị Phương Duyên - Khoa du lịch và Việt Nam học, Đại Học Nguyễn Tất Thành thảo luận khái niệm xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa; tìm hiểu thực trạng và đề xuất giải pháp hoạt động kinh doanh du lịch bền vững, trong giao thoa văn hóa thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tạp chí Du lịch TP.HCM đăng tải toàn văn bài nghiên cứu của nhóm tác giả.

Xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa đối với Du khách quốc tế đến Việt Nam - 1

Ảnh: Tổng cục Du lịch Việt Nam.

1. Giới thiệu

Tại các quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển, du lịch được xem là phương tiện đánh thức và làm trỗi dậy niềm tự hào về văn hóa dân tộc, ngăn chặn những nguy cơ mai một văn hóa hay các hoạt động xâm lăng, áp đặt văn hóa. Du lịch là hoạt động văn hóa mang tính tổng hợp hay nói một cách khác, du lịch là một ngành kinh tế có nội hàm văn hóa sâu sắc, điều này thể hiện qua định hướng phát triển của Đảng ta: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra: “Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. “Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính tổng hợp liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Phát triển du lịch liên quan và phụ thuộc vào tất cả các ngành, lĩnh vực đời sống xã hội”. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam năm 2019, ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp.

Nhờ vào chính sách đổi mới, sáng tạo, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong suốt thời gian qua kết hợp với môi trường kinh doanh du lịch ngày càng thuận lợi. Việt Nam từng bước “tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016). Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, du lịch Việt Nam đã được chú trọng phát triển như Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và gần đây nhất là sự ra đời Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và xem “Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”.

Xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa đối với Du khách quốc tế đến Việt Nam - 2

Ảnh tư liệu.

Trong khi đó, theo báo cáo điểm nhấn du lịch 2018 do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017 so với năm 2016 và là một điểm nhấn của du lịch thế giới năm 2018, tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 700.000 tỷ đồng. Đặc biệt trong giai đoạn từ 2015-2019 vừa qua, tỷ lệ tăng trung bình đạt 22,7% mỗi năm. Những kết quả nổi bật này có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành inbound, chủ động quảng cáo, xúc tiến thương mại ở các thị trường mục tiêu, thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ, trực tiếp hay gián tiếp “xuất khẩu văn hóa” cho du khách, bảo vệ hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Bênh cạnh những mặt tích cực, đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực inbound còn nhiều hạn chế; chưa ý thức được vai trò sứ mạng là cầu nối văn hóa, trình độ ngoại ngữ chưa cao, vì mục đích kinh tế trước mắt mà đánh đổi lợi ích quốc gia dân tộc, tiếp tay cho cho các đơn vị kinh doanh du lịch nước ngoài tổ chức các tour du lịch 0 đồng tới Việt Nam. Vấn đề này xảy ra phổ biến tại Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng… Cho thuê hướng dẫn viên tại điểm (sitting guide). Phó mặc cho các trưởng đoàn du lịch nước ngoài (tour leaders) làm công tác hướng dẫn, giới thiệu dẫn đến thông tin hướng dẫn bị méo mó, sai lệnh. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch của chính người làm du lịch chưa thực sự tốt dẫn đến một bộ phận du khách nước ngoại thiếu tôn trọng văn hóa, luật pháp sở tại như mua bán cổ vật, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã, gây gỗ nơi công cộng… Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế đất nước, chất lượng điểm đến, niềm tin đối với sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Bởi suy rộng ra quyền lực vị thế quốc gia gồm nhiều yếu tố mà tạo thành; các chỉ số về kinh tế, dân số, quân sự, ngoại giao… đến các yếu tố liên quan đến văn hóa, truyền thống, đoàn kết dân tộc, tư tưởng, lối sống… Đối với hoạt động kinh doanh du lịch, tiếp thị, giới thiệu, tổ chức bán sản phẩm du lịch cho khách nước ngoài cần phải nhận thức rõ sự hấp dẫn thu hút du khách chính là cực nam châm văn hóa. Từ đó, tạo ra sự quan tâm, tôn trọng và thiện cảm từ du khách.

Ở khía cạnh quốc gia, nhiều nước lớn trên thế giới có tư duy “nước lớn”, “bá quyền” luôn xem văn hóa làm công cụ thể thực hiện tham vọng của mình như Trung Quốc đã lập nên các Viện Khổng Tử ở nước ngoài, Pháp có cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp (Francophonia), cộng đồng nói tiếng Nga, Tây Ban Nha. Hai nước nhỏ hơn là Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang tính cực quảng bá văn hóa đặc sắc của mình qua phim truyền hình, âm nhạc, thể thao, du lịch. Vậy rõ ràng, bằng nhiều hình thức và lý do khác nhau các quốc gia đang cố gắng “xuất khẩu văn hóa” của mình ra bên ngoài. Trong giới hạn bài báo, các đơn vị lữ hành inbound và các bên liên quan sẽ làm gì để thúc đẩy giao lưu, buôn bán, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới cũng như góp phần đưa đất nước hội nhập, thích nghi với làn sóng văn hóa ngoại đang rất phổ biến hiện nay.

2. Tổng quan lý thuyết

2.1. Mộ số khái niệm cơ bản

Đối với lĩnh vực kinh doanh du lịch inbound. Hoạt động du lịch bao gồm xây dựng, quảng cáo, tổ chức, điều hành phân phối sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, hoàn thành mục tiêu mà tổ chức đề ra. Có nhiều định nghĩa khác khác nhau về sản phẩm du lịch: Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), sản phẩm du lịch là tổng hợp ba yếu tố cấu thành: (1) Tài nguyên du lịch đặc thù; (2) Các dịch vụ hỗ trợ từ cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động và quản lý du lịch; (3) Dịch vụ du lịch gia tăng từ điểm đến. Luật du lịch (2017) tại Khoản 5, Điều 3, Chương I có nêu: “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của du khách”.  Tài nguyên du lịch bao gồm hai mảng lớn là tài nguyên du lịch tự nhiên (bao gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên được khai thác hoặc có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch và tài nguyên du lịch nhân văn (truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch - Luật Du lịch (2017).

Theo tác giả sản phẩm du lịch bao gồm trọn gói những giá trị hữu hình và vô hình được tổ chức khai thác và bán cho du khách nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách. Trong cỗ máy kinh doanh du lịch, để vận hành một cách trơn tru, công đoạn nào cũng chứa đựng các giá trị văn hóa... ngay cả những kỳ quan thiên tạo dù đẹp thế nào và chỉ có sức sống là nhờ vào trí tưởng tượng của con người (Vọng Phu, hòn Trống Mái…). Vậy có thể khẳng định rằng sản phẩm du lịch muốn tồn tại được phải gắn liền với văn hóa hay nói đúng hơn sản phẩm du lịch chính là sản phẩm du lịch văn hóa. Mối quan hệ này khăng khít nhưng lại hết sức linh hoạt, yêu cầu đối tượng hưởng thụ và khai thác cần có cái nhìn biện chứng, khách quan để có kế hoạch sử dụng tài nguyên du lịch một cách hợp lý và hiệu quả.

Xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa đối với Du khách quốc tế đến Việt Nam - 3

Khái niệm xuất khẩu văn hóa thông qua các hoạt động thể thao, truyện tranh, phim ảnh… đã được nhiều học giả đề cập nhưng xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa là một khái niệm mới. Bách khoa toàn thư mở cho rằng: “Xuất khẩu hay xuất cảng, trong lý luận thương mại quốc tế là việc bán hàng hóa và dịch vụ cho nước ngoài”. Theo khái niệm này có thể hiểu, bất kỳ sản phẩm nào được khách du lịch quốc tế mua hay tiêu dùng du lịch tại điểm đến thông qua sự quảng bá giới thiệu của các tổ chức du lịch, hãng lữ hành, hướng dẫn viên… đều được xem là xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa. Suy rộng ra, người tiêu thụ trực tiếp hoặc gián tiếp các sản phẩm hàng hóa, không phân biệt không gian địa lý, nếu có tác động của hoạt động du lịch thuộc nước sở hữu hàng hóa đó thì được xem là hoạt động “xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa”. Trong hoạt động du lịch, tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng trực tiếp.

Kinh doanh lữ hành quốc tế là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam (inbound) hoặc đưa khách du lịch ra nước ngoài (outbound). Để cụ thể hơn, Luật du lịch (2017) cũng nêu rõ khách du lịch inbound là người nước ngoài, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài tới Việt Nam du lịch. Đây chính là đối tượng cần nghiên cứu để có giải pháp thực hiện hiện chiến lược “xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa” trong thời gian tới.

2.2. Tổng quan nghiên cứu

Du lịch được ví là ngành công nghiệp không khói hay con ngỗng đẻ trứng vàng [1]. Du lịch đóng góp không nhỏ cho kinh tế tại các thành phố du lịch đặc biệt là khách du lịch inbound, giúp xuất khẩu hàng hàng hóa tại chỗ, tạo công việc làm cho người dân địa phương, nghiên cứu được thực hiện tại thành phố New York [2]. Thị trường du lịch inbound còn được ví là thiên đường cho xuất khẩu trực tiếp, trường hợp nghiên cứu tại đất nước Mexico từ giữa năm 1960 tới năm 2020 [3]. Doanh nghiệp lữ hành inbound là chuỗi mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp đó, họ không chỉ thực hiện chức năng kinh tế mà còn thực hiện chức năng xã hội [4]. Sự đóng góp của du lịch inbound là rất đáng ghi nhận. Theo số liệu của Tổng cục du lịch Việt Nam. Hầu hết các đơn vị tổ chức tour du lịch inbound ở nước ta đều là thành viên tổ chức du lịch thế giới như PATA, UNWTO... Sự tham gia hội trợ triển lãm du lịch quốc tế  là cơ hội  lý tưởng cho cơ quan xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp du lịch quảng bá điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch của mình đến các doanh nghiệp du lịch và khách du lịch nước ngoài thông qua gian hàng và các hoạt động họp báo, hội thảo [5]. Tại đây, các di tích và sự kiện văn hóa được giới thiệu luôn là nguồn cảm hứng cho khách du lịch đến tham quan, mua sắm [6]. Việc quảng bá, giới thiệu những kỳ quan thế giới được tổ chức UNESCO công bố và xếp hạng, Di sản Văn hóa Phi vật thể (ICH) và Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm cũng tăng sức mạnh thu hút khách du lịch đến điểm đến bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với những du khách đam mê lịch sử văn hóa [7]. Do vậy bảo vệ các di tích lịch sử, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới là công việc cần thiết của tất cả các bên liên quan nhưng đóng vai trò chủ chốt là Nhà nước, Điều này được thể hiện rõ trong bài viết của Nguyễn Thu Hà  chính sách bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể của Nhật Bản và bài học cho Việt Nam [8].

Bảo tồn, gìn giữ tài nguyên du lịch phải gắn liền với khai thác [9]. Hoạt động này không chỉ mang lại nguồn thu từ khách du lịch mà còn nâng cao trình độ cảm thụ, ý thức cho du khách và người dân địa phương. Điều này, doanh nghiệp lữ hành đã làm rất tốt trong khâu thiết kế chương trình, chọn lọc giới thiệu điểm đến, tổ chức tham quan [10]. Giới thiệu các các tiết mục ca múa nhạc cổ truyền trong tour gơi dậy niềm tự hào dân tộc, sống lại những loại hình nghệ thuật đã bị lãng quên, làm phong phú sản phẩm du lịch, quảng bá  văn hóa nghệ thuật truyền thống ra nước ngoài qua nghiên cứu về các điệu nhảy Latinh tại Tây Ban Nha [11]. Ngược lại để hỗ trợ du lịch Nhật Bản đã đưa ra chiến lược phát triển, xuất khẩu văn hóa với tên gọi “cool Japan” qua phim hoạt hình, truyện tranh, thể thao… Điều này đã phát huy tác dụng to lớn qua nghiên cứu về khách du lịch Hồng kông - Trung Quốc [12]. Làn sóng Hàn quốc đã biến nước nước này thành con hổ kinh tế châu Á, điểm tham quan mua sắm yêu thích mà trước đây họ không có được [13]. Ở đây xuất khẩu văn hóa lại hỗ trợ ngành công nghiệp du lịch phát triển. Du lịch ẩm thực, mua sắm đóng góp lớn vào kinh tế địa phương [14]. Du lịch mua sắm không chỉ mang lại nguồn thu cho kinh tế địa phương mà còn góp phần quảng bá văn hóa điểm đến [15]. Du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng trăng mật và các hoạt động khác có thể phát triển và mang lại nguồn lợi to lớn nếu biết kết hợp với hoạt động phim ảnh, báo chí trường hợp nghiên cứu tại các bãi biển du lịch Thái lan [16]. Dù chưa được công nhận rộng rãi về vai trò nỗ lực tạo nên thương hiệu du lịch quốc gia, điểm đến yêu thích, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành inbound trong  xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia [17].

3. Thực trạng “xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa” thông qua hoạt động du lịch inbound tại Việt Nam

Hoạt động du lịch nói chung và kinh doanh du lịch inbound nói riêng lớn mạnh cả về chất và lượng đủ sức phục vụ số lượng lớn khách du lịch quốc tế, cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị lữ hành nước ngoài. Nếu như năm 1990, ngành du lịch mới chỉ đón được 250 nghìn lượt khách quốc tế, cả nước chỉ có 4 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, thì đến năm 1996 đã có 76 doanh nghiệp. Năm 2005, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,5 triệu và số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế là 428. Đến hết năm 2019, cả nước đã có 2.667 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, gấp 6,2 lần so với năm 2005, trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 18 triệu lượt. Để đạt được thành tích đó, không thể không nhắc đến sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thông qua Tổng cục du lịch. Các qui định chính sách, pháp thuật, chiến lược phát triển đã được thực thi hiệu quả. Đối với hoạt động quảng bá, Tổng cục du lịch đã phối hợp cùng các hãng hàng không có các đoàn tham gia hội chợ du lịch quốc tế Quảng Châu, Thượng Hải, Dubai, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Châu Âu tổ chức. Quảng cáo du lịch Việt Nam qua kênh truyền hình nổi tiếng CNN. Xây dựng khẩu hiệu (slogan), hình ảnh, trang thông tin điện tử, sách báo cho du lịch Việt Nam hay tổ chức các liên hoan văn hóa quốc tế: Festival văn hóa Huế, lễ hội bắn pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội thả diều quốc tế Vũng Tàu, lễ hội đua thuyền buồm quốc tế Nha Trang... và rất nhiều các lễ hội ở qui mô quốc gia và khu vực khác như lễ hội festival Hạ long, lễ hội áo dài, lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội trái cây Nam Bộ...

Bên cạnh qui mô quảng bá du lịch văn hóa, con người Việt Nam ở cấp quốc gia. Các hãng lữ hành luôn quan tâm khai thác hình ảnh tài nguyên du lịch đặc sắc Việt Nam qua nhiều kênh khác nhau: trang thông tin điện tử, kênh youtube, mạng xã hội, tờ rơi, sổ tay du lịch… bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau với nội dung và hình thức bày cuốn hút theo từng thị trường du khách mà công ty đang phục vụ. Các điểm tham quan chính cấu thành nên sản phẩm du lịch văn hóa đó mà công công ty du lịch inbound nào cũng quan tâm đó là:

1) Di tích lịch sử cận đại liên quan tới các điểm tham quan nổi tiếng: địa đạo Củ Chi - Dinh Thống Nhất - Bảo tàng chiến tranh - đường mòn Hồ Chí Minh - Địa đạo Vĩnh Mốc - Nghĩa trang Trường Sơn - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bảo tàng Phụ nữ - Nhà tù Hỏa lò, cụm di tích Điện Biên Phủ… Đây là những di tích lịch sử nổi tiếng, gợi cho du khách về chiến tranh, mất mát, đau thương, tinh thần ái quốc, khát khao hòa bình của dân tộc ta nhưng không phải du khách nào cũng muốn nghe hay tới đây tham quan vì nhiều lý do khác nhau. Hầu hết các tour du lịch đều đưa các điểm tham quan này vào chương trình để giới thiệu cho du khách. Đây là vấn đề cần sớm có giải pháp để khắc phục.

2) Di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới: Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phải kể đến, bao gồm: 5 di sản văn hóa là Quần thể di tích Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành nhà Hồ; và 6 di sản tư liệu thế giới là Bia đá các khoa thi tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản Triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang. Ba di sản thiên nhiên, bao gồm: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu Quần thể danh thắng Tràng An. Đặc biệt, Việt Nam có Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Những di sản trên đây đã trở thành tài sản chung của nhân loại nhưng tình trạng sử dụng khai thác bừa bãi thiếu ý thức của con người, tình trạng xâm lăng các công trình văn hóa, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Hiện tượng mất an ninh trật tự thường xảy ra tại các khu di tích như ăn xin, bán hàng rong, móc túi, cướp giật...

Xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa đối với Du khách quốc tế đến Việt Nam - 4

Nhã nhạc Cung đình Huế. Ảnh: Thế giới di sản.

3) Du lịch thưởng thức văn hóa lễ hội truyền thống, văn nghệ dân gian: 9 di sản văn hóa phi vật thể là Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca Trù, Dân ca Quan họ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Lễ hội Gióng, Hát Xoan, Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ và Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống được lồng ghép và chương trình tour làm cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt, có những tiết mục không thể thiếu như đàn ca đài tử, nhã nhạc cung đình Huế, múa rối nước... rất mong múa rối nước sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian sớm nhất. Do tính thời vụ trong du lịch và các lễ hội diễn ra ở không gian và thời gian khác nhau. Do vậy nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc chưa được giới thiệu quảng bá cho du khách.

3) Du lịch ẩm thực: Việt Nam nổi tiếng với những món ăn ngon, bổ dưỡng, dễ chế biến, các chương trình trồng rau, dạy nấu ăn, thưởng thức ẩm thực Việt ở Hà Nội, Hội An, Huế và tại các địa phương khác rất được du khách yêu thích. Món ngon thì vùng miền nào cũng có nhưng đối với khách du lịch inbound ai cũng háo hức hương vị món phở, chả giò, bún chả, bún bò, bánh xèo và nhiều món ăn đường phố khác. Mặt hàng nông sản và trái cây của Việt Nam đã được du khách biết đến trong và sau chuyến đi du lịch có thể kể ra như cà phê trứng, cà phê chồn, hồ tiêu, hạt điều, vải thiều, xoài, thanh long, chôm chôm, sầu riêng... Không tính nguồn xuất khẩu ẩm thực tại chỗ. Trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng xuất khẩu ẩm thực với việc xuất khẩu 10,3 tỷ USD giá trị ẩm thực truyền thống, Việt Nam là một nước "xuất khẩu ròng văn hóa ẩm thực". Rõ ràng đây chính là lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam nhưng theo Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ: "Đối với Du lịch Việt Nam, có nhiều thứ hay nhưng một thứ hấp dẫn chưa được khai thác nhiều là ẩm thực Việt Nam”.

4) Việt Nam lợi thế bờ biển dài, cát trắng, khí hậu ấm áp rất phù hợp cho các hãng lữ hành khai thác các chương trình tham quan biển đảo, nghĩ dưỡng, lặn ngắm san hô, các địa điểm nổi tiếng như Phú Quốc, Côn Đảo, Mũi Né, Vũng Tàu, Nha Trang, Non Nước, Lăng Cô, Sầm Sơn, Đồ Sơn… Đây là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho du lịch Việt Nam nhưng món quà ấy chúng ta vẫn chưa biết sử dụng hay sử dụng hết. Du lịch nghỉ dưỡng chỉ thuần túy là nghỉ và dưỡng, còn thiếu nhiều hoạt động giải trí trên biển như lặn biển, trượt ván, chụp ảnh hay các buổi triển lãm về tài nguyên biển đảo Việt Nam mà du khách nước ngoài vẫn được thưởng thức hàng ngày tại quê nhà như tôm, cua, cá ghẹ...

5) Tour du lịch cộng đồng: Việt Nam là đất nước có nhiều dân tộc anh em, ¾ diện tích là đồi núi, người dân sống phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, người dân hiếu khách… đây là những lý do chính thu hút khách du lịch inbound: các điểm du lịch cộng đồng chính: Sapa (Lào Cai), Hà Giang, Mai Châu (Hòa Bình), Pù Luông (Thanh Hóa), Trà Quế (Quảng Nam), Đà lạt (Lâm Đồng), Cái Bè (Tiền Giang)… du lịch đã làm thay đổi cuộc sống người dân sở tại theo cả hướng tích cực và tiêu cực nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi tự hoạt động du lịch, khi số lượng khách tăng lên kéo theo tình trạng kẹt xe, ô nhiễm, cạnh tranh không lành mạnh... Sự va đập văn hóa giữa du khách với nhau, giữa du khách và người dân địa phương là không tránh khỏi. Để bảo lưu được truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng địa phương vừa tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế, các đơn vị lữ hành và các bên liên quan cần có các giải pháp thông tin, tổ chức, quản lý tốt hoạt động loại hình du lịch này trong thời gian tới.

6) Du lịch nghĩ dưỡng: ngoài các khu du lịch biển nổi tiếng, Việt Nam còn có các khu nghĩ dưỡng lâu đời được xây dựng từ thời Pháp có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm như: Sa Pa, Tam Ðảo, Bạch Mã, Bà Nà, Ðà Lạt. Đây là điểm du lịch yêu thích của cả khách trong và ngoài nước, do đặc tính văn hóa nên rất khó có thể tổ chức các đoàn khách inbound cùng đến nghỉ dưỡng tại đây trong cùng một thời gian. Hoạt động thu hút khách du lịch tại đây mang nhiều yếu tố văn hóa nước ngoài. Mong rằng sẽ có giải pháp quảng bá văn hóa Việt Nam cho nhóm đối tượng khách du lịch này trong tương lai.

7) Du lịch tham quan mua sắm: trên thực tế Việt Nam đã trở thành thiên đường mua sắm cho nhiều đối tượng khách du lịch inbound. Ở TP. HCM có mặt hàng vải vóc, quần áo, sơn mài; Hội An có nuôi tằm dệt lụa, may đo quần áo, da giày, làm kính, khảm bạc và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác; Hạ Long, Phú Quốc có ngọc trai; Tây Nguyên, Tây Bắc có các đồ thổ cẩm… Những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt, tiện dụng, giá cả hợp lý lại mang hồn cốt văn hóa Việt sẽ theo du khách đi khắp muôn phương nhưng còn đó tình trạng chèo kéo, bán hàng nhái, kém chất lượng, thông tin về sản phẩm còn mập mờ, không rõ ràng, gây không ít hoang mang cho khách du lịch quốc tế. Điều đó dẫn đến khách du lịch không sẵn sàng chi trả cao cho sản phẩm có xuất xứ Việt Nam, mất đi nguồn ngoại tệ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp cho đất nước.

4. Giải pháp cho “xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa” thông qua hoạt động du lịch inbound tại Việt Nam hiện nay

Từ nguyên liệu chính là tài nguyên du lịch nhân văn, du lịch tự nhiên kết hợp với lòng hiếu khách, bàn tay khéo léo, trí thông minh, linh hoạt của người dân Việt Nam đặc biệt là con tim và khối óc của đội ngũ nhân lực trong ngành du lịch, họ đã tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc phục vụ mọi đối tượng du khách. Nhưng do nhu cầu sử dụng, đặc tính tài nguyên, nguồn lực hạn chế, du lịch Việt Nam không thể bán tất cả thứ gì mình có. Từ ý tưởng đó, tác giả xin đưa ra một số giải pháp xuất khẩu du lịch văn hóa trong hoạt động kinh doanh du lịch inbound tại Việt Nam như sau:

Đối với các di tích lịch sử trung cận đại liên quan đến chiến tranh Việt Nam và các quốc gia khác cần thông tin rõ ràng, chi tiết trước và trong khi khách sử dụng dịch vụ. Cần khéo léo lồng ghép các điểm tham quan, thuyết minh, giới thiệu về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc nhưng tránh làm phật lòng du khách đặc biệt là nhóm khách đến từ những quốc gia từng tham chiến tại Việt Nam. Hạn chế đưa thông tin về chính trị tôn giáo trong hoạt động hướng dẫn du lịch, hãy cung cấp những thông tin cơ cản, trung lập để cho du khách tự cảm nhận và hiểu theo cách riêng của họ.

Đối với các di tích lịch sử văn hóa, di sản thế giới cần có chính sách bảo vệ, khai thác hợp lý, nên kết hợp với điện ảnh, văn học cho ra đời những tác phẩm truyền hình góp phần quảng bá du lịch văn hóa Việt Nam. Lấy ba trụ cột chính trong khai thác kinh doanh du lịch bền vững làm nền tảng phát triển: bền vững về môi trường, bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, mục đích rõ ràng ở qui mô quốc gia, hãng lữ hành sẽ đóng vai trò hạt nhân then chốt để tham mưu, tư vấn đóng góp để cho ra đời những hình ảnh đẹp, kịch bản hay… phục vụ nhu cầu xuất khẩu văn hóa của đất nước. Mạnh dạn đề xuất đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống, lễ hội dân gian vào chương trình tour như lễ hội Hùng Vương, lễ hội cá Ông, lễ hội cầu mưa, hát văn, hát xoan, trống quân, hát tuồng… quan tâm đặc biệt đến đối tượng du khách yêu thích tour du lịch khám khám phá trãi nghiệm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội…

Xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa đối với Du khách quốc tế đến Việt Nam - 5

Ảnh: Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Du lịch ẩm thực sẽ là thế mạnh lớn nhất của Việt Nam trong chiến lược xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa. Chuyên gia marketing Phillip Kotler đã nhận xét: “Việt Nam nên là bếp của thế giới”- tại buổi hội thảo “Marketing mới cho thời đại mới” ngày 17/8/2007 trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên đã cho thấy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, cần tập trung đầu tư, khai thác, phát triển nhằm quảng bá hình ảnh đất nước nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng. Lời khuyên của ông hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế chúng ta là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Xuất khẩu thủy sản đặc biệt là tôm, cá basa với doanh thu hàng tỷ đô la. Ngoài ra chúng ta cũng là quốc gia xuất khẩu các loại trái cây tươi và chế biến như mít, thơm, vải thiều, thanh long, xoài… Những mặt hàng chế biến từ gạo có thể kể như bánh tráng, chả giò, các loại bún phở rất được thị trường nước ngoài đón nhận. Ẩm thực Việt đã được du khách và nhiều tờ báo quốc tế ghi nhận nhờ vào nguyên liệu chế biến tươi sạch, công thức chế biến quân bình âm dương, hình thức trình bày hấp dẫn, giá cả hợp lý vậy nhà nước cần phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật chế biến món ăn, nhằm đưa hoạt động của các đầu bếp lên chuyên nghiệp, có quy chuẩn về tay nghề, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, mời các đầu bếp nổi tiếng tham gia các chương du lịch trải nghiệm khám phá thực tế ẩm thực 3 miền, tổ chức các cuộc thi nấu ăn như “Master Chef”, dạy nấu ăn cho du khách, cuộc thi thiết kế các sản phẩm tin học cho ẩm thực Việt Nam.

Từ đó dễ dàng lan tỏa hương vị món ngon Việt Nam trên bàn ăn thế giới. Hãng lữ cần hành vận dụng linh hoạt, khoa học trong việc sắp xếp bữa ăn cho du khách trong các chương trình du lịch trọn gói dài ngày, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ẩm thực Việt trong các nền ẩm thực khu vực và thế giới. tổ chức nhiều chương du lịch ẩm thực cao cấp, ẩm thực đường phố có lồng ghép các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc, tham quan mua sắm... Hạn chế giới thiệu cho du khách những món ăn đồ uống địa phương không phổ biến như thịt chuột, thịt chó, côn trùng, động vật hoang dã, rượu rắn… quan tâm nhiều đến tâm lý, tôn giáo, văn hóa của từng nhóm đối tượng phục vụ. Tăng cường quảng bá nhiều hơn nữa về ẩm thực Việt qua các nhân vật nổi tiếng thế giới song song với việc xúc tiến thương mại đưa hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị ở nước ngoài.

Tour du lịch văn hóa biển đảo: Với lợi thế hơn 3000 km bờ biển, nhiều bãi tắm có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp được các tạp chí du lịch thế giới ghi nhận. Để thu hút nhiều hơn đối tượng du khách đến đây, hãng lữ hành và các bên liên quan cần kết hợp cùng nhau xây dựng nên các chương trình du lịch nghỉ dưỡng với các loại hình du lịch khác: ẩm thực đêm, khám phá làng nghề truyền thống biển (đánh cá, làm muối, làm nước mắm, ngọc trai), tham quan vườn cây ăn trái đặc sản địa phương, tìm hiểu phong tục cưới hỏi, viếng thăm di tích lịch sử. Nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường…

Từ những điểm mạnh và điểm yếu của mỗi vùng miền mà có chương trình du lịch nghỉ dưỡng phù hợp, tránh rập khuân máy móc, sao chép lẫn nhau. Nhà nước cần có cơ chế chính sách, đầu tư cho cơ sở vật chất kỷ thuật đặc biệt là giao thông đường hàng không nhằm gia tăng kết nối quốc tế. Thường xuyên tổ chức các tour du lịch chuyên đề chụp ảnh, làm phim ngắn về du lịch biển đảo Việt Nam cho du khách tại các khu du lịch, sau mỗi chuyến đi. Đây cũng là cách thu hút quảng bá điểm đến ít tốn kém mà các nước có ngành du lịch phát triển đang áp dụng.

Tour du lịch cộng đồng: Đối với loại hình du lịch này ở nước ta, văn hóa địa phương là lý do chính mà khách du lịch muốn tới tham quan khám phá. Họ muốn cùng ăn, cùng ở, cùng vui chơi với người dân bản địa. Do vậy người làm du lịch inbound phải hiểu rõ bản chất của loại hình du lịch này, tâm lý, văn hóa của từng đối tượng khách từ đó tham mưu cho lãnh đạo, người dân để có kế hoạch đón tiếp. Nhà nước cần có các qui định, chế tài rõ ràng, đầu tư hệ thống đường điện trạm, hướng dẫn chi tiết cho các hộ kinh doanh du lịch và không kinh doanh du lịch về lợi ích của du lịch cộng đồng, những thách thức mà người dân gặp phải, nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết, trình độ phục vụ của người dân trong cộng đồng du lịch.

Nhà nước và doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần phối hợp, đánh thức tiềm năng du lịch thông qua nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, ca múa nhạc cổ truyền… Hãng lữ hành có trách nhiệm thông tin chi tiết về điểm đến du lịch cộng đồng cho du khách trước chuyến đi. Những câu chuyện, tấm hình, đoạn phim về đời sống văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được chia sẻ bởi du khách là cách quảng cáo tốt nhất cho hình ảnh thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam, góp phần đưa sản phẩm hàng hóa địa phương ra thế giới.

Du lịch nghĩ dưỡng: Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm lại được thiên nhiên ban tặng cho những dãy núi, cao nguyên hùng vĩ khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây là món quà quí giá cho du lịch Việt Nam nhưng để loại hình du lịch này phát triển, Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư phát triển hợp lý tại các địa phương. Tìm hiểu kỷ nhu cầu tâm lý từng đối tượng khách hàng. Khi xây dựng cơ sở vật chất kỷ thuật, chú trọng đưa văn hóa bản địa vào khai thác. Tại Bà Nà, Sapa các sản phẩm văn hóa giải trí, công trình xây dựng đều mang nhiều yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức hơn nữa trong cộng đồng người làm du lịch về vai trò sứ mạng truyền tải các giá trị lịch sử văn hóa qua công tác bảo tồn di tích, biệt thự cổ… phát huy nền văn hóa bản địa, đưa các loại hình du lịch khám chữa bệnh bằng thuốc Nam, châm cứu, bấm huyệt vào phục vụ du khách từng bước biến các sản phẩm du lịch nghĩ dưỡng thành sản phẩm văn hóa đặc sắc trong nước và khu vực.

Du lịch mua sắm. Việt Nam là địa điểm mua sắm được yêu thích. Các mặt hàng quần áo vải vóc dành cho du khách Hồi giáo Mã lai, Indonexia, Nhật Bản. Hàng nông sản khô cho khách du lịch Trung Quốc. Vải lụa, sơn mài, ngọc trai, thủ công mỹ nghệ… lại được quan tâm bởi du khách Úc, Mỹ, Châu Âu. Để Việt Nam trở thành thiên đường mua sắm cho khách du lịch. Nhà nước, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng làm du lịch và các bên liên quan cần ý thức hơn nữa về chất lượng hàng hóa. Từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ, xuất xứ, giá cả rõ ràng, không chèo kéo, o ép, đề cao chất lượng, đưa văn hóa vùng miền vào từng loại sản phẩm, tránh sao chép, đánh đồng ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu địa phương, thương hiệu quốc gia. Hãng lữ hành nên có các tour du lịch tham quan nhà máy, cơ sơ sản xuất hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ  để du khách có thể hiểu hơn về quy trình vận hành sản xuất, nguyên liệu, công việc thực tế của nghệ nhân… từ đó trân trọng sức lao động sáng tạo nghệ thuật, trân trọng giá trị hàng hóa Việt Nam. Tổ chức các tour du lịch mua sắm hàng nông lâm thủy hải sản kết hợp với nấu ăn, thưởng thức cà phê, nước trái cây cho du khách. Có biện pháp chế tài nghiêm đối với hoạt động kinh doanh bán hàng kém chất lượng gắn nhãn mác Việt Nam. Cần chấm dứt ngay các tour du lịch không đồng dành cho du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, ép khách vào mua sắm hàng hóa tại các cửa hàng do người nước ngoài quản lý. Chỉ có như vậy du khách mới yên tâm mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt Nam trong tương lai.

5. Kết luận

Du lịch văn hóa chính là phương tiện hữu hiệu để chuyển tải giá trị văn hóa của một nước, một tộc người, một vùng, một địa phương, một điểm đến v.v... để du khách có thể khám phá (explore), trải nghiệm (experience), học tập (study) và tận hưởng (enjoy) các giá trị du lịch (tourism value). Cần sớm nhận thức sâu sắc trong cộng đồng người làm du lịch về sức mạnh to lớn của văn hóa. Tồn tại hay diệt vong, hòa nhập hay hòa tan. Kinh doanh du lịch inbound là hoạt động trực tiếp với du khách. Sản phẩm du lịch inbound không thể tồn tại nếu thiếu đi những giá trị hồn cốt văn hóa dân tộc. Tất cả các sản phẩm du lịch inbound phải là sản phẩm du lịch văn hóa. Nếu hiểu rõ và làm được đều này, du lịch sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào việc “xuất khẩu văn hóa”, bảo tồn phát huy các giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại, tạo ra quyền lực mềm (solf power) đủ sức kháng cự, cân bằng với các nền văn hóa nước ngoài hiện nay. Văn hóa là một khái niệm rộng. Bài viết chỉ giới hạn về sản phẩm du lịch văn hóa hay lồng ghép các yếu tố văn hóa vào sản phẩm du lịch. Do vậy, rất mong nhận được nhiều đóng góp hơn nữa từ các nhà khoa học cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm du lịch văn hóa nước ta ngày càng phát triển.

Tài liệu tham khảo

1. Morley, C.L.J.J.o.T.S., What is tourism? Definitions, concepts and characteristics. 1990. 1 (1): p. 3-8.

2. Bram, J.J.C.I.i.E. and Finance, Tourism and New York City's Economy. 1995. 1 (7).

3. Clancy, M., Exporting paradise: tourism and development in Mexico. 2001: Citeseer.

4. Thanh, T.Đ., Nhập môn khoa học du lịch. 2008: ĐH Quốc gia Hà Nội.

5. Cleverdon, R. and A.J.I.j.o.t.r. Kalisch, Fair trade in tourism. 2000. 2 (3): p. 171-187.

6. Mura, L., P.J.J.o.T. Kajzar, and Services, Small Businesses in Cultural Tourism in a Central European Country: Mura, L., Kajzar, P.(2019). Small Businesses in Cultural Tourism in a Central European Country. Journal of Tourism and Services, 10 (19): 40-54. https://doi. org/10.29036/jots. v10i19. 110. 2019. 10 (19): p. 40-54.

7. Menor-Campos, A., et al., Foreign tourists in world heritage sites: A motivation-based segmentation. 2020. 12 (8): p. 3263.

9. Esfehani, M.H. and J.N.J.J.o.H.T. Albrecht, Roles of intangible cultural heritage in tourism in natural protected areas. 2018. 13 (1): p. 15-29.

10. Klenosky, D.B. and R.E.J.A.o.T.R. Gitelson, Travel agents’ destination recommendations. 1998. 25 (3): p. 661-674.

11. Aoyama, Y.J.I.J.o.U. and R. Research, Artists, tourists, and the state: Cultural tourism and the flamenco industry in Andalusia, Spain. 2009. 33 (1): p. 80-104.

12. Agyeiwaah, E., W. Suntikul, and L.Y.S.J.J.o.C.T.R. Carmen, ‘Cool Japan’: Anime, soft power and Hong Kong generation Y travel to Japan. 2019. 15 (2): p. 127-148.

13. Noda, K. and M. Hata. Cultural export of Japan: A Case Study of Japanese Men’s Rhythmic Gymnastics. in the Asian Conference on Media & Mass Communication 2017 Official Conference Proceedings. 2017.

14. Knollenberg, W., et al., Creating competitive advantage for food tourism destinations through food and beverage experiences. 2020: p. 1-19.

15. Choi, M.J., et al., Progress in shopping tourism. 2016. 33 (sup1): p. 1-24.

16. Law, L., T. Bunnell, and C.-E.J.T.s. Ong, The Beach, the gaze and film tourism. 2007. 7 (2): p. 141-164.

17. Tasci, A.D. and M.J.J.o.v.m. Kozak, Destination brands vs destination images: Do we know what we mean? 2006. 12 (4): p. 299-317.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Phước Hiền - Nguyễn Thị Phương Duyên