Vị Sài Gòn của những thương hiệu trăm năm
Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu”, nơi “mát tay” sản sinh rất nhiều thương hiệu, sản phẩm Việt trường tồn. Giữa vô vàn thương hiệu nổi tiếng, nhiều người tiêu dùng vẫn thương nhớ những sản phẩm vang bóng một thời.
Thorakao - Thương hiệu làm đẹp được phụ nữ miền Nam ưa chuộng
35 năm trước, lần đầu tiên má mua cho tôi chai dầu gội bồ kết. Hồi đó không biết nhìn ngày sản xuất, hạn sử dụng hay danh tánh nhà sản xuất như thói quen của người mua hàng bây giờ, chỉ biết cầm chai dầu gội có hình cô gái với mái tóc xõa bên vai ấy nâng niu rồi giấu kỹ, vì đó là lần đầu tiên trong đời đứa trẻ 10 tuổi biết đến dầu gội đầu.
Vào Sài Gòn đại học cuối những năm 90, cũng là lần đầu tiên tôi biết nơi làm ra chai bồ kết mình vẫn gội đầu hàng ngày. Thorakao, tòa nhà cũ nằm ngay góc đường Điện Biên Phủ, ngày ấy đến giờ vẫn cũ như vậy, và vẫn có một gian hàng nhỏ cửa mở ra phía Điện Biên Phủ đông đúc người xe, lại chỉ được lưu thông một chiều nên rất khó mua hàng. Nhưng những người “chịu” hóa mỹ phẩm của Thorakao vẫn đến, vẫn mua dầu gội hương bưởi, tinh dầu bưởi dưỡng tóc, dầu gội bồ kết, kem nghệ trị mụn…
Tòa nhà trụ sở Thorakao tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, quận 3. Ảnh: ST.
Giữa thế kỷ 21, khi thị trường tràn ngập hóa phẩm sang xịn cả nội địa và nhập khẩu, người mua hàng chỉ cần click chuột là có thể mua được sản phẩm tận Âu, Mỹ, thì trên các hội nhóm, khi ai đó than và nhờ mạng xã hội hiến kế chữa chứng rụng tóc, phương án đầu tiên được đưa ra là dầu gội hương bưởi Thorakao, loại dầu gội không được ồn ào quảng cáo, nhưng hiệu quả lan tỏa từ truyền miệng, từ “kiểm nghiệm” của chính người dùng.
Không chỉ phụ nữ ở TP.HCM mà rất nhiều phụ nữ miền Nam lứa 8X về trước có lẽ không ai không biết tới mỹ phẩm Thorakao. Trong đạo Tin lành, chữ “Tho” là thiên thần, “Kao” là kem, “Ra” là ánh sáng. Ý nghĩa tên Thorakao là dùng kem sẽ tỏa sáng như thiên thần.
Kem nghệ Thorakao, sản phẩm làm đẹp không thể thiếu của phụ nữ Sài Gòn thuở xưa. Ảnh: ST.
Thorakao - mỹ phẩm “quốc dân” của phụ nữ miền Nam, ra đời từ những năm 1950 ở Sài Gòn, ban đầu chỉ có một loại kem dưỡng da, do một người phụ nữ tên Lan Hảo tạo ra từ nguyên liệu tự nhiên sẵn có từ vườn, ruộng. Thời gian đầu, mỹ phẩm Lan Hảo không được đón nhận vì mùi giống thuốc bắc, bao bì lại kém bắt mắt.
Bà chủ Lan Hảo đã tung “chiêu marketing” độc đáo: huy động con cháu, người thân,... ra các cửa hàng bách hóa tìm mua kem Lan Hảo. Điều này đã khiến các chủ cửa hàng mỹ phẩm phải để ý tới và mua về bán. Lan Hảo chính thức gia nhập thị trường mỹ phẩm miền Nam và phát triển mạnh mẽ từ năm 1955.
Thorakao từng là một trong những thương hiệu mỹ phẩm số một trong nước và có tầm ảnh hưởng ở thị trường bán đảo Đông Dương, trước khi mỹ phẩm ngoại tràn vào Việt Nam.
Trước năm 2010, ở hầu hết các siêu thị Co.op Mart tại TP.HCM đều dành một góc nhỏ ở khu vực bán mỹ phẩm cho Thorakao, bán xà bông Cô Ba. Nhưng bây giờ, giữa mênh mông hàng chục thương hiệu hóa mỹ phẩm bày bán, không còn tìm đâu ra dầu gội hương bưởi, kem dưỡng da, sữa rửa mặt dưa leo, nha đam quen thuộc. Người dùng vẫn dễ dàng mua online hoặc đến trực tiếp cửa hàng ở đường Điện Biên Phủ, nhưng việc không còn bày bán rộng rãi làm độ phủ của sản phẩm quá hẹp, nhận diện thương hiệu mất hẳn. Thế hệ Z gần như không biết đến sự tồn tại của các sản phẩm nức tiếng này.
Tuy có phần lép vế về độ "phủ sóng" sản phẩm trên thị trường, thế nhưng, mỹ phẩm Thorakao vẫn chinh phục trái tim của người tiêu dùng tại TP.HCM.
Thực tế, rất nhiều năm qua, Thorakao vẫn như “cô gái đẹp” kiêu kỳ trong mắt các tập đoàn đa quốc gia. Rất nhiều đề nghị mua lại, hoặc liên doanh, song người kế nghiệp thương hiệu – ông Huỳnh Kỳ Trân, là con rể của nhà sáng lập Lan Hảo, kiên quyết từ chối.
Năm 2013, từng có một thương hiệu nước ngoài đặt vấn đề mua lại Thorakao với giá 30 triệu USD, nhưng không thành. Trong những lần chia sẻ với truyền thông, ông Trân nói gia đình ông luôn kiên định lập trường xem Thorakao là tài sản quý để lại cho các con cháu và giữ gìn nghề gia truyền. Ông nói nếu chỉ nhìn vào những lợi nhuận trước mắt doanh nghiệp ngoại đưa ra rồi bán mồ hôi, công sức của gia đình, thì sẽ phải nuối tiếc suốt đời.
Bây giờ, Lan Hảo, với tuổi đời 70 năm, đã đầu tư mở rộng nhà máy hiện đại tại TP.HCM lên 50.000m2 cùng trang thiết bị tân tiến đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Một điều đặc biệt trong cơ cấu doanh thu của Thorakao là 80% doanh thu đến từ xuất khẩu. Các sản phẩm của doanh nghiệp này được bán khá mạnh ở thị trường khu vực như Singapore, Ðài Loan, Campuchia, Lào. Thorakao tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, quen thuộc sẵn có của Việt Nam như bạc hà, sả, nghệ, bồ kết, gừng, chanh, bưởi, dưa leo, nha đam,… giúp giá thành sản phẩm rẻ. Hiện gần 100 sản phẩm chăm sóc da, tóc của thương hiệu “quốc dân” này phần nhiều có giá trên dưới 100.000 đồng.
Bia Sài Gòn - Vị ngon mang hồn “Sài phố”
Không chỉ có Thorakao trụ vững với thị trường cạnh tranh khốc liệt, mà rất nhiều thương hiệu sinh ra từ TP.HCM, là sản phẩm “quốc dân” của miền Nam và cả nước, cũng đang tồn tại, phát triển với nhiều lối đi riêng như bột giặt LIX, nước rửa chén Mỹ Hảo, mì 2 con tôm Miliket, nước mắm Liên Thành, xì dầu Nam Dương… Trong đó, một thương hiệu có lịch sử lâu đời nhất với 150 năm, vẫn đang ngày một lớn mạnh, là hãng bia được thành lập từ năm 1875 mang tên bia Sài Gòn. Bia Sài Gòn đã trở thành yếu tố quan trọng trong văn hóa Việt Nam và là biểu tượng tinh thần bền bỉ của một thương hiệu quốc gia.
Bia Sài Gòn là một phần tất yếu trong văn hóa ẩm thực tại Sài Gòn-TP.HCM nói riêng và cả Việt Nam nói chung. Ảnh: ST.
Ngày nay, bia của Tổng công ty bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (SABECO) - hãng bia lớn nhất Việt Nam, đã có mặt ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bao gồm cả Mỹ, Úc, Nhật Bản, Canada…
Bia Sài Gòn khởi nguồn từ xưởng bia nhỏ do một người Pháp lập ra tại ngay chính Nhà máy Bia Sài Gòn trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) hiện nay. Đất nước thống nhất, xưởng bia nhỏ này được đổi tên thành Nhà máy Bia Sài Gòn. Cột mốc tự hào nhất là từ năm 1985, Nhà máy Bia Sài Gòn đã lắp đặt dây chuyền chiết lon đầu tiên tại Việt Nam, và ra mắt bia lon, với thương hiệu Saigon Premium Export, và liên tiếp cho ra đời các sản phẩm chủ lực như Bia Saigon Export, Bia 333, Bia Saigon Lager, Bia Saigon Special, Bia Saigon Gold…
Nhà máy bia Sài Gòn (cũ) trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Ảnh: ST.
Bia Sài Gòn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào năm 2016 và đến 2018 trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2019, công ty đã tái ra mắt thành công thương hiệu Bia Saigon và Bia 333, với hình ảnh hiện đại của một Việt Nam trẻ trung và tiến bộ, nhưng vẫn đậm nét truyền thống, được người dùng tin mến.
Những hương vị trăm năm
Sài Gòn là nơi đất lành chim đậu, nơi “mát tay” sản sinh ra rất nhiều thương hiệu, sản phẩm Việt trường tồn. Giữa rất nhiều thương hiệu nổi tiếng, được quảng bá rầm rộ ngày nay, nhiều người tiêu dùng Việt, đặc biệt là những người TP.HCM, nhiều tỉnh thành miền Tây, miền Đông Nam Bộ vẫn thương nhớ, yêu chuộng các sản phẩm đã làm rạng danh thị trường. Trong giỏ hàng gia vị của nhiều bà nội trợ khi mua sắm tại các chợ, siêu thị hiện đại, không khó để nhìn thấy nước mắm Liên Thành, xì dầu Nam Dương.
Nước mắm Liên Thành hay nước tương Nam Dương đều là các sản phẩm nổi tiếng mang hồn cốt Sài Gòn. Ảnh: ST.
Đã qua thời người tiêu dùng chọn mua hàng giá rẻ, và người ta mua xì dầu Nam Dương hay nước mắm Liên Thành cũng không vì giá rẻ, mà là uy tín, chất lượng của sản phẩm đã tạo nên sự thủy chung, gắn bó. Bởi nếu so giá thì Nam Dương hay Liên Thành cũng không hề lép vế với các sản phẩm cùng phân khúc.
Câu chuyện nổi bật của nước mắm Liên Thành suốt 100 năm qua là luôn duy trì chất lượng, dù phải đi qua nhiều thăng trầm. Hình ảnh những chai nước mắm thủy tinh mang nhãn Liên Thành đẹp đẽ hiện nay không hề kém cạnh các loại nước mắm khác với thế mạnh truyền thông, tiếp thị. Và nhiều người dân TP.HCM vẫn chọn nước mắm trăm tuổi này cho bữa cơm gia đình.
Đó cũng là câu chuyện của xì dầu con mèo đen Nam Dương gần 80 tuổi với nhiều bể dâu, nhưng đã định vị vững vàng là thương hiệu uy tín. Trong gian bếp của nhiều bà nội trợ TP.HCM bây giờ, các mặt hàng từ tương ớt, dầu hào, sốt chấm… Nam Dương vẫn luôn là ưu tiên.
Trong lòng người Sài Gòn, hình ảnh cục xà bông Cô Ba với mùi thơm không lẫn vào đâu được, cùng hình ảnh cô gái Việt có khuôn mặt phúc hậu trên bao bì, sẽ mãi còn lưu giữ, cho dù thương hiệu có đi vào dĩ vãng, hay còn tiếp nối với những hình hài khác. Bởi xà bông Cô Ba không chỉ ghi dấu ấn trong và ngoài nước về chất lượng, mà đó còn là xà bông tắm gội đầu tiên của người Việt Nam. Cũng vậy, tuýp kem đánh răng “ông Tây da đen” Hynos, kem đánh răng Dạ Lan, cà ri Việt Ấn… những thương hiệu có xuất thân từ Sài Gòn và nổi tiếng khắp nước, vươn ra thị trường nước ngoài, sẽ vẫn mãi là những câu chuyện nhắc nhớ người tiêu dùng tự hào hàng Việt. |