Chính vào khoảng thời gian giao mùa từ hạ sang thu này, những trái thị bắt đầu chín vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt vào không gian.
Tiết trời đã vào lúc hạ tàn, những bông sen hồng cuối cùng trong đầm chỉ còn lấp ló sau những chiếc lá sen già xanh thẫm. Chính vào khoảng thời gian giao mùa từ hạ sang thu này, những trái thị bắt đầu chín vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt vào không gian. Những quả thị thơm nức bước ra từ cổ tích…
Thật ra, thị đã lác đác xuất hiện từ cuối tháng Sáu âm lịch. Song, khi trái thị tròn đầy nhất, vàng óng nhất và thơm hương nhất lại là lúc sang thu, với gió heo may se se lạnh trong cái nắng mật. Cái nắng, cái gió đấy giúp quả thị nảy nở viên mãn như trăng rằm, tỏa một hương thơm quyến rũ như thể bay ra từ cổ tích.
Khác với những cây ăn quả khác, cây thị có thân cao cao, kết tán rộng, sum suê, quanh năm xanh mướt. Những cây thị cổ thụ ở Việt Nam có tuổi đời từ vài chục năm đến vài trăm năm, thậm chí có cây đã tồn tại hơn 7 thế kỷ. Cây thị đẹp từ thân đến cành đến tán lá, sức sống bền bỉ, lại sản sinh ra một loại quả có hương thơm vô cùng ngọt ngào và quyến rũ. Cây ra hoa vào mùa xuân, hoa thị nhỏ xíu, màu xanh nhạt, không đặc biệt lắm. Quả thị khi còn xanh cũng vậy, nó thẹn thùng giấu mình trong đám lá.
Thế nhưng, khi quả thị bắt đầu dậy thì dù chỉ mới hơi ương ương thôi nhưng hương thơm đã ngào ngạt, khiến chúng có muốn náu đời trong tán lá cũng chẳng được nữa. Rồi khi chín, những quả thị vàng óng như mặt trăng treo lơ lửng, nổi bật giữa vòm lá xanh biếc.
Sắc đã thế, nhưng hương ngọt ngào của quả thị lại càng đặc biệt, không lẫn vào đâu. Không thơm một cách mãnh liệt như mít hay sầu riêng, hương thị thơm dịu dàng, cứ quấn quýt quanh mũi người khiến ta cảm thấy sảng khoái, dễ chịu đến mức ai cầm quả thị cũng đưa lên mũi vấn hương như một phản xạ vô điều kiện.
Mỗi ngôi làng chỉ cần có vài ba cây thị trưởng thành thôi là cả làng cứ thơm lừng vào mỗi độ hạ chuyển sang thu. Mũi bọn trẻ con trong làng cực thính, chúng là những người ngửi thấy mùi thị chín đầu tiên, định vị chính xác xem mùi thơm đó bay ra từ cây thị nào, của nhà ai…
Mà rất lạ, hễ khi nào hương thơm của quả thị xuất hiện là những quả mít đang độ chín bỗng sượng lại ăn không còn ngon nữa, những hạt mít bắt đầu trổ mầm. Một rừng không thể chứa hai hổ hay một vườn không thể có hai mùi hương. Không biết, nhưng đám nghiện mít thường dặn nhau cố mà ăn cho đã trước khi thị chín.
Hồi bé, mỗi khi bà ngoại hay mẹ đi chợ về thường hay mua cho mấy quả thị. Hồi đó chỉ thấy loại quả thị to như quả bóng cao su tức là loại thị muộn chứ không có thị sáp bé tý để thắp hương như bây giờ. Cầm quả thị, đứa nào đứa nấy dí mũi vào hít lấy hít để, rồi đám con gái thi nhau đan túi đựng thị. Đứa nào cũng tự đan một cái túi bằng len rồi cho quả thị vào xách đi chơi hoặc treo lên tường, lên đầu giường cho thơm. Những túi đựng thị đan mắt lưới hình quả trám để quả thị không bị lọt nhưng không cản hương.
Cầm cái giỏ thị trên tay đi chơi, vừa đi vừa lúc lắc quả thị, đứa nào cũng thích. Đến lúc đi ngủ thì treo giỏ thị đó lên đầu giường để hương thơm của quả thị thẩm thấu vào trong cả giấc mơ, để được nghe bà lão bán nước trong truyện cổ tích Tấm Cám tỉ tê: “Thị ơi, thị rụng bị bà, bà đem bà ngửi chứ bà không ăn”.
Nếu như đám con gái thường khoe giỏ thị để so xem quả thị nào đẹp hơn, thơm hơn, giỏ thị nào đan đẹp hơn thì bọn con trai lại yêu thị theo kiểu khác. Chúng cứ sán vào bảo, cho tao ngửi một cái, và phần lớn sau khi ngửi hương chán đều gạ gẫm bọn con gái xẻ thị để chén.
Cho dù có đứa dọa ăn thị sẽ bị thối mồm nhưng rốt cục chả đứa nào sợ. Túi thị lủng lẳng cho đến khi quả thị chín già là cả bọn lấy thị ra rồi nắn đều xung quanh cho đến khi quả thị mềm nhũn rồi lấy dao hay thìa khoét một lỗ nhỏ ở núm quả thị rồi thay nhau đưa lên miệng mút chùn chụt.
Thịt thị mềm và vị ngọt như mật nhưng hơi xen chút chát chát. Quả nào ngon thì ít hạt, quả nhiều có đến đến mấy hạt. Thời bao cấp đói kém, nên đứa nào đứa nấy ngậm hột thị cho đến khi chỉ còn trơ cái hột mới nhè ra. Lúc đó, ai có hỏi gì thì chỉ im lặng hoặc ấp a ấp úng. Có lẽ vì thế mới có câu: “Lúng búng như ngậm hạt thị”.
Cái thời thơ ấu xa xưa đó, đám trẻ chúng tôi chẳng có nhiều đồ chơi nên tận dụng được cái gì là tận dụng. Hạt thị sau khi nhè ra lại được mài nhẵn để làm quân chơi trò ô ăn quan hoặc phơi khô rồi xỏ vào một que tre làm cái gõ. Hạt thị cứng lắm, thế nên có thể dùng để gõ vào bất kỳ những thứ phát ra âm thanh…
Còn cái vỏ vàng ươm nữa. Sau khi ăn hết rồi, những đứa khéo léo cắt vỏ quả thị thành hình ngôi sao năm cánh rồi dán lên tường chỗ đầu giường trông cũng hay ra phết. Có đứa còn cạo vỏ hạt thị rồi thi nhau nhai cho ra bã trắng xoá như bọt xà phòng mới thôi. Cứ thế, quả thị đi qua tuổi thơ của bọn trẻ Hà Nội thật ngọt ngào.
Nhưng có một giai đoạn dài, quả thị dường như biến mất khỏi Hà Nội. Thời buổi kinh tế thị trường, khi không có người mua nên những gốc thị vùng ngoại thành dần dần được thay thế bởi những loại cây có năng suất cao hơn. Ngày càng ít đi những gốc thị hoặc người ta cũng chẳng còn trẩy thị để đem bán ngoài chợ nữa.
Rất mừng, hai, ba năm trở lại đây thú “chơi thị” đột ngột quay trở lại Hà Nội. Cánh các bà, các cô mừng rỡ như gặp lại một người bạn cũ. Họ thường mua thị về để thắp hương trên ban thờ tổ tiên hay bày đĩa để trong nhà cho thơm.
Cũng nhờ thế mà giá của thị cũng khởi sắc, đem lại lợi nhuận tốt cho người trồng và người bán. Ngày thường, những quả thị sáp bé xinh có giá dao động từ 7 nghìn đồng đến 10 nghìn đồng một quả. Quả thị muộn lại được bán theo cân, giá dao động từ 100 nghìn đồng một cân ngày thường đến 150 nghìn đồng một cân vào ngày mùng Một hay ngày rằm.
Giá thị như thế nhưng thị vẫn rất đắt hàng. Năm nay, người Hà Nội còn có thú chơi cành thị. Những cành thị quả xanh lúc lỉu được nâng niu mang về cắm vào bình, cắm lọ nom cũng đẹp đáo để.
Người ta được ngắm và thưởng hương thơm của những quả thị từ lúc còn xanh rồi chín dần, màu sắc biến đổi từng ngày, độ dày của hương thơm cũng đậm lên từng ngày. Một cành thị như vậy có giá dao động từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng mà không có đủ cung cấp cho người chơi.
Mùa nào thứ ấy, “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Những trái thị thơm tho báo mùa là một phần của mùa thu Hà Nội. Sớm nay đi chợ, thấy một gánh thị bên đường vội tạt xe vào. Cô bán hàng đang dỡ thị ra mẹt, những quả thị sáp bé xinh vàng ươm mà thơm nức, những quả thị muộn tròn căng đang dịu dàng ướp thu vào phố!