PGS.TS Phan An: Người đặt nền móng phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Vinh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

PGS.TS Phan An là người “tiên phong” đề xuất hình thức du lịch dân tộc học ở Trà Vinh - một hình thức du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, giúp du khách khám phá và hiểu rõ hơn về đời sống, phong tục, tập quán của cộng đồng các tộc người đang xen cư tại đây.

Dấu ấn “Phan An” trong phát triển du lịch cộng đồng Trà Vinh

Trong thực hành du lịch cộng đồng, tri thức hiểu biết về văn hóa tộc người là điểm tựa then chốt để xây dựng và triển khai các loại hình du lịch với mục tiêu phát triển bền vững.

Ngay từ những ngày đầu khảo sát, đánh giá các nguồn lực để định hướng phát triển du lịch Trà Vinh, PGS.TS Phan An đã phát biểu rằng: “Nghiên cứu dân tộc học có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển du lịch cộng đồng, bằng cách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người, đảm bảo phát triển bền vững và tạo ra trải nghiệm du lịch chân thực và ý nghĩa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương mà còn giúp du khách có cơ hội hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc hơn về văn hóa tộc người và cuộc sống của các dân tộc tại mảnh đất Trà Vinh này. Với sự đa dạng về văn hóa tộc người gắn với cảnh quan sinh thái tự nhiên, đặc biệt là tính cách người Trà Vinh, tôi cho rằng chúng ta hãy lấy hình thức du lịch cộng đồng để mà phát triển" (*).

PGS.TS Phan An: Người đặt nền móng phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Vinh - 1

PGS.TS Phan An

Khởi đi từ sự gợi ý đó, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn áp dụng quan điểm dân tộc học của PGS.TS Phan An vào việc kiến tạo mô thức phối kết hài hòa lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội trong phát triển du lịch - lấy loại hình du lịch cộng đồng làm mục tiêu phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh phát triển triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh.

Cho đến nay, ngành du lịch Trà Vinh đã có 04 điểm đến du lịch cộng đồng đặc sắc đó là: du lịch cộng đồng Cồn Chim (còn gọi là du lịch thuận thiên); du lịch cộng đồng Cồn Hô (còn gọi là du lịch tự thân); du lịch cộng đồng Cồn Ông (còn gọi du lịch canh nông); và Làng văn hóa - du lịch Khmer Trà Vinh (còn gọi là không gian ký ức).

Ảnh hưởng của PGS.TS Phan An không dừng lại ở chiều kích lý luận trong việc hình thành các điểm đến du lịch cộng đồng Trà Vinh. Trong cả 04 mô hình du lịch cộng đồng ở Trà Vinh còn có sự chia sẻ, dẫn dắt và truyền cảm hứng đến nhóm tư vấn chuyên môn về đạo đức cần phải có khi tham gia các hoạt động nghề nghiệp gắn với phát triển cộng đồng. Với sự hiểu biết và kinh nghiệm, PGS.TS Phan An cho các cộng sự hậu bối thấy được quy luật phổ biến của sự vận động và phát triển của tự nhiên - xã hội.

Đặt vấn đề với các cộng sự, PGS.TS Phan An cho rằng điểm đến du lịch cộng đồng có vòng đời; vì vậy, khi thực hiện mô hình du lịch cộng đồng phải phân tích các giai đoạn của vòng đời đó là: thăm dò, sự tham gia, phát triển, củng cố, suy giảm và tái cấu trúc hoặc khai tử; nếu nhận thức và quản lý tốt các giai đoạn trong vòng đời này thì nó sẽ phát huy hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực cho cộng đồng địa phương.

Cũng từ đó, PGS.TS Phan An gợi ý một số khuyến nghị, dự báo các vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình tổ chức, vận hành và quản lý hoạt động du lịch cộng đồng ở Trà Vinh.

PGS.TS Phan An: Người đặt nền móng phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Vinh - 2

Mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Chim Trà Vinh lọt TOP 12 Giải thưởng ESD OKama về phát triển bền vững do Nhật Bản tổ chức và công nhận

Trong quá trình tư vấn phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Vinh; PGS.TS Phan An luôn nhắc đi nhắc lại nhóm tư vấn, phải biết khai thác giá trị văn hóa tộc người, nhất là tính cố kết cộng đồng để kiến tạo bản sắc du lịch cho Trà Vinh; nó có sự khác biệt so với những địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Tinh thần này đã được các cộng sự hậu bối kế thừa và dẫn truyền vào trong các trải nghiệm du lịch; và cũng từ sự khác biệt đó, nhịp tăng trưởng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng ngày mở rộng tại Trà Vinh với sự gia tăng giá trị kinh tế cho các hộ gia đình.

Thực vậy, trong các chuỗi cung ứng du lịch cộng đồng ở Trà Vinh, tính cố kết cộng đồng tộc người đã hình thành rõ nét mạng lưới du lịch cộng đồng, nó đã thể hiện qua ba chiều kích đó là: i) sự gắn bó, ii) sự bắc cầu, và iii) sự kết nối; tất cả như một mạch đập dẫn truyền để phát huy sức mạnh hệ thống cho hệ sinh thái du lịch cộng đồng Trà Vinh.PGS.TS Phan An: Người đặt nền móng phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Vinh - 3

Mô hình du lịch canh nông nương theo điệu lý đất giồng ở Cồn Ông (Trà Vinh) ra mắt năm 2023

Tinh thần dân tộc học của PGS.TS Phan An trong du lịch cộng đồng với phương châm phát triển ổn định, đoàn kết và gắn bó giữa các cộng đồng tộc người (Kinh, Khmer, Hoa và Chăm) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh xác định là mục tiêu tiên quyết ngay từ những ngày đầu.

Những chuyển biến ở các tộc người tại Nam Bộ theo dòng thời gian đã được PGS.TS Phan An dày công nghiên cứu, kết quả là tiền đề quan trọng cho việc “kích hoạt” một hệ hình tổ chức không gian lãnh thổ du lịch cộng đồng; vận dụng quan điểm nhân học truyền thông, với việc quảng danh chéo từ “làng du lịch” qua “liên làng du lịch” đến “siêu làng du lịch” trong phát triển cộng đồng, nếu được thực hiện đúng cách, nó sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng địa phương.

Từ các mô hình du lịch cộng đồng đơn lẻ, mô thức “siêu làng” giống như một dấu gạch nối để huy động giá trị cộng sinh trong việc phá vỡ thế rời rạc và làm mạnh thêm tinh thần cố kết giữa các tộc người đang cùng chung tay thực hành du lịch cộng đồng tại Trà Vinh.

Thể thức “siêu làng văn hóa – du lịch Trà Vinh”, về mặt cơ bản đã được định hình về khung cách phát triển. Nền móng “siêu làng” đang được gia cố thông qua hàng loạt các động thái xây đắp quê hương Trà Vinh thành thủ phủ du lịch cộng đồng của Việt Nam.

Từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn khách quan, quan điểm tiếp cận dân tộc học của PGS.TS Phan An góp phần to lớn cho việc kiến giải các tri thức văn hóa; nhận diện vốn văn hóa cá nhân, vốn văn hóa cộng đồng; vốn xã hội - là tài sản trong việc hình thành các phức cảm trải nghiệm du lịch cộng đồng; là tính cách thương hiệu điểm du lịch Trà Vinh.

Với kinh nghiệm và sự trải nghiệm trong nhiều thập niên từ quá trình điền dã dân tộc học ở khu vực phía Nam, có thể nói, PGS.TS Phan An là người “tiên phong” khi đề xuất hình thức du lịch dân tộc học ở Trà Vinh - một hình thức du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, giúp du khách khám phá và hiểu rõ hơn về đời sống, phong tục, tập quán của cộng đồng các tộc người đang xen cư tại đây, đặc biệt là dân tộc Khmer.

PGS.TS Phan An: Người đặt nền móng phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Vinh - 4

Với các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, ngành du lịch Trà Vinh đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước

Trong khoảng thời gian 2014 - 2018, mỗi năm, ngành du lịch Trà Vinh chỉ đón khoảng 800.000 lượt khách. Tuy nhiên, đến năm 2023, lượng khách du lịch đến với Trà Vinh đã tăng trưởng mạnh, với số liệu thống kê 2.200.000 lượt khách (**). Những con số biết nói về mặt thống kê của ngành du lịch Trà Vinh đã minh chứng cho thành quả lao động miệt mài của tập thể các bên liên quan (các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng tộc người tại chỗ, nhóm tư vấn chuyên môn, các đơn vị kinh doanh lữ hành, các cơ quan thông tấn báo chí).

Người truyền cảm hứng đến các cộng sự hậu bối

Gốc rễ sinh ra bản sắc du lịch Trà Vinh là chiến lược, chiến thuật xen lẫn khát vọng của cộng đồng các tộc người tại chỗ; dựa vào vốn văn hóa cá nhân, vốn văn hóa cộng đồng, vốn xã hội để làm giá thể sản sinh ra các trải nghiệm du lịch dung dị và mộc mạc; các trải nghiệm về sự hoài niệm rất giàu cảm xúc, khơi dậy ký ức một thời trong vòng đời người qua trải nghiệm du lịch.

Có thể nói, định đề giải nén nguồn lực tại chỗ, với cách tiếp cận dân tộc học để nhận diện mạng lưới xã hội, tính cố kết tộc người, sắc thái văn hóa Trà Vinh trong phát triển du lịch du lịch cộng đồng đã mang dấu ấn “Phan An” một cách rõ nét.

Khi bàn về “sự cố kết tộc người” trong phát triển du lịch Trà Vinh, PGS.TS Phan An được nhìn nhận là người truyền cảm hứng đến các cộng sự hậu bối kế thừa tinh thần dân tộc học của Phan An, với sự quyết liệt trong quá trình kiến tạo sản phẩm du lịch có bản sắc tại các điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

PGS.TS Phan An: Người đặt nền móng phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Vinh - 5

Du khách quốc tế tham quan mô hình du lịch "tự thân" ở Cồn Hô (Trà Vinh)

Từ góc độ phi quan phương, thông qua các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng, du khách đã gọi “du lịch Trà Vinh - vùng đất của những người trượng nghĩa” (***); thông điệp này hoàn toàn có căn cứ khi tính cố kết cộng đồng, mạng lưới xã hội gắn bó chặt chẽ với nhau qua hoạt động du lịch; và cũng từ chính tính cách của người dân Trà Vinh.

Còn ở góc độ quan phương, sự cố kết cộng đồng tộc người thể hiện ngay trong lối sống “thích ứng” với môi trường tự nhiên qua slogan ngành du lịch khi có sự tham khảo và đóng góp ý kiến của các bên liên quan đó là “Trà Vinh - miền đất thuận thiên”.

PGS.TS Phan An: Người đặt nền móng phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Vinh - 6

Người dân Trà Vinh làm du lịch từ chính những sản phẩm mộc mạc cây nhà lá vườn

Thông điệp du lịch Trà Vinh đã gây thương nhớ, chạm đến cảm xúc của các dòng du khách (nội địa và quốc tế); họ tìm mọi cách, tranh thủ cơ hội và thời gian để kết nối với vùng đất và người dân Trà Vinh thông qua điểm đến du lịch cộng đồng. Trong các cơ tầng kiến tạo nên du lịch Trà Vinh, hiện nay, hình thái du lịch cộng đồng được đánh giá là hoạt động chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội đối với cộng đồng các tộc người ở Trà Vinh.

Vốn văn hóa (vật thể và phi vật thể), vốn xã hội - là tài sản chung của cộng đồng các tộc người; tài sản này đang được chính người Trà Vinh sở hữu, nâng niu, khai thác và sử dụng cách cẩn trọng khai thác và phát triển sản phẩm du lịch; với “mục tiêu kép”: kinh tế du lịch phải gắn với quảng bá vùng đất và văn hóa Trà Vinh.

Ban đầu, khi triển khai các mục tiêu hiện thực hóa các hoạt động du lịch cộng đồng, người dân Trà Vinh có sự lúng túng và nghi ngại; song, giờ đây, họ đã cảm nhận được tầm quan trọng của tri thức khoa học từ các chuyên gia đem đến, tiêu biểu là PGS.TS Phan An: “Anh em chúng tôi mỗi người có một cái đầu, trong đó nó chứa đủ thứ chữ nghĩa, bây giờ đem đến đây với bà con, đem sự tốt đẹp cho bà con, mong rằng những gì chúng tôi đem đến đây sẽ giúp bà con biết làm giàu chính đáng trên cái cồn này” (trích lời PGS.TS Phan An trò chuyện với cộng đồng tại Cồn Chim, ngày 28/4/2019).

PGS.TS Phan An đã “nhập thân” vào trong cộng đồng một cách hết sức ấn tượng, gần gũi và dễ hiểu cho tất cả mọi người, đó là phong cách riêng của nhà dân tộc học.

Với việc áp dụng phương pháp điền dã dân tộc học vào trong hoạt động phát triển cộng đồng, PGS.TS Phan An đã cho cộng sự hậu bối thấy được phương pháp và cách thức diễn ngôn như thế nào khi cần (phải) hòa mình vào cộng đồng tại chỗ; chính điều đó đã khởi lên sự hình thành mạng lưới giữa chính quyền địa phương, chuyên gia tư vấn du lịch và cộng đồng địa phương. Cho đến nay, mối quan hệ mà PGS.TS Phan An khởi lên ngày ấy đã ngày càng gắn bó chặt chẽ cả hình thức lẫn nội dung, đậm đặc về chất lẫn lượng. Có thể nói, quá trình phôi dưỡng ấy cần những hạt giống tri thức, nó phải được ươm mầm bởi các nhà khoa học tận tâm vì cộng đồng. Và trong những nhà khoa học ấy, ngành du lịch Trà Vinh không thể không nhắc đến PGS.TS Phan An.

PGS.TS Phan An: Người đặt nền móng phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Vinh - 7

PGS.TS Phan An cùng học trò là TS Tạ Duy Linh. TS Tạ Duy Linh lấy bằng Tiến sĩ Văn hóa học (2016 - 2019) và Tiến sĩ ngành Dân tộc học (2019 - 2022) dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Phan An 

Trước đây, Trà Vinh từng được xem như “một hẻm cụt”, được mệnh danh là “nơi cùng trời cuối đất”; với nhiều sự nỗ lực trong sự khó khăn nhất định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, cũng như các địa phương loay hoay tìm ra hướng đi cho ngành du lịch. Song, đến tháng 11 năm 2018, cơ duyên cho ngành du lịch Trà Vinh xoay chuyển tình thế, thông qua sự giới thiệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, ngành du lịch Trà Vinh đã kết nối được các chuyên gia có uy tín cao trong các lĩnh vực khoa học.

Trong số đó, PGS.TS Phan An - người có đóng góp lớn trong xây dựng dân tộc học vùng Nam Bộ, đó là “nhận định” của PGS.TS Vương Xuân Tình - nguyên Viện trưởng, Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Có thể nói, các điểm đến/ mô hình du lịch cộng đồng ở Trà Vinh được xem như những đứa con tinh thần, nó được dung dưỡng từ sự tâm huyết, sự dấn thân không ngừng nghỉ của các bên liên quan. Tuy nhiên, giá trị tri thức và cách dấn thân trong hoạt động nghề nghiệp của PGS.TS Phan An - nhà dân tộc học không chỉ giúp phát triển kinh tế tại Trà Vinh thêm phần sung túc; mà còn góp phần xây dựng cộng đồng xã hội với “Trà Vinh - một vùng nông thôn yên bình, đáng sống”.

Thật vậy, nền móng phát triển loại hình du lịch cộng đồng Trà Vinh được khởi đi từ tinh thần dân tộc học - dựa vào cộng đồng để phát triển, vì cộng đồng mà phát triển; phát triển du lịch cộng đồng trong môi trường đa văn hóa tộc người - “hãy bắt đầu từ cái hiện tại, ngược dần về quá khứ, rồi dự phóng tương lai”.

---------------

(*) Trích phát biểu của PGS.TS Phan An tại Hội nghị “Định hướng phát triển du lịch Trà Vinh đến 2025” tháng 11 năm 2018.

(**) Số liệu thống kê của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Trà Vinh năm 2023.

(***)Tác giả trao đổi với một nhóm du khách có hoạt động trải nghiệm du lịch ở Trà Vinh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/5/2024.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TS Tạ Duy Linh

CLIP HOT

Những
Những "luồng gió mới" thay đổi thị trường F&B Việt Nam

Bất chấp những khó khăn, kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Năm 2025 được các chuyên gia dự đoán sẽ là bức tranh đầy mới mẻ, với nhiều tín hiệu tích cực và cơ hội cho những ai biết nắm bắt.