Mạng xã hội đang thay đổi khẩu vị người Việt?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Từ chiếc bánh bông lan trứng muối ngập phô mai đến món lạp xưởng nướng đá rầm rộ trên mạng, các nền tảng mạng xã hội không chỉ tạo ra trào lưu mà còn lặng lẽ tái định hình thói quen ăn uống của hàng triệu người Việt. Nhưng liệu xu hướng này đang “làm mới” hay “làm lệch” khẩu vị của một quốc gia có nền ẩm thực lâu đời?

Từ video kéo sợi phô mai đến... bữa tối ngoài tiệm

19h tối thứ Bảy, Phương Nhã (20 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) không cần hỏi bạn bè “ăn gì đây?” như trước nữa. Cô chỉ cần mở TikTok. Một đoạn video bún đậu chấm nước sốt Hàn Quốc vừa hiện lên chưa đầy 10 giây đã khiến cô quyết định điểm đến tiếp theo. “Không hợp khẩu vị lắm nhưng thấy lạ thì vẫn thử cho biết,” Nhã cười.Mạng xã hội đang thay đổi khẩu vị người Việt? - 1

Lựa chọn món ăn sau khi xem được video review qua mạng

Cũng như Nhã, ngày càng nhiều người trẻ Việt “ăn bằng mắt” trước khi ăn bằng miệng. Những đoạn clip cận cảnh đồ ăn bốc khói, kéo phô mai, rưới sốt... đang trở thành “menu ngầm” dẫn dắt lựa chọn ăn uống hàng ngày – mà người quyết định không phải đầu bếp, cũng chẳng phải thực khách, mà là thuật toán.

Vì sao giới trẻ dễ “đu trend” ẩm thực?

Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, là nhóm nhạy cảm nhất với các trào lưu trực tuyến – không chỉ vì họ là thế hệ sinh ra cùng mạng xã hội, mà còn bởi nhu cầu thể hiện bản thân và kết nối cộng đồng cao hơn các nhóm tuổi khác.

Việc bắt kịp các món ăn “hot” giúp họ cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau, đồng thời tạo cơ hội để chia sẻ trải nghiệm, xây dựng hình ảnh cá nhân hoặc đơn giản là... có nội dung để đăng lên mạng.

“Việc ăn uống của mình không chỉ để no mà còn là sự khám phá và để có những bài post thú đăng trên MXH”, bạn Bích Hợp (21 tuổi) nói thẳng. Mỗi lần có món mới đang trend trên mạng, cô và nhóm bạn sẽ tìm bằng được nơi bán để thử và “sống ảo”.

Mặt khác, các nền tảng mạng xã hội cũng được thiết kế theo cách khiến người dùng dễ bị cuốn theo nội dung viral. Các video đồ ăn thường có tiết tấu nhanh, màu sắc bắt mắt, âm thanh kích thích – dễ tạo cảm giác “ngon miệng ảo” và thúc đẩy hành vi ăn thử, dù không thực sự đói hay cần.

“Không phải chỉ có khách hàng mới đu trend đâu, mà những người làm nội dung, food review như mình cũng liên tục phải bắt kịp xu hướng để không bị tụt hậu cũng như là phải tạo được độ nóng cho video thì mới được nhiều người quan tâm”, Anh Leo Phạm, người sáng tạo nội dung và chuyên review các món ăn, quán ăn trên tiktok chia sẻ.

Bên cạnh việc chọn món theo trào lưu mạng xã hội, không ít người trẻ còn hình thành một thói quen mới: xem video đồ ăn để thỏa mãn cơn đói mà không cần ăn thật. Từ mukbang đến các clip cận cảnh đồ ăn đang nấu, trải nghiệm “ăn bằng mắt” này ngày càng phổ biến – đặc biệt vào buổi tối hoặc lúc… đói mà không muốn xuống bếp.

“Có hôm đói nhưng lười nấu, mình mở YouTube xem người ta ăn lẩu hoặc bữa cơm gia đình, nhìn thôi cũng thấy được an ủi phần nào”, Anh Tuấn (20 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ. Cảm giác “ăn bằng mắt” này không chỉ giải trí mà còn kích thích dopamine, tạo cảm giác như vừa được ăn thật, dù cơ thể không hề hấp thụ gì.

Mạng xã hội đang thay đổi khẩu vị người Việt? - 2

Xem video mukbang trên mạng để quên đi cơn đói

Ngoài ra, điều này còn có thể làm méo mó cảm nhận thực tế, khiến người xem dễ rơi vào trạng thái thèm ăn vô thức, hoặc mất kết nối với trải nghiệm ăn uống thực sự.

Khi món ăn trở thành trào lưu

Trước đây, người Việt thường chọn món theo mùa, theo thói quen vùng miền hoặc khẩu vị gia đình. Còn hiện nay, lựa chọn đó dần bị thay thế bởi "món hot trên mạng". Một món ăn không nhất thiết phải ngon, chỉ cần lạ mắt, bắt trend hoặc “ngon trong video” là đã có thể tạo nên làn sóng ăn theo.

Mạng xã hội đang thay đổi khẩu vị người Việt? - 3

Tìm kiếm món ăn hot trên mạng để trải nghiệm

Điển hình là trào lưu mực hấp cuốn rau muống, món từng chỉ xuất hiện ở những vùng ven biển, nay trở thành "món phải thử" sau khi loạt clip hàng triệu lượt xem xuất hiện trên mạng xã hội. Sau khi trải nghiệm món ăn này, một số người cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm hương vị mới lạ, một số người lại nhận “cái kết đắng” vì bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn.

“Chạy theo những thứ quá lạ miệng có thể gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc hoặc tổn thương đường ruột nếu kéo dài,” ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Tư vấn Dinh dưỡng cảnh báo.

Tạm biệt bữa cơm nhà?

Mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến chọn món gì, mà còn ảnh hưởng đến cách ăn. Văn hóa bữa cơm gia đình – từng là biểu tượng gắn kết trong văn hóa ẩm thực Việt – đang dần bị thay thế bởi thói quen ăn nhanh, ăn ngoài hàng hoặc ăn một mình.

Theo báo cáo của iPOS.vn và Nestlé Professional năm 2024, gần 70% người Việt có xu hướng ăn ngoài vào cuối tuần, đặc biệt là nhóm thỉnh thoảng và thường xuyên. Khảo sát từ VnExpress cũng cho thấy gần 70% người Việt "phát cuồng" với các trào lưu ăn uống, với hơn 17% thực khách được hỏi ăn hàng mỗi ngày và gần 30% ăn ngoài 3-4 lần một tuần.

“Không ít bạn trẻ không biết một bữa ăn đủ chất gồm những gì,” bác sĩ Hùng chia sẻ. “Họ chỉ ăn theo video, theo review, mà thiếu kiến thức cơ bản về dinh dưỡng.”

Làm sao để khẩu vị không... lệch sóng?

Không ai phủ nhận sự hấp dẫn của TikTok, YouTube hay Instagram trong việc làm mới ẩm thực Việt. Nhưng nếu để mạng xã hội “lái” khẩu vị, chúng ta sẽ đánh mất bản sắc ẩm thực – thứ được bồi đắp qua nhiều thế hệ.

Trước tiên, cần nhìn nhận rằng ẩm thực không đơn thuần là ăn để no – đó là trải nghiệm, là ký ức, là cách mỗi thế hệ nối dài bản sắc dân tộc. Khi các món ăn trend nổi lên dữ dội rồi tan biến chỉ sau vài ngày, những giá trị bền vững như bữa cơm nhà, bát canh rau hay tô phở sáng dần trở thành “món phụ” trong chính thói quen ăn uống người trẻ.

Theo ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Tư vấn Dinh dưỡng, việc gìn giữ khẩu vị truyền thống của dân tộc không thể chỉ trông đợi vào người tiêu dùng, mà phải là trách nhiệm của toàn hệ sinh thái ẩm thực, từ người sáng tạo nội dung đến truyền thông và gia đình.

“Những người làm nội dung ẩm thực trên mạng nên hiểu rằng mình đang ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi ăn uống của giới trẻ. Đừng chỉ chạy theo những món giật gân như trà sữa mắm tôm hay đồ chiên cháy khét, mà hãy ưu tiên cả sự an toàn, giá trị dinh dưỡng và tính trung thực,” ông Hùng cảnh báo.

Thực tế cho thấy, không ít món ăn trên mạng thu hút bằng hình ảnh bắt mắt nhưng lại tiềm ẩn rủi ro – từ thực phẩm không rõ nguồn gốc đến cách chế biến mất vệ sinh. Theo ông Hùng, việc hướng dẫn người trẻ cách nhận biết thực phẩm tốt, biết đọc nhãn mác, đánh giá chất lượng món ăn thay vì tin mù quáng vào các review online là kỹ năng sống cần được đưa vào giáo dục sớm, cả trong gia đình lẫn nhà trường.

Một ly trà sữa giá 10.000 đồng có thể “ngon trên video”, nhưng khó đảm bảo nguyên liệu sạch. Một quán đông khách không đồng nghĩa với an toàn nếu không tuân thủ chế biến. Kỹ năng phân biệt “món hợp mạng” với “món hợp mình” – đó có lẽ là kỹ năng sống mà người Việt cần học trong kỷ nguyên số.Mạng xã hội đang thay đổi khẩu vị người Việt? - 4

Mâm cơm truyền thống của gia đình Việt

Xuất phát là nơi chia sẻ trải nghiệm, giờ đây mạng xã hội đang trở thành “đầu bếp vô hình” dẫn dắt khẩu vị đại chúng. Nhưng giữa những xu hướng đến rồi đi, bữa cơm nhà – với canh rau, thịt kho, chén nước mắm – vẫn là nơi lưu giữ hương vị, tình cảm và cả bản sắc của người Việt.

Chọn món theo trend không sai. Nhưng chọn món theo hiểu biết – đó mới là cách ăn thông minh trong một thế giới đầy “video ngon mắt”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn Lộc

CLIP HOT

Những
Những "luồng gió mới" thay đổi thị trường F&B Việt Nam

Bất chấp những khó khăn, kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Năm 2025 được các chuyên gia dự đoán sẽ là bức tranh đầy mới mẻ, với nhiều tín hiệu tích cực và cơ hội cho những ai biết nắm bắt.