TP.HCM hướng đến thành phố sáng tạo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh, vì đây là một trong những lợi thế, thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở Thành phố.

TP.HCM hướng đến thành phố sáng tạo - 1

Biểu diễn tại lễ hội sông nước TP.HCM

Ngày 14/11, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM và Trường Đại học Văn hóa TP HCM đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “thành phố sáng tạo” của TP HCM".

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, TP HCM có truyền thống văn hóa lâu đời, là nền tảng cho sự hình thành tiểu vùng văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Thêm vào đó, thành phố là điểm giao thoa của nhiều vùng văn hóa trong nước, cùng với đó là sự hội nhập sâu rộng với văn hóa quốc tế đã tạo nên một hệ thống di sản văn hóa phong phú, độc đáo của riêng Sài Gòn với những giá trị cốt lõi như lối sống cởi mở, tinh thần kinh doanh, sáng tạo.

Những giá trị văn hóa độc đáo ấy chính là nguồn lực nội sinh quan trọng của TP HCM. Khai thác và phát huy những giá trị văn hóa này sẽ là chiến lược đúng đắn để Thành phố phát triển bền vững, nâng tầm vị thế và khẳng định bản sắc riêng.

Việc khai thác các nguồn lực văn hóa của TP HCM hướng đến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là cơ hội để nâng cao vị thế của TP HCM trên trường quốc tế, khẳng định bản sắc và thương hiệu của một thành phố sáng tạo hàng đầu của cả nước.

TP.HCM hướng đến thành phố sáng tạo - 2

TP.HCM là nơi có truyền thống văn hóa lâu đời.

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa TPHCM cho rằng, “Thành phố sáng tạo” là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm, thảo luận, thay đổi, bổ sung để hoàn thiện. Hiện nay, “Thành phố sáng tạo” được hiểu là nơi mà nguồn tài nguyên chính của nó là tính sáng tạo của người dân, đó là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho thành phố và xã hội.

UNESCO đã thành lập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” từ năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực, là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Mạng lưới “Thành phố sáng tạo” tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.

Tại Việt Nam, năm 2019 UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “thiết kế” và mới đây tháng 10/2023, UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”.

Ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch xây dựng đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch này, TPHCM cũng là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu… có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

TP.HCM hướng đến thành phố sáng tạo - 3

Một hoạt cảnh tại lễ hội sông nước.

TPHCM là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của cả nước. Cùng với chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TPHCM đang tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển, trong đó có nguồn lực văn hóa và định hướng đến năm 2030 trở thành trung tâm văn hóa của khu vực Đông Nam Á, năm 2045 là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, văn hóa phát triển đặc sắc.

Thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 25 tháng 10 năm 2023, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030. Hiện nay, Thành phố đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh là một trong những lợi thế, thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở Thành phố.

Các ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng, thông qua mạng lưới sáng tạo, TP HCM sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo khác, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, việc gia nhập mạng lưới sẽ mở ra cơ hội hợp tác và giao lưu quốc tế cho TP HCM trong lĩnh vực sáng tạo và văn hóa.

TP HCM cũng có cơ hội tiếp cận các xu hướng và mô hình quản lý tiên tiến để vận dụng. Đây cũng là cú hích thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp văn hóa và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực sáng tạo.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.Nguyệt