Tết này, Tết kia

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hai năm đại dịch khó khăn đã qua, thành phố lại hồi sinh. Lòng tôi tràn niềm tin mùa Xuân yên vui đã trở lại. Và, chúng tôi cũng sẵn sàng cho chuyến du Xuân!

Có lẽ tâm lý hoài niệm khiến cho những cái Tết xưa thường nhiều kỷ niệm, ký ức và tình cảm đẹp đẽ, cho dù Tết nay có thể dồi dào hơn, đủ điều kiện hơn, hoàn hảo hơn.

 Khi ta lớn lên thì nhớ Tết trẻ con, ra thành thị thì nhớ Tết quê, đi nước ngoài thì nhớ Tết Việt, ở lính thì nhớ Tết ở nhà… Và cũng có một ý niệm rất thân thương với người Việt Nam, là gia đình cha mẹ ở đâu, Tết ở đó. Vì thế, Tết là sum họp, Tết là đoàn tụ rồi mới đến “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, rồi mới đến lì xì, áo mới, quà cáp…

Tết này, Tết kia - 1

Có một ý niệm rất thân thương với người Việt Nam, là gia đình cha mẹ ở đâu, Tết ở đó. Vì thế, Tết là sum họp, Tết là đoàn tụ. Ảnh: Shutterstock

Mong muốn luôn có cuộc sống no đủ, hạnh phúc, năm sau hơn năm trước, khiến cho mọi người thường so sánh, đánh giá về Tết này khác và hơn Tết xưa thế nào. Những cái chép miệng thật nhớ thương: “Tết trước cả nhà còn đông đủ, năm nay mấy đứa đã xa nhà”. Hoặc những sự đo đếm rất hạnh phúc: “Năm ngoái Tết bánh chưng bánh tét đầy nhà”. Bọn trẻ con cũng không quên kiểm toán số tiền trong heo đất: Tết năm ngoài được lì xì bao nhiêu, Tết này được bao nhiêu… 

Rồi sự lý giải cho mọi sự thay đổi ấy có khi chỉ là một cái tặc lưỡi rất đời thường và không thể đúng hơn: Tết mà!

Tôi từng lớn lên ở Hà Nội những năm tháng khó khăn của thời chiến tranh, thời đi sơ tán khi Mỹ ném bom miền Bắc, thời bao cấp… những cái Tết thật nghèo nhưng ấm áp. Cứ lấy bánh mứt làm một ví dụ. Lúc đó mỗi gia đình chỉ được vài cái bánh chưng, ít bánh mứt, một vài phong pháo nổ, một hai chai rượu. May mắn hơn thì có ít trái cây, quần áo mới… thế là Tết rồi. Sau năm 1975, tôi vào Nam. Tết đã rất khác. Những gì thời bao cấp ngoài Bắc là khan hiếm và xa xỉ, thì ở Sài Gòn lại đầy ắp. Nhưng phong tục thì hầu như không khác nhau mấy. Tết vẫn rất trọng việc sum họp đoàn tụ, chúc Tết cha mẹ, gia đình.

Thời điểm đó, khái niệm đi du lịch thật xa vời, vì điều kiện tàu xe khó khăn, hàng không chưa phát triển, các điểm du lịch chưa nhiều. Mấy năm nay, đời sống phát triển, thói quen ăn Tết cũng khác, ăn thịt mỡ thì sợ bệnh, pháo bị cấm, cây nêu cũng ngày càng hiếm. Nhiều người có thu nhập khá bắt đầu thay đổi cách đón Xuân, nghỉ Tết bằng những chuyến về quê, kết hợp đi du lịch. Có nhiều gia đình tổ chức “trốn Tết” bằng những chuyến du lịch nước ngoài. Họ đi du lịch dài ngày, hết Tết mới về. Thứ nhất là để tránh cái Tết nhiều thứ ràng buộc, sau cũng là tận hưởng nhiều phong vị lạ và mới.

Tết này, Tết kia - 2

Cho dù Tết nay có thể dồi dào hơn, đủ điều kiện hơn, hoàn hảo hơn, nhưng với nhiều người, những cái Tết xưa vẫn nhiều kỷ niệm, ký ức và tình cảm đẹp đẽ. Tranh: Huỳnh Dũng Nhân

Đất nước Việt Nam hình chữ S, khoảng hơn 2.000 km đường bộ xuyên Việt, hơn 3.000km dọc bờ biển, lượng người dân lập nghiệp xa quê rất lớn. Và dù khó đến đâu thì mỗi dịp Tết, họ vẫn trở về đoàn tụ gia đình. Bởi một ý niệm rất thân thương, là về với gia đình, về với cha mẹ, về quê ăn Tết. Nhưng có lẽ 2 cái Tết chúng ta vừa trải qua là đặc biệt nhất, Tết COVID. Bao nhiêu năm trong lịch sử dân tộc, đạn bom còn chưa làm phai nhạt nổi sắc hoa đào hoa mai ngày Tết, thì đại dịch COVID tàn khốc đã làm điều đó. 

Mấy chục năm đón Tết ở Sài Gòn, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh bạn bè, người quen, học trò… nhắn nhau Tết này ở lại thành phố như những ngày giáp Tết Tân Sửu. Ở lại đón Tết Sài Gòn chỉ vì một nghĩa: hạn chế đi lại, hạn chế mang mầm bệnh về quê, nỗi lo phải cách ly ngày Tết, nỗi lo không thể về lại Sài Gòn sau Tết, nếu chẳng may thành phố có dịch, hay quê nhà phải phong tỏa.

Đó là cái Tết mà ai ở nhà nấy, không thăm viếng sum vầy, chúc mừng nhau như lẽ thường. Nhiều gia đình thành phố vốn có thói quen sáng mùng Môt Tết kéo vali đi du lịch, nghỉ xả hơi sau một năm bận rộn, nhưng cũng cũng đành hủy hết mọi chuyến đi.

Đó là cái Tết mà chúng tôi, những công dân thành phố hoảng hốt giật mình nếu lỡ nghe tiếng còi xe cấp cứu, thoáng thấy màu áo bảo hộ. Đó cũng là lần đầu mà nhiều người dân biết đến khái niệm “ăn Tết online”, nâng ly rượu, chén trà chúc nhau qua màn hình điện thoại. 

…….

Hai năm đại dịch khó khăn đã qua, thành phố lại hồi sinh, những buồn đau đã dần xếp lại. Tháng Chạp, nhìn sinh viên, công nhân, người lao động lần lượt kéo vali rời thành phố về quê ăn Tết, lòng tôi tràn niềm tin mùa Xuân yên vui đã trở lại.

Và, tôi cùng gia đinh cũng đã sẵn sàng cho chuyến du Xuân!

Nhâm nhi Tết Bắc
Nhâm nhi Tết Bắc

Món ngon nhất, đơn giản nhất mà tròn vị nhất - nhà nào cũng nhâm nhi trong mấy ngày Tết là món KÝ ỨC. Và hay nhất, cái...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân