Du lịch du thuyền trỗi dậy: Việt Nam "thời" có nhưng thiếu "địa lợi, nhân hòa"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những chiếc du thuyền đầu tiên bắt đầu nhập khẩu vào Việt Nam từ khoảng năm 2007. Đến năm 2017, Vietyatch - đơn vị phân phối du thuyền đầu tiên được thành lập. Sang 2025, bến du thuyền quốc tế đầu tiên chính thức hoạt động. Dẫu non trẻ, ngành công nghiệp du lịch du thuyền có thể thúc đẩy đầu tư phát triển, tạo ra nguồn lợi kinh tế khổng lồ.

Bài 1: Châu Á - Thái Bình Dương: Khu vực tăng trưởng 'nóng' của lĩnh vực du thuyền toàn cầu

Triển vọng từ thị trường và định hướng chính phủ

Việt Nam sở hữu tài nguyên biển phong phú từ cảnh sắc đến văn hóa đặc sắc. Nước ta có đường bờ biển dài hơn 3.260km, xếp thứ 32 về chiều dài đường bờ biển trên tổng số 156 quốc gia có biển trên thế giới, với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, khoảng 125 bãi biển trải khắp Bắc đến Nam. Trong đó, nhiều biển đảo liên tục góp mặt trong danh sách điểm đến du lịch hàng đầu thế giới như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), biển Nha Trang (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Đảo Cát Bà, vịnh Lan Hạ (Hải Phòng)...

Du lịch du thuyền trỗi dậy: Việt Nam "thời" có nhưng thiếu "địa lợi, nhân hòa" - 1

Việt Nam sở hữu vùng biển, đảo đẹp hàng đầu thế giới.

Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia, hai tháng đầu năm, lượng khách nhập cảnh bằng đường biển đạt gần 100.000 lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, lượng khách tàu biển đạt gần 250.000 lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2023.

Năm ngoái cũng chứng kiến hàng loạt tàu khách quốc tế 5 sao đổ bộ vào Việt Nam như Le Jacques Cartier, Costa Serena, AIDA Bella, Celebrity Solstice với chi phí cho tour lữ hành 8 - 12 ngày dao động từ hơn 150 triệu đồng đến 650 triệu đồng. Tín hiệu thị trường đang cho thấy sức hút của Việt Nam đến giới thượng lưu du lịch đường biển, mở ra cơ sở cho việc thúc đẩy ngành du lịch du thuyền.

Cuối năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Dự án quản lý du thuyền theo Quyết định số 1521/QĐ-BGTVT. Quyết định này tập trung vào việc thành lập và mở rộng các ngành, dịch vụ liên quan đến du thuyền, bao gồm cả việc phát triển bến du thuyền, nhằm nâng cao bản sắc du lịch Việt Nam. Các đơn vị kinh doanh liên quan hy vọng chính sách mới sẽ mở đường để họ tiếp tục khơi thông mạch nguồn đầy hấp dẫn này.

Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 07/3/2025 ban hành quyết định miễn thị thực cho 12 nước đến năm 2028, trong đó bao gồm các quốc gia Châu Âu chiếm tỉ trọng lớn trong du lịch đường biển góp thêm động lực tăng trưởng.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại khu vực như Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN, Dự án Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mekong - Lan Thương (tên sông Mekong tại địa phận Myanmar và Trung Quốc) nhấn mạnh việc phát triển các hành lang du lịch hàng hải, tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút liên kết phát triển ngành công nghiệp du thuyền.

Lĩnh vực cho thuê du thuyền, mở rộng hình thức và trẻ hóa phân khúc

Mặt khác, ở thị trường trong nước, dịch vụ cho thuê du thuyền cũng đang tăng trưởng đều đặn, đặc biệt ở nhóm khách trẻ. Gen Z, tức nhóm người sinh năm 1997 - 2012 hiện chỉ chiếm 15% dân số Việt Nam, chiếm 1/3 dân số trong độ tuổi lao động theo ước đoán của Tổng cục Thống kê nhưng lại đóng góp đến 40% các khoản chi tiêu bên ngoài gia đình.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank 2024), tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới tại Việt Nam dự kiến đạt 26% dân số vào năm 2026, gấp đôi so với 13% vào năm 2016. Trong đó, có sự tăng trưởng không nhỏ của lực lượng lao động cuối Millennials và đầu Gen Z.

Tháng 11/2024, nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng Đông Nam Á (ACSS) do Ngân hàng UOB và Công ty tư vấn Boston Consulting Group cho thấy 47% người tiêu dùng Gen Z Việt Nam đã chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động trải nghiệm như ăn uống, du lịch và tham gia concert, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN là 35%.

Chị Nguyễn Bảo Ngọc, hiện là Giám đốc Marketing, thỉnh thoảng cùng nhóm bạn thuê du thuyền theo buổi nhằm thư giãn sau các dự án áp lực. Cô cho biết: "Nếu đi nhóm từ 10 đến 15 người thì chi phí thuê chỉ rơi vào khoảng 2 triệu đồng/người. Nếu gộp luôn các dịch vụ cơ bản như trang trí tàu theo chủ đề, đi kèm đồ ăn cơ bản, rượu vang thì rơi vào khoảng 3 - 4 triệu đồng/người". Chị Ngọc cũng khẳng định, chi phí này không đắt.

Du lịch du thuyền trỗi dậy: Việt Nam "thời" có nhưng thiếu "địa lợi, nhân hòa" - 2

Nhâm nhi rượu vang hay thưởng thức tiệc trà trên du thuyền dần phổ biến với các bạn trẻ tại TP.HCM, Nha Trang, vịnh Hạ Long...

Xu hướng này phản ánh rõ qua tình hình kinh doanh của các đơn vị. Đại diện Vietyacht Club, ông Nguyễn Quang Nhật, Giám đốc Kinh doanh cho biết: "Nhóm khách trẻ chiếm khoảng 30 - 40% lượng khách Việt thuê du thuyền của Vietyacht, và tăng trưởng đều trong các năm gần đây. Phần lớn các bạn sẽ đi theo nhóm, thuê du thuyền để tổ chức tiệc sinh nhật hoặc đơn giản để nghỉ ngơi". Cũng theo đại diện Vietyacht Club, nhóm khách này không chỉ tập trung vào cuối tuần mà phân bổ đều vào các tối trong tuần.

Tại TP.HCM, hiện có khoảng 4 thương hiệu khai thác chính các hoạt động cho thuê du thuyền theo giờ, theo gói. Tuy nhiên, do đặc tính của sông Sài Gòn là vắng gió, chất lượng nước không phù hợp nên loại hình dịch vụ này chỉ dừng ở du ngoạn, tiệc trên sông. Để tham gia hoạt động thể thao khác, tàu phải ra bến Cần Giờ.

Mặt khác, ở vịnh Nha Trang hay Hạ Long, sẵn lợi thế bãi biển rộng, nhiều điểm đậu, xu hướng thuê du thuyền tổ chức sự kiện, chụp ảnh cưới và trải nghiệm thể thao nước gắn với du thuyền như chèo thuyền kayak, snorkeling, lướt ván, motor nước cũng tăng cao.

Ba tầng thách thức nan giải cho ngành công nghiệp du thuyền

Dù chúng ta không hề thua kém về cảnh quan, điều kiện phát triển, thực trạng còn yếu kém cơ sở vật chất phù hợp và chính sách đặc thù đang kéo năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng xa so với các quốc gia láng giềng.

Thứ nhất là về bến, bãi. Là một ngành công nghiệp có tính đặc trưng, nhóm du thuyền cá nhân (yacht) gồm du thuyền buồm, du thuyền động cơ, siêu du thuyền... có những yêu cầu riêng về bến bãi, dịch vụ đi kèm.

Xét trên cả nước, Việt Nam mới chính thức có bến du thuyền quốc tế đầu tiên Ana Marina nằm tại phía Bắc thành phố Nha Trang với mã cảng "VNANA". Diện tích 89ha, sức chứa 220 du thuyền, công trình trọng điểm do đơn vị Focus Travel Group đầu tư mang đến hạ tầng quan trọng cho Nha Trang kết nối tích cực hơn vào các tuyến du thuyền xa xỉ từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Hồng Kông, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia…

Nhìn từ các quốc gia trong khu vực, bến du thuyền quốc tế cũng đã được chứng minh hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua các giải đấu thể thao dành cho đối tượng hạng sang, các cuộc đua thuyền buồm quốc tế, thu hút các hội thảo chuyên ngành, sự kiện MICE của thương hiệu xa xỉ.

Đại diện Ana Marina cũng cho biết đơn vị đã trực tiếp tham khảo kinh nghiệm thực tiễn tại bến du thuyền Hercules, Monaco để áp dụng vào Ana Marina Yacht Club, hướng tới thỏa mãn thị hiếu nhóm khách xa xỉ, siêu xa xỉ, đồng thời phát triển cộng đồng thượng lưu ở bãi biển đẹp hàng đầu.

Du lịch du thuyền trỗi dậy: Việt Nam "thời" có nhưng thiếu "địa lợi, nhân hòa" - 3

Toàn cảnh Ana Marina - bến du thuyền quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Vingroup cũng vừa đưa vào hoạt động bến du thuyền cao cấp Vinhomes Royal Marina, tạo thêm điểm đến hấp dẫn cho giới du thuyền ở khu vực Hải Phòng. Ủy ban nhân dân Đà Nẵng cũng đang triển khai Kế hoạch số 188/KH-UBND liên quan đề án "Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố" tập trung xây dựng hạ tầng bến du thuyền quốc tế gắn với dịch vụ tầm cỡ quốc tế tại khu vực vịnh Đà Nẵng. Tuy nhiên, hầu hết các bến dành cho du thuyền tại Việt Nam đều có quy mô tự phát, hoặc dưới dạng bến thủy nội địa, chưa tuân theo quy chuẩn quốc tế hiện hành, hoặc thiếu tính liên kết với hệ thống tiện ích, dịch vụ hiện đại đính kèm.

Du lịch du thuyền trỗi dậy: Việt Nam "thời" có nhưng thiếu "địa lợi, nhân hòa" - 4

Phần lớn bến du thuyền Việt Nam chỉ đạt chất lượng "nội địa".

"Thuyền bắt buộc phải có bến đón rước khách và neo đậu, TP.HCM đang thiếu nghiêm trọng bến đón khách tại khu vực trung tâm, cũng chưa có bến vận tải hành khách thủy nội địa xứng tầm là đầu tàu kinh tế bậc nhất cả nước. Đó cũng là rào cản mà nhiều nhà đầu tư hoặc người dân muốn sở hữu du thuyền dập tắt ý định nhen nhóm ngay từ ban đầu", bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Les Rives, đơn vị khai thác và vận hành tour du lịch đường sông cho khách quốc tế lớn nhất TP.HCM nhận định. Với 3 du thuyền hai thân sang trọng, Les Rives đang khai thác tuyến du lịch đường sông tại TP.HCM và nối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, tình trạng gom chung vào loại phương tiện có tính đặc thù này cùng hoạt động của nhóm tàu thuyền vận chuyển khách du lịch và các siêu tàu khách (Passenger Cruise Ship) để nhận đón tại các cảng biển, bến tàu khiến Việt Nam kém hấp dẫn với nhóm khách hàng xa xỉ, vốn ưu tiên trải nghiệm mang tính đặc quyền, xứng tầm.

Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam phân tích: "Đối với phát triển du thuyền và bến du thuyền, lĩnh vực này vẫn còn non trẻ tại Việt Nam. Hầu hết các bến du thuyền ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ và phục vụ khách du lịch trong nước, chỉ riêng Ana Marina ở Nha Trang là cơ sở duy nhất được công nhận trên toàn thế giới. Trong bối cảnh ngày càng tăng từ những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao và du khách hạng sang, việc khan hiếm các bến du thuyền được trang bị tốt, chính sách rõ ràng và các dịch vụ hỗ trợ đang làm hạn chế sự phát triển hơn là mở rộng".

Thứ hai, quy mô khối doanh nghiệp và năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ du thuyền còn non trẻ. Dù có tới gần 30 tỉnh, thành phố ven biển có tiềm năng đón khách, hoạt động khai thác hầu hết diễn ra tập trung tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM.

Về số lượng doanh nghiệp, cả nước có khoảng trên dưới 10 công ty phân phối chính hãng du thuyền, đại diện cho hơn 40 thương hiệu. Số lượng du thuyền đạt chuẩn quốc tế vào khoảng gần 200 chiếc cả cũ và mới. So với 1.000 du thuyền của riêng thành phố Tây Á, tỉnh Hải Nam, con số này là quá nhỏ, chưa tính đến khu vực và thế giới.

Nước ta hiện có khoảng 90 doanh nghiệp đóng tàu biển và hơn 400 cơ sở đóng phương tiện thủy nội địa. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hóa sản phẩm, gia nhập học hỏi với thị trường quốc tế nhưng phần lớn, chưa làm chủ được khâu thiết kế kỹ thuật và thiết kế công nghệ - các tiêu chí quan trọng cho mảng du thuyền cá nhân. Các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa du thuyền theo đó, khá nguyên sơ vì ít điều kiện để thực hành, nguồn nhân lực chuyên môn hạn chế.

Du lịch du thuyền trỗi dậy: Việt Nam "thời" có nhưng thiếu "địa lợi, nhân hòa" - 5

Năng lực các ngành công nghiệp hỗ trợ du thuyền vẫn còn nguyên sơ.

Một thách thức nổi cộm khác chính là thực trạng quản lý, khai thác. Nhiều chủ tàu phản ánh trầy trật khi đăng kiểm, đăng ký du thuyền đóng mới. Thủ tục cồng kềnh và kéo dài có khi đến hàng năm. Việc thiếu nhân viên chuyên trách, phân nhỏ đơn vị kiểm duyệt và yêu cầu thủ tục phức tạp, thiếu quy chuẩn riêng biệt được các chuyên gia nhận định là nguyên do chính.

Tính riêng khâu chờ bố trí nhân viên kiểm hồ sơ đầu vào đã mất 5 - 6 tháng. Trong khi đó, tại Singapore, thủ tục khá thông thoáng và gọn nhẹ. Du thuyền muốn hoạt động nội địa chỉ cấp giấy phép hoạt động, không cấp giấy đăng ký. Du thuyền muốn đi tuyến quốc tế sẽ được cấp giấy đăng ký. Khi đã hoàn thành đăng ký quốc tịch Singapore, du thuyền đó sẽ được quản lý như một du thuyền mang quốc tịch nước ngoài. Chính sách đặc thù ở một số địa phương cũng đang có tác động kìm hãm. Đơn cử như ở vịnh Nha Trang, điểm đến hiện sở hữu bến du thuyền quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, vẫn không có chính sách hỗ trợ neo đậu qua đêm với du thuyền.

Chia sẻ tầm nhìn dài hạn, đầy hứa hẹn về ngành công nghiệp du lịch du thuyền Việt Nam, theo ông Đặng Bảo Hiếu, chủ tịch Focus Travel Group, đơn vị chủ quản Ana Marina: "Câu chuyện về du thuyền cá nhân ở Việt Nam giống như câu chuyện ô tô cá nhân ở Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước. Nếu có một chiến lược đúng đắn, một hành lang pháp lý rõ ràng, một cơ chế quản lý để phát triển, một sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng một cách bài bản, chắc chắn sau 10-15 năm nữa, ngành du thuyền cá nhân ở Việt Nam sẽ có một bức tranh hiện thực như ngành sản xuất xe ô tô cá nhân bây giờ".

Du thuyền là ngành kinh tế "triệu đô" mũi nhọn của nhiều quốc gia đường biển như Monaco, Australia, Singapore… Với tiềm năng tự nhiên giàu mạnh, chiến lược phát triển mới từ chính phủ, cùng sự đầu tư mạnh mẽ của khối tư nhân được kỳ vọng tạo ra ảnh hưởng tích cực cho toàn bộ chuỗi giá trị của ngành du thuyền, hướng tới mục tiêu vươn bằng các nước Đông Nam Á và trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Uyên Bùi

CLIP HOT

Những
Những "luồng gió mới" thay đổi thị trường F&B Việt Nam

Bất chấp những khó khăn, kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Năm 2025 được các chuyên gia dự đoán sẽ là bức tranh đầy mới mẻ, với nhiều tín hiệu tích cực và cơ hội cho những ai biết nắm bắt.