Sự phát triển của du lịch sự kiện - lễ hội tại Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch sự kiện-lễ hội đã không còn là một khái niệm xa lạ. Hằng năm, có vô số sự kiện được tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau từ trong nước ra đến thế giới.

Tại Việt Nam, các loại hình sự kiện về văn hóa, xã hội tương đối phong phú và đa dạng. Theo số liệu từ Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, mỗi năm nước ta có hơn 8.000 lễ hội và sự kiện được tổ chức. Đặc biệt, có những lễ hội trước đây chưa phải là sản phẩm du lịch, nhưng cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, nay đã trở thành một trong những nét hấp dẫn du khách, được chính quyền địa phương cùng các đơn vị lữ hành trong nước khai thác phục vụ cho du lịch.

Sự phát triển của du lịch sự kiện - lễ hội tại Việt Nam - 1

Lần đầu tiên, mùa hoa kèn hồng tại Sóc Trăng chính thức được tổ chức một lễ hội riêng vào đầu năm 2025 nhằm thu hút du khách đến tỉnh. Ảnh: Duy Khang.

Sự phát triển của du lịch sự kiện - lễ hội tại Việt Nam - 2

Tại tỉnh Bạc Liêu, nhằm kỷ niệm 100 năm nghề muối vào năm 2025, địa phương đã ra thông báo tổ chức một festival với nhiều hoạt động thú vị, giúp du khách hiểu thêm về nghề làm muối của bà con diêm dân. Ảnh: Duy Khang.

Trong tầm nhìn chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, và gần đây nhất, là Quyết định số 382/QĐ-TTg của chính phủ ban hành về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch sự kiện-lễ hội.

Theo đó, việc phát triển du lịch dựa vào các sự kiện, lễ hội nhằm mục đích tạo lập hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người; xúc tiến, quảng bá cho điểm đến du lịch để thu hút, gia tăng lượt du khách, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách và thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Tác động tích cực của sự kiện, lễ hội đối với du lịch

Việc tổ chức các sự kiện, lễ hội có quy mô tầm quốc gia hoặc quốc tế đều tạo ra những tác động rất lớn đến hoạt động xúc tiến du lịch. Qua các sự kiện, lễ hội được tổ chức, chúng không chỉ làm tăng số lượng khách mà còn giúp kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.

Lấy ví dụ tại TP.HCM, một trong những thành phố lớn có hoạt động du lịch sôi nổi nhất cả nước với nhiều lễ hội thường xuyên được tổ chức định kỳ. Theo kết quả ghi nhận từ Sở Du lịch Thành phố, Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2024 đã thu hút khoảng 480.000 lượt khách quốc tế, gần 3 triệu lượt khách nội địa, mang về doanh thu ước đạt 15.975 tỷ đồng trong khoảng 9 ngày tổ chức.

Sự phát triển của du lịch sự kiện - lễ hội tại Việt Nam - 3

Một hoạt động hưởng ứng Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 10, năm 2024 diễn ra tại Bưu điện Trung tâm Thành phố. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM.

Tại Ngày hội Du lịch TP.HCM, một sự kiện thương mại thường niên của ngành du lịch Thành phố nhằm tạo tiền đề cho một mùa du lịch hè đầy sôi nổi, trong năm 2024 đã giúp các doanh nghiệp du lịch thu về hơn 140 tỷ đồng, thu hút hơn 160.000 lượt khách tham quan trong 4 ngày diễn ra.

Tiếp theo, tại Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM – ITE HCMC năm 2024 cũng tiếp tục chứng minh tính hiệu quả và sức hấp dẫn của mình. Qua 3 ngày tổ chức, hội chợ thu hút gần 11.500 cuộc hẹn thương mại B2B giữa 220 người mua quốc tế, khoảng 26.000 lượt khách tham quan cùng sự góp mặt của 700 đại biểu đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Không chỉ các sự kiện của ngành du lịch mà các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa như tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cũng góp phần mang đến cho du lịch Việt Nam nói chung nhiều kết quả tích cực.

Cũng tại TP.HCM, trong năm 2023, đây là nơi đăng cai tổ chức hai trong sáu cuộc thi hoa hậu lớn nhất hành tinh, bao gồm Miss Earth 2023 (Hoa hậu Trái đất) và Miss Grand International 2023 (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế). Sang đầu năm 2024, cuộc thi Miss Cosmo (Hoa hậu Hoàn vũ) cũng được tổ chức tại Thành phố mang tên Bác. Các cuộc thi sắc đẹp này đã mang về cho TP.HCM nhiều lượt “check-in” từ các fan hâm mộ “beauty queen” ở khắp năm châu. Đồng thời, hình ảnh về một TP.HCM năng động, mến khách nói riêng và một Việt Nam tươi đẹp, hữu tình nói chung càng đến gần hơn với công chúng quốc tế, thông qua các video quảng bá cuộc thi “viral” trên nền tảng mạng xã hội.

Sự phát triển của du lịch sự kiện - lễ hội tại Việt Nam - 4

Chung kết Miss Cosmo 2024 tại TP.HCM, với sự chiến thắng của người đẹp từ Indonesia. Ảnh: Miss Cosmo.

Ngoài ra, các sự kiện thể thao lớn trong khu vực, như ASEAN Cup hay SEA Games, cũng giúp du lịch Việt Nam hưởng nhiều "quả ngọt". Theo số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội công bố vào ngày 24/5/2022, Thủ đô đã đón gần 700 nghìn lượt khách du lịch nội địa, 31.448 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú, đến tham quan và tham gia các sự kiện của SEA Games 31. Cần phải nói, kết quả này có được chỉ sau một thời gian ngắn nước ta tuyên bố mở cửa du lịch trở lại sau khi đã kiểm soát hoàn toàn COVID-19.

Qua đó, có thể phần nào thấy được các sự kiện, dù ở tầm địa phương, cấp quốc gia hay quốc tế đều mang đến những cơ hội để tăng trưởng doanh thu du lịch, bên cạnh đó, còn là những tiềm năng để quảng bá văn hóa và hình ảnh điểm đến, từ đó, nâng tầm sức mạnh của thương hiệu du lịch Việt Nam.

Thúc đẩy phát triển du lịch MICE

Khi nói về sức ảnh hưởng của sự kiện, lễ hội đối với ngành du lịch thì cũng cần nhắc đến "ngách" du lịch MICE, loại hình du lịch gắn liền với các hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện... của các doanh nghiệp dành cho nhân viên, đối tác.

Một trong những thế mạnh của loại hình du lịch sự kiện này là tạo ra sức hút về khách du lịch và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tính thời vụ trong du lịch.

Ví dụ như ở các địa phương duyên hải miền Trung hay ở khu vực cao nguyên phía Bắc, khi đã qua mùa du lịch thì lượng du khách tìm đến khá thấp, vì vậy, các địa phương đã tận dụng “thời gian nghỉ” này của các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn để khai thác tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa truyền thống, đại hội thể thao, hội thảo, hội nghị...

Đặc thù của du lịch MICE là yêu cầu khá cao về cơ sở hạ tầng, hệ thống các dịch vụ đi kèm như ăn uống, vui chơi giải trí hay mua sắm... Vì vậy, ở thì hiện tại, TP.HCM và Hà Nội là hai nơi có khả năng khai thác tốt du lịch MICE.

Sự phát triển của du lịch sự kiện - lễ hội tại Việt Nam - 5

TP.HCM là địa phương có tiềm năng lớn trong việc khai thác du lịch MICE. Ảnh: Nga Pham/Getty Images.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhận định, trong vai trò là đầu tàu kinh tế, TP.HCM có nhiều tiềm năng cũng như thách thức trong việc đưa Thành phố trở thành trung tâm tổ chức du lịch MICE của khu vực.

Trong nhiều năm qua, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức nhiều hội thảo, chương trình giúp các khách sạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Trong Hội nghị "Chuyển đổi số tại các khách sạn", diễn ra vào tháng 12/2022, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cam kết Sở sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp công nghệ để giúp các đơn vị kết nối, trao đổi, chuyển giao các công nghệ hiện đại nhằm gia tăng tiện ích cho du khách khi chọn lưu trú tại khách sạn TP.HCM.

Gần đây nhất, tại Hội thảo "Phygital - Xu hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch" diễn ra vào ngày 04/3 vừa qua, lại một lần nữa, Sở Du lịch Thành phố cam kết kết nối với các nhà phát triển đưa công nghệ Phygital (kết hợp giữa thế giới thực và kỹ thuật số) ứng dụng vào việc nâng cao trải nghiệm du khách thông qua các giải pháp thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), đồng thời, tối ưu hóa hiệu suất vận hành cho các doanh nghiệp.

Sự phát triển của du lịch sự kiện - lễ hội tại Việt Nam - 6

Ông Nguyễn Huy, Tổng Giám đốc Phygital Labs giới thiệu Hệ thống Trạm Check-in Thông minh, một giải pháp đột phá mang đến trải nghiệm du lịch tương tác hoàn toàn mới. Ảnh: Hữu Long.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của công nghệ, ngành khách sạn Việt Nam nói chung và tại TP.HCM đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng: áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, hay bảo thủ với phương thức truyền thống và chấp nhận nguy cơ tụt hậu.

Theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro từ Đại học RMIT Việt Nam, chìa khóa nằm ở việc cân bằng giữa tiến bộ công nghệ và hiểu biết tinh tế về văn hóa. "Đối với nhiều du khách, sức hấp dẫn của Việt Nam nằm ở truyền thống phong phú, bản sắc địa phương và mối liên hệ giữa con người với nhau. Điều này đôi khi có thể trái ngược với các giải pháp sử dụng AI nhằm tự động hóa hoặc đồng nhất hóa các dịch vụ. Mâu thuẫn này làm nổi bật yêu cầu phải tích hợp AI theo cách bổ trợ, thay vì làm suy yếu, cho tính chân thực của các trải nghiệm du lịch ở Việt Nam", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro cho biết.

Để nâng tầm du lịch Việt Nam từ các sự kiện-lễ hội

Văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán địa phương, bản sắc con người xứ sở chắc chắn là những chất liệu quý báu để các nhà làm sự kiện, các địa phương tổ chức lễ hội khai thác.

Theo ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, mặc dù những năm gần đây, các tỉnh thành đều tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội với mục đích phục vụ du lịch, thu hút du khách. Tuy nhiên, đáng buồn thay, một số nơi chỉ có lãnh đạo địa phương đến dự còn du khách – đáng lý phải là chủ thể chính – thì lại hầu như rất ít.

"Một sự kiện lễ hội phục vụ du lịch thì yếu tố du lịch cần được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Để làm nên một sự kiện du lịch hấp dẫn, chúng ta cần khai thác các yếu tố làm nên cái hay, cái đẹp, cái mới lạ, cái độc đáo trong các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Đó là điều mà du khách quan tâm khi đến tham dự một sự kiện", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Sự phát triển của du lịch sự kiện - lễ hội tại Việt Nam - 7

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm Nâng tầm sản phẩm du lịch chất lượng từ các sự kiện, lễ hội tại TP.HCM, do Tạp chí Du lịch TP.HCM tổ chức. Ảnh: Hà Sang.

Đồng quan điểm, ông Lại Minh Duy – Tổng Giám đốc TST Tourist chia sẻ, các nhà tổ chức sự kiện cần rạch ròi trong hai việc: Lễ hội được làm ra để thu hút khách du lịch nội địa hay khách quốc tế? Hình thức tổ chức lễ hội nhằm vào việc bán sản phẩm du lịch tại địa phương hay là quảng bá hình ảnh địa phương?

"Khi làm sản phẩm du lịch đưa đến khách hàng, chúng tôi phải biết rõ sản phẩm này hướng đến tệp khách nào là phù hợp để từ đó làm tốt khâu marketing. Có như vậy thì sản phẩm du lịch mới đến tay đúng khách hàng cần nó, từ đó, mở ra cơ hội thu hút khách", ông Lại Minh Duy cho biết.

Theo ý kiến của bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Vietravel, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, giai đoạn trước thềm lễ hội và sau lễ hội là vô cùng quan trọng để các nhà làm du lịch có thể thu hút nhiều du khách đến với lễ hội. Đồng thời, cũng cần tận dụng lợi thế của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong việc quảng bá lễ hội đến với du khách quốc tế. Đặc biệt, cũng cần lưu tâm đến việc cố định ngày tổ chức để hằng năm, "nhắc đến thời gian này, tại địa phương này, thì du khách sẽ nghĩ ngay đến những sự kiện du lịch sẽ được tổ chức khi đó".

Đó cũng là phương pháp mà các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... nơi vẫn đang làm tốt các sự kiện, lễ hội du lịch áp dụng.

Cứ đến giữa tháng 3 thì du khách khắp nơi là nhắc nhớ nhau về vẻ đẹp của mùa hoa anh đào xứ sở mặt trời mọc; sang tháng 4 là lại rủ nhau lên kế hoạch thăm Lễ hội Té nước Songkran nổi tiếng của Thái Lan; còn sang mùa thu, Seoul và đảo Nami của Hàn Quốc với sắc phong lá đỏ lại gây xao xuyến tâm trí những ai đã từng đến đây vào dịp này.

Sự phát triển của du lịch sự kiện - lễ hội tại Việt Nam - 8

Mùa hoa anh đào tại Nhật Bản gây thương nhớ cho nhiều du khách khi tháng 3 về. Ảnh: Getty Images.

Một sự kiện du lịch được tổ chức tốt sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước. Nhưng nếu tổ chức không tốt thì hậu quả để lại cũng vô cùng nặng nề. Có lẽ, chẳng ai quên được hình ảnh tang thương của sự kiện lễ hội Halloween tại con phố Itaewon của Hàn Quốc đã đẩy chính quyền thành phố Seoul vào cuộc khủng hoảng trong những tháng cuối năm 2022.

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 đã chính thức khai mạc. Tiếp đó, là Lễ hội Bánh mì Việt Nam và Giỗ tổ Hùng Vương, xa hơn một chút là Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2025... Nếu tận dụng tốt ưu thế của du lịch sự kiện-lễ hội, chúng ta có thể nhanh chóng rút ngắn mục tiêu thu hút 8,5 triệu khách quốc tế tại TP.HCM nói riêng và từ 22-23 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2025.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT

Những
Những "luồng gió mới" thay đổi thị trường F&B Việt Nam

Bất chấp những khó khăn, kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Năm 2025 được các chuyên gia dự đoán sẽ là bức tranh đầy mới mẻ, với nhiều tín hiệu tích cực và cơ hội cho những ai biết nắm bắt.