Quảng Ninh sớm trở thành “cảng trung chuyển” du khách quốc tế
Khách quốc tế đến Quảng Ninh từ Trung Quốc và tiếp tục khám phá các địa phương; Khách từ Quảng Ninh sẽ đi thăm nước bạn thông qua đường bộ biên giới hoặc sân bay Vân Đồn hoặc cảng biển. Quảng Ninh đang trên lộ trình trở thành điểm trung chuyển của du khách quốc tế chứ không dừng lại là một điểm đến.
Bên lề “Hội nghị tổng kết liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2024-2025”, trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch TP.HCM, ông Nguyễn Lâm Nguyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM về tầm nhìn phát triển du lịch của tỉnh.
Cụm chùa Yên Tử nằm trong quần thể di tích và danh thắng đang chờ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã trình lên UNESCO để xét công nhận là di sản thế giới, đang được dư luận quan tâm. Ông có thể chia sẻ về tiến độ hiện tại của tiến trình này?
Sau 8 năm chuẩn bị, được sự đồng ý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã được trình lên UNESCO để xét công nhận là di sản thế giới. Để được công nhận là di sản thế giới, một di tích phải trải qua 4 bước tuần tự: Lập danh sách dự kiến - Nộp hồ sơ đề cử - Cơ quan tư vấn đánh giá - Ủy ban Di sản Thế giới quyết định công nhận. Trong 4 bước này, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang ở bước cuối cùng: Hồ sơ đã lọt vào đề cử để Ủy ban Di sản Thế giới xem xét tiến tới quyết định công nhận.
Hiện, đoàn công tác của Việt Nam đang có mặt tại Pháp để tiếp tục cung cấp các thông tin cuối cùng hoàn thiện quy trình công nhận này. Nếu lạc quan, Hội nghị của Ủy Ban Di sản thế giới UNESCO, tổ chức tại Paris (Pháp) vào tháng 7/2025 sẽ thông qua Nghị quyết công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới. Đây là một kế hoạch công phu mà Việt Nam chuẩn bị trong gần 10 năm.
Ông Nguyễn Lâm Nguyên – Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Cơ sở nào để đưa ra ý tưởng đề xuất về sự liên kết giữa ba cụm di tích đặc biệt này?
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trải dài qua 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương với hàng trăm di tích và danh thắng, thuộc phạm vi của 8 khu di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt trải dài từ vùng núi Yên Tử đến vùng đồng bằng và vươn đến vùng cửa sông Bạch Đằng, tựa như “một con rồng vươn ra biển”. Trong đó khu di sản đề cử gồm 20 di tích thành phần trải rộng trên diện tích gần 630 ha, cùng thể hiện một câu chuyện di sản trọn vẹn.
Hơn 7 thế kỷ đã qua, quần thể di tích và danh thắng này luôn là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh lớn của đất nước, với nhiều khu khảo cổ học và các công trình tín ngưỡng thờ Phật, các vị thần và anh hùng dân tộc… Những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, quần thể di tích và danh thắng này hiện vẫn là di sản văn hóa sống động gắn với tâm thức nhiều người Việt.
Nhưng quần thể di tích này không chỉ kể câu chuyện lịch sử văn hóa tâm linh của riêng người Việt, nơi đây còn chứa đựng một dòng chảy văn hóa - văn minh của cả thế giới. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chính thức giới thiệu tới công chúng những câu chuyện sâu sắc này để chứng minh rằng, quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ là nơi “phải đến” của tất cả mọi người.
Quảng Ninh đã đón đầu sự kiện trọng đại này như thế nào?
Công tác chuẩn bị để khai thác và phát huy chuỗi di sản đó là một khối lượng công việc lớn phải làm. Trong lĩnh vực du lịch, việc tập trung nghiên cứu để tạo ra sản phẩm xứng tầm, để vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị đặc biệt của di sản đang được chúng tôi tập trung giải quyết.
Sau sáp nhập các tỉnh, công tác quản lý quần thể di sản này sẽ là sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh thành mới nơi có bề dày về văn hóa, cảnh quan và di sản.
Riêng Quảng Ninh, chúng tôi đã và đang xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng “một hành trình - hai di sản”: Vịnh Hạ Long và quần thể di sản Yên Tử. Từ đây, du khách vừa được chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đồng thời được trải nghiệm và hiểu thêm dòng chảy văn hóa tâm linh thông qua quần thể di sản Yên Tử.
Chúng tôi nhất định sẽ tổ chức một lễ công bố đủ ấn tượng cho sự kiện trọng đại này.
Vịnh Hạ Long là một nơi “phải đến” của du khách trong và ngoài nước.
Quảng Ninh đã sở hữu một nơi “phải đến” là vịnh Hạ Long, sắp tới lại có thêm một nơi di sản sắp được công nhận. Ngoài các di tích và danh thắng đặc biệt này, địa phương còn vùng nào có dư địa khai thác về du lịch còn lớn, theo ông?
Ngoài vịnh Hạ Long đã được cả thế giới biết đến, cụm di tích Yên Tử đang chờ UNESCO công nhận, Quảng Ninh còn hơn 600 di tích văn hóa lịch sử khác trải dài khắp tỉnh. Chỉ tính riêng về biển, cụm vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô, Trà Cổ - Móng Cái hoàn toàn trở thành những điểm đến độc lập dễ dàng chinh phục du khách. Nếu liên kết với vịnh Hạ Long, du khách sẽ được tận hưởng một hành trình đặc biệt trong trải nghiệm vẻ đẹp vịnh, biển đảo đảo độc đáo có một không hai trên thế giới.
Cạnh đó, Quảng Ninh còn có hệ thống đường biên giới dài, dễ dàng tiếp cận với nước bạn Trung Quốc, thuận lợi tạo ra sản phẩm hai chiều: khách đến Quảng Ninh có thể sang thăm Trung Quốc; khách đến Trung Quốc có thể đến Quảng Ninh thông qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, Bắc Phong Sinh, sân bay quốc tế Vân Đồn hoặc cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long rồi tiếp tục khám phá các địa phương khác của Việt Nam. Chúng tôi còn có những huyện miền núi, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ,... với sắc màu bản địa riêng.Sau một quá trình phát triển, hiện Quảng Ninh có hạ tầng giao thông đồng bộ tốt, tỉnh có tổng km đường cao tốc chiếm 10% tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước. Quảng Ninh có hệ thống đường bộ tốt, sân bay riêng và hệ thống cảng biển. Khách có thể đến Quảng Ninh bằng nhiều phương tiện khác nhau. Vì vậy, chúng tôi xác định, Quảng Ninh không chỉ là một điểm đến mà phải trở thành “cảng” trung chuyển khách du lịch quốc tế.
Đảo Cô Tô - một điểm đến hoang sơ của Quảng Ninh.
Về lâu dài, Quảng Ninh xác định khai thác di sản thế nào để hài hòa hòa giữa câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị?
Vịnh Hạ Long là một danh thắng quá đặc biệt nên chúng ta không cần bàn về sự ảnh hưởng của nó với ngành du lịch Quảng Ninh. Ngoài ra, còn nhiều thiết chế khác như Bảo tàng Quảng Ninh - một thiết chế văn hóa đang được phát huy tối đa giá trị thông qua hoạt động du lịch mang lại là minh chứng rõ nét của sự tương hỗ giữa văn hóa và du lịch.
Ngày nay, du khách đến Quảng Ninh ngoài thăm vịnh Hạ Long, khách đến thăm Bảo tàng Quảng Ninh chiếm tỷ lệ cao. Chúng tôi tự hào rằng, Bảo tàng Quảng Ninh là bảo tàng cấp tỉnh tốt nhất Việt Nam hiện tại. Tất nhiên, song song với khai thác phục vụ du khách, chúng tôi nghiêm ngặt tuân thủ công tác gìn giữ văn hóa.
Ngoài ra, những giá trị di sản cùng với bề dầy bản sắc văn hóa của Quảng Ninh đã và đang là nguồn cảm hứng cho nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao… tại Quảng Ninh góp phần cho phát triển du lịch nói riêng và phát triển KT-XH của Tỉnh nói chung
Xin cảm ơn Ông!
Yên Tử là dãy núi vùng Đông Bắc gắn liền với sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm đậm đà bản sắc Việt, vốn đã quen thuộc trong câu ca dao “Trăm năm tích đức tu hành/Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”. Tuy vậy, không gian địa lý và chiều sâu văn hoá, lịch sử bao trùm dãy núi thiêng này còn rộng lớn hơn thế. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO ghi danh là Di sản thế giới. Đầu năm 2024 hồ sơ được gửi lên UNESCO. Hồ sơ xây dựng với 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh; 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh. Theo đánh giá của UNESCO trong văn bản phúc đáp, hồ sơ đáp ứng tất cả yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới. Đây là hồ sơ khoa học đệ trình có nhiều tiêu chí theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới (Công ước 1972) nhất, vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương. |