Quán cà phê có view Thụy Sĩ: Đà Lạt đẹp lắm, sao phải phông bạt bắt chước?
Nhiều chủ doanh nghiệp, chuyên gia du lịch đã có ý kiến xoay quanh về vấn đề "Quán cà phê ở Đà Lạt sử dụng phông bạt cảnh Thụy Sĩ".
Thời gian qua, trên diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đang bàn tán xôn xao về các bức hình “đẹp như ở Thụy Sĩ” nhưng được chụp tại Việt Nam. Song, những bức hình này chỉ là một tấm phông bạt của một tổ hợp kinh doanh cà phê, tiệc nướng, sleepbox (hộp ngủ) và cắm trại dịch vụ theo giờ, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Vỡ mông với “khung cảnh Thụy Sĩ tại Đà Lạt” chỉ là tấm phông bạt Ảnh: Chụp màn hình
Cụ thể trên tấm bạt cỡ lớn đặt trước bức tường, phía chân tường trồng cỏ xanh tốt. Qua góc chụp "thần thánh" và những bước chỉnh sửa, khách tham quan có ngay những bức ảnh "sống ảo" như thể chụp với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp “tựa Thụy Sĩ”.
Không chỉ gây tranh cãi, vấn đề này còn thu hút nhiều ý kiến chủ doanh nghiệp và chuyên gia về lĩnh vực du lịch.
Dùng hình ảnh danh thắng tại địa phương để quảng bá du lịch
Từ câu chuyện “quán cà phê ở Đà Lạt sử dụng phông bạt cảnh Thụy Sĩ”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt chia sẻ: “Tại Việt Nam có nhiều địa điểm rất đẹp nhưng tại sao chúng ta lại quảng bá cho một số nơi ở nước ngoài. Tôi hy vọng các cơ quan nhà nước, nhà hàng, khách sạn nên trang trí 70% hình ảnh danh thắng địa phương, 20% danh thắng Việt Nam, 10% nước ngoài”.
TP.Đà Lạt còn rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Ảnh: Hà Sang
“Tôi từng ở một khách sạn 2 sao tại tỉnh Cao Bằng. Khu vực lễ tân nơi đây rất đẹp, họ chọn hình ảnh núi Thủng để trang trí. Các gối ôm được in hình thác Bản Giốc, nhờ đó tôi cảm thấy thoải khi vào giấc ngủ. Tại sao không dùng hình ảnh danh thắng tại địa phương để quảng bá du lịch. Ở Đà Lạt, mỗi ngày sẽ có thời tiết khác nhau, hãy “canh” một góc thật đẹp để chụp lại và cho mọi người chiêm ngưỡng”, ông Mỹ cho hay..
Bà Phan Yến Ly, chuyên gia về lĩnh vực du lịch nhận định tùy vào tệp khách hàng trong nước hay quốc tế sẽ có cách trang trí phù hợp. “Người làm du lịch phải phục vụ theo nhu cầu khách mong muốn. Tuy nhiên, nếu dựng phông hay trang trí những tiểu cảnh nước ngoài làm ảnh hưởng đến cảnh vật xung quanh thì cần phải xem xét”, bà Yến Ly nói.
Bà Yến Ly cũng đề cao việc các bạn trẻ biết tận dụng, khai thác cảnh vật của địa phương để làm du lịch.
“Nên quy hoạch và quản lý bài bản. Cần người có chuyên môn về thẩm mỹ, văn hóa, du lịch để “biến” cảnh đẹp địa phương thành điểm đến du lịch. Lãnh đạo địa phương phải có tầm nhìn, đưa ra được những đề án, quy hoạch… đồng thời nên kết hợp với chuyên gia để nghiên cứu những mong muốn của du khách, từ đó để địa điểm du lịch không bị “lai căng”, sao chép nơi khác”, bà Yến cho lời khuyên nếu tận dụng khung cảnh đẹp tại địa phương trong việc phát triển du lịch.
Hãy nâng tầm phong cảnh tại Việt Nam!
Có thể nói sự việc “Quán cà phê ở Đà Lạt sử dụng phông bạt cảnh Thụy Sĩ”, khiến nhiều người… tiếc. Bởi TP Đà Lạt không chỉ có thời tiết mát mẻ mà còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng món ăn hấp dẫn, nhưng họ vẫn chưa biết khai thác.
Giới trẻ “sống ảo” tại Quán cà phê ở Đà Lạt sử dụng phông bạt cảnh Thụy Sĩ. Ảnh: Chụp màn hình
Theo TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch TP.HCM, tận dụng cảnh đẹp của địa phương gắn với phát triển du lịch cần được quan tâm đẩy mạnh và hoàn toàn có thể tạo ra các nguồn lợi ích gắn với kỳ vọng xây dựng các trải nghiệm du lịch độc đáo, ấn tượng cho du khách. Ngoài ra, chính các giá trị cảnh quan còn là nền tảng tài nguyên để tạo dựng thương hiệu du lịch, hình ảnh nhận diện cho điểm đến.
“Nếu khai thác cảnh đẹp hợp lý sẽ không phải là rào cản mà là động lực để thu hút du khách và lan tỏa các giá trị của điểm đến một cách chân thực và sinh động”, TS Duy Linh nói.
Giá trị cảnh quan còn là nền tảng tài nguyên để tạo dựng thương hiệu du lịch, hình ảnh nhận diện cho điểm đến. Ảnh: Hà Sang
Theo TS Tạ Duy Linh muốn du khách yêu thích cảnh quan tại địa phương, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá, phân loại và đưa ra các dự báo quản trị rủi ro trong việc khai thác các giá trị cảnh quan. Thông thường, các cảnh quan sẽ biến đổi theo mùa vụ, phức thể sinh thái (tự nhiên và nhân văn) mỗi thời điểm sẽ mỗi khác.
Quán cà phê tại Đà Lạt thu hút khách nhờ tận dụng cảnh đẹp thiên nhiên. Ảnh: Hà Sang
“Vì vậy, cần xây dựng chiến lược khai thác cảnh quan sao cho hợp lý với những bối cảnh khác nhau. Bên cạnh đó, cần tính toán khả năng phục hồi của các hình thái cảnh quan khi đưa vào khai thác du lịch để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, nhằm cung ứng các dịch vụ trải nghiệm ổn định, lâu dài cho du khách”, TS Tạ Duy Linh chia sẻ.
TS Linh cho rằng, mỗi cảnh quan sẽ chứa đựng các thông điệp đặc sắc, cần có những thông tin thuyết minh, kiến giải để du khách không chỉ cảm thụ cái đẹp từ việc nhìn mà còn cảm thụ cái đẹp từ việc tiếp nhận thông tin, để hiểu biết sâu sắc các giá trị tổng thể mà cảnh quan mang lại.
TS Tạ Duy Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch TP.HCM
“Việc khai thác cảnh quan phải đi đôi với vấn đề bảo tồn để hình thành hệ sinh thái dịch vụ du lịch có trách nhiệm. Việc quá tải khi tham quan các hình thái phong cảnh cũng sẽ làm giảm sút nhu cầu thụ hưởng và kết nối cảm xúc của du khách với điểm đến. Từ đó, chúng ta cần có những giải pháp tiên liệu và phân bổ các nguồn lực để khai thác các giá trị cảnh quan sao cho hợp lý”, TS Tạ Duy Linh nhấn mạnh.
Làm sao để “biến” cảnh đẹp tự nhiên thành điểm du lịch? Theo TS Tạ Duy Linh, việc biến cảnh đẹp tự nhiên thành điểm du lịch hấp dẫn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia và cộng đồng. Nếu thực hiện đúng cách, không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thiên nhiên của địa phương. Để phát triển du lịch từ cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của chính địa phương chứ không phải là sao chép, bắt chước mô hình từ nơi khác, TS Duy Linh cho rằng các bên liên quan cần chung tay xây dựng điểm đến từ góc nhìn phân tích “đồng dạng” và “bản sắc”. Theo đó, ở góc nhìn “đồng dạng” cần chú ý đến nguồn lực cảnh quan, bản sắc văn hóa có những giá trị gì mang tính tương đồng, giao thoa giữa các địa phương để chúng ta nỗ lực phát triển điểm đến thành không gian trải nghiệm tốt nhất. Ở góc nhìn “bản sắc” chúng ta cần xem xét tính riêng có, tính không đồng nhất và tính không thể thay thế để nhấn mạnh cái duy nhất mà nơi khác muốn bắt chước thì cũng khó có thể thực hiện. Cần đẩy mạnh câu chuyện liên kết ngành, liên kết vùng gắn với du lịch trong bối cảnh đặc thù và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch có một đặc tính là rất dễ bị sao chép, bắt chước; đặc biệt sản phẩm càng độc đáo càng dễ rơi vào trạng thái nhanh chóng bị sao chép. Vì vậy, vòng đời và “độ chín” của sản phẩm du lịch cần được tính toán để có những xoay chuyển, bổ sung, điều chỉnh khiến cho sản phẩm phải vận động để phù hợp với xu hướng hiện hành và được làm mới một cách giàu trí tuệ. |
Thời gian qua, nhiều người trẻ đang “rần rần” với những bức ảnh “khung cảnh Thụy Sĩ” tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ...