Phát triển du lịch đêm với tiêu chí “hướng ánh nhìn về biển”
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, nên gắn chặt du lịch đêm với du lịch biển, với tiêu chí “hướng ánh nhìn về biển”.
Theo ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tỉnh này có vị trí du lịch quan trọng với việc nằm trung tâm trong tuyến du lịch miền Trung.
Bên cạnh nhiều loại hình du lịch đa dạng mang đặc trưng riêng dựa trên sự phong phú của hệ thống các di sản văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên, ẩm thực, làng nghề truyền thống thì Quảng Nam sở hữu hơn 125 km chiều dài bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Cửa Đại, An Bàng, Hà My, Tam Thanh, Bãi Rạng, Tam Tiến cùng với một số các hòn đảo lớn nhỏ gần bờ. Các chính sách khai thác tiềm năng và lợi thế của khu vực ven biển phục vụ phát triển du lịch của Quảng Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư phát triển nhiều dự án du lịch lớn ở khu vực vùng Đông…
Một góc bãi biển du lịch Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, công tác khai thác du lịch biển của Quảng Nam hiện được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có đã nêu ở trên. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung tại thành phố Hội An, việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở khai thác ven bờ; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều, các sản phẩm du lịch như thể thao biển chưa được phát triển; công tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch vùng ven biển chưa được thực hiện một cách đồng bộ…
Ông Lê Ngọc Thuận, Giám đốc Công ty sự kiện An Bàng – đơn vị tiên phong đầu tư mô hình homestay dân dã đậm chất văn hóa bản địa tại làng chài An Bàng ở Hội An chia sẻ: “Vẫn còn một số vấn đề tồn đọng trong việc làm du lịch ở những làng du lịch vùng biển nói riêng, nông thôn nói chung. Ví dụ hệ thống hạ tầng cơ sở như điện, nước, hệ thống thoát nước, vấn đề xử lý rác… vốn trước đây chỉ phục vụ và phù hợp cho đời sống nông thôn của người dân thì hiện nay đang bị quá tải bởi lượng du khách tăng nhanh. Ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của một số người dân chưa cao, chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt thể hiện trong việc thiếu tôn trọng cảnh quan, bê tông hóa làng quê, mật độ xây dựng lớn và dày đặc…”. Do đó, ông Thuận kiến nghị cần có quy hoạch đặc thù dành cho vùng nông thôn nói chung để phát triển du lịch và giữ gìn văn hóa một cách bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình tại An Bàng, ông Thuận cho biết nên tận dụng nguồn nhân lực là người địa phương làm du lịch, đào tạo theo phương thức cầm tay chỉ việc và sát thực tế. Một mô hình du lịch như này có thể tạo dựng một môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng. Và từ chính cộng đồng, dựa vào cộng đồng sẽ giữ gìn được các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của làng biển một cách liền mạch và bền vững nhất.
Cùng ý kiến với ông Thuận và lấy thực tế từ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, ông Lê Ngọc Thảo, đại diện Ban quản lý danh thắng này nhấn mạnh: “Người dân địa phương làm du lịch sẽ kể được câu chuyện bản sắc quê hương của mình với du khách”. Ông Thảo cũng đề xuất ngành du lịch và các đơn vị liên quan nên bổ sung các sản phẩm địa phương Cù Lao Chàm như đan võng, làm bánh ít vào hành trình tour của du khách. Đồng thời tuyên truyền cho du khách hướng đến việc tìm hiểu, khai thác tài nguyên tự nhiên du lịch, ví dụ như san hô hay cua đá một cách văn minh, hướng đến các hoạt động bảo vệ môi trường ở điểm đến.
Hoạt động du lịch biển ở Quảng Nam vẫn chưa thực sự đặc sắc so với tiềm năng sẵn có.
Ông La Thành, Tổng quản lý Little Hội An Group đề xuất Hội An nên tổ chức một lễ hội, sự kiện mang tính cộng đồng, dựa vào lợi thế văn hóa địa phương nhằm thu hút được du khách như cách Đà Nẵng đã thành công với Lễ hội pháo hoa quốc tế, ví dụ như lễ hội về đèn lồng tổ chức định kỳ vào mùa thu. Như vậy có thể kết nối được du lịch phố cổ với du lịch biển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Cũng nhấn mạnh yếu tố địa phương, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, biển xứ Quảng không chỉ thiên về lưu trú mà cần đa dạng sản phẩm du lịch trên nền tảng hệ sinh thái di sản “văn hóa – thiên nhiên – con người”. Bởi dọc vùng biển Quảng Nam từ Điện Bàn vào đến Núi Thành không chỉ có những resort hoành tráng mà còn có những cụm phát triển du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc địa phương, gần gũi, hồn hậu.
Đề cập việc Hội An là 1 trong 12 địa phương thuộc Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành với mục tiêu tăng cường thu hút khách và góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế đêm, ông Lanh cho rằng nên gắn chặt du lịch đêm với du lịch biển với tiêu chí “hướng ánh nhìn về biển”. Trong đó, Hội An sẽ xây dựng phương án phát triển du lịch đêm ở đầy đủ các không gian như phố cổ, ven biển, nông thôn... với các chủ đề riêng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng Quảng Nam và Đà Nẵng nên tăng cường thống nhất liên kết xúc tiến du lịch dựa trên nền tảng gắn bó lâu đời và tài nguyên du lịch quý giá của hai địa phương. Bản thân các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng luôn mong muốn được phối hợp trong công tác này. Đặc biệt, Quảng Nam có di sản văn hóa lâu đời kết hợp với hạ tầng đô thị sinh thái của Đà Nẵng sẽ là điểm mạnh để du lịch xứ Quảng cạnh tranh với những nơi khác, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Ví dụ có thể đưa Cù Lao Chàm vào lịch trình tuyến tàu cao tốc du lịch biển Đà Nẵng – Lý Sơn sẽ tái khởi động trong tháng 8/2023.