"Những nàng công chúa" trên núi đá vôi giữa Vịnh Hạ Long

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Được ví như "những nàng công chúa" trên núi đá vôi giữa Vịnh Hạ Long, các loại thực vật đặc hữu là nguồn gen quý, hiếm đã và đang được quan tâm bảo tồn, nhân rộng nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển du lịch.

Giá trị và tiềm năng to lớn

Theo Viện Tài nguyên và Môi trường biển thống kê sinh vật tại vùng Vịnh Hạ Long  - Cát Bà có 2.949 loài động, thực vật, trong đó có 1.259 loài thực vật sống trên cạn. Nhiều loài, đặc biệt các loài hoa có giá trị thẩm mỹ cao, có tiềm năng lớn trong nâng cao giá trị cảnh quan, có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch.

"Những nàng công chúa" trên núi đá vôi giữa Vịnh Hạ Long - 1

Hoa bông mộc đang được trồng, nhân rộng ở các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long.

Nếu tham quan Vịnh Hạ Long vào dịp hè, du khách sẽ được ngắm những chùm hoa cọ lớn, màu vàng rực rỡ nở trên các đảo đá của Vịnh Hạ Long. Hoặc đó là hình ảnh các cây bông mộc vươn lên từ sườn núi, có hoa nhỏ, màu trắng, nổi bật nhất là quả đỏ phồng to rất đẹp mắt. Nếu chèo kayak ven các đảo đá, du khách sẽ được chiêm ngưỡng giống hoa lan hài màu vàng tuyệt đẹp, có từ 1-3 cánh, có nhiều đốm màu nâu đỏ...

Những thực vật đặc hữu, quý của Vịnh Hạ Long, nhiều loài thường nở vào dịp hè, phân bổ trên các đảo đá, các điểm tham quan phổ biến như: Lờm Bò, Hang Trai, Chân Voi, Cát Lán, Bồ Hòn, Ba Hang, Bù Xám hay Cửa Vạn và các điểm tham quan, hang động đẹp của Vịnh Hạ Long.

“Hệ động, thực vật đa dạng, phong phú tạo nên sức sống, vẻ đẹp riêng cho Vịnh Hạ Long. Không chỉ vậy, nhiều loại đặc hữu, loài quý, hiếm có giá trị thẩm mỹ cao thường mọc ở các điểm tham quan, trên các tuyến tham quan, tạo ấn tượng, sức hấp dẫn riêng cho cảnh đẹp kỳ quan” - chị Lê Thị Thìn, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, chia sẻ.

Thảm thực vật trên các đảo đá ở Vịnh Hạ Long phân bố quanh 775 hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích khoảng 5.000ha. Các loại thực vật trên các đảo đá vôi Vịnh Hạ Long gồm 507 loài, 351 chi thuộc 110 họ thực vật bậc cao. 

"Những nàng công chúa" trên núi đá vôi giữa Vịnh Hạ Long - 2

Trồng hài đốm hoa vàng trên các sườn núi trên Vịnh Hạ Long tạo cảnh quan cho các tuyến điểm tham quan

Sự phong phú và đa dạng về cả thành phần và số lượng không chỉ tạo nên tính đa dạng sinh học mà còn góp phần tạo nên cảnh quan đẹp, say đắm nhiều nhà nghiên cứu, du khách. Đáng mừng là hệ thực vật, đặc biệt là các loài có giá trị thẩm mỹ, có hoa đẹp trên Vịnh Hạ Long còn khá nguyên vẹn và được bảo vệ tốt để chúng phát triển. Chính vì thế, việc gìn giữ, phát huy giá trị của chúng phục vụ cho phát triển du lịch là rất ý nghĩa, không chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp mà còn góp phần khẳng định thương hiệu Di sản, Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long.

Nâng cao giá trị cảnh quan

Có thể khẳng định, giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học là những giá trị nổi bật của Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Trong chuyến tập huấn giám sát đa dạng sinh học trên Vịnh Hạ Long tháng 12/2018, tiến sĩ Lê Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) nhận định: Qua các kết quả nghiên cứu và những kết quả giám sát ban đầu, có thể thấy Di sản thế giới Vịnh Hạ Long đang sở hữu một "kho báu" thực sự với hệ sinh thái đa dạng đặc biệt là các loài động, thực vật, thuận lợi cho việc đưa vào khai thác du lịch. Điều này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ được hệ sinh thái và những giá trị tự nhiên vốn có của Vịnh Hạ Long.

"Những nàng công chúa" trên núi đá vôi giữa Vịnh Hạ Long - 3

Lan hài được trồng trên vách núi tạo cảnh quan tại hang Mê Cung (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Chính vì thế, để đảm bảo việc bảo tồn và phát huy giá trị các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm trên Vịnh, thời gian qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã nhiều lần khảo sát nghiên cứu đặc tính, tìm cánh bảo tồn, phát huy giá trị các loài này. Các đề tài nghiên cứu, nhân giống và trồng các loại thực vật thực hiện trên cơ sở nhân giống bằng hạt đối với cọ, bông mộc và tách triết với lan hài.

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long triển khai tiến hành các đề tài, chương trình nghiên cứu tự nhân giống tại chỗ để khẳng định sự thành công rồi sau đó đưa vào nhân giống đại trà tại Trung tâm Khoa học và Sản xuất nông lâm nghiệp (phường Minh Thành, TX Quảng Yên). Nhờ đó, cho tới nay đã có thành quả nhất định.

Điển hình là đề tài nghiên cứu, nhân giống bông mộc và loài thực vật này đã được nhân giống thành công từ năm 2013, được trồng thành các vạt lớn trên các đảo đá. Gần đây, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đều phân bổ cho các trung tâm trồng theo các đợt và chương trình Tết trồng cây. Theo đó, khu vực hang Đầu Gỗ hoặc khu vực hòn Lướt trồng khoảng 200 cây kết hợp lượng cây tự nhiên có sẵn.

Đồng thời, Ban cũng cho trồng bổ sung cây bông mộc tạo cảnh quan ở các điểm như đảo Mê Cung, Bái Đông; trồng ở hai điểm đông khách tham quan là Titop, Sửng Sốt với khoảng 100 cây. Nhờ đó cho tới nay, đã tạo được một vạt cây bông mộc và dự kiến sẽ cho hoa rực rỡ vào mùa du lịch, tô điểm thêm cảnh đẹp tuyến tham quan số 2 mà du khách, tàu thuyền hay qua từ Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu.

Với lan hài, dự án được triển khai từ tháng 5/2016, nhân giống thành công và đã trồng khoảng 100 cây ở các sườn, vách núi, dễ quan sát ở các điểm tham quan gần Cống Đầm và Hang Trai (Cửa Vạn). Cho tới nay, các cá thể lan hài phát triển tốt, thích nghi với điều kiện sống mới, tạo cảnh quan đẹp.

Trước đó, từ năm cuối năm 2009, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thành công trong nhân giống trồng và bảo tồn chuyển vị với cọ Hạ Long; đã nhân giống và trồng thành công 65/80 cây, đạt tỷ lệ sống cao trên 81%. Gần đây, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long liên tục quan tâm thực hiện khoanh vùng bảo tồn và giám sát thường xuyên các khu vực trồng nhiều nhất như: Tam Cung, Hang Trống, Trinh Nữ, Cát Lán…

"Những nàng công chúa" trên núi đá vôi giữa Vịnh Hạ Long - 4

Những năm qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thường xuyên tiến hành các chương trình nghiên cứu khoa học với sự hỗ trợ của Viện sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam).

Với định hướng phát triển du lịch bền vững, phát huy những giá trị Vịnh Hạ Long, quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học phục vụ phát triển du lịch là cách làm hay, khai thác hết tiềm năng, mở ra hướng đi bền vững cho phát triển du lịch.

Tuy nhiên, trên thực tế việc bảo tồn, thực hiện nhân giống và trồng thành công số lượng lớn và phạm vi rộng các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm và nhiều loài thực vật khác còn nhiều khó khăn. Bởi điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống trên vịnh để cây sống và sinh trưởng, rồi việc bảo vệ phức tạp... Ngoài ra, với chức năng quản lý chung, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cần có sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn, tư vấn của các chuyên gia, các vụ viện, chuyên ngành trong thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo cơ sở thành công cao hơn, bền vững hơn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Phong (Báo Quảng Ninh)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!