Nhọc nhằn mưu sinh trên những đáy hàng khơi

Lấy hết sức bình sinh, đôi tay rắn rỏi cố kéo xong mẻ lưới, ngư phủ cảm thán: “Nghề này gian nan “hạ bạc” lắm. Nhưng cha nghề nào con nghề nấy, chúng tôi quyết tâm bám biển, tới già không đổi nghề”.

Đóng đáy hàng khơi ở vùng châu thổ Cửu Long Giang vốn là nghề cha truyền con nối. Trai tráng trong làng đến độ mười sáu, mười bảy “bẻ gãy sừng trâu” đã được ông cha cầm tay chỉ việc. Hàng trăm năm qua, nghề đáy hàng khơi trải dài từ vùng biển Cần Giờ đến mũi Cà Mau là kế mưu sinh của nhiều thế hệ cư dân ven biển miền Tây Nam Bộ. Ở tỉnh Trà Vinh, ngoài khơi xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, cách bờ khoảng 15 - 20km chỉ còn chưa đến chục hộ ngư dân vẫn còn bám trụ với nghề.

Qua lời giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm về căn nhà ông Giúp - chủ đáy lâu năm ở làng Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ngư dân xóm biển vốn bản tính thật thà, cởi mở, không đắn đo gật đầu cái rụp khi chúng tôi ngỏ ý ra khơi tìm hiểu nghề đóng đáy biển.

Từ 3 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ xóm đáy, chuyến hải trình đưa chúng tôi ra thăm một hàng đáy cách bờ biển Trà Vinh hơn 20km. Trời chưa hửng sáng nên chỉ nhờ vào kinh nghiệm đi biển và lái tàu lâu năm của ông Giúp mới chọn được các luồng sâu để tàu chạy. Trên ghe còn có những bạn ghe ra xổ đáy hàng khơi. Câu chuyện trên chiếc ghe tứ bề là biển cả, ban đầu chỉ xoay quanh con tôm, con cá, dần già những bạn ghe như cởi tấm lòng về nghề cơ cực này.

Nghề đáy hàng khơi hay còn gọi là nghề đóng đáy biển, hiểu nôm na là đánh bắt thuỷ hải sản. Đáy hàng khơi có thể khai thác quanh năm, nhưng có 2 mùa chính là mùa gió nam (từ tháng 3 đến tháng 6) và mùa gió chướng (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch). Theo ông Giúp, nghề này đóng trúng thì vui, đóng thất (mất) thì buồn lắm. Đóng trúng có khi được cả tấn cá đầy khoang.

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 1

Hàng trăm năm qua, nghề đáy hàng khơi trải dài từ vùng biển Cần Giờ đến mũi Cà Mau là kế mưu sinh của nhiều thế hệ cư dân ven biển miền Tây Nam Bộ

Ngoài những thăng trầm của nghề, chúng tôi còn được nghe câu chuyện về những phụ nữ xóm chài lấy chồng nghề biển. Những buổi sáng sớm ngóng chồng khắc khoải về bờ. Dân gian có câu “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”. Có chồng làm nghề ngư phủ, những người vợ đêm nào cũng trằn trọc mỗi khi chồng ở ngoài hàng đáy. Cái nghề hiểm nguy luôn rình rập, nhưng vì mưu sinh và vì biển ngấm vào máu thịt nên cứ thế bao đời bám biển.

Gần hai giờ lênh đênh trên biển, thi thoảng cũng bị cơn say sóng hành cho nhừ tử, những hàng đáy dần hiện lên trước mắt chúng tôi. Trông từ xa, căn chòi giống như tổ chim lơ lửng trên mặt biển khơi, còn các ngư dân như đang làm “xiếc” trên sợi dây thừng. Bình minh đỏ rực trên mặt biển, công việc hàng đáy của ngư phủ bắt đầu với cột đáy và lưới đánh cá. 

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 2

Trên lạch biển, những tấm đáy này được buộc chặt vào những cột đáy (trụ gỗ) chôn sâu bên dưới, mỗi cột cách nhau khoảng 10m nằm chắn ngang dòng nước, chằng lại với nhau bằng những thân tre dài được buộc chặt dây thừng và phần cuối miệng tấm đáy là túi đáy

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 3

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 4

Mỗi con nước thủy triều, bạn chòi phải khom mình, thực hiện các động tác kéo và đổ đáy thành thục lặp đi lặp lại cho hết các miệng đáy mới xong nhiệm vụ.

Sau một hồi ngả nghiêng, chúng tôi mới leo được từ dưới ghe lên căn chòi nhỏ rộng chừng 4-10m2, có chòi chỉ 1m2. Mái chòi lợp lá, sàn lát gỗ tạm bợ và sơ sài, nhìn xuống sàn còn thấy cả sóng biển dập dềnh, thi thoảng còn bắn tung toé bọt biển lên sàn. Đồ đạc đơn sơ, gồm những vật dụng thiết yếu như bếp ga, nồi chảo, vài chén bát, đôi đũa. Có chiếc võng được mắc sát vách làm nơi ngả lưng về đêm cho “bạn đáy”. Cuộc sống lênh đênh trên biển của ngư phủ thiếu thốn đủ thứ. Ngày làm bạn với ngư cụ, tôm cá, đêm đến bầu bạn với chiếc radio nghe ngóng về gió, bão.

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 5

Đáy hàng khơi được ngư dân đóng cách đất liền khoảng 18 - 25km. Đáy được đóng theo các lạch biển độ sâu 20 - 25m. Cột đáy thường là những cây to, thẳng, dài khoảng 30m, làm từ cây gỗ cừ, sao, rượng hay cây dừa già. Những trụ đáy được đóng cách nhau 5 - 6m, xung quanh được chằng chịt rất nhiều dây thừng. Giữa các cột đáy có rượng đáy được cột cố định bằng cây tre hoặc dây kẽm nằm ngang, cách mặt nước biển chừng 1,5 - 2,5 m vừa để giữ vững cột đáy, vừa làm “con đường” trên không để đi lại từ miệng đáy này sang miệng đáy kia.

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 6

Phút nghỉ ngơi của những ngư dân trên chòi

Mỗi hàng có 10 - 12 miệng đáy, đáy là những lưới đánh cá to, phần dưới cùng sẽ là túi đáy giữ cá hay còn gọi là đục đáy. Đục đáy hay đụt đáy là miệng đáy được bắt cố định vào giữa hai cột đáy phía trên và dưới để hứng tôm cá di chuyển theo dòng nước chảy. Khi thu hoạch chỉ cần dùng sào hay móc kéo phần đụt này lên ghe, sau đó tháo giây buộc để đổ tôm cá vào sọt, trành… hoặc là tháo miệng đụt để xả rác mắc kẹt trong đáy.

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 7

Ông Ba là một trong số ít những ngư dân ở Đông Hải còn gắn bó với nghề

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 8

Khi lưới đáy gặp phải tình trạng vướng rác hoặc cây cọc trôi nổi, và người thợ đáy phải xuống nước để tháo gỡ.jpg

Chòi đáy là nơi ngư dân ở để trông cá. Bên ngoài chòi chằng chịt những sợi dây thừng to để giữ cột cho chắc và là “tay vịn” để các ngư dân bám vào mỗi lần di chuyển trên cột, hay đứng trên đó kéo lưới. Những ngư dân làm nghề đóng đáy được gọi là bạn đáy, những người sống trên chòi gọi là bạn chòi, những người chở tôm cá bằng ghe, tàu về bờ gọi là bạn ghe, bạn tàu. Cách xưng hô gần gũi, đậm chất miệt sông nước. 

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 9

Nghề đóng đáy hàng khơi ở miền Tây Nam Bộ được hình thành cả trăm năm. Thế nhưng, cái nghề vốn có bề dày văn hoá lịch sử lâu đời cũng đang dần mai một đi.

Muốn sống bám được với nghề, đòi hỏi ngư phủ phải có kỹ năng và kinh nghiệm vững chãi. Thanh niên trong làng muốn theo nghề phải bơi lặn thật giỏi, gan dạ, biết nhìn sao trời dự đoán thiên văn, đi ghe thành thục, biết con nước lên, nước ròng, chọn vị trí cắm cọc, dựng chòi, thả lưới… Cũng nhờ vậy mà sau này trưởng thành, những trai làng trở thành người thợ đóng đáy hàng khơi dự đoán “thiên thời” ít có khi sai. Có nhiều ngư phủ dạn dày kinh nghiệm cũng nhờ theo cha ra khơi từ nhỏ. Tuổi nghề ngót cũng vài ba chục năm.

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 10

Ông Ba (xã Đông Hải, Duyên Hải) năm nay gần 60 tuổi, gắn bó với nghề này từ những năm còn trai tráng cho đến giờ. Những người bạn chòi như ông sống mênh mông giữa trời biển, họ di chuyển thoăn thoắt trên những sợ dây thừng hàng đáy hoặc đu người trên hàng dây kéo lưới như những diễn viên làm xiếc trên biển. Lưới mắc cọc hay mắc rác lớn thì phải nhảy ùm xuống biển mà gỡ. 

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 11

Những ngư dân “làm xiếc” trên biển

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 12

Sau khi hoàng hôn tắt nắng và màn đêm buông xuống, cũng là lúc con nước ròng, các ngư dân bắt đầu thu hoạch đáy

Nghề đáy hàng khơi, người canh chòi đáy là vất vả và dễ gặp nguy hiểm nhất. Bạn đáy không được trả lương mà được chủ đáy cho “ăn chia” theo kiểu cứ 10 miệng đáy thì bạn chòi được chia 1-2 miệng. Ông Ba nhắc lại với chúng tôi những câu chuyện đau lòng: “Có người lặn rồi mất tích luôn, trời êm êm mình mần được, sóng to gió lớn quá rất nguy hiểm. Tôi phải theo dõi thời tiết sát sao, nếu có tin gió bão phải liên lạc với chủ đáy để vào bờ gấp. Có người khi rơi xuống biển, có ghe vớt kịp thời thì may mắn giữ được mạng sống, còn không thì phó mặc cho trời thôi”.

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 13

Quanh năm sống bám biển, chẳng mấy khi có khách thị thành ghé thăm, khách chỉ hỏi bâng quơ “ở đây có cô đơn không”, những bạn chòi trầm tư, thật thà mà đáp: “buồn cũng phải chịu, nghề “ăn sóng nói gió” này nó vậy rồi”. Làm nghề canh đáy, hôm nào tháo đáy thì vất vả vô cùng. Nghề nào cũng có cái khổ riêng, nhưng với nghề đáy hàng khơi, gặp hôm trời mưa to, gió lớn thì xui rủi bủa vây. 

“Bạn đáy sống ở ngoài biển một tháng tầm 20 ngày, bất kể nắng mưa phải canh con nước để thả đáy. Hiểm nguy hoài, có lúc nước chảy siết khiến hàng trụ bị gãy, mình đi ra sửa rất dễ gặp tai nạn. Chẳng may hàng đáy sập thì mình trôi, may thì có ghe vớt. Thả đáy không phải lúc nào cũng trời yên, biển lặng. Trời mưa giông vẫn dầm mình giữa biển khơi. Một năm tụi tui thả đáy ngoài khơi từ tháng 3 đến tháng 9, mấy tháng còn lại biển động không dám ra xa”, người ngư phủ bộc bạch. 

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 14

Nghề đáy hàng khơi dựa trên nguyên lý con nước lên, nước xuống. Những dòng chảy này sẽ đem tôm, cá, mực vướng vào đáy ngư dân đặt sẵn. Hôm chúng tôi ghé thăm hàng đáy, nửa ngày trời biển êm dịu, gần chiều trời đổ mưa giông, nước tạt ướt chòi. Sau cơn mưa, trời chuyển về đêm, sóng đã yên, biển đã lặng, các “bạn đáy” tất bật chuẩn bị thu lưới. 

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 15nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 16

Tất bật thu lưới

Túi đáy nằm sâu dưới biển, thành phẩm không chỉ có tôm, cá, mực mà còn cả… rác. Kéo lên đã mệt, rồi tới lúc ngồi lựa từng món có khi mất cả tiếng mới xong một túi đáy. Thủy hải sản thu được sẽ được “bạn ghe” chở vào bờ và bán cho thương lái. Sau khi kéo đáy, những đôi tay của “bạn đáy” phồng rộp và sưng tấy. Ngày này qua tháng khác, rồi năm này tới năm nọ, những thao tác của ngư phủ trở nên thành thục và lão luyện như làm xiếc trên những sợi dây thừng đóng đáy. 

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 17nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 18

“Đêm nay là một đêm thắng lợi, tôm cá đầy ắp ghe thuyền”, “bạn đáy” hồ hởi, tiếng cười giòn tan sau lần kéo đáy đầy khoang. Vất vả, nhọc nhằn, mồ hôi hoà cùng muối biển, thậm chí phải đánh cược cả mạng sống nhưng ngư phủ đóng đáy hàng khơi vẫn luôn yêu biển, bám biển, xem biển là nhà với tinh thần: “biển của ta, ta khai thác, giữ gìn...”.

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 19nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 20

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 21

Lưới được treo lên sau khi thu tôm cá về

Sau khi được tận mắt chứng kiến cả một ngày vất vả thả đáy, kéo đáy của các ngư phủ, chúng tôi được đãi bữa cơm no nê trên nhà chòi. Bữa cơm không sơn hào hải vị, nhưng lại đầy ắp cá tôm tươi rói, thành quả của một ngày mệt nhoài.

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 22

Bữa tối chỉ có cơm với cá nhưng ngon hơn bất cứ sơn hào hải vị nào

Nhiều năm trở lại đây, khi nguồn lợi thủy sản ven bờ dần cạn kiệt, dòng chảy của chín nhánh Cửu Long cũng dần suy yếu và lượng cá tôm không còn phong phú do các quốc gia đầu nguồn Mê-kông đắp đập ngăn dòng, thì những giàn đáy hàng khơi lại càng bị đẩy ra xa hơn nữa mới mong trúng cá. Nhưng xa nhất thì cũng chỉ có thể nằm cách bờ chừng 15 đến 20 hải lý, thuộc vùng nước giáp ranh mà dân địa phương gọi là vùng giáp ngời.

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 23

nhoc nhan muu sinh tren nhung day hang khoi - 24

Nghề đáy ngày càng khó khăn do quy định về mắt lưới, không được đánh bắt tận diệt các loài tôm cá nhỏ, không đánh bắt vào mùa sinh sản nên một năm chỉ đánh hai mùa. Đó là chưa kể, ghe tàu lớn giờ cũng nhiều hơn, lâu lâu va quẹt, kéo cọc đáy của ngư dân trôi tuốt ra xa, nhất là khi đêm tối, mất cả vốn lẫn hy vọng. Bên cạnh đó nhiều hàng đáy sau khi khai thác bị bỏ lại gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy.

Theo lãnh đạo xã Duyên Hải, nhiều năm qua chính quyền đã vận động bà con chuyển đổi nghề nghiệp hoặc đóng mới ghe tàu có công suất lớn, mua sắm trang thiết bị hiện đại để chuyển sang nghề lưới rê, lưới kéo nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài cho ngư dân và bảo vệ môi trường biển cũng như nguồn lợi hải sản.

Nhưng những ngư dân còn gắn bó với nghề này vẫn ngậm ngùi, quay quắt không biết còn duy trì nghề truyền thống của cha ông từ trăm năm trước được đến bao lâu hay rồi cũng mai một dần đi như vòng quay tất yếu của cuộc mưu sinh.

Trên đường trở về đất liền, chiếc ghe chở chúng tôi cứ thế chạy trên mặt biển êm. Những căn chòi của bạn đáy vốn chỉ được thắp ánh sáng le lói cũng dần khuất mờ. Có lẽ, không gì vất vả, nhọc nhằn hơn những ngư dân chấp nhận hiểm nguy để mưu sinh bằng thói quen và nỗi niềm của thời quá khứ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Long Hồ - Lê Thoa

CLIP HOT

Những
Những "luồng gió mới" thay đổi thị trường F&B Việt Nam

Bất chấp những khó khăn, kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Năm 2025 được các chuyên gia dự đoán sẽ là bức tranh đầy mới mẻ, với nhiều tín hiệu tích cực và cơ hội cho những ai biết nắm bắt.