Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM
Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định, thị trường tài chính năng động, được xây dựng phát triển suốt nhiều thập kỷ qua là những yếu tố vững chắc và là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
Từ đầu những năm 2000, trong định hướng phát triển, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã chú trọng phát triển thị trường tài chính; xem đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó hình thành ý tưởng về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
Ngày 21/12, tại phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ hội nghị ngoại giao 32 với chủ đề “phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã trình bày tham luận về xây dựng TPHCM thành trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu cả nước.
Theo báo cáo xếp hạng Trung tâm tài chính toàn cầu (tháng 3-2020), TPHCM là thành phố duy nhất ở Việt Nam được ghi nhận như một Trung tâm tài chính thứ cấp. Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định, thị trường tài chính năng động, được xây dựng phát triển suốt nhiều thập kỷ qua là những yếu tố vững chắc và là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, mặc dù thị trường vốn của Việt Nam đang được nhận định có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP tăng từ 11% vào năm 2011 lên 54% năm 2020, trong đó TPHCM chiếm hơn 95% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 64,8% GDP cả nước; tuy nhiên, vẫn còn khá thấp so với một số nước trong ASEAN.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan. Ảnh: QUANG PHÚC.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, sự phát triển của trung tâm tài chính TPHCM còn có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn lực tài chính từ bên ngoài, từ các khoản viện trợ, hợp tác, kiều hối, dự án đầu tư nước ngoài... thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế. Trong năm 2023, công tác ngoại giao kinh tế được thành phố đặc biệt đẩy mạnh nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội và xây dựng hình ảnh của thành phố hậu Covid-19.
Lãnh đạo thành phố thường xuyên gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài để lắng nghe nguyện vọng và đề xuất, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; đã chủ động đưa các nội dung kinh tế vào các sự kiện đối ngoại thường niên. Tất cả các hoạt động đối ngoại ở nước ngoài đều tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư phục cho phát triển kinh tế, và trọng tâm là thu hút đầu tư phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
Kết quả năm 2023, TPHCM thu hút vốn FDI được khoảng 3,4 tỷ USD; lượng kiều hối chuyển về đạt gần 9 tỷ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022. Các nguồn lực tài chính được thu hút thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế và các chính sách thu hút hiệu quả của thành phố góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính, giao dịch tài chính và từng bước hình thành diện mạo một trung tâm tài chính quốc tế TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, để phát triển từ một Trung tâm tài chính thứ cấp thành Trung tâm tài chính toàn cầu, đòi hỏi thành phố phải nỗ lực cải thiện đồng bộ các trụ cột về năng lực cạnh tranh, làm rõ mô hình và lựa chọn hướng đi phù hợp, xác định chiến lược và các quyết sách mang tính đột phá để có thể cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn có tầm ảnh hưởng, dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào thị trường Việt Nam.
Trong thời gian tới TPHCM sẽ tập trung xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh quốc tế về Thành phố thân thiện, năng động, an toàn, là điểm đến hấp dẫn của du khách và nhà đầu tư quốc tế.
Trên cơ sở tham khảo các tiêu chí trụ cột để đánh giá vị thế của một Trung tâm tài chính toàn cầu, thì định hướng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM được xem như là một hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ; trong đó cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị không thể tách rời nhau; môi trường kinh doanh an toàn, ổn định; môi trường pháp lý chặt chẽ với khung chính sách minh bạch, phù hợp các thông lệ quốc tế; phát triển mạnh hạ tầng công nghệ và hạ tầng tài chính với mạng lưới các công ty dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ.