Khó tìm Dốc Miếu ngày xưa…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dẫu biết Dốc Miếu nằm ngay trên quốc lộ 1, và đã được công nhận là Di tích quốc gia, nhưng đi loanh quanh một hồi từ chân dốc lên tới đỉnh dốc vẫn không biết căn cứ Dốc Miếu lịch sử ở đâu, còn gì…

Tháng 7/2025, tôi tìm về địa chỉ căn cứ Dốc Miếu chiến trường xưa. May thay tôi được một bác chủ quán bên đường bày cho: “Đi vào xuống gần hết dốc, bên phải có cái nghĩa trang liệt sỹ thì bên trái có chiếc xe tăng. Di tích Dốc Miếu đó chú”.

Tôi theo lời bác, quả thật bắt gặp ở lưng chừng sườn đất ngay gần lề quốc lộ 1 xác một chiếc xe tăng M41 của Mỹ đã hoen gỉ, nằm chênh vênh, lấp ló trong cây bụi trên bờ đất bị ai đó đào bóc nham nhở.

Đó hình như là di tích còn sót lại của căn cứ Dốc Miếu ngày xưa. Tôi lần lên phía trên dốc, đi vào một rừng cây bạch đàn, ngõ hầu nhìn thấy thêm những vết tích khác của một thời đạn bom, một thời chiến trường ác liệt… nhưng không thấy gì thêm.

Cái biết được lớn nhất tại đó, mang tính lịch sử nhất chính là đọc tấm bảng mà tỉnh Quảng Trị đã dựng lên bên cạnh xác chiếc xe tăng, ghi: “Khu căn cứ Dốc Miếu Con mắt thần của tuyến hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra bằng chứng thất bại nhục nhã của đế quốc Mỹ năm 1972. Đã được xếp hạng quản lý. Cấm không được vi phạm. UBNDCM tỉnh Quảng Trị”.

Khó tìm Dốc Miếu ngày xưa… - 1

Xác chiếc xe tăng M41 của Mỹ còn sót lại từ chiến tranh trong căn cứ Dốc Miếu xưa

Không biết đi đâu “thám sát” vết tích xưa của căn cứ Dốc Miếu nữa, tôi đành lên và đi một vòng trong khu vực Tượng đài Giao bưu - Thông tin liên lạc ở lưng chừng Dốc Miếu. Trong lòng đầy tiếc rẻ bởi Dốc Miếu không còn gì để khám phá nữa.

Giá như địa danh Dốc Miếu này được bảo tồn hay phục hồi một số hạng mục từng có trong chiến tranh thì tốt biết mấy, ví như các đoạn hầm hào, vỏ bom đạn, xác xe pháo, dựng lại cái tháp canh… sẽ thu hút thêm du khách đến. Vì Dốc Miếu hiện nằm trong một quần thể di tích chiến tranh khá gần nhau, như cầu giới tuyến Hiền Lương trên sông Bến Hải, căn cứ Cồn Tiên, địa đạo Vịnh Mốc, tuyến hàng rào điện tử Mc.Namara, cảng Cửa Việt, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ đường 9, thành cổ Quảng Trị, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, Đông Hà, Ái Tử, La Vang, tuyến đường 9...

Khó tìm Dốc Miếu ngày xưa… - 2

Nếu với một du khách như tôi không biết căn cứ Dốc Miếu hiện có gì, làm sao để tìm đến đúng nơi có di tích là chiếc xe tăng M41, thì cũng là bình thường. Thế nhưng ngay cả nhiều người dân địa phương sống xung quanh Dốc Miếu, khi tôi hỏi là căn cứ Dốc Miếu xưa ở đâu, họ cũng lắc đầu không biết được. Bởi ngay trên quốc lộ 1 không hề có một tấm bảng nào chỉ dẫn là ở đó, chính nơi này có di tích lịch sử quốc gia Dốc Miếu.

Tại sao lâu nay chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan không dựng lên một tấm bảng, hay một dấu nhận diện nào cho di tích Dốc Miếu? Di tích quốc gia Dốc Miếu, nằm ngay bên quốc lộ 1, rất thuận lợi cho du khách trên đường vào Nam ra Bắc hay ngược lại ghé thăm. Nhưng do không nhận diện được nên du khách đã bỏ qua mà chỉ đến với di tích sông Bến Hải cầu Hiền Lương, dù cả hai đều nằm trên quốc lộ 1.

Khó tìm Dốc Miếu ngày xưa… - 3

Dốc Miếu, hiện nằm trên địa phận xã Gio Linh, Quảng Trị. Căn cứ Dốc Miếu xưa là một căn cứ quân sự của Mỹ và VNCH, được mệnh danh là con mắt thần của tuyến Hàng rào điện tử M.c Namara. Dốc Miếu là một quả đồi đất đỏ phía đông Gio Linh, cao hơn 50m so với mặt nước biển, rộng hơn 262ha, cách căn cứ Cồn Tiên 12 km và cách Đông Hà 15km.

Từ căn cứ Dốc Miếu, quân đồn trú có thể chỉ dẫn pháo bắn ra tận Vĩnh Linh và cản trở quân giải phóng xâm nhập vào Đông Hà, Cửa Việt… Đây là căn cứ phức hợp, rất kiên cố, với đầy đủ các loại quân cụ như xe tăng, pháo từ 105mm đến 175mm, sân bay dã chiến, kho tàng hậu cần...

Nơi cao nhất của căn cứ là trung tâm xử lý thông tin, liên lạc, báo động mà các nơi báo về, đồng thời chỉ dẫn tác xạ cho pháo binh và máy bay. Đến tháng 3/1972, trước sức tấn công mãnh liệt của quân giải phóng, lực lượng đồn trú ở căn cứ Dốc Miếu phải bỏ căn cứ tháo chạy.

Thật đáng tiếc cho những du khách muốn tìm về khám phá vùng đất Dốc Miếu chiến trường xưa. Và cũng đáng tiếc cho tỉnh Quảng Trị, nhiều năm qua đã bỏ phí một điểm đến du lịch đầy sức hút.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lam Giang

CLIP HOT