HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH – THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP
…Cuộc đời ơi! Tôi là "Người hướng dẫn"
Bao nắng mưa, bao vất vả nhọc nhằn
Bao nỗi nhớ, bao con tim ngóng đợi
Một ba lô, ngoảnh mặt lại ta cười!...
Xã hội ngày càng phát triển, kèm theo đó là sự nâng cao về đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu của con người cũng từ đó mà cao hơn. Trong đó, du lịch là một trong những nhu cầu ngày càng trở nên phổ biến, Ngành Du lịch cũng từ đó mà phát triển hơn.Từ thực tế hiển nhiên đó, cùng với những đam mê, những mơ ước trở thành hướng dẫn viên du lịch như một nghề nghiệp để phát triển trong tương lai.
Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên những chuyến xe, chuyến tàu rong ruổi khắp chiều dài của mọi miền đất nước và đến với các nước khác. Mỗi vùng đất đều mang trong mình những bí ẩn riêng về lịch sử, địa lý, điều đó càng khiến cho việc du lịch trở nên thú vị, dường như Ngành Du lịch và đặc biệt là nghề hướng dẫn viên chưa bao giờ lỗi mốt. Hướng dẫn viên du lịch luôn nằm trong top những ngành phát triển lâu dài và bền vững. Làm hướng dẫn viên du lịch sẽ “được” rất nhiều: được đi rất nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người, nhiều nền văn hóa với những phong tục tập quán khác nhau, được học hỏi nhiều điều mới lạ về mỗi miền đất nước. Người hướng dẫn viên du lịch còn mang trong mình sứ mệnh cao cả, vừa là nhà quảng cáo, vừa là nhà ngoại giao. Họ là những người trực tiếp quảng bá hình ảnh nước nhà đến cho thế giới, trổ hết tài ăn nói để thể hiện được hết những nét đẹp của từng điểm đến. Ngoài ra, những hướng dẫn viên là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Ngành Du lịch. Ngày nay, Ngành Du lịch đang ngày càng trở thành một ngành kinh tế thiết yếu, mang lại nhiều lợi nhuận cho kinh tế quốc gia, nên hướng dẫn viên cũng như những nhà kinh tế. Vì thế, vai trò của hướng dẫn viên là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nghề hướng dẫn viên du lịch, cũng như bao nghề khác, đều có những thử thách, những hi sinh và thiệt thòi… nhưng một khi đã yêu thích và quyết tâm thì sẽ làm được và cố gắng để phát triển bản thân và góp phần xây dựng đất nước một cách hiệu quả.
Hướng dẫn viên (HDV) du lịch - nghề không dễ dàng
Ngoài kiến thức về mặt chuyên môn nghiệp vụ, HDV phải hiểu biết nhiều về địa lý, văn hóa lịch sử của nước mình và nước bạn. Khi đứng trước du khách, HDV sẽ là một nhà ngoại giao, một đại sứ, một nhà kinh doanh tiếp thị, một người lính biên phòng, một người bạn… thông qua lăng kính của HDV, du khách sẽ hiểu được từng vùng, từng miền của đất nước Việt Nam. Đây cũng là hình thức quảng bá tại chỗ hiệu quả nhất để khách có thể quay lại lần tiếp theo. HDV có mức thu nhập không đến nỗi nào nhưng cũng đầy bất trắc,với HDV là nữ giới khi theo nghề này, ngoài hạn chế về mặt sức khỏe, họ còn bị du khách lợi dụng, gạ tình, thậm chí chuyện quấy rối còn xảy ra với cả cánh “mày râu”. Việc bị du khách, kể cả trong nước lẫn nước ngoài dùng những lời thô tục chửi bới HDV không phải là không hiếm gặp. Tuy nhiên, với những HDV có trình độ thì một trong những nguyên tắc để họ sống được với nghề là khách hàng luôn luôn đúng, nên dù phải nhận nhiều lời xúc phạm từ khách, họ vẫn phải cố nín nhịn, tìm cách giải thích. Chưa kể, thức khuya, dậy sớm đi đón, đưa khách, khiến họ ít có thời gian cho bản thân, gia đình.
Để làm được nghề HDV du lịch, trước hết phải có thẻ hành nghề. Ngoài ra, HDV cần phải yêu thích và xác định được những khó khăn mà nghề đòi hỏi như đi nhiều, sức khỏe tốt, có một nền tảng văn hóa, kiến thức, ngoại ngữ tốt, có bản lĩnh nghề nghiệp để sẵn sàng đối phó với các tình huống phát sinh trong suốt thời gian dẫn tour. Tuy vậy hiện nay, đa phần hướng dẫn viên du lịch đều chung quan điểm, chỉ làm nghề này một thời gian, sau khi tích cóp được ít vốn sẽ chuyển nghề hoặc chuyển vị trí khác. Nhất là với HDV nữ, công việc còn khó khăn, vất vả hơn nhiều, “tuổi thọ” của nghề có khi chỉ vài ba năm. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), trong những năm tới nghề HDV du lịch sẽ khan hiếm nhân lực do học sinh, sinh viên theo học ngành này ít, trong khi bởi những đòi hỏi khắt khe về nghề nên không phải ai cũng đáp ứng được.
Thực trạng về chất lượng Hướng dẫn viên còn khấp khểnh
Có rất nhiều lý do khiến tour bị “vỡ”, song lý do quan trọng nằm ở chính HDV du lịch. Một HDV chuyên nghiệp cần biết giải quyết vấn đề của du khách một cách linh hoạt, bởi họ là người duy nhất có thể kết nối trực tiếp với đơn vị tổ chức và công ty lữ hành khi có những rắc rối xảy ra. Thực trạng hướng dẫn viên không đáp ứng được yêu cầu của du khách vẫn là bài toán chưa có lời giải của Ngành Du lịch nói chung và các công ty lữ hành nói riêng. Bởi nhiều HDV “được” ngoại ngữ, thì lại “trống” hoàn toàn về nghiệp vụ. Đó là chưa kể, không ít HDV còn không có bằng cấp, không có thẻ hành nghề, không khác gì hành nghề “chui”. Và dễ dàng nhận thấy, đội ngũ HDV du lịch đang “vênh” giữa cung và cầu.
Tình trạng thiếu HDV du lịch đến nay vẫn là vấn đề nan giải của Ngành Du lịch chưa có giải pháp tháo gỡ của Ngành Du lịch Việt Nam từ nhiều năm nay, đặc biệt là đội ngũ HDV du lịch quốc tế vừa yếu vừa thiếu chuyên nghiệp. Số lượng khách du lịch tăng cao trong khi HDV du lịch khan hiếm khiến, do đó nhiều đơn vị buộc phải “linh động” tuyển những người từng đi xuất khẩu lao động nước ngoài để đào tạo thành HDV. Tuy nhiên, những đối tượng này giỏi ngoại ngữ nhưng lại “trống” về nghiệp vụ, hổng về kiến thức văn hóa – xã hội, làm ảnh hưởng đến chất lượng tour.
Thực tế, ai cũng nhận ra rằng tình trạng HDV du lịch “chui” xuất hiện ngày càng nhiều tại các điểm du lịch nổi tiếng trong nước, đây là một trong những hệ lụy từ việc đào tạo không theo kịp nhu cầu mà Ngành Du lịch đang phải đối mặt. Có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do lực lượng HDV du lịch chưa phát triển đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo quy định, muốn được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế phải tốt nghiệp Đại học cùng nhiều đòi hỏi khắt khe về nghiệp vụ, ngoại ngữ, sức khỏe… nhưng nguồn nhân lực nói chung chưa đáp ứng được. Đó là khó khăn rất lớn trong việc cân bằng “cung – cầu”.
Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch hiện nay đang "vênh" giữa cung và cầu. Điều dễ nhìn thấy là sự khập khiễng trong trình độ của hướng dẫn viên: Người có nghiệp vụ du lịch thì yếu về ngoại ngữ, người giỏi ngoại ngữ lại thiếu hụt về kỹ năng nghề. Thế nên việc cần làm cho du lịch Việt Nam hiện nay là cân bằng những khập khiễng trong trình độ đội ngũ hướng dẫn viên. Trong tình hình khách du lịch đến Việt Nam ngày một nhiều, không thể bằng lòng với những thứ tiếng thông dụng như Anh, Pháp, Trung, mà cần sớm có chiến lược phát triển đội ngũ hướng dẫn viên biết những ngôn ngữ ngoài những thứ tiếng thông dụng.
Cần có định hướng cho nghề Hướng dẫn viên du lịch
Thực tế, Ngành Du lịch chỉ quản lý về tiêu chuẩn, điều kiện để cấp phép, còn định hướng, tập hợp HDV sinh hoạt... thì các công ty lữ hành “tự lo”. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch ít tuyển HDV mà chủ yếu là sử dụng HDV tự do nên HDV không biết phải tự đào tạo như thế nào.
Một số HDV chia sẻ: “Chúng tôi rất cần cập nhật thông tin về điểm đến, về kinh nghiệm xử lý trong tour, về quy định đối với HDV, hỗ trợ trong mùa thấp điểm... nhưng những thông tin này khó mà có tại đơn vị quản lý Nhà nước, mà thường chúng tôi phải tìm sự hỗ trợ của mạng xã hội tư vấn, do vậy, HDV phần lớn là người trước dạy người sau và tự học”.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ta đang hướng đến một thị trường khách đa dạng. Bên cạnh nguồn khách đến từ các thị trường truyền thống châu Âu, còn quan tâm tới các thị trường mới như Ấn Độ, Ả Rập… Để "đón đầu" được những dự báo và những "mục tiêu" phấn đấu này, không gì khác là phải cân đối ngay lập tức quan hệ cung - cầu hướng dẫn viên du lịch. Do đó, Ngành Du lịch cần sớm có chính sách cụ thể đi đối với mở rộng thị trường để phát triển ngành du lịch, phát triển và mở rộng những nhiều thị trường tiềm năng và giữ chân du khách lưu trú dài hơn, giới thiệu cho nhiều người cùng đến và trở lại nhiều lần hơn.
ThS. PHAN ĐÔNG NHỰT