Giữa heo may nao nức chớm đông về

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều người cho rằng trong bốn mùa, Hà Nội đẹp nhất là mùa thu. Nhưng ít ai để ý những khoảnh khắc tuyệt nhất của thủ đô thực ra là thời khắc giao mùa cuối thu - đầu đông.

Một nhà thơ rất nổi tiếng đã chiêm nghiệm "Thu rất thật thu là khi chớm đông sang". Nhưng khoảnh khắc chuyển giao ấy thường diễn ra rất lặng lẽ, lặng lẽ đến mức thu qua lúc nào không biết. Vậy làm thế nào để cảm nhận được cái khoảnh khắc tuyệt vời ấy? Có một loài hoa sẽ giúp bạn…

Đó chính là những bông cúc bé xíu, trắng tinh khôi thường gọi là cúc mi hay cúc họa mi. Khi thấy những bông cúc ấy xuất hiện trên đường phố, đồng nghĩa với những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên kéo về, những thiếu nữ bắt đầu "khăn san bay lả lơi trên vai" và người Hà Nội bảo nhau "đã chớm đông" rồi đấy. Chính vì sự xuất hiện theo quy luật như vậy nên cúc họa mi được mệnh danh là "loài hoa báo đông về".

Giữa heo may nao nức chớm đông về - 1

Cúc họa mi là loài hoa nhỏ thuộc họ Cúc (Asteraceae), xuất thân là loài hoa mọc hoang dã, thân cây nhỏ bé, tán lá mỏng manh và yếu ớt nhưng lại sống bền bỉ, mạnh mẽ. Một cơn mưa lớn có thể dập vùi nhiều loài hoa khác nhưng lại không khuất phục được cúc họa mi bởi chúng mọc thành cụm, từng bông từng bông nương tựa, liên kết với nhau.

Những cánh hoa cúc dại trắng ngần, mỏng manh, mọc xung quanh đài hoa để ôm ấp, che chở cho nhuỵ hoa vàng tươi ở giữa. Nhiều người Việt ở châu Âu nói rằng, bên đó cúc họa mi là loài hoa dại mọc đầy hai bên đường và có sức sống khá dẻo dai. Có lẽ vì vẻ đẹp của những bông cúc trắng ngần đến lôi cuốn ấy mà ai đó đã mang nó về Việt Nam.

Giữa heo may nao nức chớm đông về - 2

Cúc họa mi xuất hiện phổ biến ở Hà Nội chừng hơn chục năm trở lại đây và ngay lập tức chiếm trọn trái tim, trở thành một phần của cuộc sống người dân Hà thành. Vào đúng cữ họa mi nở rộ, tức là tầm tháng 11-12, khắp đường phố Hà Nội đâu đâu cũng thấy những xe hoa chở đầy cúc họa mi.

Không chỉ mua về chưng mà nhiều người còn tranh thủ thời gian đến làng hoa Nhật Tân hay thảo nguyên hoa Long Biên, ven bãi đá sông Hồng, làng hoa Tây Tựu để chiêm ngưỡng cả cánh đồng cúc họa mi trắng muốt, hít hà hương cúc thanh tân thoảng qua trong gió sông Hồng se sẽ lạnh…

Giữa heo may nao nức chớm đông về - 3

Cúc họa mi tiếng Anh là daisy bắt nguồn là từ tiếng Anh cổ dæges-eage, có nghĩa là day's eye (con mắt ban ngày). Gọi như vậy vì cúc họa mi nó thường nở lúc bình minh, hướng về ánh mặt trời. Khi chiều tàn, hoa sẽ chầm chậm "khép mắt" lại bằng cách cụp cánh vào bên trong.

Cúc họa mi thường chỉ nở rộ khi trời nắng, còn gặp mưa ẩm ướt, cánh hoa sẽ hơi cúp lại như hình chiếc cốc. Xuất phát từ từ này mà thành ngữ tiếng Anh có câu "as fresh as a daisy" (tươi như hoa), chỉ cảm giác sảng khoái và tỉnh táo, tràn đầy năng lượng.

Còn trong tiếng Pháp, hoa cúc này được gọi là "marguerite", nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là hạt ngọc trai (pearl). Giai thoại kể rằng, Vua Louis IX - vị vua duy nhất của Pháp được phong Thánh - đã khắc hình cúc họa mi cùng với hoa diên vĩ (fleur-de-lis) và thánh giá trên chiếc nhẫn của ông. Chiếc nhẫn này, theo lời nhà vua, tượng trưng cho những gì ông yêu quý nhất: Tôn giáo, nước Pháp và vợ ông - Marguerite.

Giữa heo may nao nức chớm đông về - 4

Còn theo thần thoại La Mã, những bông cúc họa mi chính là hóa thân của nàng Belides - vốn là một vị nữ thần cai quản và chăm sóc cho các khu rừng. Một ngày nọ, khi nàng đang vui đùa nhảy múa với người yêu của mình là Ephigeus đã vô tình bị Vertumnus - nam thần cai quản bốn mùa - chú ý đến.

Đem lòng yêu Belides ngay từ cái nhìn đầu tiên, Vertumnus đã cố gắng theo đuổi chiếm đoạt nàng. Để thoát khỏi sự đeo bám của Vertumnus và chung thủy với người yêu, Belides đã cầu xin thần Flora biến mình thành một bông hoa cúc dại.

Nhưng vì sao người Hà Nội lại gọi loài hoa này là cúc mi hay cúc họa mi? Thực ra tên các loài hoa nhiều khi do người trồng đầu tiên đặt ra theo sự tưởng tượng của cá nhân họ, người khác gọi theo thành quen. Cúc mi - ví những cánh hoa cúc "cong rợp như hàng mi thiếu nữ" là một cách tưởng tượng của ai đó cũng khá thú vị.

Tuy nhiên, tên cúc mi không phổ biến bằng cúc họa mi. Ai đầu tiên nghĩ ra tên gọi này cũng có lý của họ. Thứ nhất, "họa mi" nghĩa là viền của mi. Chim họa mi có viền mắt màu trắng rất đặc biệt, nhìn kỹ rất giống cánh hoa cúc.

Thứ hai, trong các loài chim, tiếng hót của họa mi vẫn được coi là số 1. Nó véo von, thánh thót, yêu kiều, yểu điệu liên tưởng tới cả cánh đồng cúc trắng mảnh mai, mềm mại. Không biết có phải vì thế mà gọi là cúc họa mi chăng?

Giữa heo may nao nức chớm đông về - 5

Nhưng dù là cúc mi hay cúc họa mi, người Hà Nội yêu loài hoa này không chỉ vì những giai thoại rất đẹp mà có lẽ còn vì cúc họa mi mang phần nào cốt cách của họ: Dịu dàng mà kiêu hãnh, giản dị mà tự nhiên, lãng mạn mà kiên cường. Khác với nhiều loài cúc khác, cúc họa mi còn được nhiều cô dâu lựa chọn làm hoa cưới, hoa trang trí tiệc cưới. Mà cũng thật lạ là dường như cúc họa mi chỉ xuất hiện nhiều ở Hà Nội và dần trở thành một đặc trưng không lẫn vào đâu của Hà Nội.

Mấy đứa bạn thân của tôi ở phương xa thường nhắn tôi cúc họa mi đã nở chưa để đặt vé ra Hà Nội. Cũng nhiều lần tôi bảo để gửi vào bó cúc họa mi cho đỡ nhớ nhưng hội bạn gái của tôi bảo phải ở Hà Nội những ngày chớm đông thì mới tận hưởng được hết vẻ đẹp của cúc họa mi.

Mà đúng thật, có lần tôi vào Sài Gòn công tác vào đúng mùa cúc họa mi. Hoa từ Hà Nội được cắt lúc sớm mai, bảo quản và vận chuyển bằng đường hàng không để vài tiếng sau đã có mặt ở chợ Bến Thành.

Cũng cúc ấy, nhưng quả thật giữa cái đông đúc, hối hả, giữa cái nắng rực rỡ của phương Nam nhìn những bông cúc họa mi bé xíu cứ thấy chúng ngơ ngác, tội nghiệp giống y như những cành đào Nhật Tân du hành phương Nam vậy. Bảo sao mấy đứa bạn tôi nhất quyết phải ra Hà Nội để thưởng hoa một cách trọn vẹn.

Giữa heo may nao nức chớm đông về - 6

Chạm đông, khi những cây bàng già trên các phố cổ màu lá đã chuyển sang đỏ thắm cũng là lúc những bông cúc họa mi bé xíu xuất hiện trên phố cổ đẹp đến nao lòng. Đó cũng là thời điểm các thiếu nữ mặc áo dài trắng ôm bó cúc họa mi chụp những bộ ảnh để níu giữ một mùa hoa. Vẻ đẹp tinh khôi của thiếu nữ lẫn vào hoa khiến ai đi qua cũng phải lặng người.

Bất giác nhớ đến hai câu thơ:

"Cúc họa mi cài hương làn tóc rối

Giữa heo may nao nức chớm đông về".

Đó chính là một vẻ đẹp rất Hà Nội.

Nhưng cái đẹp thường mong manh và chỉ dành cho những ai biết đúng giá trị. Khác với các họ cúc khác, cúc họa mi thường chỉ nở ở những ngày chớm đông, nở một mùa duy nhất trong năm và vòng đời rất ngắn, chỉ khoảng từ 4 đến 5 tuần là hết.

Đầu tiên chỉ là vài bông nở sớm, chừng tuần sau là nở rộ và chỉ một, hai tuần sau là thưa thớt rồi không còn thấy xuất hiện trên phố nữa. Ai vô tâm hoặc quá bận rộn khi sực nhớ ra thì đã hết một mùa hoa, chỉ còn lại sự ngẩn ngơ, tiếc nuối, tự an ủi sẽ đợi mùa hoa mới…

Giữa heo may nao nức chớm đông về - 7

Nhưng đời người như cây cỏ, như bông hoa nở nơi đồng nội, chỉ một cơn gió thoảng qua thôi đã chẳng còn vết dấu…

Nên có người, không kịp đợi mùa hoa…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vĩnh Quyên, ảnh: Shutterstock

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!