Du lịch golf: Băn khoăn, trăn trở của người trong cuộc
Tài chính luôn là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển phong trào chơi golf. Sẽ còn rất lâu nữa, Việt Nam mới có sân golf công cộng như tại những đất nước phát triển, vì vậy, để tạo điều kiện cho nhiều người đến sân chơi thì cần có mức chi phí phù hợp...
Theo nghiên cứu của những nhà viết sử, golf du nhập vào Việt Nam từ năm 1920. Vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn - khi đi du học tại Pháp đã khám phá ra môn thể thao này và mang về Việt Nam.
Đến năm 1990, golf mới được nhiều người Việt Nam biết đến, tuy nhiên vẫn được xem là dành cho tầng lớp thượng lưu, các nhà ngoại giao và người nước ngoài công tác tại Việt Nam.
Nhiều tiềm năng
Khi kinh tế phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập thế giới, phong trào golf ngày càng phát triển tại Việt Nam. Không chỉ là một môn thể thao, golf còn mang đến cơ hội tìm kiếm đối tác để phát triển kinh doanh. Từ golf sẽ mở ra các kênh giao lưu, kết nối ở những ngành nghề khác nhau. Chưa kể trung bình mỗi golfer quốc tế sang Việt Nam sẽ tiêu từ 2.500 - 3.000 USD.
Hiện nay nước ta đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động, dự kiến đến năm 2025 sẽ có 200 sân golf. Ảnh AT.
Theo thống kê, hiện nay nước ta đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố được triển khai. Việt Nam thu hút khoảng 40.000 golfer quốc tế. Điều này cho thấy du lịch golf tại Việt Nam đang trở thành ngành có tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Từ một đất nước không có vị thế trên bản đồ golf thế giới, đến nay số lượng người tham gia tại Việt Nam lên đến 100.000 người. Nhiều câu lạc bộ ra đời để người có chung đam mê được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật thi đấu.
Hiện VTV Cab có 1 kênh truyền thông chuyên biệt về golf. Ngoài ra có gần 20 tạp chí dành cho bộ môn thể thao mới mẻ này. Nhiều cơ quan báo chí có tên tuổi như Tiền Phong, Kinh tế và Đô thị đã tiến hành các giải golf nghiệp dư. Các cơ quan báo chí đã đồng hành với Hiệp hội Golf Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam trong việc phản ánh các vấn đề cơ chế chính sách phát triển golf nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp.
Hiện nay nước ta đã có 80 sân golf 18 hố
Đối với việc phát triển golf chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết quảng bá Việt Nam đang có một thế hệ vận động viên trẻ đầy nội lực, nhiều người đủ điều kiện lên chuyên nghiệp chỉ trong một vài năm tới. Tại SEA Games 31, đội tuyển golf có 7/9 thành viên dưới 18 tuổi, dù trẻ nhưng những gương mặt: Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Bảo Long, Đoàn Xuân Khuê Minh… đều có kinh nghiệm chinh chiến, tự tin, bản lĩnh trên sân ở nhiều giải nghiệp dư và chuyên nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, các tay golf chuyên nghiệp Việt Nam chỉ tăng về số lượng còn chất lượng chưa đạt như kỳ vọng, thấp so với khu vực và thế giới. Trong 6 lần tham dự SEA Games, thành tích tốt nhất được mang về nhờ vận động viên Nguyễn Thảo My đạt hạng 11, bảng nữ SEA Games 28 (năm 2015) tại Singapore.
Trung bình mỗi golfer quốc tế sang Việt Nam sẽ tiêu từ 2.500 - 3.000 USD và đang có xu hướng tăng. Ảnh DK
Các tay golf trẻ của Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng muốn vươn tầm khu vực lại cần sự đầu tư mang tính dài hơi, chung tay của cả xã hội, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp. Môn thể thao nào muốn phát triển cũng cần có một nền tảng thi đấu chuyên nghiệp được xây dựng bài bản, vững chắc với cơ sở từ những vận động viên trẻ.
Hiện golfer trẻ tài năng ở Việt Nam khá ít, sự phát triển, thành công của họ phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ gia đình. Vì vậy, Hiệp hội Golf Việt Nam lấy mục tiêu phát triển phong trào golf trẻ cả chiều rộng lẫn chiều sâu làm trọng tâm. Đào tạo thế hệ trẻ là điều kiện tất yếu, nền móng để nâng cao trình độ golf Việt, hướng đến đỉnh cao, bằng sự đầu tư cụ thể và liên tục.
Một trong những giải pháp quan trọng, là các cơ quan báo chí phải có nhiều bài viết phân tích chuyên sâu, chỉ rõ muốn có thành tích chuyên nghiệp phải có phát triển phong trào chơi golf. Nhà nước cần có những chính sách để nghề kinh doanh golf tồn tại và phát triển, xem đây là ngành kích cầu các ngành kinh tế khác như nhà hàng, khách sạn, hàng không...
Nhiều năm trở lại đây, các golfer trên thế giới đổ xô đến Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, nơi có chi phí chơi golf thấp và điều kiện thời tiết thuận lợi. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Thái Lan, xứ chùa vàng mỗi năm đón khoảng 700.000 golfer. Đây là những con số mà các nhà quản lý thể thao, chủ sân golf, hãng du lịch và hiệp hội phải quan tâm.
“Tuần lễ Giao lưu Văn hóa golf - Hà Nội 2022” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra từ 17 - 22/10.
Giấc mơ mang tên Việt Nam
Ông Brian Curley - kiến trúc sư nước ngoài đã từng thiết kế xây dựng sân golf tại Việt Nam chia sẻ: "Sau khi trải qua 20 năm làm việc trong điều kiện địa hình khó khăn tại Trung Quốc, những gì mà Việt Nam có giống như một giấc mơ đối với chúng tôi vậy. Việt Nam có nhiều địa điểm bán sa mạc và đặc tính địa hình ấn tượng, phù hợp với sân golf. Tôi hy vọng được thấy sự tăng trưởng liên tục về số sân tại đây, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào một vài tập đoàn chủ chốt".
Nước ta có nhiều khu vực dốc, địa hình thoai thoải cộng thêm khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, rất thích hợp cho bộ môn thể thao này phát triển. Có 4 dạng chính đang được triển khai đó là: Sân golf gò cát (links course), sân golf công viên (parkland course), sân golf sa mạc (desert course), sân golf cổ ( heath-land course) với nhiều chướng ngại vật thách thức golfer như độ dốc, hướng gió, cỏ...
Ngoài ra, các sân golf ở nước ta đều nằm rải rác từ nội thành cho tới ngoại thành để đáp ứng được nhu cầu của người chơi. Golfer có thể lựa chọn các sân gần để tiết kiệm thời gian hoặc đi xa hơn để vừa chơi golf vừa kết hợp thăm thú, nghỉ dưỡng.
Hiện nay, đời sống của con người phát triển khiến nhu cầu tận hưởng và giải trí, rèn luyện cũng tăng lên. Vài năm gần đây, số lượng người đến nghỉ mát tại các khu resort, sinh thái có sân golf tăng mạnh.
"Sân golf ở Hà Nội rất đông vào những ngày cuối tuần. Hàng ngày, mỗi sân có tới hơn 200 người chơi, phần đông là golfer khu vực Hà Nội. Các resort có tầm nhìn ra biển sở hữu những sân golf tuyệt đẹp thì lại đón khách du lịch nhiều hơn. Nhưng xu hướng này sẽ dần thay đổi, khi số lượng người tham gia và nhu cầu chơi golf tại Việt Nam tăng lên" - ông Brian Curley nhấn mạnh.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Tài chính luôn là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển phong trào chơi golf ở nước ta. Sẽ còn rất lâu nữa, Việt Nam mới có sân golf công cộng như tại những đất nước phát triển. Vì vậy, để tạo điều kiện cho nhiều người đến sân chơi thì cần có mức chi phí phù hợp với thu nhập.
Tuy nhiên, các tổ chức và doanh nghiệp cũng cần phối hợp để tạo nên nhiều sân chơi cho golfer, như liên kết phát hành thẻ ưu đãi của ngân hàng, kêu gọi tài trợ cho giải thưởng Eagle, Hole-in-one hoặc ưu đãi nghỉ dưỡng đối với những sân chơi bất lợi về địa lý. Chỉ khi nào chi phí chơi golf phù hợp với khả năng chi trả của người dân, thì khi đó phong trào chơi golf ở Việt Nam mới thực sự phát triển.
Rõ ràng, Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, Hiệp Hội Golf Việt Nam, Ban tổ chức các giải đấu cần phải phối hợp một cách chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn thì cộng đồng mới dành sự quan tâm đến những giải đấu, qua đó thu hút tài trợ và nâng cấp phong trào.
Thị trường golf Việt Nam đã và đang có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Với những điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" như vậy, những sân golf đạt chuẩn quốc tế của nước ta sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa để phục vụ cho nhu cầu, sở thích của người dân. Truyền thông vào cuộc để người dân thấy được đây là một môn thể thao lành mạnh, giúp giải tỏa stress, nên hy vọng rằng trong tương lai gần bộ môn này sẽ phổ biến rộng rãi trong đời sống hơn nữa.
Hầu hết sân golf tại Việt Nam hiện nay đều do những kiến trúc sư nổi tiếng của nước ngoài thiết kế như: Brian Curley, Lee Schmidt, Greg Norman...
Các sân golf đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, sân đẹp và được chăm sóc cẩn thận, CLB sang trọng, caddie giỏi luôn hỗ trợ các golfer.
Ngoài ra mỗi nơi còn kết hợp với dịch vụ nghỉ dưỡng như resort, nhà hàng, khách sạn hiện đại..., là sự lựa chọn lý tưởng cho một kỳ nghỉ xứng tầm đẳng cấp.