Du lịch lên ‘sàn’: Xây kênh trên nền tảng số, từ zero đến hero
Tận dụng các nền tảng mạng xã hội, nhiều người trẻ xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo nội dung về du lịch trên TikTok, không chỉ quảng bá nét đẹp địa phương mà còn thu hút được rất nhiều du khách.
Từ 0 đến hàng trăm ngàn thành viên
Sau một thời gian dài làm lụng tại TP.HCM, anh Hoàng Văn Hoàn (hay còn gọi là Hoàng An) 34 tuổi, sống huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, chính thức về quê.
Anh Hoàn rất thích làm du lịch, muốn đưa cảnh đẹp tại quê nhà cho mọi người biết đến. Thế là, anh bắt đầu đi làm thuê cho một cơ sở du lịch tại TP.Hà Giang. Sau đó, anh học thêm những lớp về quản trị và hướng dẫn viên du lịch.
Tranh thủ thời gian rảnh, anh Hoàn đi khắp các nẻo đường ở Hà Giang, ghi lại cảnh đẹp, cuộc sống, sinh hoạt của bà con dân tộc. Sau đó, anh truyền tải những hình ảnh ấy lên các hội, nhóm mạng xã hội với hy vọng nhiều người biết đến.
Anh Hoàn dẫn khách tham quan cánh đồng lúa tại Hà Giang
"Để kết nối mọi người lại gần nhau, cũng như dễ dàng chia sẻ hình ảnh đẹp tại Hà Giang, mình đã tạo ra nhóm "Amazing things in Ha Giang" trên Facebook", anh Hoàn bộc bạch.
Thời gian đầu nhóm "Amazing things in Ha Giang", chỉ vài người tham gia. Thấy vậy, anh Hoàn tích cực hơn nữa trong việc đi "săn" ảnh đẹp rồi chia sẻ lên nhóm, trau dồi thêm các kiến thức kỹ năng về lĩnh vực du lịch, xây dựng mối quan hệ và mạng lưới kết nối bền vững. Trên hội, nhóm anh sẵn sàng tư vấn miễn phí cho mọi người về những lịch trình, điểm đến hấp dẫn tại Hà Giang nói chung và các vùng lân cận nói riêng.
Nhờ sự siêng năng và chịu khó của anh Hoàn, nhóm "Amazing things in Ha Giang" đến nay đã thu hút hơn 100.000 người tham gia. Đây cũng là kênh giúp anh Hoàn kiếm được lượng khách "khổng lồ".
Năm 2019, anh Hoàn thành lập Công ty du lịch Gió Hà Giang. Để phát triển đơn vị, thu hút nhiều khách du lịch, hàng ngày anh liên tục đăng tải những hình ảnh, video, chia sẻ các hành trình khám phá địa điểm mới lên "Amazing things in Ha Giang" cũng như các nền tảng mạng xã hội khác như: TikTok, Instagram, YouTube...
"Khi áp dụng công nghệ số vào du lịch chúng tôi đã chủ động được rất nhiều về nguồn khách. Không còn mất quá nhiều chi phí để tham gia các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành như cách làm truyền thống. Tiết kiệm được nhiều chi phí làm văn phòng đại diện, nhân viên...", anh Hoàn nói.
Lượt tham gia cao, đồng nghĩa với việc anh Hoàn cho nhiều khách du lịch
Theo anh Hoàn, việc quảng bá hình ảnh và con người Hà Giang lên Facebook là một bước tiến quan trọng để áp dụng "chuyển đổi số" vào lĩnh vực du lịch. Mức độ lan tỏa sẽ nhanh và kịp thời hơn. Khách du lịch cũng sẽ dễ tiếp cận hơn về các thông tin cần thiết để đi du lịch Hà Giang.
"Song, các hội, nhóm du lịch nếu được quản trị viên hướng theo những luồng thông tin chính thống và được chắt lọc thì sẽ góp ích rất nhiều cho sự phát triển của du lịch Hà Giang nói riêng và toàn ngành du lịch nói chung", anh Hoàn cho biết.
Anh Hoàn bắt đầu xây dựng chương trình tour xe máy cho khách đầu tiên đến tham quan du lịch tại Hà Giang. Theo đó, 1 khách sẽ có 1 người chở đi khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.
“Khi phát triển các hội, nhóm thì khách sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những thông tin cần thiết để đi du lịch Hà Giang. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Hà Giang cũng sẽ chủ động hơn trong việc quảng bá về cơ sở. Chủ động hơn trong việc kiếm tìm khách hàng tiềm năng. Riêng năm 2023, đơn vị đón được hơn 12.000 lượt khách", anh Hoàn nói thêm.
Trao đi nhiều giá trị hơn
Trên thực tế, không ít người biết tận dụng Facebook, TikTok, Zalo… để làm "bàn đạp" thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, việc xây dựng nội dung, hình ảnh như thế nào trên các nền tảng mạng xã hội này mới là điều quan trọng.
Anh Tạ Thanh Sang (quê Long An) từng "tay ngang" chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch tự do. Anh Sang cũng tự mày mò tìm hiểu, học thêm lớp về du lịch. Đồng thời tạo thêm nhóm Camping in VietNam - Cộng đồng thích cắm trại Việt Nam trên Facebook, để kết nối với khách du lịch.
"Thời gian đầu rất người ít người biết đến hội, nhóm. Thế là, mình chăm chỉ đăng những bài viết, bộ ảnh, chia sẻ lại những chuyến đi trải nghiệm của bản thân nhiều hơn", anh Sang cho biết.
Song, những bài viết chia sẻ lại hành trình của anh Sang đăng lên hội này được các báo đài quan tâm, kết nối phỏng vấn. Có thể kể đến như: Say đắm lòng người với vẻ đẹp thiên nhiên Xà Phìn; Đến Vịnh Vân Phong tắm biển trong xanh; khám phá thiên nhiên hoang sơ; Đến suối Thủy Nguyệt "trốn" nóng…
Anh Sang “tay ngang” làm du lịch, tận dụng nền tảng số để thu hút khách
Có lẽ nhờ những "thành tích" đó mà anh Sang được nhiều khách biết đến hơn, nhóm Camping in VietNam - Cộng đồng thích cắm trại Việt Nam, thu hút hơn 30.000 lượt tham gia. Mỗi tuần anh Sang đều có lượt khách đăng ký đi tour.
"Việc lập hội, nhóm trên mạng xã hội góp phần quảng bá du lịch, giao lưu, tìm kiếm chuyến đi thích hợp. Đồng thời là cầu nối giữa doanh nghiệp, địa điểm du lịch với du khách, tạo ra nguồn cảm hứng kích cầu du lịch đối với các thành viên tham gia", anh Sang nói.
Không chỉ hình ảnh đẹp, tại Camping in VietNam - Cộng đồng thích cắm trại Việt Nam ai cũng có thể chia sẻ những bài viết thiết thực về các chuyến đi, kinh nghiệm cho người bắt đầu đi du lịch…
Bên cạnh đó, anh Sang còn ứng dụng công nghệ số bằng hệ thống website booking riêng. Bán tour qua các nền tảng OTA (Klook, Travelloka, Booking...).
"Việc chuyển đổi số giúp tiếp cận khách hàng nhanh hơn, dễ dàng hơn việc dùng các kênh agency truyền thống. Đồng thời cũng giúp khách hàng dễ tìm kiếm chuyến đi phù hợp hơn", anh Sang cho hay.
Cũng theo anh Sang, khi tạo hội nhóm hay lập kênh truyền thông trên mạng xã hội, các bạn không nên chú trọng vào mục đích bán hàng, kinh doanh tour. Từ đó, quên trao đi nhiều giá trị, kinh nghiệm để giúp nhiều người tiếp cận được các chuyến đi phù hợp.
Anh Sang dẫn được nhiều tour trải nghiệm khắp Việt Nam như: Trekking Tà Năng - Phan Dũng, thác K50... Hay các tour trekking leo núi phía Bắc như: Lảo Thẩn, Putaleng... Hoặc các tour khám phá bằng xe máy như: Hà Giang hay xuyên Tây - Đông Bắc; các tour mạo hiểm Abseiling Núi Thủng Lân Ty, Hố Sụt Canh Cảo.
"Ngoài ra việc 1 số cá nhân lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng làm mất niềm tin của mọi người với việc bán tour qua kênh online. Các bạn trẻ nên trao đổi nhiều kiến thức, kỹ năng hơn. Trao đi nhiều giá trị hơn góp phần phát triển du lịch trong nước cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế", anh Sang cho lời khuyên.
Trong khi đó, Hoàng Khắc Tuấn (26 tuổi), chủ kênh TikTok Tóc dài niền răn, cũng thu hút được hàng chục ngàn lượt theo dõi nhờ xây dựng nội dung là những chuyến đi chơi.
"Những nội dung mình làm quay quanh cuộc sống, công việc, trải nghiệm những chuyến đi của bản thân. Theo đuổi nội dung năng động, pha chút hài hước trong những video mang lại màu sắc riêng. Đặc biệt hướng đến việc phát triển bản thân, biết cách yêu thương bản thân cũng như biết cách tìm niềm vui trong công việc mặc dù nó cực và mệt mỏi", Tuấn nói.
Hoàng Khắc Tuấn (26 tuổi), chủ kênh TikTok Tóc dài niền răn
Thông qua kênh TikTok cá nhân, Tuấn tìm được nhiều người bạn, cơ hội việc làm, có thêm thu nhập trong lĩnh vực du lịch.
"Xây dựng nội dung du lịch trên nền tảng số cần pha thêm chút màu sắc cá nhân trở nên khác biệt. Hãy là chính bạn, không cần làm quá trở nên chuyên nghiệp (đối với những bạn bắt đầu - PV). Việc của bạn là cầm máy, quay và về chỉnh sửa, cắt dựng. Lâu dần bạn sẽ tìm ra màu sắc bản thân. Hãy kiên nhẫn và thói quen đưa bạn đi xa hơn những gì bạn nghĩ", Tuấn nói.