Du lịch khu vực, bao lâu nữa được như trước?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khách du lịch đến châu Á đang tăng trở lại nhưng tốc độ phục hồi của ngành còn chậm.

Sau hai năm bị đình trệ do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, du lịch Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đã bắt đầu hồi phục với việc các quy định nhập cảnh và cách ly nghiêm ngặt được dỡ bỏ hoặc nới lỏng ở một số quốc gia. Dù vậy, quá trình phục hồi nhìn chung vẫn chưa đủ nhanh và một số điểm nóng về du lịch vẫn chưa lấy lại đà phát triển như trước.

Theo Hội đồng Thương mại và du lịch Thế giới, nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc vào du lịch nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới trừ vùng Caribe. Năm 2019, năm cuối cùng mà mọi người có thể tự do đi lại, du lịch đóng góp gần 12% GDP toàn khu vực.

Du khách trở lại Đông Nam Á

Cụ thể, hãng tin Reuters dẫn báo cáo mới đây của Công ty phân tích dữ liệu du lịch ForwardKeys (Tây Ban Nha) cho biết lượng đặt chỗ của các hãng hàng không quốc tế đến Đông Nam Á thời điểm cuối tháng 3 năm nay đạt 38% so với thời điểm trước đại dịch. Singapore và Philippines là hai nước dẫn đầu về lượng khách đặt chỗ với các hãng hàng không.

Cả Singapore và Philippines hiện đều chỉ yêu cầu khách du lịch tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 tiêu chuẩn và trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh. Bộ trưởng Du lịch Philippines Bernadette Romulo-Puyat chia sẻ: “Chúng tôi là nước đi đầu trong nỗ lực loại bỏ tất cả hạn chế phức tạp liên quan tới phòng chống dịch COVID-19. Du khách khá vui vẻ với quyết định này vì khi đến nơi, họ được tự do đi lại”.

Trong khi đó Thái Lan - nước từng dẫn đầu về du lịch ở khu vực trong lúc dịch còn chưa ổn - thời gian gần đây lại bắt đầu tái áp đặt các yêu cầu phức tạp hơn về phòng dịch và do đó không còn là lựa chọn hàng đầu của du khách.

Theo số liệu của ForwardKeys, lượng đặt phòng tại Singapore và Philippines lần lượt ở mức 72% và 65% so với mức năm 2019, trong khi Thái Lan chỉ đạt 24%.

Du lịch khu vực, bao lâu nữa được như trước? - 1

Khách du lịch ở thủ đô Bangkok, Thái Lan hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Theo Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan Marisa Sukosol Nunbhakdi, một vấn đề lớn của du lịch Thái Lan hiện nay là bắt buộc khách du lịch phải xét nghiệm PCR ngay khi nhập cảnh với mức phí 60-75 USD. Đối với khách đi theo nhóm thì càng đông, chi phí này càng đội lên và sẽ khiến nhiều người do dự khi chọn du lịch Thái Lan. Nếu có nước khác không yêu cầu gì khi nhập cảnh, du khách sẽ chọn đến các nước đó thay vì đến Thái Lan.

Tốc độ phục hồi còn chậm

Sự phục hồi về du lịch của toàn khu vực châu Á vẫn đang chậm hơn so với các khu vực khác như châu Âu - nơi đã nới lỏng các hạn chế từ nhiều tháng trước, theo Reuters.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho biết lưu lượng vận tải hàng không nội địa và quốc tế ở châu Á - Thái Bình Dương năm nay sẽ chỉ đạt 68% so với năm 2019 và để đạt tới mức lưu lượng như trước đại dịch sẽ cần phải đợi tới năm 2025, tức chậm một năm so với phần còn lại của thế giới.

Lấy Singapore làm ví dụ, nước này trong tháng 2 đã đón lượng du khách tăng gần bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái khi nước này hạn chế nhập cảnh. Nhưng con số này cũng chỉ tương đương 9% lượng khách đến vào tháng 2-2020, hơn nữa trong đó có một lượng lớn là người mang hộ chiếu làm việc từ Malaysia và Ấn Độ.

Trong khi đó, thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự báo nước này phải chờ đến năm 2026 để phục hồi hoàn toàn.

Bên cạnh đó, cũng có một sự thay đổi lớn khi xét về đối tượng du khách đến Đông Nam Á và châu Á nói chung. Nếu trước đây nhóm khách Trung Quốc chiếm tỉ lệ hàng đầu thì giờ đây với lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở đại lục, nhóm khách này gần như vắng bóng. Hồi năm 2019, hơn 25% trong số 40 triệu du khách tới Thái Lan là người Trung Quốc nhưng năm nay, Thái Lan chỉ dự báo đón 5-10 triệu khách quốc tế, chủ yếu đến từ các nước láng giềng Đông Nam Á.

Lượng khách đến từ các nước khác ở châu Á cũng chỉ đạt 24% từ đầu năm đến nay, so với 57% trong năm 2019. Khách từ các thị trường truyền thống như Nhật hay Nga cũng không nhiều, trong bối cảnh Nhật vẫn còn hạn chế di chuyển quốc tế, còn xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt.

Tuy nhiên, về mặt tích cực thì theo số liệu của ForwardKeys, hơn 30% số khách du lịch đến Đông Nam Á trong năm nay là từ châu Âu, tăng so với mức 22% của năm 2019. Du khách từ Bắc Mỹ tăng hơn hai lần, lên 21% so với 9% của năm 2019.

Xu hướng du lịch sau dịch thay đổi

Tờ The Business Times dẫn nghiên cứu mới đây của Tập đoàn tài chính Visa (Mỹ), khách du lịch hiện tại có xu hướng tới những điểm đến an toàn và đảm bảo phòng chống dịch, ngay cả khi COVID-19 đang có xu hướng được xem là bệnh đặc hữu. Nghiên cứu cũng cho thấy khách du lịch có xu hướng đặt phòng sát ngày đi hơn so với trước đại dịch. Ngoài ra, ngày càng nhiều người lựa chọn du lịch trong nước hơn là đi nước ngoài.

Nói riêng về du lịch Đông Nam Á, du khách khi tới đây cũng muốn đến các vùng thôn quê, ít người, tránh các điểm du lịch phổ biến. Gần 60% du khách Thái Lan được khảo sát có kế hoạch tới thăm các điểm ở vùng nông thôn không được nhiều khách du lịch ưa thích trước kia. Các khách sạn có xu hướng phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường. Trong đó, xu hướng “workation” (vừa làm việc vừa du lịch) cho những người bận rộn cũng góp phần không nhỏ để hồi sinh ngành du lịch hậu đại dịch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VĨ CƯỜNG (Báo Pháp Luật TP.HCM)