Du lịch Hội An học theo cách làm của các điểm đến nổi tiếng
Thực tế, quy định tất cả du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé đã có từ năm 1992. Tuy nhiên, công tác này chưa được quản lý chặt chẽ. Kể từ 15/5, tất cả du khách trong nước và quốc tế đến phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé.
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc thu phí tham quan là một cách để bảo vệ phố cổ Hội An trước nạn du lịch quá tải.
Mức giá tham quan dành cho khách quốc tế là 120.000 đồng/vé và 80.000 đồng/vé cho khách nội địa. Thời gian hoạt động bán vé tham quan khu phố cổ từ 7h30 đến 21h30 hàng ngày vào mùa hè, đến 21h vào mùa đông.
Theo ý kiến của 2 chuyên gia ĐH RMIT, việc thu phí tham quan là một cách để bảo vệ phố cổ Hội An trước nạn du lịch quá tải
Phố cổ đang quá tải
Du lịch trở lại được xem là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại của du khách tăng cao hậu đại dịch lại dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều nơi. Phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng nằm trong danh sách này.
Du lịch quá tải xảy ra khi số lượng khách du lịch tăng cao và có những tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống cũng như gây nên sự căng thẳng cho người dân địa phương.
Khu phố cổ chỉ rộng một km2 nhưng đón ít nhất 10.000 du khách/ngày. Việc này đã tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, kiến trúc, môi trường và giao thông.
Mỗi ngày phố cổ Hội An đón ít nhất 10.000 du khách. Ảnh: Thanh Đức.
Cụ thể hơn, du lịch quá tải đã dẫn đến tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi, quản lý chất thải kém phát triển, chất lượng thức ăn đường phố không đảm bảo, nạn bán hàng rong, thiết kế và vận hành homestay kém chất lượng và suy thoái hệ sinh thái du lịch.
Thay vì áp dụng giải pháp khắc phục nhanh chóng là hạn chế số lượng du khách thì du lịch tái tạo là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề xung quanh du lịch quá tải.
Giải pháp bảo vệ phố cổ
Thuật ngữ du lịch tái tạo liên quan đến việc cung cấp thông tin du lịch kịp thời và các hoạt động cho du khách, giúp các điểm đến phục hồi, đồng thời tạo ra các giải pháp sáng tạo để cân bằng các tác động xã hội, kinh tế và môi trường của du lịch.
Theo một cách nào đó, giải pháp này cũng liên quan đến việc khách du lịch tích cực thực hiện các hành động bền vững hơn là thụ động, mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho những nơi là "nạn nhân" của tình trạng quá tải du lịch.
Hiện giải pháp trên đang trở nên phổ biến ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Thái Lan và Nhật Bản. Áp dụng phí sử dụng du lịch sẽ là bước đầu tiên trong việc bảo tồn và duy trì các di tích lịch sử, cũng như cơ sở hạ tầng trong thành phố.
Bên cạnh áp dụng thu phí khách du lịch, để hạn chế tình trạng du lịch quá tải, còn có một số giải pháp như sau:
Giảm marketing để quản lý số lượng khách du lịch. Thay vì quảng bá cho các điểm nóng du lịch, điểm đến có thể chuyển hướng quảng bá những nơi khác để kích cầu du khách đến đó.
Chuyển hướng và quảng bá các địa điểm ít được biết đến cho khách du lịch đi đôi với việc tăng khả năng tiếp cận, cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất của những nơi này.
Giáo dục du khách về các hoạt động du lịch có trách nhiệm có thể giúp họ hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa địa phương và hỗ trợ nền kinh tế địa phương.
Những khách du lịch có đầy đủ thông tin về các hoạt động du lịch có trách nhiệm thường có xu hướng đưa ra những lựa chọn mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng địa phương. Họ cũng có nhiều khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và đóng góp tích cực cho nền kinh tế bản địa.
Việc thu phí như một biện pháp bảo vệ phố cổ. Ảnh: Bùi Ngọc Công.
Các chính sách tăng cường bảo vệ môi trường và văn hóa sẽ được thực hiện hiệu quả nếu khách du lịch biết những điều nên làm và không nên làm.
Các ứng dụng số cung cấp thông tin trực tiếp cho khách du lịch, chẳng hạn như những điều nên và không nên làm tại điểm đến và khi nào nên tránh một điểm du lịch cụ thể do đã đông người.
Áp dụng hệ thống quản lý đám đông tại các điểm du lịch nổi tiếng, chẳng hạn như hạn chế số lượng khách du lịch trong một khoảng thời gian nhất định và bố trí lực lượng cảnh sát du lịch hoặc bảo vệ để giám sát, kịp thời ngăn chặn những hành vi không phù hợp.
Nhìn chung, thu phí du lịch có thể là một cách hiệu quả để tạo doanh thu nhằm bảo tồn các di tích lịch sử và cơ sở hạ tầng của Hội An.
Tuy nhiên, hoạt động này cần có sự công bằng nhằm đảm bảo các khoản phí có thể quản lý được và không tác động tiêu cực đến du lịch.
Nếu Hội An được quản lý đúng cách, tập trung vào Mục tiêu Phát triển bền vững toàn cầu số 11 (xây dựng thành phố bền vững), phố cổ có thể hạn chế tình trạng quá tải, suy thoái môi trường, bảo vệ di tích lịch sử và hư hỏng kiến trúc.
Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, cũng có thể đe dọa cơ sở hạ tầng và di sản văn hóa của thành phố.
TS Jackie Lei Tin Ong - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT
TS Daisi Kanagasa papathy - Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT