Chút tản mạn về hoa sen

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không hiểu tự bao giờ, trong tôi đã ngân lên những lời thơ trong vắt, ngọt ngào, đầy thương, đầy mến: “Trong đầm gì đẹp bằng sen” hay “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen”… Vâng, cây sen, hoa sen muôn đời đáng được nhận những lời ngợi ca như thế.

Từ bao đời nay, cây sen, hoa sen đã tồn tại với cỏ cây. Cây sen, hoa sen không chỉ là người bạn thân thiết mà còn được xem như là biểu trưng văn hóa bén rễ sâu trong tâm thức những người con đất Việt.

Hàng năm, cứ vào những ngày vào hạ, sau những cơn mưa đầu hè như trút nước, trên các hồ ao ven làng quê lại ngát xanh những chiếc lá sen. Lá sen ngoi ra khỏi mặt nước là xoè ngay ra hứng lấy ánh nắng mặt trời và những hạt sương rơi đêm đêm.

Lá sen thật dung dị và gợi cảm. Lá sen có hai mặt khác nhau, mặt trên biếc thẫm xanh xanh, mặt dưới bạc mờ phấn bụi như soi đáy nước trong veo. Thường thì lá sen vươn toả như chiếc đĩa ngọc, hứng nắng và mây trời, đảo đưa đón gió gợn lay, tô điểm cho búp sen hồng lồng lộng. Lô xô sóng gợn đẩy lá dập dềnh.

Mùa lá sen nõn là mùa hè, mùa của nắng rực rỡ nhất trong năm. Nắng tưới xuống lá sen, hứng thổi hắt lên cao làm dịu đi màu lửa mùa hạ. Không những thế, lá sen còn xòe ra, như mái nhà chở che cho những chú ếch xanh, những chàng nhái bén, và cả những đàn cá rô đen nhánh bơi lội tung tăng. 

Chút tản mạn về hoa sen - 1

Đặc biệt, trong những ngày xưa ấy, sau những phiên chợ quê, lớp trẻ choai choai thường háo hức đón mẹ hay bà đi chợ về. Bởi sau buổi chợ, mẹ về thể nào cũng có quà cho chúng. Quà mà chúng được nhận từ tay bà, tay mẹ thường được gói trong những mảnh lá sen. Nhất là những vắt xôi còn nóng hổi, thơm phức. Xôi vốn đã thơm, đã ngon còn được bọc bởi lá sen nên xôi càng thơm, ngon gấp bội. Có lẽ ngoài lá sen bọc xôi ra, khó mà có lá gì, giấy gì bọc xôi ngon hơn.

Khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ tôi mách bảo thêm rằng, lá sen, nhất là loại lá sen bánh tẻ còn làm được vị thuốc mát tì vị, điều hoà âm dương, hái lá sen đem về thái nhỏ, sao vàng nấu nước uống có thể giảm được huyết áp cao, bớt chóng mặt, nhức đầu, ăn ngon miệng, ngủ dễ.

Vậy đấy các bạn ạ, lá sen chẳng lộng lẫy, chẳng sắc màu, nhưng rất dung dị như cô gái làng quê bước trên cánh đồng rợn lúa. Qua tháng năm, lá sen vẫn thoảng đưa trong tâm hồn ta.

Khi những tán lá sen đã cứng cáp tỏa ra, dần che mặt nước thì cũng là lúc những búp sen đầu mùa rẽ nước ngoi lên. Những bông hoa sen mang hình đài sen trắng phớt tím, biểu lộ sự trong trắng, đợi chờ thuỷ chung. Riêng tôi, trong cái thoang thoảng của mùi sen đầu hạ, tôi lại nao lòng nhớ đến nhà thơ Xuân Hoàng (Hoàng Bình Thi). Nhớ Hoàng nhất là những lúc Hoàng cùng chúng tôi ngồi trên thảm cỏ ven bờ sông Hương trong những ngày vào hạ để trò chuyện, tâm tình.

Hoàng có nụ cười thật hiền và hay nói về các loài hoa. Hoàng nói về hoa cúc- loài hoa cúc nhỏ, cánh dày, vàng tươi như nắng thu; Hoàng nói về hoa mạt ly trắng, loài hoa khiêm tốn như những cánh bướm nhỏ điểm bờ dậu thưa … và đặc biệt, mỗi khi nói về hoa sen, Hoàng đã thể hiện sự cảm nhận của mình về loài hoa này một cách thật tinh tế.

Hoàng cho rằng: "Không phải ngẫu nhiên mà vua Minh Mạng trong quá trình đúc Cửu Đỉnh đã ban lệnh khắc hình Liên hoa (hoa Sen) vào chiếc đỉnh thứ hai có tên là Nhân đỉnh. Để từ đó hoa sen trở thành một trong 9 loài hoa lưu danh muôn thuở trên Cửu đỉnh. Dâng hiến trọn vẹn vẻ đẹp thanh khiết cho con người. Hoa sen là một thực thể thiên nhiên đầy ẩn dụ. 

Chút tản mạn về hoa sen - 2

Có thể nhận thấy trong từng cánh hoa những ý nghĩa phổ quát của cuộc đời. Chẳng hạn, cớ làm sao từ bùn lại mọc lên lừng lững những đoá sen trắng yêu kiều đến vậy? Chẳng hạn như hoa sen chỉ sống được trong bùn nhưng phải là thứ bùn sạch, bùn mà không phải là bùn? Riêng cái màu trắng như ngà ngọc của hoa sen thì tao nhân mặc khách còn phải tốn kém rất nhiều giấy mực. Đó là một thứ lụa tập thể đa chiều với những đường gân nổi xao xuyến.

Quy trình từ bùn đến hoa, từ sự tầm thường đến cái đẹp siêu thoát, quả đã vượt ra khỏi sự lý giải của con người. Nó không đơn thuần là sự tuân thủ của một quy luật sinh học nào đó mà chính là cái đẹp hiện thân như từ trong cổ tích hiện ra. Và chỉ có thể lý giải bằng cổ tích".

"Công dụng của hoa sen thì vô kể. Lá sen dùng để gói quà bánh. Lớp vỏ xenlulô tốt không kém gì lá chuối. Lá sen non gói xôi hoặc cốm giữ hương vị rất lâu. Củ sen làm mứt, đó là thứ mứt hảo hạng có thể chữa trị bệnh. Ngó sen ngâm dấm chua làm món nhậu vào loại bậc nhất. Rồi tim sen, hạt sen có thể dùng vào nhiều việc khác. Nhưng trên hết thảy mọi giá trị sử dụng đời thường, vẫn là cái đẹp của hoa sen. Một cái đẹp im lặng, kín đáo và sâu thẳm".

Cũng phải vì thế chăng mà tôi yêu vô cùng loài hoa đài các, từ bi, mà quyến rũ đến nao lòng này. Hương sen thơm ngát vào mùa hạ làm khuây khoả đi mọi phiền toái trong lòng. Từ khi biết ý thức thế nào là hoa đẹp, tôi bắt đầu thích ngay loài hoa gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Từ lâu, hương man mát, cánh sen khi thì hồng dịu, khi thì trắng xanh non tơ đã luôn khiến tôi nghĩ về hình ảnh thời trẻ trung nhất, đáng yêu nhất của người con gái. Hoa sen là hoa của đất nước, một đất nước đang trong thời kỳ tươi trẻ, bừng bừng đi lên, nhưng trong tâm tưởng tôi đó cũng chính là hình ảnh một cô gái e ấp nhưng cá tính, mạnh mẽ mà thuỷ chung, khéo léo, tế nhị của đất nước thân yêu này vậy!

Mãi nghĩ về sen, bất chợt ùa về trong tôi tuyệt phẩm "Thái liên khúc" (Khúc hát hái sen) ngày nào của bậc trích tiên Bạch Cư Dị : "Lăng diệp oanh ba hà chiểm phong/ Hà hoa thâm xứ tiểu thuyền thông/ Phùng lang dục ngữ đê đầu tiếu/ Bích ngọc tao đầu lạc thủy trung". Tạm dịch là : "Sóng đong đưa lá, gió rung hoa/ Thuyền tẽ rừng sen nhẹ lướt qua/ Cúi mặt cười che, lòng muốn nói/ Ao sâu rơi xuống chiếc trâm ngà" …Ừ, Một mùa sen nữa lại về …

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Thị Thọ (Báo Dân sinh)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!