Cần bớt làm khó khách nước ngoài đến Việt Nam
Nhiều quy định cũ liên quan đến du khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đang được đề xuất gỡ bỏ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm sức hút.
Từ khi mở cửa tới nay, khách quốc tế muốn đến Việt Nam đều phải mua bảo hiểm du lịch có chi trả cho điều trị Covid-19 (mức trách nhiệm tối thiểu là 10.000 USD). Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhiều chuyên gia và người làm trong lĩnh vực du lịch nhận xét quy định đã không còn thích hợp nữa.
Cần đi trước Thái Lan
Trả lời Zing, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), cho biết Việt Nam cần có những điều chỉnh để tiếp tục đi trước Thái Lan. Theo ông Chính, từ trước đến nay, Việt Nam luôn đưa ra yêu cầu về bảo hiểm tốt hơn Thái Lan.
Ví dụ, khi Thái Lan yêu cầu khách quốc tế mua bảo hiểm du lịch có chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 50.000 USD, Việt Nam chỉ yêu cầu 20.000 USD. Khi Thái Lan hạ xuống 20.000 USD, Việt Nam chỉ còn yêu cầu 10.000 USD. Hiện nay, quy định về bảo hiểm du lịch đối với khách quốc tế của hai nước là như nhau.
"Nếu muốn vượt qua các nước khác, những điều chỉnh tạo thuận lợi cho khách quốc tế của chúng ta cũng phải đi trước họ một bước", ông Chính nói.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế là cách Việt Nam nắm lợi thế nhiều hơn so với các nước trong khu vực. Ảnh: Hoàng Hà.
Đại diện TAB nhấn mạnh đã lắng nghe nhiều ý kiến của các doanh nghiệp về vấn đề này. Không ít đoàn khách nước ngoài muốn sang Việt Nam gặp khó trong vấn đề bảo hiểm. Các bảo hiểm du lịch với mức trách nhiệm tối thiểu là 10.000 USD không khó tìm. Tuy nhiên, khách quốc tế khá bối rối khi tìm những bảo hiểm phải bao gồm nội dung dành cho điều trị Covid-19.
Trao đổi với Zing, ông Chính cho biết trước kia, TAB đã xem xét quy định của các nước và thấy việc bao gồm nội dung dành cho điều trị Covid-19 là hợp lý. Tuy nhiên, Covid-19 lúc này đã được xem như một bệnh bình thường. Do đó, sự thay đổi là điều dễ hiểu.
"Covid-19 thay đổi và chúng ta cũng cần thay đổi. Những đề xuất cách đây một tháng giờ cũng có thể thay đổi. Ví dụ việc ủng hộ xét nghiệm với khách quốc tế trước khi nhập cảnh, bây giờ, chúng tôi thấy không còn hợp nữa đã đề xuất bỏ", Trưởng ban Thư ký TAB nói.
Khó hiểu
Chính sách thị thực của Việt Nam cũng khiến nhiều công ty inbound (chuyên đón khách quốc tế) băn khoăn.
M.T., giám đốc một công ty inbound ở Hà Nội, cho biết dù Việt Nam mở cửa được 2 tháng, công ty vẫn chưa đón nổi đoàn khách quốc tế nào. Ông T. chia sẻ mình hoàn toàn đồng ý khi đọc đề xuất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân về việc bỏ nội dung liên quan đến điều trị Covid-19 trong bảo hiểm du lịch với khách quốc tế.
Tuy nhiên, chính sách thị thực của Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề. Đại diện doanh nghiệp này vừa nhận được thư từ đoàn khách Sri Lanka. Trong thư, ông Sampath, đại diện đơn vị tour bên phía Sri Lanka, nói muốn đưa một đoàn khách đến Việt Nam vào tháng sau.
Thư một doanh nghiệp Sri Lanka gửi đến công ty inbound ở Việt Nam. Ảnh: M.T.
"Khi chúng tôi báo với Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka, câu trả lời nhận được là quy trình cấp visa bình thường của Việt Nam chưa như cũ. Chỉ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp visa điện tử (evisa). Người có hộ chiếu Sri Lanka chưa thể đăng ký visa điện tử", Sampath nói trong thư.
Theo ông T., việc Việt Nam có chủ trương kích cầu du lịch quốc tế để phát triển kinh tế nhưng lại hạn chế danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp visa là điều bất hợp lý.
"Tôi bối rối không biết trả lời họ sao. Ngày trước, khi chúng ta còn hạn chế các thị trường mang nguy cơ lây nhiễm cao, điều này có thể hiểu. Tuy nhiên, lúc này, mọi thứ đã khác. Chúng ta đã nói mở cửa lại còn chọn lọc thị trường là bất hợp lý", đại diện công ty này nói.
Cũng trong đề xuất của TAB gửi Thủ tướng Chính phủ cách đây không lâu, đơn vị này cũng nhấn mạnh chính sách thị thực cần cởi mở hơn. Theo đó, TAB đề xuất tăng số nước được miễn thị thực và kéo dài thời gian miễn thị thực hiện tại (từ 15 ngày lên 30 ngày).
Việc cấp thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam cũng "chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa đúng nghĩa của loại hình thị thực này".
Công ty du lịch vẫn phải hỗ trợ khách làm thủ tục duyệt nhân sự qua thư "chấp thuận visa" trước khi khách khởi hành đến Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch phải đáp ứng khá nhiều thủ tục về cung cấp thông tin cho Cục Quản lý Xuất nhập cảnh như: chương trình tour chi tiết (trung bình 2-3 trang giấy A4), xác nhận đặt phòng khách sạn, bản sao vé máy bay.
Chính sách thị thực của Việt Nam chưa thực sự tốt. Ảnh: Golden Bay.
Thủ tục xin duyệt nhân sự cũng mất thời gian, đặc biệt sau dịch Covid-19 lại càng khó khăn hơn. Thường khách du lịch và khách đi vì mục đích khác cùng nộp hồ sơ một cửa dẫn đến việc chờ đợi rất lâu. Thời gian chờ lấy số mất nửa ngày. Thời gian nhận được phê duyệt nhân sự ít nhất một tuần mới xong.
Về thị thực điện tử, khách nộp hồ sơ nhưng không nhận được xác nhận ngày trả lời kết quả của hồ sơ. Điều này gây nhiều lo ngại cho du khách. Nhiều trường hợp khách nộp hồ sơ thị thực điện tử nhưng bị từ chối cũng không được hệ thống báo lý do. Trong trường hợp đó, khách đã nộp phí thị thực không được hoàn trả phí.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn hơn khi những điều kiện nhập cảnh rất thông thoáng.