'Bình oxy' cho doanh nghiệp hàng không, du lịch
Hộ chiếu vaccine chính là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp hàng không, du lịch trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Doanh nghiệp đang suy kiệt
Sau gần 5 tháng bùng phát làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, sức chống chịu của các doanh nghiệp ngành hàng không và du lịch đang dần suy kiệt.
Sức chống chịu của các doanh nghiệp ngành hàng không và du lịch đang dần suy kiệt trước cơn bão đại dịch.
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nếu như trong năm 2020, mặc dù phải đóng - mở cửa liên tục do dịch bệnh nhưng doanh nghiệp vẫn có thể cầm cự thì 9 tháng đầu năm 2021, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, công ty đã rơi vào khó khăn chồng chất khi không có bất cứ khoản thu nào.
Lux Group đã tìm mọi cách để tối ưu hóa nguồn tiền, tìm biện pháp giữ chân nhân sự, số hóa doanh nghiệp, song đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã gần như cạn kiệt nguồn lực.
Trong hoàn cảnh tương tự, ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO cũng cho biết, Novotel Phú Quốc là khách sạn đầu tiên mở cửa để đón khách quốc tế tại Phú Quốc, tuy nhiên, từ khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, Việt Nam dừng các chuyến bay quốc tế và sau đó là cả chuyến bay nội địa thì doanh nghiệp đã vô cùng khó khăn.
Trong những năm trước, tăng trưởng bình quân của ngành du lịch ở Phú Quốc là mơ ước của của nhiều địa phương nhưng đến nay Phú Quốc như "ốc đảo" vì toàn bộ chuyến tàu và chuyến bay đều dừng lại.
Hàng tháng, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn để duy trì hoạt động, giữ chân nhân viên và chuẩn bị cho thời điểm khách quay trở lại. Hiện thực sự doanh nghiệp đang hết sức bế tắc. Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch rất cần ống thở ngay lúc này để vượt qua đại dịch, ông Đức cho biết.
Trong bức tranh chung của ngành du lịch, các doanh nghiệp hàng không cũng không ngoại lệ. Ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến các hãng hàng hàng không phải dừng gần như toàn bộ các chuyến bay.
Trước khi dịch bệnh xuất hiện, trung bình mỗi hãng hàng không đón 100.000 lượt khách/ngày, nhưng trong thời gian gần đây, một ngày các hãng chỉ đón chưa đến 100 người.
Lượng khách hàng giảm mạnh trong khi lực lượng nhân viên hàng không, sân bay, quản lý bay vẫn phải duy trì, bởi đây là những nhân sự chất lượng cao, không thể đào tạo trong ngày 1 ngày 2. Việc chi phí cố định không thay đổi trong khi doanh thu vận chuyển gần như bằng 0 đã khiến các doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại rất lớn, ông Quang nhận định.
"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp hàng không, du lịch
Trước những khó khăn chưa từng có hiện nay, ông Đức cho rằng, hộ chiếu vaccine hay còn gọi là “thẻ xanh Covid” chính là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, du lịch.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này: “Sau rất nhiều lần bật – tắt nền kinh tế, rủi ro đối với doanh nghiệp là rất lớn. Trong khi đó, nếu áp dụng "thẻ xanh Covid", chúng ta rẽ sang quan điểm chống dịch hoàn toàn khác, không phải là dịch bùng phát sẽ giãn cách như trước mà chấp nhận sống chung, an toàn với dịch bệnh.
Sẽ dùng thẻ xanh để phát triển kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ người nhiễm và tử vong. Đây là hướng đi mới đảm bảo sự phát triển cho ngành du lịch, hàng không, lữ hành cũng như toàn nền kinh tế nói chung".
Đồng quan điểm, ông Hà cũng cho rằng, Việt Nam buộc phải sống chung với Covid-19. Nếu tình hình giãn cách xã hội kéo dài, doanh nghiệp rất khó có thể chống chịu thêm nữa.
Chủ tịch Lux Group kỳ vọng vào khách du lịch nội địa sẽ là “bình oxy” cho doanh nghiệp đặc biệt là trong lúc này khi đã có thị trường sẵn và nhu cầu cũng rất lớn. Trước mắt Lux Group sẽ tập trung vào khách nội địa trước và sang quý I/2022 sẽ mở rộng ra đón khách quốc tế khi vaccine đã tiêm trên diện rộng và ngành hàng không được phục hồi.
Minh chứng cho điều này, tại tọa đàm “Hộ chiếu vaccine và cơ hội kích cầu cho ngành hàng không, du lịch và dịch vụ”, ông Hà cho biết, hầu hết người dân đều đã sẵn sàng cho việc đi du lịch. Nhu cầu của khách du lịch đang khá lớn, đặc biệt là sau thời gian giãn cách.
Trong thời gian qua, một số khách du lịch vẫn lựa chọn đi du lịch trong nước với thời gian từ 2-3 ngày. Họ có xu thế chọn những nơi vắng người, biển đảo, đi theo nhóm nhỏ, gia đình, đi nhiều bằng phương tiện tự túc, xe cá nhân hoặc xe nhỏ.
Đây là dư địa rất tốt để ngành du lịch phục hồi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Chính phủ có giải pháp để đáp ứng được nhu cầu đó hay không. Dù khách du lịch rất muốn đi nhưng thực tế lại phải phụ thuộc tài chính và các điều kiện an toàn. Trong bối cảnh đó, hộ chiếu vaccine chính là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp.
"Trước mắt, khách nội địa vẫn là bình thở cho ngành du lịch, Chính phủ cần tập trung ngay và luôn cho thị trường nội địa, ngoài Phú Quốc còn có Hạ Long, Hải Phòng. Sau đó Việt Nam sẽ từng bước mở cửa đón khách quốc tế với lộ trình cụ thể, lên kế hoạch rõ ràng trong 6 tháng, 1 năm, 2 năm tới, ông Hà nhận định.
Đồng tình với giải pháp áp dụng “thẻ xanh Covid-19” như một “phao cứu sinh” cho ngành du lịch sau khi các doanh nghiệp đã chịu thiệt hại vô cùng nặng nề trong 15 tháng vừa qua, tuy nhiên, ông Murali Viswanathan - Tổng quản lý Renaissance Riverside Hotel Saigon cho rằng, các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần thật cẩn trọng.
Đặc biệt là tại TP.HCM, khác với Phú Quốc, đây là trung tâm kinh tế với mật độ dân cư rất lớn, các khách sạn nằm sát cạnh nhau và tình hình dịch bệnh đang khá căng thẳng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho rằng, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” hay “thẻ xanh Covid” là một điều kiện để mở ra cách cho người dân được đi lại, được tiếp xúc. Điều này là cần thiết, song tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine còn hạn chế, đặc biệt là số người tiêm đủ hai mũi vaccine còn chưa nhiều nên việc triển khai “hộ chiếu vaccine” trước hết là để tạo điều kiện nới lỏng đi lại, giao lưu tiếp xúc trong một số ngành nghề.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng không nên quá đề cao những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine vì người tiêm vaccine có thể không bị các triệu chứng nặng, không phải nhập viện và tử vong, nhưng không phải hoàn toàn miễn nhiễm với dịch bệnh.
Những người đã tiêm vaccine có thể đi lại trong những vùng có nguy cơ cao nhưng cần cảnh giác vẫn có thể bị nhiễm bệnh và vẫn có khả năng lây nhiễm sang người khác.
Nếu đi từ các vùng dịch về lại đến những nơi khác mà tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp thì có thể lây cho những người ở vùng này và nếu như họ tiếp xúc với những người có bệnh lý nền, người già thì cũng gây nên tử vong và gây áp lực cho y tế tại đó.
Do đó, nếu muốn triển khai hộ chiếu vaccine để mở cửa trở lại ngành hàng không và du lịch thì không chỉ du khách mà người dân tại những điểm du lịch cũng cần thiết phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao và có được quy định riêng cho từng vùng.
Đến khi việc tiêm vaccine được thực hiện rộng rãi trên khắp cả nước, khi đó, cả xã hội có thể trở lại trạng thái bình thường, không cần phải giãn cách xã hội và việc tiêm vaccine là như nhau nên việc đi lại là như nhau, ông Phú nhấn mạnh.
Chúng ta sẽ không thể phát triển kinh tế nếu đóng cửa hoàn toàn với các quốc gia khác và trì hoãn du lịch quốc tế. Tuy...