Bản làng du lịch cộng đồng sắp quên nghề vì Covid-19
Không đón du khách nào trong thời gian dài, đồng bào vùng cao hoang mang, lo lắng và mai một kiến thức, kỹ năng về du lịch cộng đồng. Trong bối cảnh khách quốc tế chưa thể phục hồi trong tương lai gần, các bản làng du lịch cộng đồng sẽ phải thay đổi để hướng tới thị trường nội địa.
Không chỉ thiệt hại về kinh tế
Đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều bản làng du lịch cộng đồng miền núi phía Bắc vắng khách trong thời gian dài. Mặc dù đa số bà con nông dân vẫn làm nông nghiệp và có những sinh kế khác, tuy nhiên kiến thức, kỹ năng và hạ tầng du lịch đang bị hao mòn.
Tại Hòa Bình, tính riêng các hộ dân hoạt động trong dự án du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc (Đà Bắc CBT), lượng khách nước ngoài hàng năm chiếm gần 70%. Năm 2020, số lượng du khách về với Đà Bắc giảm gần 70%, thu nhập người dân từ du lịch giảm gần 80% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách đến các homestay này chỉ đạt khoảng 40% của cả năm 2020.
Chị Lò Thị Trang, chủ Lake View Homestay (Hòa Bình) cho biết, bà con buồn và hoang mang khi phải ngừng đón khách. Vì không có khách nên cơ sở vật chất xuống cấp, dù thường xuyên lau dọn, bảo quản đồ đạc nhưng chắc chắn sẽ phải tốn tiền sửa sang, làm lại khi hoạt động du lịch được phục hồi. Nhà nào đầu tư nhiều tiền để làm khu lưu trú chịu ảnh hưởng nặng hơn vì không có thu nhập từ du lịch.
Một cơ sở du lịch cộng đồng tại Đà Bắc, Hòa Bình.
Tại Lào Cai, Sơn La, 75 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng với dự án GREAT (do chính phủ Australia tài trợ) đều bị ảnh hưởng mạnh vì đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của T&C Consulting, ngoài những thiệt hại về kinh tế, đại dịch khiến cho người dân lo lắng, mất phương hướng, có thể dẫn đến suy nghĩ bỏ kinh doanh du lịch. Các kiến thức, kỹ năng làm du lịch được trang bị qua dự án GREAT và các tổ chức khác bị mai một do không có cơ hội sử dụng. Cơ sở vật chất mới đầu tư bị hao mòn; nhiều nơi lao động du lịch phải bỏ nghề đi làm việc khác.
Bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc cho biết: "Để đảm bảo sinh kế, các hộ dân không còn thu nhập và việc làm từ du lịch có xu hướng rời đến các khu công nghiệp, các thành phố để làm công nhân hoặc lao động không chính thức. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất tại địa phương và năng lực của các tổ nhóm trong việc cung cấp dịch vụ du lịch cũng bị ảnh hưởng, do không được duy trì và theo dõi thường xuyên, đều đặn".
Trong bối cảnh chỉ còn thị trường nội địa, rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại miền núi phía Bắc lại khó đón khách Việt, vì thiết kế ban đầu được nhắm đến khách nước ngoài. Chị Sùng Thị Lan (Sa Pa, Lào Cai) cho biết homestay của chị khó đón khách nội địa, vì giường ngủ, cách bài trí, dịch vụ phục vụ khách nước ngoài đơn giản hơn. Bây giờ muốn đón khách Việt thì "như làm lại từ đầu", từ thay đổi cách trang trí, cách đón tiếp khách và cả cách giới thiệu nhà mình trên mạng xã hội để cho du khách biết đến. Ngoài ra, các cơ sở du lịch cộng đồng thường có sức chứa nhỏ, dù nằm cùng một khu vực nhưng cách xa nhau và chất lượng không đồng đều, khiến cho việc phục vụ đoàn khách nội địa từ vài chục người trở lên gặp nhiều trở ngại.
Cơ hội để bản làng thay đổi
Tại tọa đàm "Ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ 4 và kế hoạch phục hồi" do dự án GREAT tổ chức, các chuyên gia cho rằng du lịch cộng đồng tại Tây Bắc cần phải chuyển mình để thích ứng với xu hướng du lịch trong và sau đại dịch Covid-19. Trong đó, thị trường quốc tế khó phục hồi trong 1-2 năm tới và khách nội địa ngày càng được ưu tiên hơn.
Tiến sĩ Jeff Jarvis (Đại học Monash, Australia) cho rằng, các mô hình du lịch vốn dựa vào khách quốc tế cần xem xét lại sản phẩm theo góc nhìn của khách nội địa. Du lịch cộng đồng cần phải nghiên cứu xu hướng du lịch nội địa trong bối cảnh mới, chấp nhận điều chỉnh sản phẩm của mình. Tiến sĩ Jeff Jarvis dự báo xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình, đi xe tự lái và trải nghiệm thiên nhiên sẽ thịnh hành trong thời gian tới, đây cũng là cơ hội để du lịch cộng đồng thu hút du khách.
Du khách Việt Nam cũng rất quan tâm đến mô hình du lịch cộng đồng.
Các doanh nghiệp du lịch cho biết, thực tế là du khách Việt Nam rất quan tâm đến mô hình du lịch cộng đồng, tuy nhiên nơi đó phải mới lạ, độc đáo hơn so với những địa điểm đã phổ biến. Đối với du khách Hà Nội, các điểm gần như Mộc Châu, Mai Châu không còn mới nữa, đó là cơ hội để các bản làng ở xa hơn như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu có thể thu hút khách.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc công ty Vietsense Travel nhận định, có 3 phân khúc khách Việt mà du lịch cộng đồng cần quan tâm, bao gồm nhóm khách học đường - giáo dục, nhóm khách tham quan - trải nghiệm từ các đô thị lớn, nhóm du khách trung niên là cán bộ, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà đầu tư... thường đi vào thời điểm có hiện tượng thiên nhiên, lễ hội, sự kiện.
Để hấp dẫn du khách Việt, những nơi phát triển du lịch cộng đồng phải có hạ tầng giao thông tốt, khả năng tiếp cận thuận lợi. Hiện nay xu hướng du lịch bằng xe gia đình vào dịp cuối tuần phát triển rất mạnh, vì vậy các điểm đến thuận tiện sẽ được ưu tiên hơn và đi theo tần suất cao hơn.
Bên cạnh đó, bản làng cần phải tạo ra điểm ngắm cảnh, chụp ảnh đẹp vì khách Việt thích hoạt động này. Các cơ sở lưu trú cũng phải đa dạng hóa, phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Các giá trị văn hóa truyền thống bản địa phải được bảo tồn nguyên vẹn và đồng bộ; nên có không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật, sao cho các tiết mục vừa giới thiệu bản sắc văn hóa, vừa có tính giải trí nhất định. Những cơ sở chăm sóc sức khỏe, giải trí, ăn uống cũng phải đảm bảo an toàn, chất lượng.
Người dân địa phương biểu diễn văn nghệ phục vụ khách.
Quan trọng hơn, các cơ sở du lịch cộng đồng phải "bắt tay" với doanh nghiệp du lịch chuyên về khách Việt, thay vì chỉ trông chờ vào công ty đón khách quốc tế (inbound) như trước đây. Ông Nguyễn Văn Tài cho biết: "Các cộng đồng làm du lịch nên kết hợp với doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, đây là cách tốt nhất để cộng đồng tiếp cận với khách hàng. Chính quyền địa phương nên tổ chức các đoàn famtrip, sau khi doanh nghiệp khảo sát và góp ý về chất lượng dịch vụ, chắc chắn các mô hình du lịch cộng đồng sẽ có khách tới".
Trong thời gian tới, dự án GREAT sẽ hỗ trợ người dân thiết kế, chuyển đổi sản phẩm phục vụ du lịch nội địa; hướng dẫn bà con tiếp thị, bán hàng trực tuyến; đào tạo về vệ sinh, an toàn; hỗ trợ nước rửa tay, khẩu trang… Công ty cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc cũng đang phối hợp với các hộ dân tại Hòa Bình thu gom và bán nông sản sạch tới các thành phố lớn, nhằm tạo thêm thu nhập cho cộng đồng mất nguồn thu từ du lịch.
Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua, không ít những địa điểm du lịch...