Áo dài - Đại sứ văn hóa Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vừa qua, Sài Gòn check – in đã có buổi gặp gỡ và chia sẻ cùng nhà thiết kế Sĩ Hoàng – Người sáng lập Viện Trang phục Việt và là người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử cũng như sự phát triển của áo dài Việt Nam.

Thưa ông, áo dài Việt Nam có vai trò gì trong nền văn hóa Việt Nam?

NTK Sĩ Hoàng:Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, trang phục áo dài vẫn tồn tại cho đến hôm nay và như một đại sứ văn hóa của đất nước Việt Nam. Khi một người mặc trang phục áo dài, bạn bè các nước trên thế giới đều dễ dàng nhận ra, đây là trang phục của người Việt Nam.

Áo dài - Đại sứ văn hóa Việt Nam - 1
Áo dài trưng bày tại Viện nghiên cứu trang phục Việt (Ảnh: Mây)

Từ những hình ảnh tư liệu thu thập được, áo dài có lẽ xuất hiện từ thế kỷ thứ XI (vì thời bấy giờ không có máy chụp hay thợ vẽ, nên cũng có nhiều dự đoán về năm ra đời của áo dài). Theo tiến trình lịch sử, trang phục áo dài có nhiều sự thay đổi để phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể. Trang phục áo dài không chỉ đơn thuần đại diện cho văn hóa mặc, mà còn thể hiện vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ và bình đẳng hơn. Qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, nhưng chiếc áo dài truyền thống không hề bị mất đi, thay vào đó được cách tân, thay đổi sao cho phù hợp nhưng vẫn giữ được bản sắc vốn có của áo dài. Mỗi đợt cách tân, thông thường, chính phụ nữ trí thức là những người đầu tiên tiếp nhận, sau đó phổ biến rộng rãi trong xã hội. Không chỉ thế, những đệ nhất phu nhân, hay những phụ nữ khi tham gia chính trường cũng thường chọn trang phục áo dài như sự khẳng định bản sắc văn hóa của người Việt. Và đến hôm nay, trang phục áo dài gần như hiện diện trong mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam.

Thưa ông, vậy hiện nay áo dài có sức ảnh hưởng gì đối với đời sống văn hóa xã hội?

NTK Sĩ Hoàng: Một tín hiệu đáng mừng đó là hiện nay, nam giới cũng đã bắt đầu dành sự quan tâm đối với trang phục áo dài. Nhiều nam nghệ sĩ, ca sĩ đã chọn trang phục áo dài khi biểu diễn, giao lưu cùng công chúng. Không chỉ vậy, nhiều nam thanh niên tự tin mặc áo dài khi tham gia các sự kiện, lễ hội.

Áo dài - Đại sứ văn hóa Việt Nam - 2

Áo dài trưng bày tại Viện nghiên cứu trang phục Việt (Ảnh: Mây)

Dù ở độ tuổi nào, ngành nghề nào hay giới nào cũng đều có thể mặc áo dài. Không chỉ xuất hiện trong các sự kiện, lễ hội, chiếc áo dài xuất hiện khắp mọi nơi, ở công sở hay trong trường họcvà được nhiều người yêu mến. Điềuđó cho thấy áo dài vẫn luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa xã hội hiện nay và nhiều nhà may, thợ may vẫn sống được với nghề cho đến nay. Nhiều chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn thời trang hay các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, chiếc áo dài luôn được lựa chọn trình diễn và được bạn bè quốc tế đón nhận. Không chỉ vậy, chiếc áo dài còn góp phần tạo nên cảm xúc sáng tạo đối với các nhà thiết kế lẫn người trình diễn trong và ngoài nước.

Thưa ông, vậy áo dài có sức ảnh hưởng đến công tác quảng bá du lịch hay không?

NTK Sĩ Hoàng: Trong những năm gần đây, cứ mỗi dịp tháng 3 hàng năm, Thành phố Hồ Chí Minh đều khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hưởng ứng Tháng áo dài. Điều này giúp lan tỏa tình yêu đối với áo dài. Đặc biệt hơn,từ năm 2014, Lễ hội áo dài Thành phố Hồ Chí Minh ra đời với thông điệp “Tôi yêu áo dài Việt Nam” nhằm tôn vinh trang phục áo dài truyền thống.

Áo dài - Đại sứ văn hóa Việt Nam - 3
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh Năm 2019 (Ảnh: Hữu Long)

Qua 6 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài của thành phố đã khẳng định được thương hiệu là một sự kiện văn hóa du lịch thường niên, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của thành phố không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh đẹp mang đậm dấu ấn của người Việt Nam mà còn truyền tải kỳ vọng xây dựng thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố áo dài.

Áo dài - Đại sứ văn hóa Việt Nam - 4
Ngày hội Áo dài Quận 8 (Ảnh: TTVH Quận 8 cung cấp)

Đây là một trong những hoạt động thiết thực góp phần gìn giữ chiếc áo dài Việt Nam; đồng thời, chiếc áo dài như một đại sứ văn hóa để quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đến du khách và bạn bè thế giới.

Viện nghiên cứu Trang phục Việt ra đời với mục đích nghiên cứu chuyên sâu về trang phục người Việt Nam, trong đó có chiếc áo dài; đồng thời Viện còn phối hợp hỗ trợ các viện nghiên cứu văn hóa, các trường có khoa chuyên ngành thời trang để sinh viên đến thực tập, nghiên cứu … Viện nghiên cứu Trang phục Việt tọa lạc tại: số 29/9 DEF đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!