Thành phố Hồ Chí Minh: Bức họa đầy sức sống qua từng lăng kính
Là dân tỉnh lẻ, thế hệ chúng tôi có một mặc định: học xong cấp 3 sẽ vào TP.HCM học Đại học, rồi sau đó, bám trụ lại đây và viết tiếp ước mơ của đời mình. Cứ thế dãi dầu, thành phố từ đất lạ đã hóa quê hương.
TP.HCM đã có hành trình hơn 300 năm tuổi. Chặng đường ấy bắt đầu từ thuở cha ông khai khẩn vùng đất Gia Định xưa, để rồi trải qua bao thăng trầm, vươn mình trở thành một đô thị trẻ trung, hiện đại với nhịp sống sôi động bất kể đêm ngày. Đó là TP.HCM hào sảng, nghĩa tình, một thành phố mà người ta vẫn gọi nhanh bằng cái tên Sài Gòn thân thương.
Tôi cũng thích gọi nơi này là Sài Gòn, giống như người ta vẫn hay gọi mấy đứa nhỏ là thằng Tí, thằng Tèo... Vừa thương, vừa quen, vừa đầy trìu mến.
Sài Gòn đón nắng sớm.
Ở Sài Gòn, người ta dễ dàng bị choáng ngợp khi ngước nhìn những tòa nhà chọc trời, cuốn theo những lễ hội, những bữa tiệc ánh sáng và âm nhạc trên phố nhưng cũng dễ phải lòng những điều nhỏ nhoi bình dị: là ổ bánh mì nóng giòn và ly cà phê buổi sáng nơi đầu hẻm, là ly nước mát lành miễn phí giữa trưa hè oi ả trên khắp những ngả đường, là ai đó tốt bụng nhắc bạn gạt chống chân xe máy rồi vụt qua chẳng cần lời cảm ơn…
Sống đủ lâu, gắn bó đủ sâu với Sài Gòn, tôi phát hiện ra thành phố này đẹp theo từng góc nhìn, từng lăng kính với chế độ "zoom in, zoom out" của mắt thường. Có lúc, tôi chọn một góc quán nhỏ sát đường để nghe tiếng xe, tiếng huyên náo của phố phường trong khoảnh khắc bình minh ló dạng. Cũng có lúc tôi lùi lại trên những cây cầu, thu Sài Gòn vào khung hình rộng hơn - nơi sông Sài Gòn uốn mình lặng lẽ, nơi những tòa nhà chọc trời phản chiếu ánh hoàng hôn cuối ngày.
Chỗ trọ đầu tiên của tôi ở thành phố này là tầng gác mái của một căn nhà 3 tầng nằm trong một con hẻm nhỏ. Một con hẻm đặc trưng của Sài Gòn: hẻm nhỏ vừa đủ lối đi cho một chiếc xe ô tô, đầu hẻm có xe bánh mì, có vài chiếc ghế cóc bày bán cà phê sáng, buổi tối có hủ tíu gõ mà đám sinh viên chúng tôi hồi đó thường đều đặn ghé ăn trừ cơm. Ai đó từng nói muốn cảm nhận hơi thở, nhịp sống ở Sài Gòn, cứ ghé thăm một con hẻm bất kỳ. Có thể đó không phải vẻ xa hoa lung linh nhất mà bạn muốn thấy, nhưng tôi tin chắc sẽ đánh thức tất cả mọi giác quan lẫn cảm xúc trong bạn.
Tôi vẫn thường ngồi trên ban công căn phòng gác mái - một nơi vừa đủ cao để nhìn xuống con hẻm mỗi buổi sáng, nơi mà dưới vòm hoa giấy kê dăm ba chiếc ghế con con là những vị khách đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề: bác xe ôm, anh công nhân ngồi cạnh ông giám đốc giày tây bóng loáng, trên tay họ có thể là tờ báo mới ra, là chiếc smartphone vẫn đang nhấp nháy vạch xanh đỏ thị trường chứng khoán, ổ bánh mì đang ăn dở. Ấy vậy mà có khi tất cả họ lại cùng bàn tán sôi nổi về giá vàng, về chiến thắng của đội tuyển quốc gia. Cũng có khi là khoảng lặng bất chợt khi tất cả trầm ngâm đắm chìm trong điệu nhạc phát ra từ chiếc loa thùng cũ kỹ "Sáng nay cà phê một mình, Sài Gòn chợt mưa chợt mưa…".
Với người Sài Gòn, nhâm nhi ly cà phê đã trở thành một thói quen bắt đầu ngày mới, là cái cớ để người ta được thảnh thơi, để dành cho chính mình, cho bạn bè, người thân khoảng thời gian tâm tình.
Một góc cà phê bình yên giữa lòng phố nhộn nhịp.
Nếu như từ ban công phòng gác mái, tôi cảm nhận được nét gần gũi chân phương bình dị thì khi đứng trên những cây cầu, tôi lại thu vào tầm mắt một dáng vẻ hiện đại, sôi động của thành phố.
Ai đó đã từng nói rằng: Nếu ví sông Sài Gòn như một chứng nhân hào hùng và lãng mạn của lịch sử thì có lẽ mỗi cây cầu bắc qua dòng sông ấy đều kể cho bạn nghe một câu chuyện khác nhau về quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, may mắn thay vẫn có những phút giây khiến ta chậm lại.
Đó là những buổi sớm tinh sương đạp xe hay chạy bộ qua những cây cầu trong thành phố. Là cầu chữ Y tấp nập trên bến dưới thuyền mỗi độ xuân về, là cầu Mống đã vắt mình qua ba thế kỷ nơi hàng ngày vẫn có những cặp đôi chọn làm nơi chụp hình cưới, hay cầu Ba Son đánh dấu sự vươn mình của bờ Đông thành phố và trở thành điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn. Cùng với thời gian, những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn ngày càng lớn hơn, hiện đại hơn, làm thay đổi bộ mặt thành phố, trở thành biểu tượng du lịch mới. Nhưng không vì thế mà những cây cầu xưa cũ bị lãng quên khi chúng đã trở thành một phần không thể tách rời của kiến trúc, văn hóa và đời sống.
Ngắm nhìn thành phố từ sông Sài Gòn, đoạn có cây cầu Ba Son - một biểu tượng kiến trúc mới của thành phố.
Những năm tháng sinh viên của tôi chẳng đếm hết bao nhiêu lần chen chúc trên chuyến xe bus đến trường, nhìn những trụ bê tông ngoài xa lộ Hà Nội, chúng tôi thầm mong ngày tuyến metro đi vào hoạt động. Thế rồi sau bao nhiêu năm chờ đợi, bao mong mỏi kỳ vọng của người dân và chắc chắn bằng rất nhiều nỗ lực, quyết tâm của chính quyền, trước khi năm 2024 khép lại thì tuyến metro cũng chính thức vận hành thương mại - đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của thành phố.
Tôi bắt gặp trong chuyến tàu ngày hôm ấy những nụ cười, những ánh mắt hân hoan và rất nhiều bức ảnh kỷ niệm được ghi lại. Đoàn tàu đưa du khách lướt qua sông Sài Gòn, ngắm nhìn phố xá từ rực rỡ bình minh đến ánh sáng lung linh của những công trình kiến trúc khi đêm về.
Sài Gòn - mảnh đất nơi muôn triệu người tứ xứ đến sinh sống, làm việc, cũng là nơi ghi dấu sự đổi thay, phát triển không ngừng qua từng ngày, từng năm. Giờ đây, không chỉ Bitexco, chúng ta còn có những Landmark 81, cầu Ba Son - những biểu tượng du lịch mới vô cùng hiện đại. Bất giác tôi nhận ra không biết từ bao giờ Sài Gòn đã giống như quê hương của mình - một nơi để nhớ, để thương, để tự hào và cùng chung tay xây dựng.
Sau này đi làm, tôi có dịp ghé thăm những tòa nhà cao tầng, những nhà hàng sang trọng mà ở đó người ta bán không chỉ món ăn mà cả view ngắm nhìn thành phố từ trên cao, thu trọn dáng vẻ sôi động, tráng lệ mà cũng rất đỗi thân thương. Đó là quán cafe Cộng đối diện nhà thờ Tân Định - nơi tôi thường nhấm nháp ly cafe và nghe chuông nhà thờ đổ mỗi chiều. Hay quán cafe trên Diamond Plaza, nơi tôi chọn để ngắm phố phường rực rỡ lung linh mỗi dịp lễ, Tết hay Giáng sinh rộn ràng khu Nhà thờ Đức Bà.
Nhà thờ Đức Bà khoác lên mình "tấm áo" vàng rực rỡ, khoe sắc xinh trong mùa Giáng sinh 2024.
Tôi nhớ Sài Gòn những ngày phố xá tấp nập người xe dịp lễ Kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, khắp mọi con đường ngõ phố cờ đỏ sao vàng tươi thắm cùng những bản nhạc hào hùng về đất nước gấm hoa cất vang. Khách du lịch đến Sài Gòn thời gian ấy cũng bất ngờ khi được hòa chung không khí lễ hội đúng chất "thành phố không ngủ" với vô số hoạt động du lịch văn hóa đặc sắc.
Những tháng ngày đó, có khi tôi hòa vào dòng người hồ hởi nói cười, chụp hình, quay video. Cũng có khi tôi chọn cho mình một góc thật cao ở tòa chung cư cũ trên đường Nguyễn Huệ để lặng lẽ ngắm nhìn màu cờ đỏ sao vàng tung bay, nhìn những bạn trẻ rủ nhau mặc áo dài hay quốc phục chụp hình lưu niệm và cả những cô chú tóc bạc da mồi là những cựu chiến binh đang bùi ngùi ngày ghé thăm thành phố mang tên Bác. Dịp lễ kỷ niệm ấy không chỉ là một ngày mà là một chuỗi ngày lễ hội, nơi triệu con tim cùng chung nhịp đập tự hào dưới bầu trời hòa bình độc lập.
Ngày 01/7/2025 trở thành cột mốc đáng nhớ của lịch sử dân tộc: TP.HCM chính thức sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành một siêu đô thị đặc biệt của cả nước. Từ đây, khi miêu tả dáng dấp của TP.HCM từ trên cao, chúng ta sẽ cộng thêm vào cả những cánh đồng lúa chín, những vườn trái cây bát ngát, hay vùng biển xanh bao la kéo dài mãi đến ngoài khơi xa Côn Đảo. Thật mới mẻ, thật lạ lẫm nhưng cũng thật tự hào bởi "vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc".
Mỗi chuyến công tác xa trở về, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, khi tiếp viên nhắc kéo cửa sổ và thắt dây an toàn kèm những thông báo ngắn gọn về thời tiết, nhiệt độ bên ngoài, tôi lại có dịp ngắm nhìn một Sài Gòn thân thương thu nhỏ từ trên cao nơi dòng xe cộ phía dưới như những mạch máu đang tuần hoàn, nhịp nhàng và bất tận.
Chẳng biết từ khi nào tôi gọi Sài Gòn là nhà - một chốn trở về nương náu bình yên và thân thuộc. Nói như nhà văn Đàm Hà Phú thì "Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương".
Thành phố lộng lẫy về đêm.
15 năm sống và học tập, làm việc ở Sài Gòn, tôi chứng kiến nhiều bạn bè người thương mến của mình chia tay với nơi này để đi định cư nước ngoài, trở về quê hoặc đến một vùng đất khác. Cái cảm giác "từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ", thứ còn lại chính là kỷ niệm gắn với từng con đường, góc phố, từng lần hò hẹn. Còn tôi vẫn chọn gắn bó với mảnh đất này, nơi đã cho tôi một công việc tốt, một gia đình nhỏ ấm áp và nhiều cơ hội để thực hiện những ước mơ, đóng góp phần nhỏ bé của mình trong công cuộc chung tay xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.
MỜI BẠN THAM GIA CUỘC THI "THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NHỮNG ĐIỂM CHẠM TẦM CAO" Nhằm lan tỏa tình yêu và ghi nhận những khoảnh khắc đặc biệt, đậm chất riêng của Thành phố, Tạp chí Du lịch TP.HCM phát động cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao". Đây sẽ là diễn đàn để người dân thành phố, du khách chia sẻ những góc nhìn độc đáo về mảnh đất giàu bản sắc này. 50 năm sau ngày thống nhất, TP.HCM đang chuyển mình thành một siêu đô thị rộng lớn, nơi những tòa nhà chọc trời hiện đại vươn mình bên cạnh các công trình kiến trúc cổ kính. Nhưng phải "chạm" từ trên cao bạn mới có thể thu trọn vào tầm mắt vẻ đẹp của thành phố này. Từ những điểm nhìn tầm cao, Thành phố mang dáng vẻ năng động với những tòa tháp nổi bật trên đường chân trời trộn lẫn dấu ấn xưa cũ của những khu nhà ở khiêm tốn, những con hẻm chằng chịt đậm nét truyền thống, ẩn chứa một trật tự ngầm, một nhịp sống riêng biệt. Chi tiết thể lệ cuộc thi vui lòng xem tại đây. Xem lại các bài dự thi tại đây. Lưu ý: Cuộc thi đã gia hạn thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 15/7/2025. |
SanDisk là thương hiệu Mỹ hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực giải pháp lưu trữ dữ liệu. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, SanDisk mang đến các sản phẩm lưu trữ hiệu năng cao như thẻ nhớ, USB, ổ cứng SSD… được tin dùng bởi hàng triệu người dùng cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và các chuyên gia sáng tạo trên toàn thế giới. Dòng sản phẩm SanDisk Creator Series là lựa chọn lý tưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung và làm phim, kết hợp giữa tốc độ vượt trội, độ bền cao và thiết kế hiện đại, giúp bạn ghi lại mọi khoảnh khắc sáng tạo một cách mượt mà và đáng tin cậy. Trân trọng cảm ơn thương hiệu SanDisk đã đồng hành cùng cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao"! |

Có lẽ ai cũng nên một lần được nhìn thành phố mình đang sống từ một độ cao nhất định. Không phải để ngắm cảnh....