Tăng cường quản lý quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các nội dung quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc và sản phẩm tăng cường sức khỏe sẽ được giám sát chặt chẽ.

Hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đợt cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật trên nền tảng số và mạng xã hội.

Tăng cường quản lý quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội - 1

Ngày 23/5/2025, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành Văn bản số 2258/BVHTTDL-VHCSGĐTV gửi đến các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ, bao gồm các cục, vụ, thanh tra và các đơn vị chuyên môn như Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền tác giả, Vụ Pháp chế, cùng các cơ quan liên quan trong lĩnh vực truyền thông và văn hóa cơ sở.

Văn bản nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025, Chỉ thị số 13/CT-TTg và Công văn số 548/TTg-V.I ngày 17/5/2025, đặc biệt tập trung vào việc xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo – lĩnh vực hiện đang chịu nhiều phản ánh từ dư luận xã hội.

Một điểm đáng chú ý trong văn bản lần này là đề xuất xem xét, bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật. Trong đó, nhấn mạnh đến việc xử lý các cá nhân, tổ chức lợi dụng hình ảnh, uy tín – đặc biệt là nghệ sĩ, người nổi tiếng – để quảng bá các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Trọng tâm kiểm tra bao gồm quảng cáo các sản phẩm nhạy cảm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc, sản phẩm tăng cường sức khỏe, cùng các hoạt động quảng cáo qua livestream, nền tảng video và mạng xã hội – nơi các hành vi vi phạm thường diễn ra tinh vi và khó kiểm soát.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Thời gian qua, nhiều trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng bá sản phẩm kém chất lượng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và làm suy giảm niềm tin xã hội. Động thái lần này của Bộ được đánh giá là cần thiết và kịp thời nhằm lập lại trật tự trong môi trường quảng cáo, xây dựng không gian truyền thông lành mạnh, minh bạch và vì lợi ích cộng đồng.

Bộ cũng khẳng định, hoạt động quảng cáo nếu được kiểm soát hiệu quả sẽ là cầu nối tích cực giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngược lại, nếu buông lỏng, đây sẽ là kẽ hở để hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại lan rộng trong đời sống xã hội.

Nỗ lực tăng cường quản lý quảng cáo trên không gian mạng là bước đi quan trọng của ngành văn hóa trong quá trình xây dựng môi trường truyền thông số an toàn, trung thực và phát triển bền vững.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thạch An

CLIP HOT