Người kinh doanh online sẽ đóng thuế như thế nào?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việc livestream bán hàng là một hình thức kinh doanh online đang rất sôi động, mang đến thu nhập lớn cho người bán hàng, đặc biệt có những phiên livestream tiền tỷ.

Mới đây, tại Hội nghị "Sơ kết 1 năm tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá, quản lý thuế, nhất là thu thuế đối với hoạt động livestream bán hàng và thương mại điện tử, còn nhiều lỗ hổng.

Do đó, ông giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử cho các giao dịch này.

Các địa phương cần bố trí nguồn lực để triển khai việc sử dụng hóa đơn điện tử cho người tiêu dùng. Đối với các cơ sở kinh doanh không thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm.

Hầu hết các bình luận trên mạng xã hội đều đồng tình với ý kiến thu thuế đối với hoạt động livestream bán hàng. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là: Các cá nhân bán hàng có cần đăng ký kinh doanh để xuất hóa đơn điện tử hay không?

Bởi vì hiện nay có nhiều người bán hàng online, livestream bán hàng chỉ trong một thời gian ngắn nhưng do không phát triển tốt nên họ ngừng bán hàng.

Vậy họ có bị buộc phải đăng ký kinh doanh và xuất hóa đơn điện tử hay không?

Người kinh doanh online sẽ đóng thuế như thế nào? - 1

Kinh doanh online đang là xu thế trong thời đại 4.0.

Để đóng thuế thì người kinh doanh online có phải đăng ký giấy phép kinh doanh không? 

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, kinh doanh online có thể hiểu là hoạt động kinh doanh trên các website của chính mình hoặc trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook.

Đối với việc kinh doanh trên website, theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.

Do đó, việc bán hàng online sẽ bắt buộc phải đăng ký kinh doanh trong trường hợp hoạt động bán hàng online qua việc thiết lập website nhằm cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử.

Người kinh doanh online sẽ đóng thuế như thế nào? - 2

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật.

Với việc kinh doanh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook thì người bán hàng có thể sẽ không phải thực hiện đăng ký kinh doanh.

Bởi lẽ theo Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh thì cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại 2005.

Như vậy, tuỳ vào từng trường hợp và cách thức hoạt động kinh doanh người kinh doanh online có thể phải đăng ký giấy phép kinh doanh.

Người kinh doanh online sẽ đóng thuế như thế nào?

Theo Điều 4, Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về nguyên tắc tính thuế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về Thuế GTGT và thuế TNCN.

Như vậy, người bán hàng online có nghĩa vụ nộp thuế GTGT và thuế TNCN nếu có doanh thu bán hàng online trên 100 triệu đồng/năm.

Lợi nhuận từ kinh doanh bán hàng online được coi là khoản thu nhập của cá nhân. Chính vì vậy, các đối tượng kinh doanh online sẽ phải nộp thêm khoản thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động kinh doanh này. Hiện nay, có hai phương pháp kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân phổ biến là phương pháp khoán và phương pháp tổ chức khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC, phương pháp khoán được áp dụng đối với những hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh không nộp thuế theo phương pháp kê khai, đồng thời không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.

Trái lại, khi bán hàng kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada,... luật đã quy định rõ các tổ chức, bao gồm cả chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, thực hiện việc khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự (Điểm d, Khoản 1, Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2, Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC). Như vậy, các sàn này có trách nhiệm tổ chức khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh bán hàng online qua các sàn giao dịch điện tử.

Cũng theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, tùy vào tính chất và mức độ hành vi vi phạm, đối tượng trốn thuế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Do đó, người bán hàng online nên chủ động tìm hiểu cách đóng thuế để tránh bị phạt vì nộp thuế quá hạn, hoặc bị quy vào tội trốn thuế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Hân