Người kinh doanh online bán hàng giả, kém chất lượng có thể bị xử lý hình sự
Hiện nay tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng đang diễn biến phức tạp và xuất hiện trong hầu hết mọi lĩnh vực, trôi nổi trên thị trường.
Hiện nay tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng đang diễn biến phức tạp và xuất hiện trong hầu hết mọi lĩnh vực, trôi nổi trên thị trường. Thay vì bán hàng tại một cửa hàng cố định, thì người bán và mua vẫn có thể thực hiện mua sắm và giao dịch trực tuyến thông qua các trang web, ứng dụng di động, hoặc các nền tảng thương mại điện tử.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan thông qua hoạt động kinh doanh online.
Bán hàng kém chất lượng là khi người bán cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, độ bền, tính an toàn, hoặc các yêu cầu khác của khách hàng. Điều này có thể bao gồm các vấn đề như:
Sản phẩm không đúng mô tả: Sản phẩm nhận được không giống như mô tả trên website, có thể là về kích thước, chất liệu, màu sắc, hoặc tính năng.
Sản phẩm bị lỗi: Sản phẩm có các lỗi kỹ thuật, không hoạt động đúng cách, hoặc không đạt được các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết.
Dịch vụ không đúng tiêu chuẩn: Dịch vụ được cung cấp không đáp ứng được mong đợi của khách hàng, có thể là về thái độ phục vụ, thời gian phản hồi, hoặc chất lượng công việc.
Hàng hóa giả mạo: Bán hàng nhái, hàng giả, hoặc hàng không có nguồn gốc rõ ràng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sự tin tưởng vào thương hiệu.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật cho biết: Việc bán hàng kém chất lượng tuỳ vào tính chất mức độ hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật.
Xử lý hành chính
Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân thực hiện việc bán hàng kém chất lượng hay hàng giả có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Nếu các sản phẩm được bán là: thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trông thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt tiền được áp dụng sẽ từ 2.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền áp dụng sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền so với cá nhân.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm, Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu huỷ hàng hoá, buộc đưa hàng hoá ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện.
Xử lý hình sự
Ngoài bị xử phạt hành chính ra, việc bán hàng giả, kém chất lượng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Theo đó, trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là cá nhân thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp đối tượng phạm tội là pháp nhân thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Ngay khi gặp phải sự cố về hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) bằng cách gọi điện đến tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số miễn phí trên toàn quốc 1800.6838. Hoặc nếu mua nhầm phải hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử, khách hàng có thể thực hiện khiếu nại trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử.